Hầu như ai cũng mong ngóng ngày “phá cũi sổ lồng” để được gặp gỡ bạn bè người thân, khề khà bên ly bia chén rượu hàn huyên bù lại những tháng ngày “xa mặt cách lòng” vì con virus Corona quái ác. Trong những câu chuyện nổ như bắp rang sau nhiều ngày “cấm khẩu,” không khó để nhận ra nỗi ngạc nhiên khi bỗng nhiên người ta nhìn thấy một nước Mỹ rất khác với thời kỳ trước đại dịch! Trong những câu chuyện mà những người tôi quen biết thường đàm đạo trong những ngày này đang nổi lên một mối băn khoăn lớn: Tại sao lúc này, nước Mỹ lại bị chia rẽ trầm trọng như vậy? Và đâu là lối thoát?
Anh P., tuổi 70, sống ở Mỹ đã 40 năm có lẻ, luyến tiếc một nước Mỹ hiền hòa và đẹp đẽ. “Ra đường chẳng phải lo ngại gì, tối ngủ không cần khóa cửa,” anh nhớ lại và thở dài khi kể ra hàng loạt câu chuyện về người Mỹ gốc Á bị lăng mạ, bị hành hung ở khắp các thành phố lớn mà đài truyền hình và báo chí đều đăng tải.
Anh S. – người được bạn bè ngưỡng mộ vì đã nuôi dạy những đứa con thành đạt từ những ngôi trường mơ ước như Princeton, Yale, Stanford – ngậm ngùi tâm sự về mối bất hòa trong gia đình anh, khi những đứa con lớn lên đã không còn cùng chí hướng với cha mẹ. “Cha con không còn nói chuyện hòa nhã với nhau được nữa. Bọn chúng bây giờ tiêm nhiễm cái tư tưởng liberal (cấp tiến) của mấy ông giáo sư đại học, lúc nào cũng bảo cha mẹ quá conservative (bảo thủ) lỗi thời,” anh S. than thở.
Còn T., một con chiên ngoan đạo, thì trầm lắng hơn: “Nước Mỹ đặt nền tảng trên Thánh Kinh. Dịch giã khiến nhà thờ phải đóng cửa, giáo dân không còn được rước lễ, không còn nghe cha xứ giảng kinh thì xã hội trở nên rối ren, đạo đức suy thoái. Con virus Corona ngó vậy mà thật kinh khủng, còn gây hại lâu dài,” anh nói.
Rồi theo đà đưa đẩy, câu chuyện chuyển dần sang lên án nhà cầm quyền Trung Quốc, tạo ra con virus và phát tán ra ngoài để phá hoại nước Mỹ, giành vị thế thống trị thế giới…
***
Nước Mỹ quả đang gặp nhiều vấn đề cả về chính trị, kinh tế và đạo đức; trong đó nổi bật lên tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa các sắc tộc da trắng da màu, giữa các xu hướng chính trị xanh và đỏ, Dân Chủ và Cộng Hòa, giữa lớp trẻ và lớp phụ huynh, giữa các đô thị và vùng nông thôn… Tình trạng chia rẽ mà sách báo vẫn thường gọi là sự phân cực (polarization) có trong mọi lĩnh vực đời sống và thấm vào từng gia đình, không ai tránh được.
Trên bình diện quốc gia, hầu như sự đồng thuận chính trị trong việc điều hành đất nước đã biến mất, Quốc Hội gần như tê liệt vì mọi quyết định chính sách vấp phải sự chống đối mạnh mẽ. Dự luật HR.1 chẳng hạn – một đạo luật quan trọng bảo đảm quyền bỏ phiếu của công dân Mỹ – khi đưa ra Thượng Viện xem có nên thảo luận và phê chuẩn hay không, đã nhận được một kết quả đáng kinh ngạc 50-50; toàn bộ các thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ bỏ phiếu thuận, nửa còn lại thuộc đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống trong khi túc số tối thiểu để dự luật được tiến triển là 60/40.
Tương tự như vậy, nhiều dự luật khác liên quan tới quốc kế dân sinh cũng đều bị “xếp xó” mà không được phê chuẩn. Một ví dụ, trước thảm nạn các vụ giết người hàng loạt xảy ra gần đây trên khắp nước Mỹ, những đề nghị siết chặt quy định về sở hữu súng, tăng cường kiểm tra nhân thân người mua súng, cấm mua bán các loại vũ khí tấn công như súng AR-15 vẫn bị bế tắc và dư luận xã hội vẫn chia rẽ trầm trọng.
Theo khảo sát ý kiến mà Pew Research – một hãng thăm dò dư luận có uy tín – thực hiện từ ngày 5 đến 11 Tháng Tư, chỉ có hơn một nửa số người Mỹ được hỏi ý kiến (53%) cho rằng luật lệ về súng nên được siết chặt hơn hiện nay. Trong số 53% này có 81% người thuộc đảng Dân Chủ, 20% thuộc đảng Cộng Hòa. Tương tự, 73% số người đảng Dân Chủ tin rằng siết chặt việc sở hữu súng hợp pháp sẽ làm giảm các vụ giết người hàng loạt, nhưng cũng chỉ 20% người Cộng Hòa tin như vậy, trong khi 65% người Cộng Hòa và 23% người Dân Chủ cho rằng siết chặt quy định sở hữu súng chẳng có ý nghĩa gì cho việc giải quyết vấn nạn thảm sát do súng đạn. Bao nhiêu dự định sửa đổi luật lệ về súng đạn đều không thể thực hiện được, và mỗi ngày qua đi lại có thêm một số mạng người bị tước đoạt vô lý.
Có thể liệt kê rất nhiều ví dụ như vậy cho thấy sự phân cực sâu sắc về chính trị trong các vấn đề quốc gia đại sự như quyền bầu cử, quyền phá thai, sự bình đẳng sắc tộc, giới tính… đã làm tê liệt hoạt động quản trị quốc gia hiện nay.
Đừng nghĩ sự phân cực chính trị đó không có tác động gì tới cuộc sống hằng ngày của cá nhân mình, gia đình mình, chỉ cần “an phận thủ thường,” lo làm ăn và chăm sóc gia đình là được. Không hẳn như thế.
Trong đất nước dân chủ, mọi quyết định chính sách dù nhỏ của chính phủ, quốc hội đều ít nhiều có tác động tới cuộc sống từng công dân. Các chính sách tăng lương tối thiểu lên $15 mỗi giờ, trợ cấp thất nghiệp cho người bị mất việc vì dịch bệnh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người sắp bị đuổi nhà chẳng hạn, đều có ảnh hưởng sâu sắc đến túi tiền, đến bữa cơm, đến thu nhập của từng người chúng ta. Ngay cả những chuyện được coi là “nhỏ nhặt” như có cần phải mang khẩu trang ở những nơi đông người như siêu thị, nhà hàng, trường học… hay không cũng bị “chính trị hóa” với người bênh, người chống, không ai chịu ai dù khoa học cho rằng mang khẩu trang làm giảm tình trạng lây nhiễm virus.
***
Tình trạng phân cực đã có từ lâu trong xã hội Mỹ vì đây là một xã hội đa nguyên đa đảng, tôn trọng tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của từng cá nhân, không ép mọi người dân vào cùng một khuôn khổ để tạo ra cái gọi là “đoàn kết” giả tạo như xã hội Cộng Sản. Nhưng phải nhìn nhận chưa bao giờ sự phân cực lại trầm trọng, rộng rãi như hiện nay và gây ra rất nhiều thiệt hại cho đất nước. Một đất nước bị chia rẽ thì không thể giàu mạnh.
Hãy xem vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Lĩnh vực đối ngoại xưa nay vẫn được coi là “biệt lập” với sự phân cực chính trị; cho dù đảng nào lên cầm quyền ở thủ đô Washington, DC, thì chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn tập trung bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, duy trì vị thế hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên hiện nay, sự chia rẽ đảng phái đã xói mòn uy tín của nước Mỹ trong mắt người dân thế giới.
Ông Joe Biden vừa hoàn thành chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ, chuyến đi đánh dấu sự kiện “nước Mỹ đã trở lại” sát cánh cùng các đồng minh Châu Âu đối phó với sự trỗi dậy của các thể chế độc tài Nga và Trung Quốc. Nhưng, tại những nơi mà ông Biden đi qua, các chính trị gia lại hỏi nhỏ nhau: “Nước Mỹ đã trở lại, nhưng được bao lâu?” Danh tiếng của nước Mỹ như là một đất nước ổn định, đáng tin cậy và có thể dựa vào – một cột trụ làm nên sức mạnh mềm của Mỹ – đã bị xói mòn do những mâu thuẫn và đối kháng ngay trong lòng xã hội Mỹ.
Sự đối kháng chính trị đã lên tới mức mà nhà nghiên cứu Rachel Myrick của Đại Học Duke phải gọi là “tinh thần đảng phái tiêu cực” (negative partisanship), trong đó đảng này ra sức ngăn cản đường lối của đảng kia, thậm chí phá hoại những nền tảng mà đảng đối thủ đã thiết lập.
“Vài người mô tả nghị trình chính sách đối ngoại của Tổng Thống Trump là ‘không nhất quán,’ là thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn nhưng chương trình của ông có một chủ đề thống nhất: xóa bỏ các thành tích của cựu Tổng Thống Barack Obama. Tự đặt mình vào vị trí ‘chống-Obama’ về đối ngoại, ông Trump đã nhanh chóng đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm về di dân, thương mại và biến đổi khí hậu,” bà Rachel Myrick viết trên Foreign Affairs, giải thích cụ thể về khái niệm “tinh thần đảng phái tiêu cực.”
Khi ông Joe Biden lên thay, những quyết định đầu tiên của ông là đảo ngược nhiều chính sách của ông Donald Trump như quay lại Hiệp Định Khí Hậu Toàn Cầu Paris, tái gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), mở lại hòa đàm với Iran về vũ khí hạt nhân…
Những cuộc “xoay trục” theo tinh thần đảng phái như vậy làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ không khỏi phân vân: Tổng Thống Biden cam kết “nước Mỹ trở lại” nhưng rồi sau bốn năm nữa, một nhà lãnh đạo khác lên thay, có thể từ đảng Cộng Hòa, thì những cam kết hôm nay còn có ý nghĩa gì hay lại bị “đảo ngược” như chuyện đã và đang diễn ra ở Washington.
Cuộc đối đầu mang tầm thế kỷ giữa dân chủ và độc tài đã bắt đầu, đòi hỏi Hoa Kỳ phải đứng vững ở vị trí chỉ huy, dẫn dắt các nền dân chủ phương Tây chống lại khối chuyên chế Nga và Trung Quốc trên tất cả các mặt trận từ chính trị, kinh tế, công nghệ đến quân sự. Sự kiện uy tín của Hoa Kỳ sụt giảm trên trường quốc tế là một trở ngại cần vượt qua.
Nước Mỹ không thể đoàn kết các đồng minh và đối tác thành một khối đối kháng với Trung Quốc và Nga một khi chưa thể đoàn kết các đảng phái và người dân Mỹ nói chung. Không những thế, sự phân cực chính trị còn gây ra sự thụt lùi về dân chủ ở Mỹ bởi vì phân cực chính trị xói mòn ý niệm về một bản sắc quốc gia chung, cản trở sự tiến bộ trong những vấn đề quản trị đất nước, theo nhận định của tổ chức Freedom House trong báo cáo dân chủ toàn cầu năm 2021.
***
Có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao chính trị Mỹ bị phân cực trầm trọng như vậy, chẳng hạn như sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy mà ông Donald Trump là gương mặt đại diện, sự phát triển của truyền thông xã hội với sự tràn lan của tin giả, tin xuyên tạc, ảnh hưởng chính trị của công cuộc toàn cầu hóa với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, công nghệ và người lao động, sự chia rẽ giữa nông thôn và thành thị.
Sự phân cực chính trị được thấy rõ không chỉ ở Mỹ mà có ở rất nhiều quốc gia khác, nhất là các nước công nghiệp phát triển ở phương Tây có môi trường sinh hoạt dân chủ giống như nước Mỹ. Sự kiện một nửa nước Anh bỏ phiếu Brexit chọn ra khỏi Liên Minh Âu Châu (EU) và một nửa chọn tiếp tục ở lại trong EU là một ví dụ.
Tất cả những nguyên nhân kể trên đều có phần đúng. Nhưng so với các nước Châu Âu, sự phân cực chính trị ở Mỹ trầm trọng hơn rất nhiều, đến mức thành viên của các đảng chính trị nhìn nhau bằng con mắt ngày càng tiêu cực, các quan hệ cá nhân cũng bị biến dạng theo xu hướng chính trị: đa số những người Cộng Hòa chỉ muốn kết thân với bạn bè là người Cộng Hòa cùng chia sẻ quan điểm bảo thủ với họ. Trên mạng xã hội lẫn trong đời sống thực, những người ủng hộ ông Trump lập thành những nhóm riêng, tranh cãi và đối kháng với những nhóm ủng hộ ông Biden và đảng Dân Chủ…
Tuy vậy, sự chia rẽ của nước Mỹ không phải là một định mệnh. Người Mỹ vốn có truyền thống khoan dung và tôn trọng sự khác biệt về mặt quan điểm và lối sống – một đặc điểm tính cách hình thành từ lịch sử chung sống hòa bình các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau.
Thể chế chính trị dân chủ của Mỹ không chỉ tôn trọng sự khác biệt, đa dạng mà đề cao sự thỏa hiệp (compromise) như một nguyên tắc nền tảng của sinh hoạt chính trị. Dù cãi nhau như mổ bò nhưng cuối cùng các đảng chính trị vẫn phải thỏa hiệp với nhau, mỗi bên nhường nhịn một ít, để cùng đi tới một thỏa thuận chung cuộc. Đó là điểm khác biệt về bản chất giữa thể chế dân chủ Mỹ với thể chế độc tài Cộng Sản, vốn chủ trương dùng “bạo lực cách mạng” để trấn áp và dập tắt những tiếng nói đối lập. Có thể nói, sự phân cực làm suy yếu nước Mỹ nhưng chính sự đa dạng lại làm nên sức mạnh của nền Cộng Hòa. Vấn đề là làm thế nào duy trì sự đa dạng nhưng không cực đoan để trở thành chia rẽ.
Một nghiên cứu của cô Vicky Chuqiao Yang ở Viện Santa Fe, cùng với đội ngũ các nhà nghiên cứu của Đại Học Northwestern và UCLA về 150 năm lịch sử chính trị Mỹ cho thấy đa số người Mỹ có quan điểm ôn hòa, nhưng các đảng chính trị thường đưa ra những phát ngôn cực đoan như là cách thu hút lá phiếu của cử tri, nhất là trước những kỳ bầu cử. Tuy nhiên, mỗi đảng đều có những thành phần ôn hòa và cực đoan và trong trường kỳ, thành phần ôn hòa dễ được công chúng chấp nhận hơn.
Sự kiện ông Joe Biden – một chính trị gia được coi là trung dung – đắc cử tổng thống Hoa Kỳ chứ không phải ông Bernie Sanders hay bà Elizabeth Warren – những chính trị gia Dân Chủ được coi là “thiên tả” hơn và được giới trẻ Mỹ ủng hộ nồng nhiệt – là một trường hợp thú vị. Ngay trong đảng Cộng Hòa cũng có những chính trị gia ôn hòa như các Thượng Nghị Sĩ Susan Collins, Lisa Murkowski, Liz Cheney dù họ là thiểu số luôn bị các đồng viện cực đoan ép.
Mới đây, sau nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa, cuối cùng các nghị sĩ ôn hòa thuộc lưỡng đảng và Tổng Thống Biden cũng thỏa thuận được với nhau một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ đô la, công bố hôm 24 Tháng Sáu là một ví dụ cho thấy sự phân cực chính trị có thể được vượt qua vì những điều lớn lao hơn.
Nước Mỹ đang chia rẽ, nhưng kỳ vọng nguyên tắc thỏa hiệp của thể chế dân chủ, cộng với truyền thống bao dung, tôn trọng sự đa dạng về chính kiến và văn hóa sẽ là yếu tố hàn gắn xã hội Mỹ trong thời gian tới. Cũng giống như đại dịch COVID-19 đến rồi đi mà không thể quật ngã nước Mỹ, vết thương rồi sẽ lành, những bữa cơm gia đình rồi sẽ đầm ấm trở lại. Nước Mỹ với nền tảng vững chắc về chính trị, kinh tế, quân sự vẫn sẽ lừng lững đi tới, vượt qua những khó khăn tạm thời để kiến tạo một xã hội bình đẳng hơn, giàu mạnh hơn, đó là điều chắc chắn.
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nuoc-my-bao-gio-thoi-chia-re/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét