Đưa xe tự hành lên thám hiểm mặt khuất của Mặt trăng vào năm 2019, mang mẫu đất đá Mặt trăng về Trái đất năm 2020, đưa một phần trạm không gian vào quỹ đạo hồi tháng 04/2021, đưa robot hạ cánh xuống Sao Hỏa hồi tháng 05 và đưa 3 phi hành gia lên trạm không gian vào tháng 06, không những vậy, trong thời gian qua Bắc Kinh còn công bố nhiều kế hoạch chinh phục không gian trong tương lai.
Gần đây nhất, hôm 24/06, Reuters cho biết, Bắc Kinh dự kiến thực hiện sứ mệnh đầu tiên đưa người Trung Quốc lên Sao Hỏa vào năm 2033, sau đó là những chuyến đi thường xuyên lên hành tinh đỏ để chiết xuất tài nguyên. Kế hoạch này sẽ thúc đẩy cuộc đua chinh phục Sao Hỏa giữa Mỹ và Trung Quốc. Chương trình chinh phục không gian của Trung Quốc như vậy ngày càng bộc lộ rõ và khiến những đối thủ “nặng ký” còn lại trong không gian, đặc biệt là Mỹ, không khỏi lo ngại.
Tham vọng có từ thời Mao Trạch Đông
Trước hết, cần nói là chương trình không gian của Trung Quốc không phải là gần đây mới có. Trên thực tế, nó được khởi động từ cuối thập niên 1950. Theo bà Isabelle Sourbès-Verger, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), tác giả một cuốn sách về công cuộc chinh phục không gian của Trung Quốc (*), thì ngay cả trước khi Liên Xô lần đầu tiên phóng vệ tinh Sputnik, vào năm 1956, chủ tịch Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông đã nhận định Trung Quốc phải trở thành một “cường quốc không gian” để "được các cường quốc công nhận và hiện diện trong thế giới mới đang được mở ra”.
Nhưng khi khởi động chương trình phóng vệ tinh vệ tinh, Trung Quốc, đang phải đối mặt với sự chậm trễ đáng kể về kinh tế và công nghệ so với thế giới, rồi sau đó phải đối mặt với Cách mạng Văn hóa, với hệ quả là "sự vô tổ chức của các nhóm công nghệ và khoa học”. Tuy nhiên theo chuyên gia Pháp Sourbès-Verger, “chính trong bối cảnh đầy biến động đó Trung Quốc phóng thành công vệ tinh đầu tiên vào năm 1970”.
Ba cột trụ trong chính sách không gian của Trung Quốc
Nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế Pháp Ifri, Marc Julienne, tác giả công trình nghiên cứu “Tham vọng của Trung Quốc trong không gian” (*), giải thích chính từ những năm 1980, sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền với chính sách cải cách và mở cửa, chương trình không gian của Trung Quốc mới thực sự có thể “cất cánh” và bao gồm các chương trình “có cấu trúc tốt và trên hết là đầy tham vọng, với ngân sách lớn hơn rất nhiều”.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã khắc phục các chậm trễ, với những mục tiêu cụ thể. Mục tiêu đầu tiên luôn là phát triển kinh tế và xã hội. Chuyên gia Isabelle Sourbès-Verger của CNRS nhấn mạnh: “Trung Quốc chưa bao giờ có cơ sở hạ tầng trên mặt đất như chúng ta có thể thấy ở các quốc gia phát triển, dù là viễn thông hay các công cụ quy hoạch và quản lý lãnh thổ. Thế nhưng, Trung Quốc lại là một đất nước rộng mênh mông, với rất đông dân số, nhiều khi dân cư sống ở những khu vực khó tiếp cận”. Chương trình không gian có rất nhiều lợi ích, chẳng hạn trong việc quan sát mặt đất, viễn thông, truyền hình nhà nước, thời tiết …
Khía cạnh thứ hai của chương trình, theo nhà nghiên cứu Marc Julienne, là phục vụ “quốc phòng". Ông nhấn mạnh các ứng dụng không gian có tính chất “kép” : phục vụ cả quân sự và dân sự, và đối với Bắc Kinh, mục tiêu là phải "bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lăng từ bên ngoài, trước sức mạnh của Mỹ và Nga ở biên giới" Trung Quốc.
Cột trụ thứ ba, một trong những cột trụ quan trọng nhất hiện nay, theo chuyên gia Julienne, là "sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Các tham vọng và thành tựu trong không gian cho thấy sự hùng mạnh của một cường quốc trên Trái đất : đối với Trung Quốc, không gian là một trong những con đường thực hiện tham vọng trở thành một cường quốc trên thế giới".
Một tham vọng đáng lo ngại
Trên thực tế, các cường quốc khác về không gian đang lo ngại về bước tiến của Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Isabelle Sourbès-Verger, điều khiến Nga bận tâm là Bắc Kinh có “có dự án chính trị lớn đằng sau chương trình không gian. Trong khi đó, tuy từ lâu nay trong lĩnh vực này Nga đã có nhiều công nghệ vượt trội hơn so với Trung Quốc, nhưng lại đang thiếu các dự án chính trị”. Và trong những năm gần đây, Nga cũng không cho thấy có các thành tựu lớn nào về chinh phục không gian. Do đó, Matxcơva liên minh với Bắc Kinh, chẳng hạn trong một dự án cơ bản về mặt khuất của Mặt trăng. Thế nhưng, “rủi ro là tụt từ vị trí thứ nhất xuống thứ hai, điều không mấy dễ chịu đối với lòng tự hào dân tộc khi người ta đã biết đến sự hùng mạnh thời Liên Xô."
Còn đối với Ấn Độ, New Delhi có quan điểm "nghi kỵ, ngờ vực" Trung Quốc, đặc biệt là về ảnh hưởng trong khu vực ở châu Á. Do đó, New Delhi tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách đề nghị hợp tác với các nước châu Á khác trong lĩnh vực không gian. Về mối lo của châu Âu, bà Isabelle Sourbès-Verger giải thích là nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển các năng lực thương mại, đặc biệt là sản xuất vệ tinh, thì nước này có khả năng sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh trên thị trường thương mại về phóng vệ tinh, vốn đã có sự hiện diện của các công ty của Mỹ.
Cuối cùng, nước lo ngại nhất có lẽ là Mỹ. Washington e ngại khi thấy Trung Quốc có được những năng lực mới trong lĩnh vực mà lâu nay Mỹ vẫn coi là "độc quyền" và lo sợ mất vị trí hàng đầu. Vì thế, Mỹ tìm cách “hãm phanh” đối thủ.
Thái độ xa cách của Mỹ
Do yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc không thể gửi phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế ISS. Chuyên gia Marc Julienne của Viện Ifri giải thích: "Hoa Kỳ lo sợ về việc bị Trung Quốc bắt kịp về công nghệ và để Trung Quốc tham gia tức là giúp đỡ Bắc Kinh phát triển chương trình không gian của riêng họ và có nguy cơ để rò rỉ bí quyết và công nghệ”. Cũng chính vì thế mà Bắc Kinh cũng không thể phóng vệ tinh được chế tạo bằng các linh kiện của Mỹ.
Vào năm 2011, Quốc Hội Mỹ đã thông qua luật cấm NASA hợp tác với các tổ chức hoặc công ty Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, vũ trụ. Nhà nghiên cứu Isabelle Sourbès-Verger lưu ý: “Thực sự Mỹ giữ thái độ xa cách về công nghệ vũ trụ, chủ yếu là từ sau sự kiện Thiên An Môn” và ngân sách của Mỹ cho không gian (50 tỉ đô la) vẫn cao hơn nhiều so với ước tính về ngân sách của Trung Quốc (khoảng 15-20 tỉ đô la).
Nhưng quả thực chính việc Mỹ giữ thái độ xa cách, nhằm tránh để Trung Quốc bắt kịp, lại thúc đẩy Bắc Kinh tự xoay xở phần lớn. Muốn nghiên cứu quỹ đạo trong điều kiện không trọng lực, Trung Quốc đã phát triển trạm vũ trụ của riêng mình (CSS). Trạm CSS đang được lắp ráp và rất có thể đưa Trung Quốc lên vị trí mạnh trong những năm tới, bởi vì Trạm không gian quốc tế ISS sẽ ngừng vận hành sau một vài năm nữa. Nhà nghiên cứu Marc Julienne nhận xét: “Trạm không gian của Trung Quốc có thể trở thành trạm vũ trụ duy nhất, của một Nhà nước, phục vụ nghiên cứu khoa học trên quỹ đạo Trái đất vào cuối thập kỷ này”. Nga và Mỹ chắc chắn có dự án của riêng họ (một trạm trên quỹ đạo Mặt Trăng của Hoa Kỳ), nhưng trạm không gian của Trung Quốc sẽ nhanh chóng được hoàn thành từ nay đến năm 2022.
Bắc Kinh đã tuyên bố mở trạm này cho hoạt động hợp tác quốc tế, dường như là hướng đến Nga và các nước đang phát triển như Pakistan, nhưng với điều kiện mà Bắc Kinh đưa ra, theo lưu ý của Marc Julienne. Nếu ISS là một trạm quốc tế (gồm Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Canada và 11 nước châu Âu), hoạt động dựa trên các hiệp ước được ký kết giữa các chính phủ, thì trạm không gian mới sẽ là của riêng Trung Quốc. Do đó, sự hợp tác mà Bắc Kinh thông báo sẽ được thực hiện "theo ý muốn và các điều kiện mà Trung Quốc đề ra". Trạm CSS như vậy có thể sẽ trở thành “đòn bẩy ngoại giao đối với các hồ sơ khác về kinh tế và chính trị, vốn không liên quan gì đến không gian”.
Giải trừ quân bị trong không gian
Trung Quốc cũng đang cố gắng kiềm chế các khả năng của đối thủ về không gian. Cùng với Nga, từ nhiều năm nay, Bắc Kinh đề xuất với Liên Hợp Quốc dự thảo hiệp ước nhằm "ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian". Cả Mỹ và Pháp đều phản đối. Nhà nghiên cứu Julienne nhắc lại Washington tố cáo đó là ý đồ xấu bởi Bắc Kinh và Matxcơva nói đồng thời "Chúng ta phải giải trừ quân bị và cấm đưa vũ khí vào quỹ đạo” và "chúng ta phát triển chúng" với lập luận "chừng nào Mỹ đang phát triển chúng thì chúng tôi phải phòng vệ”. Vì thế, Trung Quốc và Nga có các chương trình tên lửa chống vệ tinh bắn từ Trái đất, vũ khí laser, vũ khí điện từ ... Điều mơ hồ khác là Nga và Trung Quốc không nói liệu họ có loại bỏ các vũ khí trên sau khi hiệp ước được ký kết hay không.
Hơn nữa, một trong những vấn đề lớn đối với Hoa Kỳ là sự thiếu vắng một cơ chế giám sát sau khi văn bản được ký kết, vốn dĩ là một phương thức xác minh phổ biến trong các hiệp ước quốc tế (ví dụ về vũ khí nguyên tử). Cần lưu ý rằng những loại vũ khí này vẫn đang trong quá trình phát triển và những vũ khí mà một số nước đã làm chủ thì rất khó tháo dỡ (chẳng hạn việc phá hủy vệ tinh).
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210629-trung-qu%E1%BB%91c-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-qu%E1%BB%91c-kh%C3%B4ng-gian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét