Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

6839 - Người gốc Việt ở Cambodia - Không chốn dung thân (phần 1)

Trường Sơn


Người gốc Việt ở Cambodia - Không chốn dung thân (phần 1)Hình minh hoạ: Một phụ nữ Việt bán thức ăn tại một làng nổi trên dòng Tonle Sap ở Campuchia

Dòng sông Tonle Sap đoạn chảy qua cầu Prek Nok, phía bắc thủ đô Phnom Penh, Cambodia là nơi cư ngụ của gần hàng trăm hộ dân, phần lớn là người gốc Việt đan xen với các gia đình người Chăm và Khơ-me.

Họ sống trong các căn nhà gỗ lợp mái tôn dựng trên bè nổi ở ven sông và làm đủ thứ nghề, từ nuôi cá, xây dựng, làm thuê, đến bán bất cứ thứ gì họ có thể xoay sở được ở cái chợ gần nhà.

Không ai rõ người gốc Việt đã đến đây sinh sống từ bao giờ, nhưng một vài gia đình đã sản sinh ra thế hệ thứ năm. Trải qua thời gian, người Việt cũng đã hoà nhập với cộng đồng bản địa thông qua việc kết hôn với người Khơ-me và người Chăm, con cái của họ nói và viết tiếng Khơ-me thông thạo hơn tiếng Việt.

Tai hoạ trừ trên trời rơi xuống

Ngày 2 tháng 6, chính quyền thủ đô Phnom Penh ra lệnh yêu cầu toàn bộ các hộ dân sống trên nhà nổi phải chuyển lên bờ, người dân được cho thời hạn một tuần, nếu sau đó chưa chuyển đi thì sẽ bị cưỡng chế.

Lý do mà chính quyền đưa ra là vì các hộ dân sống trên nhà nổi khiến cho dòng sông bị ô nhiễm, điều mà các hộ dân ở đây không chấp nhận, bởi họ cho rằng chính họ đã bảo vệ dòng sông khỏi các nhà máy.

Đây cũng là lúc những khó khăn và sự phân biệt đối xử mà người gốc Việt phải chịu đựng được dịp bộc lộ.

Chính quyền cho người dân thời hạn một tuần để chuyển lên bờ sinh sống, nhưng theo những người bị ảnh hưởng thì họ không hề được nhận bất bất cứ một hình thức hỗ trợ nào: không đền bù, không hỗ trợ tài chính, không cấp đất, không cấp nhà ở tạm. Người dân phải tự lo toàn bộ.

Chị Khat, một người gốc Việt có nhà bị dỡ và buộc phải lên bờ cho RFA biết về tình hình:

Người ta đuổi lên bờ nhưng mà không cho cái gì hết. Người giàu thì đi mua đất mua nhà rồi, nhưng mà ở đây người nghèo đông hơn người giàu, có tiền thì đi ở thuê còn không thì không có chỗ nào để ở”.

vncambodiatonlesap2.jpeg
Hình vệ tinh: Khu vực người Việt sinh sống với những căn nhà nổi trên dòng Tonle Sap trước khi bị giải toả. Sentinel hub

Người dân ở đây cho biết hầu hết các hộ gia đình đều tự phá dỡ nhà của họ bởi nếu tự làm thì còn có thể giữ lại những vật dụng thiết yếu hoặc bán đi đồ kim loại để có chút tiền mặt, chứ nếu để chính quyền đến dỡ thì họ sẽ vứt hết xuống sông.

vncambodiatonlesap3.jpeg
Hình vệ tinh: khu vực người Việt sinh sống trên dòng Tonle Sap (Campuchia) sau khi bị giải toả. Hình: Sentinel hub

Bản thân gia đình chị Khat hiện đang mướn một căn phòng để ở mỗi tháng phải trả 50 USD (khoảng hơn 1 triệu VND), cộng thêm với các chí phí sinh hoạt khác như điện, nước, thực phẩm và học phí cho hai đứa con, với giọng tiếng Việt lơ lớ chị nói “không biết phải sống sao” khi nghĩ đến tương lai của gia đình.

Trong số những gia đình ở trên nhà nổi, một vài gia đình làm bè nuôi cá thì được chính quyền cho thời hạn sáu tháng để đợi cá đủ lớn trước khi bán, sau đó sẽ phải lên bờ. Những gia đình này theo ghi nhận của RFA đã chuyển bè lên thượng nguồn, cách khu vực cũ khoảng 5 km.

Không chốn dung thân

Trong số hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng bởi lệnh trục xuất lên bờ của chính quyền Phnom Penh, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những gia đình không có quốc tịch Cambodia.

Trong hai năm 2017 và 2018, chính quyền Cambodia mở chiến dịch huỷ bỏ “giấy tờ tuỳ thân không hợp lệ”, ước tính đã có khoảng 70 ngàn người bị mất tư cách công dân Cambodia, hầu hết trong số đó là người gốc Việt.

Chính quyền sau đó áp dụng chính sách mới, người gốc Việt không có quốc tịch được cấp chứng nhận thẻ ngoại kiều, hay còn gọi là thẻ vàng. Tuy nhiên, để duy trì tư cách ngoại kiều, mỗi người trên 18 tuổi sẽ phải đóng lệ phí hàng năm vào khoảng 1,4 triệu đồng tiền Việt. Một con số không hề nhỏ đối với các hộ nghèo.

Việc không có tư cách công dân đẩy nhiều gia đình sống trên nhà nổi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, bởi họ không thể mua đất và xây nhà kể cả trong trường hợp có đủ tiền, do luật Cambodia cấm những người không có tư cách công dân sở hữu đất.

Không thể sống ở dưới sông, cũng không thể lên bờ, nhiều gia đình đã chọn cách quay trở về Việt Nam mặc cho mối liên hệ giữa họ và Việt Nam không gì hơn ngoài thứ ngôn ngữ mà cha mẹ họ truyền lại.

000_SAHK990603565840.jpg
Hình minh hoạ: Một em bé người Việt trên dòng Tonle Sap, Phnompenh, Campuchia. Hình: AFP

Có thể do đoán trước được việc nhiều gia đình người gốc Việt sẽ chọn cách về Việt Nam, hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, một tổ chức đại diện cho người gốc Việt ở Cambodia có mối liên hệ với chính quyền Việt Nam, ngày 13 tháng 6 đã ra một thống cáo trong đó kêu gọi các hộ dân bị di dời không trở về Việt Nam.

Lý do được đưa ra là do Việt Nam đã đóng cửa biên giới với Cambodia để phòng dịch COVID-19, do vậy sẽ không tiếp nhận người tới từ Cambodia.

Cũng trong thông cáo này, Hội Khmer-Việt Nam Tại Campuchia hứa sẽ hỗ trợ về chỗ ở và lương thực cho các gia đình bị ảnh hưởng, nhưng theo ghi nhận của RFA, nhiều gia đình đến nay không hề nhận được khoản hỗ trợ nào.

RFA đã liên hệ được với ít nhất một gia đình hiện đang mắc kẹt tại biên giới Việt Nam-Cambodia do bị từ chối nhập cảnh. Họ quyết định neo căn nhà nổi của mình một chỗ và chờ đợi, hàng ngày ra ngoài đánh cá để làm thực phẩm sống qua ngày.

Ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam Tại Campuchia từ chối trả lời phỏng vân khi phóng viên của RFA liên hệ.


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-in-cambodia-no-where-to-go-part-1-06222021095601.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét