Jackhammer Nguyễn
Lại một minh chứng nữa cho chuyện quân đội đứng ngoài chính trị có ích như thế nào cho một thể chế dân chủ. Ngày 25/6/2021, truyền thông Mỹ đưa tin về một quyển sách của nhà báo Michael Bender, mang tựa đề “Frankly, We Did Win This Election”, tạm dịch, “Thật sự chúng ta đã thắng cuộc bầu cử”.
Ông Bender là phóng viên của tờ báo khuynh hữu Wall Street Journal, ông phụ trách tin tức từ tòa Bạch Ốc. Trong quyển sách mới mà nhiều nhà bình luận gọi là một tiếng sấm giữa trời quang, ông Bender tường thuật một buổi họp tại tòa Bạch Ốc, tìm cách đối phó với những cuộc biểu tình đòi bình đẳng của người da đen, sau khi ông Georges Floyd, một người đàn ông da đen bị một cảnh sát da trắng là Derek Chauvin đè chết (ngày 25/6/2021, Chauvin bị kết án 22 năm rưỡi tù giam).
Những cuộc biểu tình giận dữ bùng nổ khắp nước Mỹ, làm cho uy tín tổng thống đương nhiệm là Donald Trump lúc đó sa sút, trong khi chỉ còn vài tháng là đến ngày bầu cử.
Ông Trump giận dữ, đòi quân đội Mỹ can thiệp, “đập vỡ sọ” những người biểu tình, và bắn họ chết hết.
Tướng Mark Milley, Tham mưu Trưởng Liên quân Mỹ lúc đó từ chối và nói rằng, đó là những cuộc biểu tình. Ý ông Milley nói rằng, đó là vấn đề chính trị, không dính dáng tới quân đội.
Stephen Miller, cố vấn thân cận của ông Trump, nói rằng, quân đội phải thiết lập những vùng chiến sự, tướng Milley nói ông Miller, hãy câm miệng lại, theo Michael Bender.
Sau khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11/2020, ông Trump liên tục tung tin vịt là ông bị gian lận. Ngày 6/1/2021, ông ta kích động những người ủng hộ ông một cách cuồng tín, làm loạn, tấn công vào điện Capitol, trong lúc Quốc hội Mỹ chuẩn bị tuyên bố chính thức, ông Joe Biden là tổng thống. Cuộc nổi loại đã bị cảnh sát và vệ binh quốc gia dẹp tan. Đến nay có khoảng 500 người bị bắt, chờ ngày ra tòa.
Gần 1 tháng sau, ngày 1/2/2021, quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi và cầm quyền cho đến nay. Miến Điện thật sự bước vào một cuộc nội chiến mới.
Hãy tưởng tượng rằng, tướng Mark Milley nhúng tay vào chính trị, ủng hộ ông Trump “đập bể sọ” những người biểu tình, rồi sau đó cùng nhóm bạo loạn ngày 6/1 bắt nhốt hết các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ, chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn nước Mỹ sẽ xảy ra nội chiến như ở Miến Điện!
Nhưng nước Mỹ không phải là Miến Điện. Tường trình của Michael Bender cho thấy, vị trí phi chính trị của quân đội đủ mạnh đến mức vô hiệu hóa tham vọng độc tài của những kẻ như Trump.
***
Các nhà lãnh đạo Việt Nam hãy nhìn vào đó để đừng mắng chửi những người mong muốn phi chính trị quân đội Việt Nam. Quân đội Việt Nam phải trung thành với tổ quốc Việt Nam, không nên trung thành với đảng Cộng sản Việt Nam.
Chuyện gì sẽ xảy ra, khi ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Tấn Dũng tranh quyền hồi Đại hội đảng 12, quân đội đứng về phía ông Dũng, lật đổ ông Trọng? Chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào trường hợp nội chiến như Miến Điện hiện nay.
Quân đội Mỹ đứng ngoài chính trị, nên những cuộc chuyển giao quyền lực luôn xảy ra êm thắm từ nội chiến (1861-1865) đến nay. Tham vọng của một kẻ độc tài như Donald Trump, kích động bạo loạn, cũng không qua được cấu trúc nhà nước dân chủ đó.
Không chỉ đảng Cộng sản Việt Nam nên đọc quyển sách của Michael Bender, mà những người đối kháng với đảng Cộng sản cũng nên đọc quyển sách ấy, vì có một số “nhà bất đồng chính kiến” Việt Nam ủng hộ Donald Trump, ủng hộ cả chuyện quân đội Mỹ nên can thiệp để giúp Trump tiếp tục nắm quyền.
“Những nhà bất đồng chính kiến” mà ông Trương Nhân Tuấn gọi là những nhà “dân chủ xà bần” này không hiểu gì về một thể chế dân chủ, trong huyết quản của họ vẫn chảy một dòng máu quân phiệt độc tài, y như những người mà họ chống.
Tựa cuốn sách của Michael Bender như một lời tán thán, chúng ta thắng cuộc bầu cử rồi, chúng ta ở đây là tất cả những người dân Mỹ, nền dân chủ Mỹ, không phải Donald Trump.
Cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam cũng vừa diễn ra hồi tháng Năm, nhưng ngược lại, dân tộc Việt Nam thì thất bại.
https://baotiengdan.com/2021/06/26/ong-trump-tung-muon-quan-doi-my-dap-be-so-nhung-nguoi-bieu-tinh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét