Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

6853 - Bản tin ngày 23-6-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường qua eo biển Đài Loan. Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ thông báo, họ đã điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi qua eo biển Đài Loan hôm 22/6, thực hiện chuyến đi thứ 6, chỉ trong 5 tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Hạm đội 7 cho biết, tàu USS Curtis Wilbur đã “đi qua vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế”.

Về lý do điều động tàu USS Curtis Wilbur, Hạm đội 7 giải thích: “Tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ đưa máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật quốc tế cho phép”. Trước đó, tàu USS Curtis Wilbur đã cùng tàu HMAS Ballarat của Hải quân Úc thực hiện một số hoạt động phối hợp ở Biển Đông. 

Báo Thanh Niên có bài: Tái cơ cấu lực lượng quân sự, Mỹ dồn lực đối phó Trung Quốc. Theo nguồn tin từ báo The Wall Street Journal, một quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ, vụ chuyển dịch một số hệ thống tên lửa ở Trung Đông là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu lực lượng quân sự để tập trung các lực lượng vũ trang ứng phó các thách thức từ TQ và Nga. 

Ông Carl O.Schuster, cựu GĐ bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ nhận định: “Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc đang ngày càng phát triển về số lượng và cả khả năng tấn công nên việc tái triển khai lực lượng để đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Kinh là cần thiết. Với những yếu tố đó, việc phân bổ lại các nguồn lực cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là hoàn toàn hợp lý”.

VnExpress dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang: ‘Chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình’. Phát biểu tại Phiên toàn thể thứ 2, hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần thứ 9 chiều nay, ông Giang nói: “Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các quy định thống nhất trong khu vực”

Cập nhật tình hình Covid-19 và vaccine “made in Việt Nam”

Sáng nay, Bộ Y tế thông báo, VN có thêm 55 ca nhiễm Covid-19 mới, riêng TP.HCM có 51 ca mới, 10 ca đang xác định nguồn lây. Đây là buổi sáng đầu tiên số ca nhiễm ở Sài Gòn chiếm tới 92,7% tổng số ca nhiễm trên cả nước. Trưa nay, Bộ Y tế cập nhật: Trưa nay thêm 80 bệnh nhân Covid-19, TP.HCM 40 ca, Bình Dương 23 ca, thủ phủ miền Nam tiếp tục có nhiều ca nhiễm nhất.

Tối nay, Bộ Y tế thông báo: Cả nước thêm 85 ca mắc Covid-19, nữ bệnh nhân 61 tuổi tại Tiền Giang tử vong, riêng Sài Gòn có thêm 61 ca mới. Tổng cộng, hôm nay cả nước có thêm 220 ca nhiễm, riêng Sài Gòn có thêm 152 ca, chiếm 69% tổng số ca nhiễm được ghi nhận trong 24 tiếng qua. Chỉ sau gần 4 tuần bùng phát dịch, TP HCM đã có thêm hơn 2000 ca nhiễm. 

Về lô vaccine do TQ “viện trợ”, VN quyết định phân bổ 500.000 liều vắc xin Sinopharm cho 9 tỉnh, báo Tiền Phong đưa tin. Các tỉnh được chia vaccine gồm Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu và Hà Giang. Trừ Nam Định và Thái Bình, tất cả các tỉnh còn lại đều giáp TQ. Quảng Ninh, nơi Thủ tướng Phạm Minh Chính từng làm Bí thư Tỉnh ủy và xây dựng khu kinh tế Vân Đồn, được nhận nhiều nhất, 230.000 liều vaccine. 

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh nói trên chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận, bảo quản và tổ chức triển khai chích ngừa ngay số vaccine được chia cho người dân sống ở các xã giáp biên giới với TQ, những người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với TQ và công dân TQ sống và làm việc trên địa bàn.

Vụ Công ty dược Nanogen kiến nghị Chính phủ cấp phép cho vaccine Nanocovax “cây nhà lá vườn” của VN, Bộ Y tế tiếp tục nói lý do chưa cấp phép khẩn cấp Nanocovax, VietNamNet đưa tin. Bộ Y tế thông báo, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…, vaccine trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải qua thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất.

Đó là giai đoạn được thực hiện trên quy mô lớn, với mục tiêu đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine. Kết quả của giai đoạn 3 mới quyết định khả năng vaccine đó có được phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không. Đối với các số liệu khả quan về kết quả thử nghiệm Nanocovax trong giai đoạn 1 và 2 do Nanogen thông báo, Bộ Y tế nhận định: “Việc đánh giá tính sinh miễn dịch trong giai đoạn 1 và 2 này không phải là yếu tố quyết định cho việc phê duyệt khẩn cấp”

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời đại diện Bộ Y tế: Xin cấp phép khẩn cấp vaccine là nóng vội, chưa đủ cơ sở khoa học. Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo của Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho Nanogen trong quá trình nghiên cứu vaccine, giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu tới 7-8 tháng. 

Ông Quang phân tích: “Cái khó của cơ quan quản lý (Bộ Y tế) là phải chịu trách nhiệm trước dân về sự an toàn, mạnh khỏe và có hiệu lực của vaccine. Do đó, việc vừa mới thử nghiệm mũi 1 của giai đoạn 3 mà đã xin cấp phép là rất nóng vội. Nói Bộ Y tế không tạo điều kiện cho doanh nghiệp là không đúng”.

VTC đặt câu hỏi: Bị cho là nóng vội khi xin cấp phép khẩn cho Nano Covax, Nanogen nói gì? Đại diện Nanogen lý giải về văn bản kiến nghị Thủ tướng cấp phép khẩn cấp cho vaccine “made in Việt Nam”: “Về nguyên tắc thì việc này chưa đúng với quy định hiện hành của Việt Nam nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp và khó lường hiện nay, số ca bệnh mỗi ngày tăng cao thì bắt buộc phải làm như vậy”.

Đại diện Nanogen cũng cho rằng độ an toàn của vaccine Nanocovax đã hầu như đạt 100% trong giai đoạn thử nghiệm thứ 2, có thể được cấp phép: “Khó có thể khẳng định chắc chắn 100% không rủi ro nhưng nếu có cũng không phải rủi ro lớn. Tại Nga, Mỹ, Anh, vaccine chưa hoàn thiện và chỉ thử mẫu vài nghìn người trước nhưng họ cũng xin cấp phép”.

Đại diện Nanogen nói không đúng sự thật. Hầu hết các vaccine đang được thế giới sử dụng (trừ vaccine của Nga và TQ) đều được thử nghiệm trên hàng chục ngàn người và được công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng chi tiết, trước khi được FDA các nước cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây là kết quả thử nghiệm mà Pfizer và BioNTech công bố, sau khi thử nghiệm thành công trên 43.538 người, với đầy đủ chi tiết về kết quả thử nghiệm.

VTC đặt câu hỏi: Vaccine COVID-19 Nano Covax đang được thử nghiệm thế nào? PGS.TS Chử Văn Mến cho biết, vaccine “made in Việt Nam” bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3, quy mô thử nghiệm 13 ngàn người, nhưng chỉ mới có 1.000 người tham gia. Trong 1.000 người vừa được chích, khu vực phía Bắc có khoảng 880 người, phía Nam có hơn 120 người tại Bến Lức. Những người này được chích theo tỷ lệ 6:1, tức 6 người chích vaccine, 1 người chích giả dược.

Dự kiến, ngày 30/7, các tình nguyện viên hoàn thành việc lấy máu xét nghiệm để đánh giá khả năng sinh miễn dịch. Nghĩa là, thử nghiệm giai đoạn 3 chưa có bất kỳ kết quả nào để đánh giá. Còn giai đoạn 1 và 2 cũng không có kết quả chi tiết, như vaccine này có thể sử dụng an toàn và hiệu quả hay không, tạo ra kháng thể nhiều hay ít, kháng thể ở trong cơ thể người chích bao lâu, kháng thể có đủ để chống lại virus hay không, phản ứng phụ của vaccine… người dân không hề có thông tin.

Sau khi tuyên bố ồn ào hôm qua, sáng nay, Nanogen ra thông báo mới, tháng 9 dự kiến vắc xin Việt Nam Nano Covax hoàn thành thử nghiệm, sẽ xin cấp phép khẩn cấp, báo Thanh Niên đưa tin. Công ty này dự kiến sẽ hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào tháng 9/2021. Sau khi hoàn thành giai đoạn 3 với kết quả tốt, Nanogen sẽ tiếp tục kiểm định kết quả của Nanocovax, rồi mới bắt đầu quy trình xin phép Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức cấp giấy phép khẩn có điều kiện cho phép lưu hành Nanocovax.

TS Hồ Nhân, Tổng GĐ Công ty Nanogen nói, nguyên lý của vaccine Nanocovax không cấy gene virus trực tiếp vào cơ thể người như nhiều loại vaccine trên thế giới. Ông Nhân cho rằng chính cách làm của thế giới mới mạo hiểm hơn VN: “Cách làm vắc xin bằng cấy gene trực tiếp tuy nhanh hơn nhưng tính mạo hiểm cao hơn nhiều”. Còn mục tiêu mà Nanogen hướng tới là “tạo nên vaccine có thể bảo vệ cơ thể 100%”. Chẳng lẽ ông Nhân không biết, rằng vaccine Pfizer và Moderna không hề cấy virus vào cơ thể người, mà họ dùng kỹ thuật mới mRNA?

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui Yong tại trụ sở Chính phủ hôm nay, Việt Nam đề nghị Hàn Quốc ưu tiên chia sẻ vắc xin, hỗ trợ ODA, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Qua đó có thể thấy, dù trước đó luôn miệng tuyên truyền về vaccine “made in Việt Nam”, chính lãnh đạo VN không hề tin tưởng vào sản phẩm “cây nhà lá vườn” của họ, nên gặp nước nào cũng xin vaccine. 

Tin môi trường

Báo Giao thông Vận tải đặt câu hỏi về vụ thi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình: Cấp phép một đằng, làm một nẻo? Đại diện của Cục Quản lý Đường bộ I, thuộc Tổng cục Đường bộ VN cho biết, nội dung giấy phép thi công dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đã quy định, trong quá trình thi công, nhà thầu phải để vật liệu, thiết bị bên trong hàng rào ngăn cách với Quốc lộ 6, đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và các quy định về an toàn giao thông. 

Hàng đoàn xe chở đất thải thi công nhà máy thủy điện Hòa Bình gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường trên Quốc lộ 6, Dốc Cun, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: GTVT

Nhưng trên thực tế, hàng đoàn xe chở đất thải thi công hoành hành trên Quốc lộ 6. Một người dân địa phương kể: “Mấy tháng gần đây mỗi lần xe tải chở nặng leo dốc, tiếng gầm rú của nó cùng với bụi bẩn làm cho cuộc sống bình yên vốn có của gia đình chị bị đảo lộn. Vẫn biết là xe vận chuyển để thực hiện dự án trọng điểm Quốc gia nhưng cũng mong các cơ chức năng có biện pháp để hạn chế tiếng ồn, bụi bẩn cho người dân”.

Truyền hình Bình Thuận có clip: Bãi tập kết vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường.

Trang Kinh Tế Đô Thị có bài: Gia tăng ô nhiễm không khí làng nghề trong thời tiết nắng nóng. Sở TN&MT Hà Nội có báo cáo thừa nhận, hiện toàn TP có 5 làng nghề bị ô nhiễm không khí, trong đó có một làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, chưa kể một số làng tái chế kim loại, nhựa lân cận ngày đêm phát thải khối lượng lớn những chất thải gây ô nhiễm môi trường, gặp thời tiết nóng bức, càng ô nhiễm.

Một người dân ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín chia sẻ: “Những ngày nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, rất oi bức, mùi sơn cùng bụi phát sinh trong quá trình làm khiến không khí ngột ngạt, khó thở, nói chung rất độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Biết là vậy nhưng chúng tôi cũng chưa có giải pháp bền vững nào có thể hạn chế ô nhiễm tốt nhất, đành sống chung với lũ”.

Diễn biến bất thường ở Nga: Thủ đô Matxcơva nóng kỷ lục, chưa từng có 120 năm qua, VTC đưa tin. Cơ quan thời tiết Nga Roshydromet thông báo, ngày 21/6 là ngày tháng 6 nóng nhất kể từ năm 1901, mà thủ đô Moscow từng ghi nhận, với nhiệt độ lên đến 34,7 độ C. Cơ quan này cũng cho biết, sự “gia tăng nhiệt độ khủng khiếp” này là do biến đổi khí hậu. Theo dự báo, trong 2 ngày 24 và 25/6 sắp tới, nhiệt độ ở Moscow còn nóng hơn, với nhiệt độ trên 35 độ C, tương đương mức kỷ lục năm 1881.

Bà Marina Makarova, chuyên gia của Roshydromet, cho biết: “Sự gia tăng nhiệt độ tại Matxcơva trong những ngày gần đây là chưa từng có trong 120 năm qua. Điều đó là do biến đổi khí hậu toàn cầu”. Ông Pavel Karrapetyan, một người sinh sống tại Moscow, chia sẻ: “Chúng tôi không quen chịu nóng như thế này”. Không chỉ Moscow, cả TP St. Petersburg, một trong các TP lạnh nhất thế giới, cũng ghi nhận thời tiết nắng nóng tháng này, với nhiệt độ tới 34 độ C, cao nhất từ năm 1998.

The Star có clip: Một ngày nóng bức ở Moscow.

Đúng ngày này một năm trước, DW News có clip: Nhiệt độ ở khu vực Vòng Bắc Cực đạt mức cao kỷ lục.

Vòng Bắc Cực bao gồm miền Bắc nước Nga, bang Alaska của Mỹ, miền Bắc Canada và đảo Greenland. Tháng 6/2020, nhiệt độ ở khu vực vòng Bắc Cực lên cao bất thường, riêng thị trấn Verkhoyansk của vùng Siberia ghi nhận mức nhiệt kỷ lục tới 38 độ C. Tháng 6 năm nay, thủ đô và miền Bắc nước Nga tiếp tục trải qua nhiệt độ cao. 

https://baotiengdan.com/2021/06/23/ban-tin-ngay-23-6-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét