Tấm bảng tại một cửa hàng có dòng chữ "hãy ở nhà và giữ sức khỏe...", Seattle, Washington.
Hơn 9 tuần qua, tôi đã làm việc ở nhà, thay vì phải đến chỗ làm như bình thường. Tưởng có thể một hai tuần nữa sẽ đến lại chỗ làm để làm việc vì tình hình Covid-19 trên toàn Úc đã ổn định. Nhưng vì các ca nhiễm tại nơi tôi ở vẫn còn lây lan tuy dưới 10 ca mỗi ngày, cho nên vào ngày 29 tháng Năm, Thủ Hiến Victoria Dan Andrews tuyên bố những ai hiện đang làm việc tài nhà thì nên tiếp tục như thế cho đến ít nhất tháng Bảy [1]. Bởi vì nếu mọi người trở lại văn phòng làm việc như trước thời cao điểm của Covid-19 thì vấn đề sử dụng phương tiện công cộng, như bus, train, tram v.v… cũng có nguy cơ tiếp tục lây lan bệnh dịch một cách không kiểm soát được.
Thật ra ở nhà làm việc cũng được. Cũng tiện lợi. Có nhiều thì giờ cho mình và gia đình. Không tốn gần 2 tiếng di chuyển. Nhưng không được gặp mặt đồng nghiệp mà chỉ qua mà hình ảnh và âm thanh, và không thấy mặt người khác ngoại trừ gia đình mình, là điều khá bất thường. Cuộc sống của chúng ta trước nay có bao giờ “xa mặt cách lòng” như thế!
Trong thời đại dịch Covid-19, phần lớn nhân loại toàn cầu không còn sự chọn lựa nào tốt hơn. Mạng là phương tiện chính để truyền thông nhau. Còn gặp mặt thì hoàn toàn bị cho là không nên, là cần tránh, và còn bị luật cấm cản nữa.
Trước đại dịch Covid-19, chúng ta được khuyến khích tiếp cận, gần gũi với mọi người khác. Bởi vì bản chất con người mang tính xã hội (social being). Trong đại dịch, mọi người, ngoài gia đình nhỏ của mình, phải cách ly, hay còn gọi là giãn cách xã hội (social distancing).
Trước đại dịch, có người vẫn làm việc tại nhà (working from home), vì công việc đó có thể làm bất cứ nơi nào, như qua mạng hay qua điện thoại v.v… Từ “Working from home” là để phân biệt với những ai đi đến sở để làm việc. Bây giờ, để chuẩn bị trở lại làm việc ở sở, thì để phân biệt với “working from home”, người ta sử dụng từ “working from work”, tức làm việc ngay tại sở. Chứ nói làm việc không thôi thì không ai biết làm việc ở đâu. Khổ thế! Còn các phi hành gia chắc phải nói làm việc từ không gian “Working from space”.
Tự điển tiếng Anh Oxford (OED) có làm cuộc nghiên cứu phân tích về ngôn ngữ thời đại Covid-19 vào tháng Tư vừa qua [2]. Kết quả khá thú vị. Những ngôn từ như tự cô lập, giãn cách xã hội, hay làm phẳng đường cong (self-isolation, social distancing, and flatten the curve) trở thành rất thông dụng. Trước năm 2020, từ coronavirus hiếm khi được dùng ngoài diễn ngôn y tế và khoa học. Còn từ Covid-19 thì mới được đặt tên vào tháng Hai năm nay. OED nhận định rằng từ “coronavirus” được dùng khoảng 100 triệu lần vào tháng Giêng năm nay, tăng lên 400 triệu vào tháng Hai, và 1.900 triệu lần vào tháng Ba. So với coronavirus thì Covid-19 chỉ được dùng khoảng 50 triệu lần vào tháng Hai, và hơn 1.100 triệu lần vào tháng Ba. Từ “coronavirus” được tăng sử dụng lên 1.1 triệu lần so với trước, theo tạp chí The Economist [3].
Những từ biến đổi khác như “corona”, “covid”, “nCoV”, “2019-nCoV”, hoặc “SARS-CoV-2” thì cũng được sử dụng nhiều, tuy không bằng “coronavirus” hoặc “Covid-19”. Đáng kể nhất là từ “corona” được dùng đến khoảng 21 triệu lần.
Nếu so với các từ phổ thông khác gần đây, như khí hậu (climate), nước Anh ra khỏi liên hiệp Âu châu (Brexit), luận tội (impeachment), thì “coronavirus” vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo so với các từ ngữ kia.
OED cũng so sánh các từ ngữ khác đi chung với “coronavirus” từ tháng Giêng, Hai và Ba, để cho thấy bối cảnh thay đổi khi đại dịch lan rộng tạo ra sự chuyển dịch trong nhận thức và mối quan tâm. OED liệt kê 20 từ được dùng nhiều nhất khi đi chung với “coronavirus” trong ba tháng này. Chẳng hạn, vào tháng Giêng từ sự bùng phát (outbreak), mới/lạ (novel) và chết người (deadly) được dùng thường xuyên; vào tháng Hai, sự bùng phát (outbreak), mới/lạ (novel) và lan tràn (spreading); và vào tháng Ba, sự bùng phát (outbreak), đại dịch (pandemic) và lan tràn (spreading) v.v…
Các từ phổ thông khác từ tháng Giêng đến tháng Ba năm nay là cách ly (quarantine), đóng/khóa cửa (lockdown), giãn cách (distancing), chất khử trùng (sanitizer), máy thở (ventilator), dụng cụ bảo vệ cá nhân (PPE), khử trùng (disinfect) v.v… được sử dụng rất thường xuyên.
Điều thú vị khác, cũng theo OED, là từ “làm việc từ nhà” (working from home/WFH) đã xuất hiện từ năm 1995 như là danh từ, và trở thành động từ kể từ năm 2001 [4]. Từ “tự cô lập” (self-isolation) đã có từ năm 1834. Từ “giãn cách xã hội” (social distancing) đã có từ năm 1957. PPE viết tắt thì đã có từ năm 1977, nhưng nguyên từ Personal Protective Equipment đã có lâu trước đó, năm 1934. Từ bệnh dịch và đại dịch (epidemic and pandemic) đã có từ thế kỷ 17.
Ngôn từ, và ngôn ngữ, cho ta khái niệm, suy nghĩ, và tư tưởng. Xã hội nào càng giàu ngôn từ và ngôn ngữ thì tư tưởng ở xã hội đó chắc chắn phong phú và giàu có hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét