Khi tôi đăng bài “Thanh Hóa xây tượng đài giữa cơn đại dịch”, bên cạnh nhiều ý kiến thể hiện sự phản ứng gay gắt, ý kiến không đồng tình và cả những lời than thở đối với công trình này thì cũng có những người điềm tĩnh nhìn vào tính thẩm mỹ và ý nghĩa nghệ thuật của nó.
Anh Hoàng Tuấn Công nhận xét rằng: “Mũi con tàu nhô lên như hàm cá mập khiến nhóm người đứng dưới mũi tàu trở nên nhỏ bé và mong manh; sợi dây neo khổng lồ khiến người ta liên tưởng đến xiềng xích. Những nhóm người đứng tản mát gợi nên một không khí buồn tẻ, rời rạc. Có phải vì tên tượng đài là “Con tàu tập kết” nên tác giả buộc phải lấy con tàu làm trung tâm chăng?”.
Tôi muốn bổ sung thêm về những “vô lý” hiển hiện ở tượng đài này. Hình ảnh con tàu đang đứng trên biển nhưng cả phía trước và phía sau tàu lại đều có người, cũng cùng đứng trên biển. Người đứng trước mũi tàu thì còn hiểu được, vì nó sát bờ, nước nông; nhưng đứng xung quanh phía sau là không thể chấp nhận được, vì chả lẽ họ có thuật khinh công như Tôn Ngộ Không, có thể đi lại trên mặt nước như trên đất liền?
Một điều khó lý giải nữa là, đám người đứng phía sau tàu là ai? Nếu họ là những người miền Nam tập kết ra Bắc thì vô lý, vì xuống tàu thì phải đi về phía đất liền, chứ sao sau khi xuống lại đi ra biển đứng? Còn nếu họ là những người miền Bắc ra đón đồng bào miền Nam thì lại càng kỳ cục hơn nữa. Đi đón người thì phải đứng trên bờ và ở phía trước chứ, sao đón mà lại đứng hết về phía sau để 4 người vừa vuống tàu phải đứng trơ trọi cô đơn như vậy? Không ai đón người kiểu đó cả. Nếu là chơi trốn tìm thì hợp lý, chứ đón tiếp thì không giải thích được bằng bất cứ lý thuyết nào!
Còn nếu biện minh rằng, con tàu đứng trên đất thì lại càng vô lý hơn nữa. Làm sao một con tàu thủy có thể “chạy” lên đất được? Mà rõ ràng, phía trước mũi tàu là những lọn song, thì con tàu ấy không thể nào lại là đang đứng trên mặt đất!
Tác phẩm nghệ thuật, dù có tính biểu trưng tới đâu đi nữa thì bao giờ cũng phải được neo lại bởi một (hoặc một số) hạt nhân thực tế, hợp lý, hợp quy luật chứ không thể tùy tiện được. Nghệ thuật phi lý thì hoàn toàn khác với cái vô lý. Phi Lý là một sáng tạo mang tầm nhân loại, nhưng vô lý thì buồn cười.
Tôi thử search trên google từ khóa “con tàu tập kết” thì thật bất ngờ, đã có một số công trình mang chủ đề này đã khánh thành và đang hiện diện rồi, như tượng đài tập kết ra Bắc tại Đồng Tháp, Bình Định…, tất cả đều hoành tráng. Một điểm bất ngờ nữa là, các tượng này có nét na ná nhau về ý tưởng và hình khối, nhất là bức của Thanh Hóa và Bình Định. Sự giống nhau này nói lên rất nhiều điều, nó chứng tỏ sự thiếu sáng tạo và lặp lại nhàm chán.
Tôi viết những dòng này không phải để mong có một bản thiết kế khác hợp lý hơn, đẹp hơn mà là để nhấn mạnh một điều: khi quyết định xây một công trình quy mô tốn kém ghê gớm như vậy, nhưng dường như nó lại thiếu sự đầu tư về chất xám và tình cảm; hay nói cách khác là hời hợt.
Một tâm thế và thái độ như vậy thì không thể bao biện được cho những “ý nghĩa” mà người ta cố gán vào. Nhỏ thôi cũng được, nhỏ như tượng Chú chó Hachiko ở Nhật hay tượng Chú bé đứng tè ở Brussels, chúng không đáng mấy xu bạc cả, nhưng vì tình yêu thật thà mà người ta đã biến chúng thành những tượng đài thật sự của tình yêu, của lòng chung thủy và sự hồn nhiên đẹp đẽ vô ngần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét