Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

6883 - Bản tin ngày 25-6-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Không quân Trung Quốc liên tục “lăm le” Biển Đông. Từ năm 2020 đến nay, trong khi các nước trong khu vực phải ứng phó với đại dịch Covid-19, TQ vẫn tăng cường hoạt động không quân ở Biển Đông. Bắc Kinh nhiều lần điều động các loại máy bay quân sự xâm phạm không phận Đài Loan và một số nước Đông Nam Á.

Từ năm 2020, máy bay trinh sát KJ-500 và máy bay săn ngầm KQ-200 cũng xuất hiện ở bãi đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. TS James Holmes, chuyên gia chiến lược hàng hải, trường cao đẳng Hải chiến Mỹ, nhận định: “Việc triển khai máy bay trinh sát, cảnh báo sớm ở quần đảo Trường Sa là cách Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát mọi động tĩnh ở Biển Đông”.

Diễn biến mới trong cuộc đàm phán Biển Đông : Ấn Độ kêu gọi COC không được làm phương hại đến các bên thứ ba, RFI đưa tin. Phát biểu tại Hội Nghị Cấp Cao Đông Á, thứ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ khẳng định: “Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đang trong quá trình đàm phán giữa các thành viên khối Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc phải hoàn toàn tuân thủ luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS và không được gây thiệt hại đến quyền lợi của các bên thứ ba”

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời lãnh đạo ngoại giao Đài Loan: Cần chuẩn bị cho viễn cảnh xung đột quân sự với TQ. Đài CNN có buổi phỏng vấn độc quyền với ông Joseph Wu, Ngoại trưởng Đài Loan. Ông Wu cảnh báo, trong bối cảnh TQ leo thang đe dọa về quân sự, nhất là sau vụ TQ huy động tới 28 máy bay áp sát không phận Đài Loan, thì Trung Hoa Dân Quốc “cần chuẩn bị” cho khả năng xảy ra chiến tranh với TQ.

Ông Wu nói: “Với tư cách là những người ra quyết định cho Đài Loan, chúng tôi không thể để bị động trông chờ vào cơ hội, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng. Khi chính phủ Trung Quốc nói họ sẽ không từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực, cũng như thực hiện nhiều cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, chúng tôi nghĩ là mình thà tin viễn cảnh xung đột là có thật”

Báo Thế Giới và VN có bài nhận định về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung: Ván bài ‘đỏ nhiều hơn đen’ của Tổng thống Joe Biden. Đó là sự kiện khả năng diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome, Ý, cuối tháng 10/2021. Phía Mỹ đã để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch TQ nếu TQ đồng ý, hoặc một cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết: “Câu hỏi hiện giờ là thời gian và cách thức tổ chức cuộc gặp”.

Ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Nga, Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Geneva: “Không gì có thể thay thế được một cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo”. Giới chức Mỹ cho biết, mục tiêu của Tổng thống Biden trong cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tương tự như mục tiêu được đặt ra trong cuộc hội đàm kéo dài 3 tiếng vừa diễn ra với Tổng thống Nga Putin tại Thụy Sỹ. Các mục tiêu bao gồm: Phá băng, thăm dò lập trường đối phương và mở ra các kênh liên lạc.

Cập nhật tình hình Covid-19 ở VN

Bộ Y tế thông báo: Sáng 25-6, thêm 91 ca Covid-19, TP HCM và Bình Dương có nhiều ca đang điều tra dịch tễ, thủ phủ miền Nam có 8 ca và vùng công nghiệp lớn nhất Đông Nam Bộ có 2 ca đều đang điều tra dịch tễ. Bộ Y tế cập nhật: Trưa 25-6, thêm 112 ca Covid-19, TP HCM và Long An có 71 ca, gồm 50 ca ở Sài Gòn và 21 ca ở Long An, các ca còn lại rải rác trên 8 tỉnh, thành.

Chiều nay, Bộ Y tế cho biết, có thêm 102 ca Covid-19, riêng Sài Gòn thêm 54 ca, các ca còn lại rải rác ở 10 tỉnh, thành. Tổng cộng, hôm nay, VN ghi nhận thêm 305 ca nhiễm, với 282 ca lây nhiễm trong nước, riêng thành Hồ có 161 ca mới.

Trong khi Bộ Y tế vẫn chỉ công bố số liệu cho thấy mức tăng số ca bệnh chưa có gì đột biến, thì Sở Y tế TP HCM lại công bố số liệu gây chấn động chiều nay: TP HCM ghi nhận 667 ca nhiễm trong 24 giờ, phần lớn trong khu cách ly, VnExpress đưa tin. Số liệu thông báo trong cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM chiều nay, 667 ca được ghi nhận từ 6h sáng hôm qua đến 6h sáng hôm nay, trong đó có 637 ca ở trong khu cách ly hoặc khu vực đã bị phong tỏa. Có 99 ca trong khu phong tỏa và 538 ca trong khu cách ly.

Còn có 14 ca đang điều tra dịch tễ, được phát hiện qua khám sàng lọc, gồm một ca tại BV Phạm Ngọc Thạch, một ca tại BV quận 12, một ca tại BV Lê Văn Thịnh, 2 ca tại BV Đại học Y dược, 2 ca tại BV Nguyễn Tri Phương, 2 ca tại BV Thống Nhất, một ca tại BV Quốc Ánh, một ca tại BV Bình Tân, một ca tại BV Ung bướu, một ca tại Trung tâm Y tế Thủ Đức và một ca tại BV Vạn Hạnh. Có một hộ lý đang công tác tại Trung tâm Y tế Bình Thạnh, bị phơi nhiễm nghề nghiệp, phát hiện qua xét nghiệm tầm soát. 

VTC có clip về diễn biến chấn động mới của dịch Covid-19: TPHCM lập kỷ lục thêm 667 ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ.

Theo Sở Y tế thành Hồ, 667 ca này được ghi nhận từ 6h sáng hôm qua đến 6h sáng hôm nay, lẽ ra phải được Bộ Y tế cập nhật và xếp số bệnh nhân. Nhưng theo số liệu về các ca nhiễm Covid-19 do Bộ Y tế cập nhật từ sáng qua tới sáng nay, Sài Gòn chỉ có thêm hơn 200 ca nhiễm. Có sự chênh lệch lớn giữa số liệu của Bộ Y tế và của HCDC, mà không cơ quan, ban, ngành hay tờ báo “lề phải” nào giải thích. 

Với 667 ca nhiễm Covid-19 mới chỉ trong một ngày, thì số liệu của riêng Sài Gòn trong buổi chiều 25/6 đã hoàn toàn vượt qua mọi “kỷ lục” trước đó về số ca nhiễm, vượt qua “kỷ lục” ngày 17/6 với 515 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 503 ca lây trong nước. Ngay cả vùng dịch có tổng số ca nhiễm cao nhất ở VN tới thời điểm này là tỉnh Bắc Giang, cũng chỉ ghi nhận mức tăng đột biến cao nhất là 375 trường hợp vào ngày 25/5

Một con hẻm trên đường Tôn Thất Thuyết trở thành ổ dịch: 50 ca nghi Covid-19 trong khu phong tỏa hẻm quận 4, VnExpress đưa tin. Nhóm 50 ca này nằm trong số 677 ca nhiễm được Sở Y tế TP HCM công bố chiều nay, đang chờ Bộ Y tế công bố, vẫn chỉ được xem là các ca nghi nhiễm. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), 50 ca nghi nhiễm này liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại vựa ve chai Đề Thám, quận 1.

Bệnh nhân số 12.345 là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận liên quan đến vựa ve chai này, có đồng nghiệp làm chung là ca 12.399, đã ở quận 1 từ ngày 30/5, không về nơi cư trú là hẻm 76 đường Tôn Thất Thuyết. Tối 20/6, 2 người con của ca 12.399 có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa hẻm 76 và lấy mẫu xét nghiệm người dân, tới nay phát hiện thêm 50 ca nhiễm.

Trong tình hình vùng dịch ở Sài Gòn tăng đột biến, GĐ HCDC Nguyễn Trí Dũng đề xuất, TP.HCM cần tính đến phương án ‘sống chung’ với dịch Covid-19, báo Thanh Niên đưa tin. Ông Nguyễn Trí Dũng lưu ý, 68% số ca bệnh hiện nay không có triệu chứng, so với giai đoạn đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm nhóm “Truyền giáo Phục Hưng” có 68% ca bệnh có triệu chứng, bây giờ thì đảo ngược lại. 

Ông Dũng phân tích: “Qua những con số trên, có thể nhận định khi phát hiện những ca chỉ điểm, truy vết ngược lại thì ra một chùm ca bệnh mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám thì sẽ bị bỏ qua và chúng ta chạy chậm hơn dịch bệnh là điều thấy rõ”

Dịch cũng tiếp tục lây lan ở miền Tây, ngay trong “phòng tuyến” chống dịch của tỉnh Đồng Tháp: CDC tỉnh Đồng Tháp đóng cửa, VnExpress đưa tin. Trong cuộc họp khẩn sáng nay, UBND tỉnh Đồng Tháp thông báo, CDC tỉnh này phát hiện 10 ca nghi nhiễm mới, liên quan đến ca F0 đang điều trị tại khoa nội BV Đa khoa Sa Đéc, bao gồm 8 ca là người nhà, người nuôi bệnh của F0.

Một nam nhân viên hành chính của CDC Đồng Tháp từng thăm nuôi ca bệnh F0 nói trên tại BV Đa khoa Sa Đéc, đã chủ động khai báo và có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. CDC tỉnh Đồng Tháp vẫn đang truy vết các F1, F2 liên quan đến chuỗi lây nhiễm mới tại đây.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế họp khẩn về tiến độ thử nghiệm vaccine COVID-19 Nano Covax, VTC đưa tin. Trong cuộc họp sáng nay, các lãnh đạo và chuyên gia ngành Y tế “đánh giá tiến độ, kết quả triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax đến thời điểm hiện tại; qua đó xem xét mở rộng địa điểm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nanogen”.

BBC đặt câu hỏi về vaccine Trung Quốc gửi sang Việt Nam: Vừa có hiểu lầm ngoại giao? Báo South China Morning Post có bài về vụ VN “thất hứa” với TQ, dù trước đó đã chấp nhận sẽ ưu tiên chích vaccine Covid-19 do TQ viện trợ cho công dân TQ ở VN. Bài báo dẫn lại thông báo: “Theo sự nhất trí của Trung Quốc và Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần cam kết rằng vaccine do Trung Quốc cung cấp trước tiên sẽ đến tay người Trung Quốc ở Việt Nam, người Việt Nam có kế hoạch làm việc tại Trung Quốc và người Việt Nam sống gần biên giới Trung Quốc”.

RFA có bài: Chính phủ chi tiền tỷ xây tượng đài trong khi xin tiền dân mua vắc-xin ngừa COVID-19. Trong khi nhà nước vẫn đang huy động bộ máy tuyên truyền spam tin nhắn điện thoại và các hình thức kêu gọi khác để xin tiền dân góp quỹ vaccine Covid-19, lại có thông tin công trình tượng đài trăm tỷ mang tên “Con tàu tập kết” ở tỉnh Thanh Hoá, sẽ khởi công vào quý 3/2021.

Tin giáo dục

Cơ quan cảnh sát điều tra, C03, của Bộ Công an ra quyết định khởi tố hàng loạt bị can liên quan đến sai phạm ở Sở Giáo dục đào tạo Quảng Ninh, báo Giáo Dục VN đưa tin. Đây là vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan, trong dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học của tỉnh này, với bị can chính là Vũ Liên Oanh, cựu GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Các bị can (từ trái qua phải) gồm: Vũ Liên Oanh, cựu GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và Hà Huy Long, cựu phó Phòng Kế hoạch Tài chính thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bộ Công An/ GDVN

Trang An Ninh Thủ Đô đưa tin: ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội phản hồi thông tin thí sinh bị “gạ” đóng tiền xét tuyển. Vụ một số HS bị “gạ” nộp tiền và học bạ để xét tuyển vào ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Hội đồng tuyển sinh trường này đã chính thức phản hồi và cảnh báo phụ huynh và thí sinh nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị trục lợi.  Nhà trường khẳng định, không giao cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào tuyển sinh hệ chính quy năm 2021. 

Báo Giáo Dục VN dẫn lời PGS Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng ĐH của ĐH Huế: Chứng chỉ đã và đang gây lãng phí, tốn kém rất lớn cả về thời gian và tiền bạc. Ông Chương nhận định, vụ bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên là hợp lý dù muộn, nhưng muộn còn hơn tiếp tục gây vất vả cho nhiều cơ sở tuyển dụng, thi tuyển nâng ngạch, bổ nhiệm. Ông Chương chỉ ra: “Chứng chỉ đã và đang gây lãng phí và tốn kém rất lớn cả về thời gian và tiền bạc”.

Ông Chương cho biết: “Qua nhiều năm làm quản lý đào tạo và qua tham gia nhiều đoàn kiểm định các chương trình đào tạo, tôi nhận thấy việc công bố chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo với đạt chuẩn đầu ra đã công bố vẫn còn một khoảng cách rất lớn mà nguyên nhân là do cơ quan quản lý chưa có các công cụ thanh tra, kiểm tra, giám sát đến chuẩn đầu ra”.

https://baotiengdan.com/2021/06/25/ban-tin-ngay-25-6-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét