Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

6921 - Nghĩ về dịch (bệnh)




-Dịch vi rút Vũ Hán đang hoành hành, nó khác những thứ dịch hạch, dịch tả, dịch cúm... thuở xưa, bởi càng ngày càng nặng, càng lan rộng, càng nguy hiểm, và nhất là chưa biết bao giờ mới chấm dứt, thậm chí không chấm dứt mà tồn tại mãi với con người.

Dịch thời xưa xuất phát từ tự nhiên, ông trời sinh ra rồi sau đó thu hồi; còn dịch Vũ Hán do con người chế tạo nên nó ở mãi với con người. Chính vì vậy, mọi ý tưởng, hy vọng dập dịch, tuyên bố chấm dứt dịch (như ông Nguyễn Thiện Nhân từng phát ngôn chẳng hạn) đều là không tưởng, ngây thơ. Đòi tấn công nó, cũng ngây thơ nốt, bởi chỉ có thể phòng ngự và cầm cự, chặn nó mà thôi.

-Khi dịch bùng phát lại lần 4, tôi từng biên tút rằng cần đặc biệt để ý tới bệnh viện và khu công nghiệp, 2 nơi "nó" dễ tấn công nhất. Y như rằng. Giờ thêm lưu ý tiếp, chỗ mà "nó" dòm ngó là các doanh trại bộ đội. Nơi này luôn đông người, dù có nội bất xuất ngoại bất nhập vẫn có khe hở. Chẳng hạn việc sử dụng doanh trại tạm làm nơi cách ly tập trung, có thể làm cầu nối cho dịch. "Nó" mà mò vào chỗ này thì chưa biết sẽ như thế nào. Tàu sân bay của Mỹ hôm ở Đà Nẵng mà "nó" còn leo lên được đấy thây.

-Coi cảnh Sài Gòn hoang vắng tiêu điều suốt 2 tuần nay, càng thông cảm với chính quyền Đồng Nai hàng xóm. Họ sớm nhìn ra vấn đề, họ hơi cực đoan nhưng có nhẽ cần phải thế. Báo chí và dư luận xã hội lên án họ ích kỷ, ngăn sông cấm chợ, cục bộ địa phương, tuy nhiên đặt vào vị trí của họ mới có thể thông cảm. Đồng Nai sát nách Sài Gòn, lại là khu công nghiệp lớn nhất nước (lớn hơn cả Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Long An), Đồng Nai mà quỵ thì tai hại gấp 10 so với Bắc Giang chứ đùa. Sài Gòn lúc này khốn đốn như vầy mà Đồng Nai vẫn yên, cần phải xem lại sự chê trách đối với họ (chính quyền tỉnh). Không phải vô cớ mà ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày hôm kia lệnh rằng phải giữ vững cho được Đồng Nai.

-Dịch, dĩ nhiên là không hay, nhưng nó có tác dụng điều chỉnh được hành vi và thói quen của con người, thậm chí của cộng đồng, thể chế, tổ chức, cả nhiều thứ tưởng rằng bất di bất dịch, không thể đổi thay. "Nhờ" có dịch mà người ta bớt được hội họp (đặc sản của xứ này), ăn uống cũng giản dị hơn, chuyện hiếu hỉ (đám ma đám cưới) bớt rườm rà (mà có sao đâu), giảm hẳn được những lễ hội (chả bị thần linh quở trách)... Dịch cũng là điều kiện thực tế để chứng minh thực chất của giới lãnh đạo, những anh lâu nay chỉ giỏi võ mồm mà vô tài vô lực sẽ tòi ra ngay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét