Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

6832 - Thế giới hôm nay: 22/06/2021

 Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy


Tổng thống đắc cử của Iran, Ebrahim Raisi, đã tỏ ra cứng rắn trong cuộc họp báo đầu tiên của ông kể từ khi giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử có sắp đặt trước. Ông từ chối gặp Tổng thống Joe Biden và nói ông chỉ có thể tiếp tục đàm phán hạt nhân nếu điều đó có lợi cho “lợi ích quốc gia” của Iran. Song ông cũng đề cập đến khả năng nối lại quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia sau 5 năm gián đoạn.

Tối đa 10.000 khán giả Nhật Bản sẽ được phép tham dự mỗi sự kiện tại Thế vận hội Tokyo năm nay, với điều kiện không vượt quá 50% sức chứa của địa điểm. Khán giả cũng sẽ phải nhỏ giọng và luôn đeo khẩu trang. Quyết định này được đưa ra bất chấp một báo cáo của các chuyên gia y tế Nhật Bản hồi tuần trước khuyến cáo rằng tổ chức không khán giả sẽ là lựa chọn “ít rủi ro nhất”.

EU áp thêm các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì vụ ép máy bay chở khách hạ cánh hồi tháng trước để bắt giữ nhà báo Raman Pratasevich. Khối đã quyết định cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 8 công ty và 78 cá nhân, từ đó nhắm vào các lĩnh vực xuất khẩu chính của Belarus. Mỹ, Anh và Canada cũng làm theo.

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã tán thành quyết định của tòa cấp thấp rằng Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia (NCAA), tổ chức quản lý các môn thể thao đại học ở Hoa Kỳ, không thể ngăn các trường đại học cung cấp cho các vận động viên sinh viên các “lợi ích liên quan đến giáo dục” như máy tính xách tay và dạy kèm. Tuy nhiên phán quyết không đề cập đến một vấn đề rộng hơn là liệu việc NCAA cấm các cầu thủ nhận tiền lương có chính đáng hay không.

Pedro Sánchez xác nhận ý định ân xá cho 9 chính trị gia bị bỏ tù về tội nổi loạn vì tổ chức cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp về độc lập của Catalonia hồi năm 2017. Thủ tướng Tây Ban Nha kỳ vọng lệnh ân xá sẽ dập tắt những lời kêu gọi ly khai ở Catalonia, trong bối cảnh cả nước phản đối cho khu vực này độc lập. Các lệnh ân xá sẽ được gửi đến nội các để chờ thông qua vào thứ Ba.

Stefan Lofven trở thành thủ tướng Thụy Điển đầu tiên thua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, vốn được đệ trình nhằm phản đối kế hoạch của ông trong việc nới lỏng kiểm soát tiền thuê căn hộ mới. Giờ đây, ông có thể từ chức để chủ tịch quốc hội bổ nhiệm thủ tướng mới, hoặc tự mình thành lập một chính phủ tạm quyền để tổ chức một cuộc bầu cử sớm.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã yêu cầu một số ngân hàng và công ty, bao gồm cả nền tảng thanh toán di động lớn nhất đất nước Alipay, xác định danh tính các khách hàng tham gia giao dịch tiền kỹ thuật số và chặn các giao dịch liên quan. Thông báo này là một phần của chiến dịch đàn áp tiền kỹ thuật số, và được đưa ra chỉ một ngày sau khi nhà chức trách cắt điện của các “thợ đào” bitcoin ở một số tỉnh. Khoảng một nửa hoạt động khai thác bitcoin trên thế giới là ở Trung Quốc, nhưng tỷ lệ đó đang giảm đi

TIÊU ĐIỂM

Xung đột nổ ra khắp Myanmar, sắp thành nội chiến

Hôm 18 tháng 6 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar. Song trong bối cảnh xung đột nhấn chìm đất nước, nghị quyết này sẽ không thể tạo ra nhiều khác biệt.

Nhằm dập tắt phản kháng đối với đảo chính, quân đội đã bắt giữ hơn 6.000 người Miến và giết chết hơn 850 người (chính phủ quân sự phủ nhận các con số này). Dù ban đầu chỉ ôn hòa, nhưng người biểu tình đang nắm lấy vũ khí. Ở thành phố, các chiến dịch ngầm đang ám sát bất kỳ ai có liên hệ với chính phủ quân sự. Còn ở nông thôn, các lực lượng dân quân mới thành lập cũng tấn công các đơn vị quân đội.

Ngoài ra, Myanmar còn chịu các vụ nổi loạn sắc tộc bấy lâu nay. Kể từ cuộc đảo chính, một số nhóm dân quân dân tộc thiểu số đã tấn công quân đội, khiến cho lực lượng này phải dàn trải quá mức. Dù vậy chính quyền quân sự còn lâu mới bị đánh bại. Kể cả khi các lực lượng đối địch đoàn kết lại – một khả năng xa vời – quân đội cũng hoàn toàn áp đảo về súng đạn và nhân lực.

Tây Ban Nha ân xá cho các chính trị gia ly khai của Catalonia

Nội các cánh tả của Pedro Sánchez hôm nay sẽ phê chuẩn việc ân xá cho 9 chính trị gia ly khai Catalonia, những người đang thụ án vì tổ chức trưng cầu dân ý bất hợp pháp và sau đó đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2017. Ông Sánchez nói các lệnh ân xá sẽ khôi phục sự hòa thuận ở Catalonia, một khu vực 7,5 triệu dân. Nhiều người Tây Ban Nha lo ngại ông đang gây nguy hiểm cho nhà nước pháp quyền. Song nhiều người Catalonia, bao gồm giới doanh nhân, ủng hộ lệnh ân xá.

Hiện những người đang điều hành chính quyền vùng Catalonia, tức phe ly khai, nói ông Sánchez vẫn chưa làm đủ. Họ muốn có ân xá toàn bộ, kể cả đối với Carles Puigdemont, một cựu thống đốc Catalonia đang bỏ trốn. Họ cũng yêu cầu được tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về “quyền tự quyết” cho khu vực, điều bị hiến pháp cấm. Dù vậy, các cuộc thăm dò vẫn cho thấy một thế đa số phản đối độc lập mỏng manh. Trong tình hình đó, chính phủ kỳ vọng các lệnh ân xá sẽ giảm bớt chia rẽ nội bộ gay gắt của Catalonia và cho phép tiến hành các cuộc đàm phán về các vấn đề thực tế liên quan đến địa vị của vùng này tại Tây Ban Nha.

Ngân hàng Islandsbanki của Iceland chào bán cổ phiếu

Gần mười ba năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hạ gục các ngân hàng Iceland, hôm nay ngân hàng lớn thứ hai Islandsbanki sẽ lên sàn giao dịch chứng khoán của quốc gia này. Suốt những năm 2000, đảo quốc đã cố gắng quảng bá hình ảnh một thiên đường ngân hàng nước ngoài, từ đó tích tụ hàng đống nợ xấu và cuối cùng đổ vỡ trong cuộc khủng hoảng. Tại thời điểm tháng 10 năm 2008, cả ba ngân hàng lớn nhất Iceland đều sụp đổ, khiến đất nước phải nhận hàng tỷ đô la tiền cứu trợ từ IMF.

Chính phủ đã giải cứu một phần ngân hàng Glitnir trước đây, và cơ cấu lại thành Islandsbanki. Kể từ đó Islandsbanki đã xây dựng một ngân hàng ổn định hơn, phục vụ chủ yếu cho 370.000 cư dân trong nước hơn là khách nước ngoài như giai đoạn trước 2008. Mặc dù các hoạt động của nó ít hào nhoáng hơn — hoặc cũng có thể chính vì vậy — nhưng các nhà đầu tư vẫn quan tâm. 35% cổ phần mà chính phủ đang rao bán sẽ giúp huy động được 457 triệu đô la, trở thành đợt chào bán cổ phần công khai lớn nhất từ trước đến nay của Iceland.

Vivendi sắp thống nhất kế hoạch tách Universal

Hôm nay các cổ đông sẽ quyết định về kế hoạch của Vivendi nhằm tách mảng doanh thu lớn nhất, Universal Music Group. Tập đoàn của Pháp đề xuất rao bán hãng thu âm lớn nhất thế giới, nhằm trao 60% cổ phần cho các cổ đông của Vivendi. Một số nhà đầu tư cho rằng thỏa thuận này sẽ dẫn đến một hóa đơn thuế rất lớn. Nhưng Vincent Bolloré, người kiểm soát Vivendi, có lẽ đã có đủ phiếu để khiến họ yên lặng.

Gần đây ngành công nghiệp thu âm đã cải thiện đáng kể. Sau khi xuống đáy vào năm 2014, doanh thu toàn cầu đã tăng trở lại 54%. Streaming khiến các danh mục cũ trở nên có giá, vì các bài hát yêu thích cũ tiếp tục hái ra tiền mỗi khi được chơi (thay vì chỉ khi được mua). Tuy nhiên tăng trưởng đang đi ngang ở các nước giàu. Các loại hình dịch vụ âm thanh mới, như podcast và sách nói, đang giành giật thời lượng nghe với âm nhạc. Trong khi đó dù chỉ chiếm thị phần nhỏ, nhưng các bài hát do các tác giả tự sản xuất không có sự trợ giúp của các hãng như Universal đang ngày càng tăng. Triển vọng xem ra không quá sáng sủa.

http://nghiencuuquocte.org/2021/06/22/the-gioi-hom-nay-22-06-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét