Tác giả: Damian Whitworth - Trần Quốc Việt dịch
Lần đầu tiên Sayragul Sauytbay nghe những tiếng kêu thét lên sau hai hay ba ngày ở trại giam. Chị bị đưa đến làm giáo viên ở một trong những trung tâm nơi Trung Quốc “cải tạo” những người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm sắc tộc khác ở tỉnh tây bắc, thuộc Tân Cương.
Trước đó, chị đã nhìn thấy những người tù trông như “những tử thi biết đi”, với đầu cạo trọc, mắt sưng bầm và những ngón tay bị rút móng. Họ bị xiềng chung lại với nhau trong những xà lim đông nghẹt, hôi hám.
Âm thanh đau đớn tột cùng vang vọng qua khắp các hành lang của cỗ “quan tài bằng bê tông” giam cầm họ. Về sau chị viết: “Tôi suốt đời chưa bao giờ nghe những tiếng như thế. Những tiếng kêu thét lên như thế ta không thể nào quên được. Lúc tôi nghe chúng, tôi biết ngay người ta đang đau đớn xiết bao. Những tiếng kêu thét này vang lên giống như những tiếng kêu thảm thiết của con thú sắp chết“.
Chị biết những tiếng kêu thét lên xuất phát từ “phòng đen”, một căn phòng có gắn những dây xích trên tường và không có camera, nơi những người tù bị công an lôi vào vì đủ mọi thứ tội mà họ cho là vi phạm. Nhiều người tù ra khỏi phòng máu me đầy mình, nhiều người khác thì ta không bao giờ thấy lại nữa.
Sauytbay biết, nếu chị biểu lộ sự lo lắng thất vọng trước những gì chị nghe, hay chỉ cần sơ sẩy một chút, thì chính chị cuối cùng cũng sẽ vào phòng đấy. Rồi một ngày nọ, một nhóm tù mới đến trại, trong đó có bà cụ 84 tuổi từ một gia đình chăn cừu ở một vùng miền núi. Nhận ra Sauytbay, một đồng hương người Kazakh trong rất đông những khuôn mặt người Trung Quốc, bà cụ run rẩy chợt ôm chầm lấy chị và cầu cứu.
Sauytbay nghĩ chị có thể ôm lại bà chỉ trong giây lát. Bà cụ bị dẫn đi còn Sauytbay, bị nghi ngờ là có âm mưu, bị đưa ngay vào phòng đen.
***
Năm 2018, Sayragul Sauytbay lên tin tức quốc tế nói công khai về tình trạng trong trại. Trung Quốc đã phủ nhận sự tồn tại của những trung tâm này, bất chấp những báo cáo cho rằng họ đã phát triển thành một mạng lưới rộng khắp trải dài trên hàng trăm địa điểm.
Bây giờ chị kể lại toàn bộ câu chuyện tù của chị, những cuộc tra tấn chị nói chị đã trải qua, những chuyện kinh hoàng chị đã chứng kiến ở trong trại, và cuộc trốn thoát ngoạn mục của chị ra khỏi Trung Quốc.
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh (nhóm sắc tộc lớn thứ hai trong vùng) và những người thiểu số khác, chủ yếu là người Hồi giáo, đã bị giam cầm. Đã có nhiều báo cáo đáng tin về những tù nhân đang bị bắt lao động như nô lệ và về phụ nữ bị bắt buộc triệt sản.
Trung Quốc đã nói, những trại này được thiết lập để dạy nghề nhằm chống lại chủ nghĩa quá khích tôn giáo và họ đã phủ nhận bất kỳ sự ngược đãi nào. Vào năm 2019, một viên chức tuyên bố rằng, tất cả những người bị giam giữ đều đã “tốt nghiệp” và đều đã có công việc ổn định, và trong tương lai việc theo học ở những trung tâm này sẽ là tự nguyện.
Tại cuộc họp báo được tổ chức ở Luân Đôn và Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, vào đầu năm nay – mà một người tham dự mô tả là “thô thiển một cách mê muội” – các viên chức Trung Quốc khoe khoang về “đất đai tuyệt diệu” của Tân Cương. Những người trẻ trong cuộc họp báo kể về việc họ nhận được sự đối xử rất tốt ở các trung tâm dạy nghề này nơi cuộc đời họ đã thay đổi tốt hơn nhiều.
Cùng với Hoa Kỳ và Liên Âu, vào tháng Ba năm nay Anh đã tuyên bố trừng phạt bốn viên chức Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Tuần qua, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị tuyên bố rằng, nạn diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người thiểu số khác.
Kiến nghị này không mang tính ràng buộc và lập trường của chính phủ Anh là các tòa án phải quyết định khi nào nạn diệt chủng đã diễn ra. Antony Blinken, ngoại trưởng Hoa Kỳ, nói Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại ở Tân Cương. Công ước Liên Hiệp Quốc về diệt chủng định nghĩa diệt chủng là “ý định tiêu diệt toàn bộ hay một phần một nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo”.
Sauytbay cho rằng, “các trại tập trung” này là chương trình giam giữ lớn nhất kể từ thời Quốc Xã Đức và những dân tộc bản xứ là “thuộc địa nô lệ”. Giống như những người khác, chị vẫn gọi Tân Cương là Đông Turkestan và coi đây là “nhà tù lộ thiên lớn nhất thế giới”.
Sauytbay 44 tuổi sinh ra trong túp lều trong một gia đình chín người con. Gia đình chị là gia đình chăn nuôi bán du mục ở trong một thung lũng sát biên giới với Kazakhstan. Gia đình theo một môn phái đạo Hồi rất trung dung, cùng với những người khác, đã đến định cư ở dưới chân dãy núi Thiên Sơn và từ đấy dựng nên làng mạc.
Chị đã học xong bác sĩ. Về sau chị học nói tiếng Trung lưu loát và trở thành giáo viên. Chị dạy tiếng Trung cho trẻ em người Kazakh và sau đó phụ trách năm nhà trẻ. Sau khi lập gia đình với Uali, họ có một trai và một gái. Ngoài công việc phụ trách các nhà trẻ ra, chị còn mở các tiệm bán áo quần và lập ra một nông trại.
Từ thập niên 1980, Trung Quốc đã đưa dân đến Tân Cương, khai thác tài nguyên trong vùng, khuyến khích rất nhiều người Hán di dân đến đây và cấm các hoạt động văn hoá của các dân tộc bản xứ.
Không đâu mà sự mở rộng kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh lại thâm hiểm cho bằng nỗ lực của nhà cầm quyền để khiến cho họ phải im lặng. Khi Ulagat, con trai chị lên ba tuổi rưỡi, Sauytbay phát hiện một thầy giáo đã lấy băng keo dán kín miệng con chị lại, chỉ vì con chị bị bắt quả tang đang nói tiếng bản xứ với những đứa bé khác. “Họ thực hiện chính sách tiêu diệt tận gốc này ngay từ nhỏ và chúng tôi là cha mẹ thấy vậy, thật sự đau lòng. Nhưng chúng tôi buộc lòng phải chấp nhận điều này”.
Chúng tôi nói chuyện qua cuộc gọi video, với sự giúp đỡ của người thông dịch. Sauytbay hiện ở Thụy Điển, tại đây chị viết cuốn sách, tựa đề “Nhân chứng Chính”, về nỗi đoạn trường chị trải qua. Tuy nhiều tình tiết gây sửng sốt nhưng nói chung chị trả lời một cách bình thản và rõ ràng. Chỉ thỉnh thoảng, chẳng hạn lúc chị kể lại những gì con chị đã phải trải qua, mặt chị lúc ấy đanh lại vì căm thù chế độ Bắc Kinh.
Gia đình chị đã tính đến chuyện di cư sang Kazakhstan nhưng rồi đi đến quyết định định mệnh là hoãn lại. Căng thẳng đã đưa đến bao cuộc xung đột giữa người Kazakh và quân đội Trung Quốc và những cuộc đánh bom tự sát, và rồi cuối cùng họ quyết định đi đến Kazakhstan, thì họ gặp phải một trở ngại lớn. Là người làm việc trong khu vực nhà nước, chị bị bắt buộc phải nộp lại hộ chiếu. Vào tháng 7/2016 chồng và con chị đi trước sang Kazakhstan, còn chị cố gắng xin lại hộ chiếu.
Vào mùa hè năm ấy nhà cầm quyền Trung Quốc bắt đầu biến Tân Cương thành một nhà nước giám sát cùng với sự xuất hiện của viên bí thư tỉnh ủy mới, Trần Toàn Quốc, là người trước đó đã đưa ra những chính sách cực đoan nhằm kiểm soát Tây Tạng. Theo lời đồn, ông ta đã bảo với cơ quan an ninh ở Tân Cương là “hãy vây bắt tất cả những ai nên bị vây bắt”.
Những ai không bị bắt thì bị quay phim và giọng nói họ bị thu âm để nâng cao hệ thống định vị theo dõi, được ủng hộ bởi mạng lưới camera giám sát cực kỳ lớn. Sauytbay phải đến kiểm tra nhà của các nhân viên nhà trẻ mà chị phụ trách, để chắc chắn rằng họ không có bất kỳ cái gì liên quan đến tôn giáo. Nhiều người, đặc biệt là thanh niên trẻ, bị bắt và rồi biến mất vào các trại. Sau khi bị cấm liên lạc với Kazakhstan, chị không thể nào nói chuyện với gia đình được nữa.
Chị tin là chị bị tình nghi kết hôn với gián điệp cho nên chị đã bị bắt cóc vào ban đêm với một cái bao trùm trên đầu và bị hỏi cung về chỗ ở của chồng. Họ nói với chị rằng, chồng chị là kẻ phản quốc và bảo chị nên ly dị chồng. Chị bị đánh trong một lần tra hỏi, từ đó chị nhận thức rằng, chị bị giữ lại ở Trung Quốc để làm con tin.
Theo chính sách mới “trở thành một gia đình”, người bản xứ phải đến sống chung với gia đình người Trung Quốc trong nhiều ngày liền, hay chấp nhận họ đến sống với gia đình mình. Điều này có nghĩa là làm công việc nhà cho chủ nhà và nhiều phụ nữ phải ngủ với đàn ông người Trung Quốc. Chị đã hối lộ cho người đàn ông Trung Quốc mà chị có nhiệm vụ sống chung để tránh phải ngủ lại qua đêm trong nhà ông.
“Thật buồn vô cùng. Chuyện đang xảy ra với người bản xứ ở Đông Kazakhstan là thân thể họ, trí óc họ, cuộc đời họ, số phận họ, không thuộc về chính họ, mà thuộc về Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Người bản xứ sống giữa sống và chết, và họ sống trong sợ hãi. Họ biết nhà nước sẽ làm chuyện gì đó hại họ, nhưng họ không biết khi nào nó xảy ra, vì vậy họ sống hàng ngày trong nỗi sợ hãi khôn cùng: Khi nào nó sẽ xảy ra?”
(Còn tiếp)
https://baotiengdan.com/2021/06/26/thoat-khoi-dia-nguc-phan-1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét