Trường Sơn
Hình minh hoạ. Một em bé Việt Nam ở Campuchia cùng một con chó trên một chiếc thuyền ở một làng nổi tại dòng Mekong, Phnom Penh.
Số phận của hàng ngàn người gốc Việt tại Campuchia cũng giống như quả bóng bị đá qua đá lại trong một trận cầu không có hồi kết, một bên là chính phủ Cambodia một mực muốn trục xuất những người mà họ cho là “cư trú bất hợp pháp” bất chấp thực tế những người đó được sinh ra trên đất Campuchia, bên còn lại là chính phủ Việt Nam vốn luôn làm mọi cách để một cuộc di cư về Việt Nam không xảy ra.
Việc chính quyền thủ đô Phnom Penh trục xuất hàng trăm gia đình gốc Việt sống trên các căn nhà nổi trên dòng sông Tonle Sap là diễn biến mới nhất trong chuỗi các sự kiện liên quan đến người gốc Việt ở Campuchia, vốn là đề tài nhạy cảm và tạo ra tranh luận gay gắt trong nền chính trị Xứ Chùa Tháp.
Người Việt giơ đầu chịu báng trong nền chính trị Campuchia
“Nhìn vào chính sách nhập cư trong khoảng 20 năm vừa qua, trong đó phần lớn nhắm đến người gốc Việt, tôi có thể khẳng định rằng đảng CPP cầm quyền ở Cambodia nhắm đến người gốc Việt với mục đích kiếm phiếu bầu trong các cuộc bầu cử”, Tim Frewer, chuyên gia nghiên cứu Campuchia cho RFA biết quan điểm của ông trong vấn đề người gốc Việt.
Sở dĩ chính phủ Campuchia do đảng CPP (Đảng Nhân dân Campuchia) kiểm soát sử dụng người gốc Việt như tốt thí trong cuộc đua giành phiếu bầu, theo ông Tim Frewer là để chứng minh rằng chính quyền Cambodia không phải là “con rối của Việt Nam”, điều mà các đảng đối lập ở Cambodia cáo buộc. Ngoài ra, tâm lý bài người gốc Việt và Việt Nam vốn bám rễ trong lòng xã hội Cambodia cũng thúc đẩy chính quyền nước này tạo ra các chính sách mang hơi hướng dân tuý nhằm thu hút sự ủng hộ của nhóm cử tri theo chủ nghĩa dân tộc, theo ông Tim.
Đơn cử, trong cuộc bầu cử cấp xã gần đây nhất ở Campuchia diễn ra vào năm 2017, đảng cầm quyền của thủ tướng Hun Sen tuy dành chiến thắng ở 1,156 xã trên tổng số 1,646 xã trên cả nước, nhưng lại chỉ giành được 51 phần trăm số phiếu phổ thông, một sự sụt giảm nghiêm trọng so với kỳ bầu cử trước. Ngay sau đó, chính phủ ban hành chính sách tịch thu giấy tờ tuỳ thân của 70 ngàn người nhập cư, phần lớn trong số đó là người gốc Việt, biến hàng chục ngàn người trở thành người vô tổ quốc.
Việc tâm lý bài người gốc Việt ăn sâu và phổ biến trong lòng xã hội Campuchia, theo ông Tim Frewer, bị làm trầm trọng thêm bởi cách mà các đảng đối lập ở nước này nói về người gốc Việt trong các cuộc tranh luận.
“Hầu như tất cả các đảng đối lập ở Campuchia đều có xu hướng bài người Việt, đặc biệt là đảng đối lập chính trước đây (Đảng Cứu nguy Dân tộc Cambodia). Họ muốn chứng tỏ cho người Cambodia thấy tinh thần dân tộc của họ bằng cách ác quỷ hoá người gốc Việt”, ông Tim Frewer nói.
Trước khi bị giải thể vào tháng 11 năm 2017, Đảng Cứu nguy Dân tộc Cambodia (CNRP) là đảng đối lập lớn nhất ở Campuchia. Các lãnh đạo của đảng này vận động tranh cử dựa trên chính sách bài người gốc Việt, thậm chí là tuyên bố sẽ trục xuất người Việt nếu được cầm quyền. Tuy đã bị giải thể, nhưng theo ông Tim Frewer thì những người ủng hộ của đảng này vẫn tiếp tục cổ xuý cho tâm lý bài người Việt.
Hệ quả là khi chính quyền Phnom Penh ra lệnh đuổi những gia đình gốc Việt sống trên nhà nổi lên bờ, thì đã có một làn sóng bài người gốc Việt nổi lên trên mạng xã hội ở Campuchia, theo quan sát của phái bộ Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đóng tại nước này.
Việt Nam với chính sách đừng về
"Việt Nam thông hiểu chính sách phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ cảnh quan môi trường của Campuchia, đồng thời mong rằng việc di dời được triển khai theo lộ trình hợp lý, khả thi, có bố trí khu vực tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thuộc diện di dời sớm ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội”.
Đây là lời phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về việc chính quyền Campuchia trục xuất người gốc Việt ở Phnom Penh ra khởi nơi cư trú.
Chính sách của chính quyền Việt Nam, thông qua phát ngôn của bà Thu Hằng, có thể được hiểu rằng Việt Nam muốn Campuchia cho những người này tiếp tục ở lại, thay vì khuyến khích họ trở về Việt Nam.
Theo chuyên gia nghiên cứu Campuchia, Tim Frewer, thì đây là chính sách xuyên suốt của chính phủ Việt Nam trừ trước đến nay. Ông nói:
“Chính quyền Việt Nam tỏ ra nhất quán trong chính sách của họ đối với người gốc Việt kể từ những năm 90, họ coi những người này là người Campuchia”.
Hôm 8 tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Bùi Thanh Sơn, đề nghị Campuchia “cấp quốc tịch” cho người gốc Việt trong cuộc gặp với người đồng cấp bên phía Campuchia. Đây không phải là lần đầu tiên phía Việt Nam đưa ra đề nghị trên. Vào tháng 8 năm 2019, trong Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam, chính phủ Việt Nam cũng đã đề nghị Campuchia trao quốc tịch cho những người gốc Việt sinh sống ở nước này, tuy nhiên đề nghị trên đã bị phía Campuchia khước từ.
Chính quyền Việt Nam tỏ ra nhất quán trong chính sách của họ đối với người gốc Việt kể từ những năm 90, họ coi những người này là người Campuchia - Tim Frewer
Mặc dù chính quyền Việt Nam không khuyến khích người gốc Việt ở Campuchia quay về, nhưng nhiều gia đình đã thực hiện việc di cư về Việt Nam trong những năm qua do không thể trụ lại ở Cambodia. Năm 2019, RFA đã thực hiện phóng sự về cộng đồng người Campuchia gốc Việt sinh sống tập trung ở khu vực hồ Dầu Tiếng ở tỉnh Tây Ninh, và được người dân ở đây cho biết họ không được chính quyền Việt Nam cấp giấy tờ tuỳ thân cho dù đã trở về được nhiều năm.
Việc không cấp giấy tờ tuỳ thân cho người trở về từ Campuchia rất có thể là vì chính quyền Việt Nam muốn gửi thông điệp cho người gốc Việt rằng về Việt Nam cũng không giải quyết được gì, do vậy sẽ ngăn chặn được làn sóng di cư ồ ạt.
Trong lúc hai nhà nước có những chính sách đối nghịch nhau, một bên muốn đuổi và bên còn lại không muốn nhận, người Campuchia gốc Việt vẫn phải tiếp tục sống trong cảnh bấp bênh với thân phận vô tổ quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-in-cambodia-stuck-in-fight-between-phnom-penh-and-hanoi-06242021085139.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét