BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Các nước ASEAN và các đối tác EAS, gồm TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Úc, New Zealand, cùng đề cao mục tiêu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, cùng kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa… trên Biển Đông.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Indonesia và Mỹ khởi công trung tâm huấn luyện hàng hải. Đó là khu trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD, đặt tại khu vực chiến lược ở đảo Batam, thuộc quần đảo Riau của Indonesia. Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim phát biểu trong lễ khởi công: “Là bạn bè và đối tác của Indonesia, Mỹ tiếp tục giữ cam kết trong việc ủng hộ vai trò quan trọng của Indonesia trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, thông qua nỗ lực chống lại tội phạm trong nước và tội phạm xuyên quốc gia”.
Trung tâm hàng hải này nằm ở khu vực giao điểm chiến lược giữa eo biển Malacca và Biển Đông, sẽ do Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (Bakamla) điều hành, được trang bị các lớp học, doanh trại, cũng như một cơ sở bệ phóng, là một phần trong các nỗ lực giữa Mỹ và Indonesia, nhằm thúc đẩy an ninh trong khu vực.
Kênh Off Track Places – Military Aircraft có clip: Tàu sân bay USS Ronald Reagan thực hiện diễn tập hỗ trợ không chiến ở Biển Đông.
Mời đọc thêm: Indonesia và Mỹ khởi công trung tâm huấn luyện hàng hải (VNN). – Mỹ tăng hợp tác với Đông Nam Á: Xây cơ sở hàng hải ở Indonesia, bán F-16 cho Philippines (RFI). – Hàng xóm Philippines nhận vũ khí khủng trị giá gần 3 tỷ USD từ Mỹ (KT). – Biển Đông trong cuộc cạnh tranh bằng đại dự án giữa Trung Quốc và G7 (TĐ). – Anh quốc tìm lại hào quang ở Thái Bình Dương (TN).
Cập nhật vụ “Tổng cục phó Nguyễn Duy Linh” nhận hối lộ
Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án hối lộ liên quan Phan Văn Anh Vũ, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Cơ quan CSĐT đề nghị VKSND tối cao truy tố ba nhân vật: Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, về tội “đưa hối lộ”; Hồ Hữu Hòa, hành nghề phong thủy, về tội “môi giới hối lộ” và Nguyễn Duy Linh, cựu Phó Tổng Cục Tình báo, Bộ Công an, về tội “nhận hối lộ”.
CQĐT kết luận, Vũ “nhôm” đã nhờ lái xe của mình chuyển 5 tỉ đồng cho Hòa và 4 lần đưa quà cho Hoàng Nam Trung, người giúp việc của Nguyễn Duy Linh, để chuyển cho Linh. Vũ “nhôm” còn trực tiếp đưa nửa triệu Mỹ kim để Hòa chuyển cho Linh. Dù Vũ “nhôm” đã thay đổi lời khai, cho rằng không đưa tiền mà chỉ đưa cigar, nấm linh chi Hàn Quốc, CQĐT vẫn cho rằng có đủ bằng chứng về hành vi hối lộ tiền của Vũ.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh đã nhận bao nhiêu tiền của Vũ ‘nhôm’? Theo nguồn tin từ CQĐT, ngày 16/8/2017, Vũ “nhôm” giao 5 tỉ đồng cho tài xế riêng Nguyễn Đăng Luân để đưa cho Hồ Hữu Hòa. Hôm sau, Hòa đưa cho Nguyễn Tuấn Anh, Tuấn chuyển túi tiền cho người giúp việc Hoàng Nam Trung, để vào phòng làm việc của Nguyễn Duy Linh.
Cựu Tổng cục phó Nguyễn Văn Linh khai với CQĐT: “Được Phan Văn Anh Vũ đặt vấn đề quan hệ sau cuộc họp thông báo Vũ là cán bộ Tổng cục, có vi phạm lộ lọt bí mật nhà nước. Khoảng tháng 8.2017, có nhận rượu và thuốc xì gà và việc nhận quà là rượu và thuốc xì gà của Phan Văn Anh Vũ không thể là vật chất chi phối được cá nhân. Tuy nhiên cũng cần phải rút kinh nghiệm trong quan hệ để tránh sự hiểu lầm”.
Báo Dân Trí có bài: Ông Nguyễn Duy Linh từng khuyên Vũ “Nhôm”… cố gắng qua châu Âu. Theo kết luận điều tra, bị can Linh biết Vũ “nhôm” bị Cơ quan an ninh điều tra triệu tập làm việc, bản thân Linh được tham dự cuộc họp của lãnh đạo Tổng cục Tình báo để cho ý kiến xử lý ban đầu đối với những sai phạm của Vũ “nhôm”. Từ thông tin nội bộ, Linh khuyên Vũ nhanh chóng rời VN. Khi bị can Hòa đặt vấn đề cho Vũ giao tiếp trực tiếp qua điện thoại với Linh, Linh đã đồng ý.
CQĐT tiết lộ, trong lúc nói chuyện điện thoại, Linh nói với Vũ: “Tao đã đọc hồ sơ của mày rồi, lúc nào ra Hà Nội gặp nhau, tao sẽ nói chuyện sau”. Cựu Phó Tổng Cục Tình báo còn khuyên Vũ: “Đi du lịch qua màn ảnh nhỏ một thời gian, càng xa càng tốt, cố gắng qua châu Âu”. Linh còn nói với Hòa: “Vũ nó có ý định ủng hộ tôi về tài chính để lo công việc… Cậu về nói với nó sớm”.
Vụ đưa nhận hối lộ khủng này giữa Phan Văn Anh Vũ và ông “Phó Tổng cục Tình báo” Nguyễn Duy Linh, xảy ra từ năm 2017. Đã nhiều lần Vũ ra tòa, lãnh án, nhưng vì sao đến ngày 16/6/2021, Nguyễn Duy Linh mới bị bắt? Và chỉ 10 ngày sau, đã có kết luận điều tra? Kính mời quý vị đọc lại loạt bài sau đây trên Tiếng Dân để hiểu thêm:
Tin môi trường
Báo Tuổi Trẻ có bài: Từng vi phạm ô nhiễm môi trường, lại bị bắt quả tang tái phạm. Đó là cơ sở sản xuất mỡ bôi trơn tại tổ 31, khu phố 7, phường Long Bình, TP Biên Hòa, chuyên hút, lọc, nấu nhớt thành mỡ bôi trơn nhưng không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại theo quy định, từng bị lực lượng chức năng xử phạt vào tháng 7/2020, bị tạm đình chỉ hoạt động trong 9 tháng.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, sau khi nộp phạt, chủ cơ sở vẫn lén lút hoạt động, làm ngơ các quy định về bảo đảm môi trường, bất chấp lệnh tạm đình chỉ. Qua đó có thể thấy, luật về môi trường còn nhiều khiếm khuyết, các kiểu xử phạt chỉ mang tính hình thức, không đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
VTV có clip: Tiếp tục gây ô nhiễm môi trường sau khi bị xử phạt.
Trang Kinh Tế Đô Thị đặt câu hỏi: Vì sao nhiều lò gạch thủ công ở Hòa Thạch vẫn “đỏ lửa”? Đó là lò gạch thủ công tại xã Hòa Thạch, ngang nhiên hoạt động hàng chục năm qua gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường đê Khoang Ông. Lò gạch sử dụng than đá làm nguyên liệu đốt, khiến không khí bị ô nhiễm nặng. Dù người dân đã nhiều lần phản ánh và báo chí “lề phải” đã vào cuộc, đưa tin, nhưng tình hình không thay đổi, nhà chức trách địa phương không làm gì được.
Báo Nông Nghiệp VN đưa tin: Cá tự nhiên trên sông nổi đầu chết hàng loạt là ở Cần Thơ. Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho biết, từ ngày 23/6, trên đoạn sông Cần Thơ từ cầu Trà Niền 1 đến cầu Nhiếm và một số kênh rạch ở các xã và thị trấn của TP Cần Thơ có hiện tượng cá nổi đầu và chết trên các thủy vực tự nhiên. Cá bị chết chủ yếu là các loài cá trắng như: cá chép, cá mè vinh, cá ét mọi, cá dãnh, cá chốt sọc… lượng cá được người dân vớt lên khoảng 2 tấn.
VTC có clip về vấn nạn ở Thái Nguyên: Xe quá tải vẫn lộng hành mùa dịch.
Zing có bài: Cuộc đua xâu xé tài nguyên vô giá dưới đáy biển. Đó là cuộc đua khai thác loại tài nguyên gọi là “nốt đa kim” dưới đáy biển, được DeepGreen, một công ty mới thành lập trong ngành khai thác đáy biển, miêu tả là những “viên pin trong tảng đá”. Theo doanh nghiệp này, công nghiệp khai thác khoáng sản ở đáy biển là một lựa chọn thay thế, ít hủy hoại môi trường và gián đoạn xã hội hơn so với khai thác trên mặt đất.
Từng có cuộc thử nghiệm khai thác “nốt đa kim” tại khu vực vết đứt gãy Clarion-Clipperton (CCZ) ở Thái Bình Dương vào năm 1978. Đến năm 2004, các nhà khoa học kiểm tra lại khu vực này và phát hiện dấu vết của hoạt động khai thác vẫn còn sau 26 năm, đa dạng sinh học suy giảm mạnh. LS Duncan Currie bình luận: “Chúng ta đang nói đến nguy cơ hủy diệt môi trường sống ở đáy biển. Bất cứ khu vực nào có khai thác, nơi ấy sẽ bị phá hủy”..
Tin nhân quyền
RFA đặt câu hỏi: Liệu có tái thẩm vụ án Hồ Duy Hải với chứng cứ ngoại phạm mới? LS Trần Hồng Phong cùng các đồng nghiệp và gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã gửi đơn trình bày tới cơ quan chức năng, trong đó cung cấp chứng cứ ngoại phạm mới. Chứng cứ mới cho thấy, có 7 nhân chứng viết đơn cam kết, xác nhận Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Hồ Chi, tức Tư Lan từ khoảng 8-9 giờ tối 13/1/2008. Họ nhìn thấy Hải phụ giúp việc bưng bê, rót nước và có người còn nói chuyện với Hải, nghĩa là Hải không thể có mặt tại Bưu cục Cầu Voi vào thời điểm 2 nữ nhân viên bị sát hại.
LS Ngô Anh Tuấn bình luận: “Với vụ án Hồ Duy Hải thì bản thân tôi không có niềm tin lắm, bởi vì tuy đây là tình tiết rất mới, nhưng trước đây cũng đã có một số tình tiết mới, và chúng tôi cũng từng rất hy vọng nhưng chưa bao giờ được ghi nhận, mà cuối cùng là một nỗi thất vọng tràn trề. Vì thế nên tôi không nghĩ và cũng không dám hy vọng họ có một quyết định mới mẻ, hợp hiến nào đó để xoay vần vụ án này”.
RFA đưa tin về vụ xét xử blogger Bà Đầm Xòe: Nhà văn Phạm Thành viết sách chỉ trích Tổng bí thư sẽ bị xét xử vào ngày 9-7. Ông Phạm Chí Thành, sẽ bị TAND TP Hà Nội mang ra xử ngày 9/7/2021 với cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước”. Ông Thành là người viết và cho xuất bản cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế Thiên Hành Đạo hay Đại Nghịch Bất Đạo” hồi tháng 9/2019.
LS Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Thành, cho biết: “Tôi được tiếp cận hồ sơ khoảng một tháng nay rồi và tôi đã được gặp ông Phạm Thành rồi. Hồ sơ cũng rất là nhiều, cũng có đánh số bút lục… Phiên tòa này chắc cũng không có gì khác biệt nhiều đối với các phiên tòa theo tội (điều) 117 (Bộ Luật Hình sự), tức là làm ra các tài liệu tuyên truyền chống nhà nước, chắc cũng diễn ra nhanh chóng và trong một ngày là kết thúc thôi”.
https://baotiengdan.com/2021/06/26/ban-tin-ngay-26-6-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét