Đỗ Ngà
Sau hội nghị Thành Đô, đường lối ngoại giao của ĐCS Việt Nam với ĐCS Trung Quốc vẫn là “16 chư vàng” và “4 tốt”, tuy nhiên trong khoảng 10 năm trở lại đây người dân Việt Nam rất dị ứng với với cụm từ ngoại giao đầy màu sắc thuần phục này. Nhận thấy tung những cụm từ như thế không những không làm dân thuần phục Tàu theo gương đảng mà còn có nguy cơ kích lòng tự tôn dân tộc người Việt lên cao hơn và từ đó sinh ra những phản ứng làm chính quyền mất kiểm soát, vậy nên khoảng 5 năm trở lại đây, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho rút cụm từ này khỏi mặt báo.
Với dân, ĐCS tỏ ra “xa rời” đảng đàn anh hơn để làm hạ nhiệt “tinh thần chống Tàu” của người dân Việt. Đấy là bề ngoài, còn thực chất thì sao? Thực chất thì ĐCS Việt Nam vẫn phải tỏ ra là “đàn em ngoan hiền” luôn phải biết làm sao để ĐCS đàn anh hài lòng về mình. Nghi lễ giữa Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình sắp tới vẫn thế, vẫn phải tỏ ra ngoan ngoãn theo trật tự “em út đáp lễ anh hai” như mọi khi.
Văn hóa nịnh nọt là thứ văn hóa luồn cúi rất đáng khinh. Kẻ xu nịnh luôn phải nghiên cứu, tìm hiểu nhà sếp có ngày đại hỉ nào để chuẩn bị quà cáp và nghi thức để đáp lễ, hoặc tìm xem có ngay tang tóc nào hay không để đáp lễ cho đúng để làm hài lòng sếp. Thường những loại người như thế thì leo rất cao trong văn hóa chính trị trong ĐCS Việt Nam. Điều đáng buồn là thứ văn hóa đáng kinh bỉ này nó không gói gọn ở vấn đề “ngoại giao nội bộ” giữa các quan chức trong ĐCS Việt Nam mà nó còn là nghi thức mà người đứng đầu ĐCS Việt Nam dùng đáp lễ với người đứng đầu ĐCS Trung Quốc.
Theo như tôi được biết, ngày 15/6/2021, dưới dự chủ trì của ông tướng quân đội – Nguyễn Trọng Nghĩa, Ban Tuyên Giáo họp triển khai chiến dịch điều tiết thông tin báo chí để chuẩn bị cho cuộc điện đàm hành lễ của Nguyễn Phú Trọng trước Tập Cận Bình. Trong cuộc họp đó, Ban tuyên giáo cho biết ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chọn nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCS Trung Quốc để gọi điện “hành lễ” với người đứng đầu đảng đàn anh. Trước ngày “hành đại lễ” của người đứng đầu ĐCS Việt Nam, Ban tuyên giáo đã chỉ đạo giới báo chí là không được đưa tin tức “ảnh hưởng đến tình hữu nghị hai nước”, nhiệm vụ của báo chí cần phải ghìm tinh thần chống Tàu của người dân. Đó là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nó như là mệnh lệnh đối với hệ thống báo chí CS. Nếu tờ báo nào lỡ đi sai lề thì sẽ nhận hậu quả.
Trong cuộc họp này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa còn chú ý vấn đề Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia là báo chí phải “bám sát bộ ngoại giao”. Nghĩa là bộ Ngoại Giao Việt Nam im thì báo không được nói, còn Bộ Ngoại Giao nói thì báo chí cũng xem chừng mực của Bộ Ngoại Giao mà đưa tin, không được phạm vào những điều “tối kỵ” ảnh hưởng đến “quan hệ hai nước”.
Đấy là bức tranh ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bản chất thuần phục không đổi, chỉ có ĐCS ngày càng khôn hơn, họ biết điều tiết báo chí để hạ nhiệt lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Có thể nói, ĐCS cai trị dân Việt ngày một tinh vi hơn. Trí khôn của dân Việt không lớn kịp để đối phó sự quỷ quyệt ngày một tinh vi của ĐCS. Đó là điều đáng buồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét