Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

6858 - Hồng Quân Liên Xô và 45 năm "lạc lối" ở Hungary

Hoàng Nguyễn 

Hình ảnh chiếu lên tường Nhà thờ thánh Stephen, Budapest, Hungary, nhân kỷ niệm 60 năm cuộc nổi dậy chống lại sự xâm lăng của Hồng Quân Liên Xô. Ảnh chụp ngày 04/11/2016. AP - Zsolt Szigetvary

Tròn 30 năm trước, sáng 19/6/1991, một thanh niên, trong tay nắm chắc chiếc máy ảnh, bồn chồn ngồi trong chiếc xe Trabant trước một biệt thự ở Mátyásföld, vùng ven ngoại ô Budapest. 28 năm sau, phóng viên ảnh nghiệp dư Zámbó László chia sẻ với truyền thông Hungary: ông đã chờ đợi 3 ngày 2 đêm để ghi lại khoảng khắc lịch sử mà cả nước Hung chờ đợi từ nhiều thập niên.

Rốt cục, Zámbó László cũng thấy một người đàn ông Nga mặc âu phục đen ra sau cùng, khi tất cả đều đã rời khu biệt thự. Khi thấy chiếc máy ảnh đang chờ mình, ông ta ngập ngừng rồi đi vào nhà. Một lát sau, ông mới bước ra, khóa cổng cẩn thận, rồi vung vẩy một chiếc ô, lên chiếc Volga màu đen và xe nổ máy tới thành phố Záhony, ngã ba biên giới giữa Hungary với Ukraina và Slovakia, 2 nước khi đó còn thuộc Liên Xô và Tiệp Khắc.

Vào hồi 15h cùng ngày, vẫn người đàn ông nọ, khi đó đã mặc quân phục, nghiêm trang giơ tay chào các sĩ quan Hungary đang đứng thành hàng và chúc tụng. Sau một phát biểu ngắn, ông nói ngắn gọn “Tạm biệt, cầu chúc vạn sự tốt lành!” rồi lên chiếc Volga đen. Xe từ từ chuyển bánh qua cây cầu biên giới, trước sự chứng kiến của tốp ký giả đang săn hình. Trung tướng Viktor Silov, người lính Liên Xô cuối cùng đã rời Hungary như thế.

Từ “tạm thời”, thành “vô thời hạn”

Sự ra đi của vị Tư lệnh Liên quân phía Nam (*) của Liên Xô chấm dứt hơn 45 năm Hồng quân Xô-viết “đồn trú tạm thời” tại Hungary kể từ lúc Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt tháng 5/1945. Tuy nhiên, những hệ lụy của nó, thì đã xảy ra từ trước, vào hạ tuần tháng 6/1941, khi Vương quốc Hungary buộc phải tuyên chiến với Liên Xô sau một vụ không kích không rõ nguồn gốc, mà tới giờ vẫn được coi là bí ẩn lớn nhất trong lịch sử nước Hung.

Ở vào thế không tránh khỏi, Hungary đã trở thành đồng minh với Đức quốc xã trong cuộc chiến chống Liên bang Xô-viết và mặc dù vào thời gian cuối Thế chiến, nước này có tìm cách chạy sang phe Đồng Minh nhưng thử nghiệm đó thất bại, Đệ tam Đế chế đưa quân kiểm soát nước Hung và dựng nên ở Hungary một nội các thân Đức theo xu hướng dân tộc cực đoan. Rượt đuổi quân Đức tới đâu, Hồng quân “tiện thể” chiếm đóng Hungary tới đó!

Trong những giờ khắc rối ren nhất trong lịch sử Vương quốc Hungary, người dân nước này lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”: Đức Quốc Xã và Liên Xô Cộng Sản! Cuối tháng 9/1944, quân đội Xô Viết tràn vào lãnh thổ Hungary, Giáng Sinh năm ấy, thủ đô Budapest bị phong tỏa và toàn bộ nước Hung rơi vào tay các đạo quân của 2 vị thống chế Hồng quân vào trung tuần tháng 4/1945. Không ai nghĩ tình trạng ấy còn kéo dài gần nửa thế kỷ.

Kể từ đó, khẩu hiệu “Quân Nga, cút về nước!” rất được ưa chuộng và trở thành mong muốn thường trực của những người Hung có tinh thần ái quốc, nhưng trước mắt, họ phải chấp nhận một thực tế, là cần chờ đợi. Bởi lẽ, Hiệp định hòa bình năm 1947 ký ở Paris cho phép quân đội Liên Xô đóng quân ở Hungary một cách tạm thời để tiếp viện cho cánh quân đồn trú ở Áo.

Tuy nhiên, mùa hạ năm 1955, người dân Hungary lại hy vọng, bởi lẽ vào ngày 15/5, Hiệp định Quốc gia Áo - Liên Xô tạo điều kiện để Áo tách khỏi vòng kiềm tỏa của Xô Viết và trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn tại Phương Tây. Cơ sở pháp lý để Hồng quân ở lại Hungary không còn, nhưng ngay trong ngày hôm đó, Matxcơva cho thành lập Khối Hiệp Ước Vacxava, liên minh chính trị và quân sự của phe Cộng Sản mà Hungary là một thành viên. Quân Liên Xô tiếp tục ở Hung để bảo vệ “phe Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Hơn 1 năm sau, cách mạng 1956 bùng nổ, khẩu hiệu “Quân Nga, cút về nước!” lại vang lên, nhưng hậu quả là có thêm rất đông chiến xa Xô Viết tràn vào Hungary để đàn áp nỗ lực dân chủ của nước này. Tháng 5/1957, chính quyền mới của Hungary do điện Kremlin lập nên ký Hiệp định Nhà nước với Matxcơva chính thức hóa trạng thái “đồn trú tạm thời” của Hồng quân tại Hung, và đây là chính điều mà tổng bí thư Kádár János mong muốn.

Các tư liệu của kho thư khố Nga về sau này cho thấy, mặc dù năm 1958, thủ lĩnh Cộng Sản Liên Xô Nikita Khrushchev đề xuất để Hồng quân rời Hungary, nhưng Kádár János đã không đồng tình. Từ “đồn trú tạm thời” trở nên “đóng quân vô thời hạn”, lan truyền câu chuyện tiếu lâm chính trị dở cười dở khóc, rằng Hungary là nước lớn nhất thế giới vì quân Liên Xô lạc vào đây từ năm 1945 mà mãi mấy chục năm vẫn chưa tìm được đường ra!

Ở lâu, ra nhanh

Sau hơn 4 thập niên, tình hình hoàn toàn không thay đổi, người Hung dần quen với sự hiện diện của quân đội “ngoại bang”, với hàng trăm trại lính và căn cứ quân sự mà tiếng Nga là thứ tiếng chính thức. Tuy nhiên, từ giữa những năm 80, chính sách cải tổ và công khai hóa của tổng Bí thư Mikhail Gorbachev và các diễn tiến dân chủ tại vùng Đông - Trung Âu đã thúc đẩy quá trình rút quân của Liên Xô diễn ra trong thời gian nhanh khó ngờ!

Sự lụn bại trong nền kinh tế các nước Cộng Sản, may thay, lại mở ra cánh cửa đầu tiên cho việc Matxcơva triệu hồi quân đội. Năm 1988, thủ tướng Hungary Grósz Károly - và 1 năm sau, thủ tướng Németh Miklós - thông báo với điện Kremlin: nước Hung buộc phải giảm chi phí cho quân sự vì túng thiếu, đồng thời thận trọng đưa ra vấn đề Hồng quân nên rút quân. Bước ngoặt thực sự diễn ra cuối năm 1988, tại phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Khi đó, tổng bí thư Mikhail Gorbachev hứa rằng sẽ rút một phần quân đội khỏi 3 nước Đông Âu - Hungary, Ba Lan và Tiệp Khắc - trong 3 năm. Ngày đầu năm 1989, 10.000 lính Liên Xô tại Hungary (chiếm 1/5 tổng quân số khi đó) được lệnh hồi hương. Và các sự kiện ở Hungary đã thúc đẩy nhanh quá trình này: Hung tiến hành “Bàn tròn Dân tộc”, mang dấu ấn một “Hội nghị Diên Hồng”, và đơn phương dỡ bỏ “bức màn sắt” tại biên giới Áo.

Dầu vậy, Budapest vẫn luôn phải “nắn gân” Moscow. Tháng 3/1989, thủ tướng Németh Miklós đàm phán về việc rút quân đội Xô Viết khỏi Hung, nhưng quyết định không được công bố. Theo hồi tưởng sau này của vị chính khách Hung, Mikhail Gorbachev “đập 2 tay và nói, chừng nào tôi còn ngồi ở ghế này, thì 1956 không thể tái diễn”. Hungary hiểu thông điệp đó, và tháng 9/1989, mở biên giới cho hàng trăm ngàn người tỵ nạn Đông Đức.

23/10 cùng năm, đúng vào dịp kỷ niệm cuộc Cách mạng dân chủ 1956, nước Hung tuyên bố đoạn tuyệt với Chủ Nghĩa Cộng Sản và thành lập nền Đệ tam Cộng hòa. Giáng Sinh năm đó, George Bush và Mikhail Gorbachev bàn luận về những vấn đề của thời kỳ chuyển tiếp dân chủ và ôn hòa. Sự có mặt của quân đội Liên Xô ở Hungary trở nên lạc lõng và hoàn toàn vô duyên cớ xét về mọi mặt, và khẩu hiệu “Quân Nga, cút về nước!” không còn là cấm kỵ.

Mùa xuân 1990, trong chiến dịch tranh cử cho kỳ bầu cử Quốc Hội tự do và dân chủ đầu tiên sau hơn 4 thập niên, “Diễn đàn Dân chủ Hungary” (MDF) - chính đảng giành được chiến thắng sau này đã dùng biểu ngữ bằng tiếng Nga “Các đồng chí, chấm dứt đi!”. Tháng 3/1990, ngoại trưởng Hung và Liên Xô ký Hiệp định Nhà nước với điều khoản quan trọng nhất là Matxcơva sẽ cho rút toàn bộ binh lính và nhân viên dân sự với thời hạn 30/6!

Hai ngày sau, khởi đầu đợt rút quân đầu tiên của các đơn vị thiết giáp, và sẽ còn kéo dài hơn 1 năm, vì việc đưa hồi hương hơn 100 ngàn quân nhân và thành viên gia đình, cùng các nhân viên và vài trăm ngàn tấn vũ khí, khí tài đạn dược, xe cộ... là việc không đơn giản. Ngành đường sắt Hungary đã “thắng lớn” trong “phi vụ” này, khi vận động tới 35 ngàn toa tầu cho một “sứ mệnh” chưa từng có trong lịch sử hơn 120 năm của ngành.

Điều thú vị còn ở phía sau

Rốt cục, phía Liên Xô đã hoàn thành cam kết trước thời hạn 2 tuần: chuyến tàu cuối cùng rời Hungary ngày 16/6, nhưng trước đó 2 ngày, sau khi trung tướng Viktor Silov chia tay tổng thống và thủ tướng Hung lúc bấy giờ, báo chí Hung đã “giật tít” “Hungary giành lại hoàn toàn quyền tự quyết”, “Tư lệnh Liên Xô đã từ giã”... “Ngày quan trọng đối với Tổ quốc chúng tôi và quý vị, và với cả châu Âu”, như lời tổng thống Göncz Árpád phát biểu khi ấy.

Tuy nhiên, ngay hôm sau, tướng Viktor Silov đã nhắc nhở, rằng chuyện “tiền nong” vẫn chưa được thanh toán theo ý Matxcơva. Bởi lẽ, theo điện Kremlin, Liên Xô không hề can thiệp vào “công việc nội bộ” của Hungary, Hồng quân đồn trú tại Hung đã khiến nước này tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho quân sự, dân Hung có thêm công ăn việc làm, Liên Xô xây nhiều căn cứ ở Hung và do đó, Budapest phải chi trả khoản “tiền phạt” là 100 tỷ Forint.

Mặc dù không thực hiện lời dọa dẫm trước đó của Liên Xô, rằng sẽ không rút hết quân chừng nào Hungary chưa trả hết tiền, nhưng “tiền nong” vẫn là vấn đề mà tướng Viktor Silov phàn nàn khi chia tay vào hồi 3h chiều hôm 19/6/1991. Báo chí Hungary lưu ý: trên tư cách người lính Xô Viết cuối cùng, nhưng ông không làm điều mà phía Hung muốn, là đi bộ qua cây cầu biên giới Hung - Liên Xô, mà phóng xe qua với chiếu khán ngoại giao trong tay.

Được chứng kiến sự ra đi của tốp quan nhân Liên Xô cuối cùng tại đại bản doanh ở Budapest của họ, phóng viên ảnh Zámbó László, người đã được nhắc tới ở đầu bài, cho hay: lính Xô Viết đã để lại một đống rác khổng lồ khi họ tháo hết nhà cửa và mang đi mọi thứ chổi cùn rế rách. Nhiều người cởi quần áo lính treo lên hàng rào, mặc đồ thường dân và tẩu thoát. Hẳn nhiên là họ không muốn về nước vì ở Hungary cuộc sống ổn hơn tại Liên Xô nhiều.

Báo chí Hungary cho hay, sau thời điểm 19/6, còn thấy lính Liên Xô lai vãng ở nhiều thành phố lớn và sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho các cô gái Hung để có hôn thú giả, nhằm hợp thức hóa sự hiện diện của họ tại Hungary. Trước đó, để được thực hiện “nghĩa vụ quốc tế” ở Hung, họ đã phải đút lót không ít tiền ở quê hương: Hungary khi đó là nước “đầu bảng”, phải “lót tay” 2.000 Rup để được đi, trong khi sang Đông Đức chỉ cần 1.500 Rup!

Trở lại cuộc chiến tài chính, Hungary phải tiếp quản hàng trăm cơ sở quân sự và dân sự của Liên Xô mà hầu như không còn bất cứ thứ gì có thể sử dụng được, vì lính Xô Viết đã tháo dỡ hết về trong 1.500 chuyến tàu liên vận hồi hương, hoặc bán tống hết cho dân Hung tại “chợ đen”. Phía Hungary cho rằng thiệt hại - mà chủ yếu là về môi trường - của Hung còn lớn gấp đôi như vậy, và khởi đầu một xung đột kéo dài nhiều tháng giữa 2 nước.

Rốt cục, đôi bên đi tới một thỏa thuận “hòa giải”, khi cả hai đều từ bỏ yêu sách của mình. Biên bản thương lượng này được tổng thống Nga Boris Yeltsin ký năm 1992 trong chuyến thăm Budapest, kèm 2 điều khoản: Hungary chấp nhận viện trợ nhân đạo về thuốc men trị giá 10 triệu đô la cho Nga và xem xét khả năng giúp đỡ lính Xô Viết hồi hương giải quyết được vấn đề nhà cửa thiếu thốn. Câu chuyện 46 năm kết thúc “có hậu” như vậy.

Năm 2001, Quốc Hội Hungary quyết định lấy ngày 19/6, khi người lính nước ngoài cuối cùng rời nước này, là ngày kỷ niệm cấp quốc gia, bởi lẽ kể từ khi Đức Quốc Xã đưa quân vào Hung ngày 19/3/1944, phải tới ngày 19/06/1991 nước Hung mới không còn bóng “ngoại xâm”. Còn Ngày Tự Do Hungary thì được ấn định vào thứ Bảy cuối cùng của tháng Sáu để khỏi thêm 1 ngày nghỉ lễ, và đây cũng là dịp kỷ niệm được tổ chức tưng bừng ở nhiều nơi tại Hung.

Nhân vật chính của ngày 19/6 - tướng Viktor Silov, một quân nhân người Ukraina - vẫn còn sống và ở cách biên giới Hungary chừng 35km, nhưng ông không muốn phát biểu với báo chí về những gì đã diễn ra. Sau khi rời Hungary, ông còn phục vụ trong quân ngũ tại Moldova trên cương vị Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình. Tại đó, ông bị thương trong chiến trận và bị bắt làm tù binh 2 ngày, chứ không được yên lành như tại nước Hungary...

(*) Tên gọi đầy đủ là Liên quân các lực lượng vũ trang tác chiến - chiến thuật Liên Xô khu vực phía Nam.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20210623-h%E1%BB%93ng-qu%C3%A2n-li%C3%AAn-x%C3%B4-45-n%C4%83m-l%E1%BA%A1c-l%E1%BB%91i-%E1%BB%9F-hungary

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét