Người Buôn Gió
Nhìn bảng liệt kê trình độ của tân phó chủ tịch Hà Nam Nguyễn Đức Vượng với khuôn mặt sáng sủa của ông, có lẽ ai cũng nghĩ trình độ của ông này là có thật. Thạc sĩ quản lý kinh tế, đại học luật, đại học kinh tế và tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp. Đó là những gì trong sơ yếu lý lịch ứng cử đại biểu quốc hội của ông.
Ở tuổi đôi mươi, Nguyễn Đức Vượng học 1 năm ở trường sĩ quan pháo binh Sơn Tây, sau đó chuyển về làm nhân viên công ty lương thực. Như vậy có thể khẳng định luôn, những bằng cấp hoành tráng kia là Vượng có được ở thời kỳ sau này, chứ không phải học chính quy như các sinh viên. Tức Vượng học tại chức. Kiểu vừa học, vừa công tác.
Đây là ưu điểm nổi bật nhất của lãnh đạo ta, ưu điểm mà những sinh viên của chúng ta khó mà có được. Nhiều sinh viên được bố mẹ nuôi, không phải lo lắng gì về cơm áo, nhưng chật vật mới tốt nghiệp một trường đại học để có tấm bằng. Còn lãnh đạo ta ở tuổi sinh viên thì đi làm nhân viên quèn ở đâu đó, sau leo được dần lên có chức cao thì đi học cao hơn. Chức cao thì trách nhiệm nhiều, công việc nhiều, thời gian lo cho dân cho nước nhiều. Nhưng lãnh đạo ta vẫn có thời gian để học và dành được hết bằng này đến bằng khác.
Bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp của Nguyễn Đức Vượng bắt đầu khi ông ta được làm địa chính ở Duy Tiên, quê nhà ông ta. Sau đó được làm trưởng phòng tài nguyên môi trường của huyện Duy Tiên vào thời điểm năm 2001 đến 2005.
Đến đây chúng ta quay sang nói đến một nhân vật khác có bước tiến thần kỳ cũng vào thời điểm này, đó là Nguyễn Minh Hoàn, sinh năm 1970 tại Duy Tiên. Đang là nhân viên của một công ty quèn, bỗng nhiên Hoàn nhảy lên làm phó tổng giám đốc cho công ty khoáng sản Hà Nam.
Hoàn là em trai ruột của Nguyễn Đức Vượng.
Thật tài tình, một khi lãnh đạo ta đã tài thì cả họ cũng tài theo, đặc biệt là tài năng trong họ hàng thường phát triển cùng lúc hoặc sau một chút khi lãnh đạo ta nhậm chức.
Anh trai làm quan chức quản lý khoáng sản, tài nguyên, môi trường ở huyện nhà. Ngay lâp tức em cũng lắc mình như Tôn Ngộ Không trở thành lãnh đạo công ty khai tháng khoảng sản. Đang là nhân viên kinh doanh công ty thực phẩm, Hoàn bỗng như Thánh Gióng vươn mình thành phó giám đốc tổng công ty cổ phần khoáng sản Hà Nam.
Thời kỳ Nguyễn Đức Vượng làm trưởng phòng tài nguyên môi trường ở Duy Tiên từ năm 2005 đến phó chủ tịch huyện Duy Tiên, rồi chủ tịch huyện Duy Tiên đến năm 2015 xảy ra môt vụ đền bù đất vô tiền khoáng hậu, một cái giá rẻ mạt chưa từng có, khiến nhân dân bức xúc kéo đến trụ sở chính quyền gây náo loạn. Đó là vụ đền bù 5000 mét đất nông nghiệp với giá 2,2 triệu đồng. Tức chưa đến 500 đồng một mét vuông. Nông dân bị hại lúc đó là ông Lê Hồng Ngọc ở xã Tiên Tân huyện Duy Tiên.
Uỷ ban tỉnh Hà Nam lúc đó đã bao che cho chủ tịch Duy Tiên Nguyễn Đức Vượng, nhân chuyến làm việc của đoàn liên ngàng gồm Bộ Công An, Thanh Tra chính phủ, Văn phòng trung ương đảng về Hà Nam năm 2010 để xem xét giải quyết đơn thư tố cáo trước thềm đại hội 11 năm 2010, chính quyền Hà Nam đã trả lời nhân dân khiếu nại rằng quyết định đền bù 500 đồng một mét đất đã được đoàn liên ngành thanh tra thấy đúng.
Việc bao che của uỷ ban tỉnh Hà Nam cho hành vi cướp đất nông dân, đã khiến cả gia đình ông Lê Hồng Ngọc điên loạn. Thử hỏi đất đai đanh canh tác mấy chục năm trời, bao nhiêu công sức tôn tạo, bao nhiêu hoa màu, ao, vườn...được đền bù 500 đồng môt mét vuông. Người dân nào mà không thành bị thần kinh, cởi truồng đến trụ sở công quyền phản đối ?
Lão nông Lê Hồng Ngọc năm đó 80 tuổi. Trang trại của ông nằm sát đường quốc lộ 1A.
Âm mưu của Nguyễn Đức Vượng cướp trắng 5000 mét đất nông nghiệp mà ông Lê Hồng Ngọc sử dụng, tôn tạo từ năm 1982 đã manh nha ngay từ khi Vượng làm địa chính huyện. Trên cương vị địa chính và tài nguyên môi trường, Vượng đã gây cản trở, tác động để ông Ngọc không được ký hợp đồng thầu khoán theo luật đất đai sửa đổi năm 2003. Khiến ông Ngọc không thành người sử dụng hợp pháp, làm cơ sở để Vượng cướp trắng đất của ông khi lên cương vị chủ tịch huyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét