Quả như vậy. Ngày 31 Tháng Năm vừa qua, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc – tập thể cầm quyền cao nhất ở xứ này – đã có một “hội nghị học tập tập thể” với chủ đề tuyên truyền và thông tin đối ngoại, theo cái mà Tổng Bí Thư Tập Cận Bình gọi là “giảng hảo Trung Quốc cố sự,” tức là kể cho hay câu chuyện của Trung Quốc.
Hai năm qua, câu chuyện đó chỉ là câu chuyện đầy thù oán và ác ý, thấm đẫm nọc độc của ngoại giao chó sói (wolf warrior diplomacy). Tại hội nghị, ông Tập thừa nhận cách tiếp cận hiếu chiến trong ngoại giao đã không được chào đón; và ông bảo các quan chức cao cấp nhất của đảng Cộng Sản rằng họ phải cải thiện việc giao thiệp với thế giới bên ngoài. “Chúng ta phải tập trung kiểm soát lời nói, cởi mở và tin tưởng nhưng cũng đồng thời phải giản dị và khiêm tốn, cố gắng tạo ra một hình ảnh Trung Quốc đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính,” ông Tập nói tại hội nghị, theo tường thuật của hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã.
Có thể hiểu lời nói của ông Tập như thế nào? Có phải ông Tập sẽ thay đổi chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo hướng “giản dị và khiêm tốn” hơn? Hãng tin Bloomberg trong bài đăng ngày 1 Tháng Sáu nhận định, đây là “một dấu hiệu Bắc Kinh có thể đang tìm cách làm dịu cách hành xử ngoại giao cứng rắn của mình” và “Có lẽ ông Tập sẽ suy nghĩ lại chiến lược truyền thông trên sân khấu toàn cầu.” Tuy nhiên, nhiều học giả về Trung Quốc, cả trong và ngoài Trung Hoa lục địa, không nghĩ như vậy.
Tham khảo toàn bài diễn văn của ông Tập tại hội nghị, người ta thấy ông không lo lắng nhiều về chuyện thế giới bên ngoài phản ứng và xa lánh Trung Quốc, mà ông lo chuyện thông điệp của Trung Quốc không được thế giới bên ngoài tiếp nhận. Ý kiến trọng tâm trong bài phát biểu của ông Tập là thế giới chia thành hai khối theo hai hệ tư tưởng khác nhau, đối lập nhau và cả hai đang trong một cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành sự ủng hộ của công luận thế giới.
Ông nhiều lần nhắc lại cụm từ “dư luận đấu tranh” có từ thời Mao Trạch Đông để chỉ cuộc đấu tranh làm cho nhân loại phải nhìn nhận sự tốt đẹp của đảng Cộng Sản Trung Quốc, của chủ nghĩa Cộng Sản nói chung và tôn trọng “lợi ích cốt lõi” (core interests) của Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang trong một thời kỳ “dư luận đấu tranh” như vậy.
Ông Tập và các chiến lược gia của ông cho rằng, thông tin và hình ảnh Trung Quốc bị các chính trị gia và truyền thông phương Tây xuyên tạc, làm cho dư luận thế giới không có sự hiểu biết đúng đắn về đất nước và con người Trung Quốc “năm ngàn năm văn hiến” và đang nỗ lực xây dựng một xã hội “hài hòa,” thực hiện “Trung Hoa mộng” – mà nội dung cốt lõi là khôi phục vị thế “trung tâm” lãnh đạo thế giới của Trung Quốc.
Thông tin xuyên tạc đã gây hại rất lớn cho quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc, và chính sách “ngoại giao chó sói” chỉ là một phản ứng hợp pháp, hợp lý của Trung Quốc đối phó lại quan niệm của phương Tây luôn coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối đe dọa.
Ông Vương Văn (Wang Wen), giám đốc điều hành Viện Nghiên Cứu Tài Chính của Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, đồng thời là một trong nhiều cố vấn của chính phủ, nhận xét: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy rằng sự xuyên tạc hình ảnh Trung Quốc đã gây ra những tác động tiêu cực cho các lợi ích cốt lõi. Và họ hy vọng các cấp chính quyền sẽ chú ý nhiều hơn tới giao tiếp quốc tế và đóng một vai trò tích cực trong truyền thông.” Ông Vương cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài.
***
Một trong những giáo sư giảng bài ở hội nghị học tập của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn tới quan điểm của ông Tập Cận Bình là Giáo Sư Trương Duy Vi (Zhang Weiwei), giám đốc Viện Nghiên Cứu Trung Quốc Đại Học Phúc Đán Thượng Hải. Ông Trương từ thập niên 1980 đã là phiên dịch viên cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, gồm cả ông Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping).
Ông Trương là người bảo vệ nhiệt thành cho cái gọi là “hình mẫu Trung Quốc” (China Model) – một hệ thống chính trị độc tài do đảng Cộng Sản lãnh đạo, mà ông ta cho rằng “tốt hơn các mô hình khác.” Mười năm trước, ông Trương từng có một cuộc tranh luận nảy lửa với Giáo Sư Francis Fukuyama của Đại Học Stanford – người đề ra quan điểm chế độ dân chủ tự do là hình thái xã hội cuối cùng, tốt nhất của lịch sử loài người – trong đó ông Trương đề cao những ưu điểm của hệ thống Trung Quốc và cho rằng hệ thống dân chủ phương Tây “chỉ có thể là một thời kỳ chuyển tiếp trong lịch sử lâu dài của nhân loại.”
Ông Trương lập luận: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc là cái mà chúng tôi gọi là ‘thế’ (shi), hoặc là một xu hướng chung, quy mô và tốc độ của nó là chưa từng có trong lịch sử loài người. Cảm giác của riêng tôi là hệ thống phương Tây đang đi xuống một con đường dốc, cần được đại tu và cải cách lớn. Một số người Trung Hoa đánh giá cao mô hình của Mỹ, nhưng với những người đã từng sống ở Châu Âu và viếng thăm Mỹ nhiều lần thì suy nghĩ đó quá đơn giản và ngây thơ.”
Câu chuyện Trung Quốc mà ông Trương, cùng với một cố vấn hàng đầu của ông Tập là ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, gieo vào đầu óc ông Tập Cận Bình là Trung Quốc đang trỗi dậy, phương Tây đang suy tàn. Đảng Cộng Sản Trung Quốc xem xét mọi vấn đề quốc tế từ lăng kính tư tưởng đó. Vấn đề là ở chỗ, dư luận thế giới vẫn không thừa nhận cái gọi là xu thế lịch sử đó mà vẫn coi Trung Quốc là một chế độ độc tài đảng trị phi nhân, tước đoạt tự do và nhân quyền của người dân để bảo vệ quyền thống trị của một thiểu số.
Chính vì thế, mỗi khi xảy ra bất đồng với phương Tây, các quan chức Trung Quốc lại “sửng cồ,” dùng những lời lẽ hết sức hung hăng để thóa mạ hoặc phản bác. Khi Hoa Kỳ và một số nước phương Tây gọi cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh với đồng bào thiểu số Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở Tân Cương (Xinjiang) là tội diệt chủng (genocide) thì Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) bẻ lại “Không có cái gọi là diệt chủng ở Tân Cương. Các bạn phương Tây biết diệt chủng là gì mà,” hàm ý chỉ hành động tàn sát người Do Thái của chế độ Đức Quốc Xã.
Khi bị tố cáo vi phạm nhân quyền, đàn áp người biểu tình ở Hồng Kông, Trưởng Ban Đối Ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) “dạy dỗ” Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken “hãy lo giải quyết chuyện biểu tình của người da đen Black Lives Matter” ngay trong phiên khai mạc cuộc họp ở Alaska hồi cuối Tháng Ba. Tất cả những sự việc đó đều cho thấy, Trung Quốc đã tự tin hơn rất nhiều, quyết đoán hơn rất nhiều trong việc đối đầu với một “phương Tây suy tàn.”
***
Có điều câu chuyện “Trung Quốc đi lên, phương Tây đi xuống” đúng sai thế nào chưa nói nhưng thái độ ứng xử “ăn miếng trả miếng” của Bắc Kinh đã bị phản tác dụng, ít ra là trong dư luận các nước Châu Âu và Bắc Mỹ. Nhận ra vấn đề đó, ông Tập Cận Bình muốn thay đổi giọng điệu: vẫn đốp chát với Âu-Mỹ nhưng tỏ vẻ ôn hòa với phần thế giới còn lại, nhất là các quốc gia đang phát triển, đang lưỡng lự giữa hai mô hình phát triển: theo chế độ dân chủ tự do kiểu Âu Mỹ hay theo độc tài đảng trị kiểu Trung Quốc.
Tại hội nghị học tập nói trên, cùng với yêu cầu “tạo ra một hình ảnh Trung Quốc đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính,” ông Tập nhắn nhủ các thuộc cấp phải thu hút được nhiều đồng minh, mở rộng cái gọi là “vòng thân hữu trong công luận quốc tế” (quốc tế dư luận bằng hữu khuyên). Mệnh lệnh “giảng hảo Trung Quốc cố sự” mà ông Tập chỉ thị cho thuộc cấp có nghĩa là trong giao tiếp quốc tế phải đề cao ưu điểm của mô hình Trung Quốc trong phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, trong huy động nguồn lực để thực hiện những mục tiêu lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểm soát đại dịch COVID-19 chẳng hạn. Trong bài diễn văn của mình, ông Tập còn yêu cầu thuộc cấp phân hóa hàng ngũ đối thủ, coi là bạn bè những cơ quan truyền thông đi theo quan điểm của Bắc Kinh, truyền bá câu chuyện Trung Quốc và đấu tranh, vô hiệu hóa những “kẻ thù” là những nhà báo cứng đầu cứng cổ, những học giả và chính trị gia thiên về phê phán.
Gần đây, chính sách đối ngoại của Trung Quốc có hai mặt đáng chú ý: “chó sói” với phương Tây và “cừu” với các nước đang phát triển mà các chương trình viện trợ, cho vay đầu tư và “ngoại giao vaccine” là những biểu hiện chính. Trong khi đối đầu quyết liệt với Hoa Kỳ, Canada, Úc, Châu Âu, Ấn Độ… Trung Quốc lại cố thu phục các nước nhỏ, lợi dụng lúc phương Tây đang chật vật với đại dịch COVID-19 để sắm vai một cường quốc nhân hậu, cung cấp vaccine và tài trợ kèm với sự quảng bá về lòng tốt của Trung Quốc.
Có thể khẳng định Trung Quốc có nhiều phần thành công trong việc thu hút các nước nhỏ, đang phát triển, khuynh loát nhiều tổ chức quốc tế như Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO)… Nhưng liệu Trung Quốc có “đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính” như kỳ vọng của ông Tập hay không là chuyện khác. Những khoản viện trợ và đầu tư khổng lồ trong sáng kiến Vành Đai và Con Đường của ông Tập hóa ra là một thủ đoạn gài bẫy nợ nần, đang làm cho nhiều quốc gia hết sức khốn đốn.
Vaccine Trung Quốc là lựa chọn gần như duy nhất của các nước ngoài Châu Âu và Bắc Mỹ nhưng tình trạng dịch bệnh gia tăng khủng khiếp ở những nước dùng vaccine Trung Quốc như Bahrain, Seychelles, UAE, Chile đang khiến cả thế giới e ngại. Một thời gian nữa, khi nguồn vaccine Mỹ và Châu Âu được cung cấp dồi dào hơn thì chắc sẽ không nước nào chịu sử dụng vaccine Trung Quốc.
Những thông tin ngày càng nhiều, càng xác thực về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, cùng với thái độ che đậy, giấu giếm một cách bất minh của Trung Quốc càng làm cho thế giới chấn động và nhìn vào Trung Quốc với sự hoài nghi cao độ. Một Trung Quốc chỉ biết lợi ích của riêng mình, không tôn trọng những nguyên tắc ứng xử quốc tế là một Trung Quốc hoàn toàn không đáng tin cho dù họ luôn miệng “hữu hảo.”
Bắc Kinh một mặt muốn chiêu mộ đồng minh, lập phòng tuyến “vòng thân hữu” để đối phó với chính sách của chính quyền Joe Biden củng cố liên minh các quốc gia dân chủ chống độc tài, nhưng mặt khác lại luôn bành trướng lãnh thổ, gây hấn và đe nẹt các nước nào dám thách thức “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Hậu quả là đồng minh của Trung Quốc quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một số chính phủ độc tài như Nga, Bắc Hàn, một số lợi dụng cái bóng của Trung Quốc để mặc cả với phương Tây như Pakistan, Cambodia; phần còn lại của thế giới hầu như không ai kính trọng Trung Quốc cả, có chăng chỉ là nỗi sợ hãi một nước lớn và mạnh nhưng xấu tính.
Đài Loan đang bị dịch rất nặng. Nhật vội vàng viện trợ cho Đài Loan 1.25 triệu liều vaccine, trả ơn Đài Loan đã sốt sắng hỗ trợ Nhật sau trận động đất kinh hoàng ở Fukushima năm 2011. Phái đoàn Thượng Viện Hoa Kỳ vừa đến thăm Đài Loan và cam kết hỗ trợ 750,000 liều vaccine. Trong khi đó Trung Quốc tức giận lên án Hoa Kỳ, chỉ trích Nhật và tệ hơn nữa là chặn nguồn vaccine AstraZeneca mà Đài Loan đặt mua, với lý do Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Bắc Kinh đã hành xử vô nhân đạo với người đồng chủng của họ thì mong chi họ tử tế các dân tộc khác. Con đường để Trung Quốc trở thành “đáng yêu” xem ra còn rất diệu vợi.
***
Khổng Tử, “ông thầy muôn đời” của khoa học chính trị Trung Quốc, từng dạy người Trung Quốc rằng “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – điều gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người. Muốn cho hình ảnh Trung Quốc được “đáng tin, đáng yêu và đáng kính” thì Trung Quốc phải tránh làm những chuyện thương luân bại lý, gây tổn thất cho người khác chỉ vì quyền lợi của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Thay đổi giọng điệu ngoại giao là chưa đủ, Bắc Kinh cần phải thay đổi toàn bộ quan niệm về thế giới, về chính Trung Quốc và hành xử như một cường quốc thật sự có sức mạnh và tinh thần trách nhiệm.
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-quoc-muon-duoc-yeu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét