Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

6899 - Vì sao quan hệ Nga-Mỹ cải thiện có lợi cho các nước châu Á bị Trung Quốc lấn lướt

Trọng Nghĩa
Ảnh minh họa: Ông Joe Biden, thời còn là phó tổng thống Mỹ đã gặp ông Vladimir Putin, lúc còn là thủ tướng Nga, ngày 10/03/2011 tại Matxcơva, Nga. AP - Alexander Zemlianichenko

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga giữa hai TT Joe Biden và Vladimir Putin ngày 16/06/2021 chắc chắn sẽ được châu Á chú ý, không chỉ Trung Quốc, đang lo ngại trước khả năng Washington hòa hoãn trở lại với Matxcơva, mà cả những nước như Ấn Độ, Nhật Bản hay Việt Nam đang bị Trung Quốc lấn lướt, rất mong muốn quan hệ Mỹ-Nga được cải thiện.

Trong bài phân tích “Châu Á có thể thu hoạch được gì từ thượng đỉnh Biden-Putin - Asia’s Stakes in the Biden-Putin Summit”, đăng trên trang mạng tạp chí Mỹ Foreign Policy ngày 11/06/2021, chuyên gia C. Raja Mohan, giám đốc Viện Nghiên Cứu Nam Á, Đại Học Quốc Gia Singapore, cho rằng phần lớn các quốc gia châu Á - ngoại trừ Trung Quốc - sẽ được lợi từ một quan hệ bớt căng thẳng hơn giữa hai cường quốc Mỹ và Nga.

Theo tác giả, nguyên là thành viên ban Cố Vấn về An Ninh Quốc Gia Ấn Độ, một quan hệ tốt đẹp hơn giữa Washington và Matxcơva chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho New Delhi trong việc chống lại một Bắc Kinh ngày càng hung hăng.

Và Ấn Độ không đơn độc ở châu Á. Nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, cũng tin rằng vai trò độc lập của Nga sẽ giúp họ không bị kẹt giữa cuộc đọ sức đang nổi lên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Joe Biden sẵn sàng hòa hoãn với Nga để dồn sức chống Trung Quốc?

Tình hình thực tế trước mắt cho thấy là cả Matxcơva lẫn Washington đều phô trương lập trường cứng rắn, và nhiều vấn đề khó khăn tiếp tục khuấy động quan hệ giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Ấn Độ, tổng thống Mỹ Joe Biden có vẻ như sẵn sàng hòa dịu với Nga để dồn sức chống Trung Quốc.

Đối với ông Raja Mohan, sự kiện tổng thống Mỹ Biden quyết định gặp tổng thống Nga Putin vào một thời điểm rất sớm trong nhiệm kỳ của ông cho thấy là ông có một cái nhìn mới mẻ về mối quan hệ với Nga, sẵn sàng ổn định măt trận này để tập trung vào thách thức lớn hơn nhiều đến từ Trung Quốc, một công việc cần phải huy động sự ủng hộ của châu Âu.

Ông Biden dường như đã sẵn sàng từ bỏ chủ thuyết hiện nay, theo đó Hoa Kỳ có khả năng và cần phải đối phó đồng thời với cả Nga lẫn Trung Quốc, hai nước hiện liên kết chặt chẽ với nhau đến mức khó có thể bị tách rời.

Không bị Nga chi phối, châu Âu có thể can dự nhiều hơn vào châu Á

Tuy nhiên, việc giảm bớt căng thẳng với Nga sẽ tạo điều kiện cho châu Âu chú ý nhiều hơn đến châu Á và hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc. Một châu Âu bớt lo lắng về Nga có thể đóng một vai trò lớn hơn ở châu Á.

Ấn Độ, cùng với Nhật Bản, đang đẩy mạnh nỗ lực thu hút các cường quốc châu Âu quan tâm đến trật tự an ninh châu Á. Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên chủ chốt bắt đầu phát triển các cách tiếp cận mới đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhận rõ được những thách thức mang tính hệ thống do Trung Quốc gây ra, thì khả năng họ góp phần vào an ninh châu Á sẽ bị những mối đe dọa gần gũi hơn đến từ Nga hạn chế.

Mối quan hệ của Nga với Trung Quốc ngày nay đang ở mức cao và Matxcơva đang mong muốn tăng cường các mối quan hệ đó. Cơ cấu hợp tác của họ rất sâu sắc và toàn diện. Ngay cả khi Hoa Kỳ và châu Âu đưa ra một thỏa thuận lớn có thể chấp nhận được với Nga, thì cũng không chắc Matxcơva sẽ hy sinh mối quan hệ bền chặt với Bắc Kinh.

Nhưng Nga vẫn chưa liên minh với Trung Quốc, và cũng không muốn trở thành đối tác cấp dưới của Bắc Kinh. Nếu hòa hoãn được với Mỹ, và tìm được chỗ đứng chính trị mới với châu Âu, Nga có thể ít bị sức ép để theo đuôi Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và giành lại vai trò chủ động hơn trong lãnh vực an ninh châu Á.

Ấn Độ và Nhật Bản, hai nước ngày càng cảm thấy bất an hơn trước đà bành trướng của Trung Quốc, đã đặt hy vọng vào việc Nga ít bị ràng buộc hơn vào Trung Quốc.

Ấn Độ muốn thoát khỏi thế kẹt giữa hai đồng minh

New Delhi không xa lạ gì với các biến động trong tam giác chiến lược Trung Quốc-Nga-Mỹ. New Delhi đã tìm cách duy trì một quan hệ chặt chẽ với Matxcơva bất chấp việc mở rộng quan hệ đối tác Trung-Nga, đồng thời sưởi ấm quan hệ chiến lược với Washington. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng giữa Nga và Mỹ trong vài năm qua đã giới hạn quyền tự do hành động của Ấn Độ.

Một ví dụ điển hình về tình thế tế nhị của Ấn Độ là khả năng bị Washington áp đặt trừng phạt vì đã mua tên lửa phòng không tiên tiến S-400 của Nga. Ngoài ra, New Delhi cũng đang gặp khó khăn với Matxcơva, vốn ngày càng trở nên khó chịu trước quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Ấn Độ. Nga không ngần ngại tổ thái độ bất bình trước chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương và sự củng cố của cơ chế Bộ Tứ liên kết Ấn Độ với Mỹ, Úc và Nhật Bản. New Delhi cũng vô cùng lo lắng về nhân tố Trung Quốc được Matxcơva  coi trọng hơn trong cách hoạch định chính sách đối ngoại của Nga và những hậu quả lâu dài của các tính toán này đối với an ninh Ấn Độ.

Trước mắt, New Delhi và Matxcơva vẫn cố duy trì một quan hệ hữu hảo, Ấn Độ vẫn cố tránh xen vào các tranh chấp giữa Nga với phương Tây trong lúc Matxcơva cố giữ thái độ trung lập trước tình trạng đối đầu quân sự hiện tại giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya bắt đầu từ mùa xuân năm 2020. Đáng chú ý nhất là Nga vẫn tiếp tục cung cấp thiết bị quân sự rất cần thiết cho quân đội Ấn Độ.

Nhật Bản hy vọng Nga trung lập tại châu Á

Về phần Nhật Bản, cho đến nay, Tokyo đã không thành công trong việc tìm cách xích lại gần Matxcơva. Tuy vậy, giống như Ấn Độ, Nhật Bản luôn cho rằng sự trung lập - hoặc thậm chí là sự ủng hộ - của Nga rất có ích cho việc duy trì trạng thái cân bằng tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương đang bị các hành vi quyết đoán của Bắc Kinh phá vỡ.

New Delhi, Tokyo và Matxcơva đều ủng hộ một cơ chế đối thoại ba bên cấp chuyên gia (Track II) để hiểu rõ hơn về động lực phức tạp của khu vực và tìm ra một số điểm chung.

Phần còn lại của châu Á cũng hoan nghênh một vai trò lớn hơn của Nga trong khu vực, cho phép họ có nhiều không gian hành động vào lúc sự cạnh tranh Mỹ-Trung tại châu Á ngày càng gay gắt thêm.

Việt Nam chủ trương duy trì quan hệ lâu đời với Nga

Việt Nam là ví dụ điển hình của các nước mong muốn Nga đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực và độc lập hơn với Trung Quốc. Việt Nam mong muốn duy trì các mối liên hệ đã có từ lâu với Nga và hy vọng Matxcơva sẽ giúp mình tự bảo vệ chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Khối Đông Nam Á ASEAN từ lâu nay vẫn cố lôi kéo Matxcơva tham gia vào trật tự đa phương trong khu vực, nhưng cho đến nay họ đã thất vọng vì tác động hạn chế của việc Nga xoay trục sang châu Á.

Tình thế có thể thay đổi nếu quan hệ của Nga với Mỹ và châu Âu bớt xung khắc và Matxcơva tách mình ra khỏi các chính sách của Bắc Kinh ở châu Á và  khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210615-nga-m%E1%BB%B9-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ch%C3%A2u-%C3%A1-b%E1%BA%AFc-kinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét