J.B Nguyễn Hữu Vinh – RFA
Nguyễn Phú Trọng: “Năm 2020 là năm thành công nhất, năm 2021 phải tốt hơn” hoặc “Được sống ở Việt Nam thời dịch Covid là một sự xa xỉ”.
Theo số liệu mà Bộ Y tế công bố, thì số người bị nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã vượt con số 15.000 người. Các địa phương vị Covid-19 ghé thăm, đã đến 43 tỉnh thành khác nhau. Như vậy, đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại Việt Nam chưa có hy vọng sẽ dập tắt được một sớm, một chiều, trái lại, dịch có nguy cơ lan rộng khắp mọi vùng miền của cả nước.
Tại TpHCM, địa điểm bị phong tỏa, bao vây vì dịch đã đến con số nửa ngàn điểm khác nhau.
Không chỉ TpHCM, mà các tỉnh phía Bắc, miền Trung như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh… cũng bùng phát dịch và các biện pháp cách ly, phong tỏa được tiến hành khẩn cấp nhiều nơi.
Tuy nhiên, điều dễ nhìn thấy, là việc cách ly, truy vết những người bị lây nhiễm, phong tỏa những khu vực bị lây nhiễm và nghi lây nhiễm, cũng như biện pháp, thái độ đối với đại dịch của nhà nước đã không còn như trước đây khi đại dịch mới bắt đầu và bùng phát ba đợt trước.
Điều này do nhiều nguyên nhân.
Việc cách ly, phong tỏa không còn quyết liệt và hăng hái như những đợt trước đây, và qua đó, thái độ của các nhân viên thực hiện việc cách ly, phong tỏa không còn hăng hái như trước. Bởi các địa điểm bị phong tỏa quá nhiều, những người bị lây nhiễm được công bố không hẳn đã hoàn toàn chính xác, thậm chí có nhiều người đã âm tính nhiều lần lại trở lại dương tính vơi Covid-19, đã làm nhiều người cảm thấy nghi ngờ, chán nản.
Điều thứ hai, đó là việc bắt đi cách ly, phòng dịch đã không còn được người dân tự nguyện như trước đây, họ sợ hãi và họ trốn tránh việc cách ly. Bởi đơn giản là chính quyền Việt Nam không đủ sức để hăng máu như ban đầu nêu cao quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Vì thế, tiền bạc không quan trọng, cách ly được miễn phí…
Những người bị cách ly được miễn phí tiền ăn ở, được sự trợ giúp của xã hội… Cả hệ thống báo chí đưa tin về những ổ dịch cứ như được đi hội vậy. Thế nhưng, sức chẳng được mấy hơi, nhà cầm quyền Việt Nam sớm đuối sức trước đại dịch. Thế rồi bằng mọi cách, mọi nơi thu tiền, các loại phí dịch vụ cách ly cũng là một mối lợi kiếm ăn.
Chính vì thế, cách ly, giãn cách và cô lập đã trở thành nỗi sợ hãi của mọi người dân bởi ngoài mất thời gian, công việc thì vấn đề tiếp theo là tiền của không phải ai cũng có, ai cũng dư dả và sẵn sàng.
Người dân sợ dịch, nhưng chưa chết bởi dịch, thì họ đã có thể chết bởi đói, bởi không có tiền nộp chi phí cách ly, không có tiền nộp tiền thuê nhà, tiền ăn, điện, nước và xăng dầu đang tăng phi mã.
Chính vì vậy, việc tự giác khai báo, cách ly cũng dần dần bị hạn chế.
Mặt khác, câu khẩu hiệu là “chống dịch như chống giặc’, thế nhưng, chống giặc thì khó có cơ hội kiếm tiền bạc, còn chống dịch thì lại rất nhiều công việc, cơ hội để có thể vẽ ra đủ thứ moi tiền dân, moi tiền ngân sách. Nhiều dự án mua bán máy móc bị lôi ra ánh sáng đã cho thấy người cộng sản, quan chức đảng viên dã tận dụng bất cứ cơ hội, thời điểm nào để kiếm đủ mọi cách tham nhũng.
Những điều tưởng như vô bổ, vô hại vì đã xảy ra như cơm bữa ở Việt Nam xưa nay, nay đã cho thấy rõ ràng mặt trái của nó một cách rõ nét. Đó là sự tự do xâm phạm sự riêng tư, xâm hại quyền con người bất chấp những nguyên tắc đơn giản nhất là mỗi cá nhân trong xã hội cần được tôn trong, và không ai được đối xử với người khác như tội phạm khi chưa có một bản án nào được tuyên….
Những ngày đầu chống dịch, người ta thấy hệ thống công quyền sẵn sàng bủa vây, đóng chốt, rào làng, lập ấp cố định ngăn mọi hoạt động của công dân, cô lập từng khu vực theo ý muốn của nhà cầm quyền. Nhiều người bị bắt đi như bắt giặc khi bị nghi dính dịch. Những video, hình ảnh đó được đưa lên, kích động xã hội và được coi như đó là những điều hiển nhiên cần phải làm.
Người ta cũng thấy những thông tin của từng cá nhân bị nghi dính virus được công khai trên mạng xã hội và báo chí, từ nhân thân, lịch trình đến các hoạt động riêng tư. Sự phơi bày thông tin các cá nhân đó, được coi như là một sáng kiến, một biện pháp để cả xã hội có thể “truy vết” thông tin những người đã tiếp xúc nguồn lây bệnh.
Thế rồi, biết bao sự hài hước đã xảy ra khi mạng xã hội lan tràn chuyện ông cán bộ cấp cao đi công tác nước ngoài, tiện thể ghé qua nước Anh chơi ít hôm và sắm thêm ít hàng được khuyến mãi virus Covid-19. Oái oăm thay khi về nước, bị dính virus phải khai lịch trình hoạt động mới biết là trước khi về nhà, ông ta đã ghé qua thăm cô bồ nhí là cán bộ được cài cắm “nâng đỡ không trong sáng” từ khá lâu.
Hoặc câu chuyện một cô gái làm nghề massage dính virus đã là F0 của hàng loạt cán bộ quan trọng trong tỉnh.
Và qua đó, người ta ngại “khai báo thành khẩn”.
Một nguyên nhân hết sức quan trọng khác, bắt nguồn từ chính hệ thống chính trị Việt Nam.
Bắt đầu từ những ngày mà hệ thống chính trị Việt Nam đang hào hứng hò hét nhau chào mừng ngày chiến thắng, chúc mừng thành công của đại hội đảng và xua cả nước tham dự cái gọi là “ngày hội toàn dân” đu nhau theo đảng cử, dân bầu.
Đặc biệt, trên thực tế, những hoạt động của đảng và nhà nước đã bất chấp tất cả những quy định tối thiểu về chống lây nhiễm và dịch bệnh. Người ta thấy rõ qua những cuộc đại hội và bầu cử vừa qua hoặc đợt làm Chứng minh nhân dân gắn chip điện tử hiện nay, bất chấp dịch bệnh, tập trung đông người.
Điều đó gây tâm lý chủ quan cho người dân với dịch bệnh.
Thế nên, nỗi sợ hãi trong người dân được hệ thống truyền thông, quan chức dọa dẫm đã dần dần mất thiêng.
Và dịch bệnh bùng phát hết sức nhanh chóng và rộng khắp.
Và cả đất nước rơi vào sự hoảng hốt, nói theo ngôn ngữ dân gian là “Toang”.
Đến lúc đó, bỗng nhiên, hệ thống quan chức và báo chí trong hệ thống truyền thông CSVN hết những lời ba hoa, hoành tráng, quyết tâm, lên gân lên cốt về thành tích chống dịch do Covid-19.
Người ta không nghe Nguyễn Phú Trọng rằng: “Năm 2020 là năm thành công nhất, năm 2021 phải tốt hơn” hoặc “Được sống ở Việt Nam thời dịch Covid là một sự xa xỉ”.
Người ta cũng không nghe Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Nếu cột điện ở Mỹ có chân, nó cũng sẽ về Việt Nam”.
Và hệ thống quan chức còn lại, cũng không thấy đề cập đến cái gọi là “thành công chống dịch” tại Việt Nam được đưa ra như thể rằng virus Covid nhìn thấy búa liềm cộng sản cũng phải bó tay xin hàng.
Đó là chưa nói đến hệ thống hàng trăm ngàn Dư luận viên, chiến sĩ quân nhân trên mạng ngày đêm tuyên truyền theo định hướng của đảng, rằng thì là với thành tích chống dịch, Việt Nam “ngạo nghễ” đứng đầu thế giới nhìn Hoa Kỳ khốn đốn, thương nước Anh khó khăn, xót xa cho nước Đức đang lâm vào sự khốn cùng hay nước Pháp đang hết sức lúng túng trước dịch bệnh. Chỉ có Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng thì dịch bênh mới bị đẩy lùi mà thôi.
Thế rồi, khi cả thế giới bắt đầu vượt qua đại dịch bằng hệ thống tiêm phòng vaccine rộng khắp toàn xã hội, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng để đưa xã hội trở lại bình thường, thì xã hội Việt Nam bắt đầu một sự phân hóa rõ rệt.
Người ta thấy, đó là sự lệ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của nước ngoài, sự giúp đỡ của các đất nước từng được đảng liệt kê vào “thế lực thù địch”.
Người ta thấy sự giúp đỡ hào phóng từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước “Tư bản giãy chết” mà tuyệt nhiên không thấy sự giúp đỡ nào từ Cuba, Triều Tiên hoặc Venezuela… nơi mà Việt Nam luôn coi hơn cả anh em ruột thịt.
Và người ta thấy từ Chủ tịch nước đến Thủ tướng chính phủ không ngại gọi điện, gửi thư xin xỏ, nhờ cậy bọn thù địch từ khắp nơi ngoại trừ “các nước anh em”.
Đó là sự thiếu kiêm sỉ, không cần xấu hổ khi mở miệng xin xỏ, yêu cầu ngay cả những nước bị dịch bệnh nặng nhất và hậu quả lớn nhất từ dịch bệnh và “muốn được ở Việt Nam là xa xỉ” như lời Nguyễn Phú Trọng.
Và ngay cả khi Đảng mua vaccine từ Trung Cộng, người dân bàn nhau mời ưu tiên cho đảng, cho cán bộ, cho những người coi Trung Cộng là bạn vàng tiêm trước. Còn người dân, thà có thể chết vì dịch bệnh còn hơn là chết ngay bởi vaccine Trung Quốc.
Nghe câu nói này, người ta nhớ đến câu chuyện chính quyền Quảng Bình làm đập Rào Nan và bảo đảm rằng nó sẽ an toàn thì người dân trả lời: “Cán bộ, đảng viên hãy đưa gia đình, vợ con, họ hàng đến chân đập mà sống, thì người dân sẽ tin”.
Và đến lúc này, thì mọi sự hùng dũng, mạnh mồm đã biến đâu mất. Và người ta nhớ đến câu ca dao:
Ra đường võng giá nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ: Cám rang đâu mày
Cám rang tôi để cối xay
Hễ chó ăn hết, thì mày… với ông.
Cho đến nay, những gói cứu trợ lần lượt được đưa ra với con số hàng chục và cả trăm ngàn tỷ để “kích cầu”, để cứu trợ người dân, để ổn định xã hội thì chỉ có… trên Tivi. Còn trong thực tế, chính phủ chỉ một mực hứa lèo và nuốt lời trong chớp mắt.
Còn thái độ của nhà nước, của chính phủ đối với người dân mà ở đó, vai trò giúp đỡ của chính phủ đối với người dân là con sốn 0 tròn trĩnh. Ngược lại, trong mọi hoàn cảnh và trường hợp, chính phủ bằng mọi cách moi từ người dân những đồng cắc cuối cùng nếu có thể.
Đó là chiến dịch kêu gọi đóng góp “Quỹ vaccine” mà con số hàng chục ngàn tỷ đồng.
Đó cũng là lúc, mà cả hệ thống tuyên giáo lại được đưa vào cuộc đua tô vẽ, đưa những điển hình nhằm lừa bịp, dụ dỗ dân chúng như hình ảnh những em nhỏ mới 5 tuổi đóng góp cả trăm triệu đồng, những cụ già dành luôn cả lương hưu, tiền dành dụm mua quan tài, hoặc góp luôn cả mấy chục bạc lẻ còn lại cho quỹ Vaccine của chính phủ.
Trong khi đó, về phát biểu, chính phủ vẫn mạnh mồm rằng: “Không thiếu tiền, chỉ vì không mua được vaccine”.
Thì khi đó, người dân đã và vẫn cứ dửng dưng trước những lời kêu gọi đã quà quen thuộc và nhàm chán. Họ trả lời: Hãy lấy tiền cứu trợ mà mua. Đảng đâu có thiếu tiền, nếu thiếu đã không chi cả chục ngàn tỷ cho đại hội và bầu cử đảng vừa qua.
Và đại dịch đã trở thành một phép thử hữu hiệu để người dân hiểu rõ hơn bản chất của một nhà nước, một chính quyền hiện nay là gì.
https://chantroimoimedia.com/2021/06/29/dai-dich-lam-lo-bi-mat-quoc-gia/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét