Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

6895 - Người gốc Việt ở Campuchia - đi tìm danh phận! (phần cuối)

Trường Sơn


 Người gốc Việt ở Campuchia - đi tìm danh phận! (phần cuối)

Một phụ nữ gốc Việt trên một con thuyền ở một làng nổi ở Kampong Chhnang, Campuchia hôm 14/10/2013.


Nếu em nói em là người Campuchia, người Campuchia không xác nhận, nếu em nói em là người Việt Nam, người Việt Nam cũng không xác nhân nữa, hàng ngày em vẫn tự hỏi vậy em là người gì?”

Tỷ Phan là một thanh niên người gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Campuchia trong một gia đình đã có ít nhất hai thế hệ sinh sống ở Xứ Chùa Tháp. Anh có giấy khai sinh và các giấy tờ tuỳ thân khác được cấp bởi chính quyền nước sở tại.

Tháng 12 năm 2017, chính quyền Campuchia mở chiến dịch tịch thu giấy tờ bị cho “không hợp lệ” của những người nhập cư, trong đó phần lớn là người gốc Việt. Chiến dịch này được kéo dài sang năm 2018, và kết quả là tổng cộng hơn 70 ngàn người bị thu hồi giấy tờ tuỳ thân, trong số đó có Tỷ Phang và gia đình của anh.

Kể từ đó họ trở thành người vô tổ quốc!

“Em rất là buồn, tại vì em là người bị ảnh hưởng, trong khi em sinh đẻ ở đây mà. Em muốn làm đúng pháp luật, tức là phải có giấy tờ vậy mà cũng không được, cho nên rất là buồn”.

Tỷ Phan nói về cảm giác của mình sau khi bị chính quyền Campuchia tước bỏ tư cách công dân.

Chuyên gia nghiên cứu Campuchia, Tim Frewer, gọi chính sách mà chính quyền Phnom Penh áp dụng đối với người gốc Việt là có tính “phân biệt đối xử” và “phân biệt chủng tộc”. Ông cũng đổ lỗi cho nền chính trị Campuchia vốn được vận hành dựa trên chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại, đặc biệt là các nỗ lực “ác quỷ hoá” người gốc Việt. Ông cho rằng đó là nguyên do của các chính sách bất công mà người gốc Việt phải chịu đựng.

2014-04-28T120000Z_11913823_GM1EA4T0C7501_RTRMADP_3_CAMBODIA-RACISM.JPG
Hình minh hoạ: Tran Yaing Chang (32 tuổi) và tấm hình của em trai Trân Văn Chiến (bị giết hại hôm 16/2/2014) tại nhà của cô ở Phnom Penh hôm 11/3/2014. Reuters

Cũng theo Tỷ Phan, thông qua việc tịch thu giấy tờ tuỳ thân, chính quyền Campuchia cũng tước đoạt cơ hội việc làm của nhiều người gốc Việt bởi chủ doanh nghiệp sẽ từ chối nhận người không có giấy tờ hợp lệ. Kết quả là người gốc Việt chỉ có thể làm các công việc thu nhập thấp đòi hỏi sức lao động, chứ không thể chen chân vào các công việc có thu nhập cao. Không những thế, cơ hội tiếp cận với giáo dục bậc cao cũng bị lấy đi một khi giấy tờ tuỳ thân không còn, bản thân Tỷ Phan có hai người em và hiện đang đối mặt với nguy cơ không thể học đại học.

Chính sách này rõ ràng được chính quyền Campuchia thiết kế để cố tình loại bỏ người gốc Việt khỏi thị trường lao động và ngăn chặn họ tiếp cận với giáo dục bậc cao, hệ quả tất yếu là người gốc Việt sẽ không thể thoát nghèo. Những thanh niên như Tỷ Phan khi đối diện với tương lai mịt mù ở Campuchia sẽ phải đứng trước hai lựa chọn, hoặc là ở lại chịu đựng số phận hoặc là rời đi.

Không lạc quan vào tương lai của mình ở Campuchia, Tỷ Phan hy vọng rằng nhà nước Việt Nam sẽ có chính sách để giúp đỡ những người như anh được hồi hương. Anh nói:

Em cũng mong muốn chính quyền Việt Nam có cách giải quyết nào đó để giúp người gốc Việt sinh ra ở Campuchia. Nếu họ nói là người sinh ra ở Campuchia có thể về Việt Nam rồi cung cấp việc làm hoặc dạy thêm tiếng Việt, thì em sẽ đi về tại vì người Campuchia không thích người Việt Nam”. 

Chuyên gia Tim Frewer thì cho rằng để chấm dứt tình trạng này thì xã hội Campuchia cần phải thay đổi trong cách thảo luận chính trị, cụ thể, là rời bỏ chủ nghĩa dân tộc và chống lại sự phân biệt chủng tộc. Ông nói:

Rất nhiều sự chỉ trích và phê bình đối với chính quyền tuy là chính đáng nhưng đáng buồn thay, nhiều trong số những sự phê bình đó lại dựa trên các quan điểm dân tộc cực đoan, nên tôi cho rằng vấn đề lớn ở Campuchia đó là sự thiếu vắng các thảo luận và quan điểm vượt ra ngoài khuôn khổ của chủ nghĩa dân tộc. Thành ra, tôi nghĩ rằng các quan điểm chống lại sự phân biệt chủng tộc có vai trò vô cùng quan trọng, và nó phải được dấy lên bởi người dân”.

000_Hkg9538031.jpg
Hình minh hoạ: Phụ nữ gốc Việt đang làm cá trên một làng nổi ở Kampong Chhnang, cách thủ đô Phnom Penh 90 km, hôm 14/10/2013. AFP

Các động thái của chính quyền Việt Nam từ trước đến nay vốn thể hiện quan điểm muốn người gốc Việt ở lại Campuchia, vì vậy ước muốn trở lại quê cha đất tổ của những người như Tỷ Phan có lẽ sẽ không dễ để thực hiện. Trong khi chính quyền Campuchia cũng như xã hội nước này cũng không có dấu hiệu gì là sẽ sớm thay đổi quan điểm về người gốc Việt. Cuộc hành trình đi tìm danh phận của hàng chục ngàn người với danh Việt nhưng số phận lại gắn với Campuchia có lẽ sẽ còn kéo dài.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-in-cambodia-struggle-to-find-their-foothold-06252021105355.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét