Chau Doan
Đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (tư vấn ACT) của Pháp đã đưa ra 16 khuyến cáo dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi vận hành nhưng Bộ Giao thông vận tải cho rằng 16 cảnh báo này là do khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn trong đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống metro giữa châu Âu và Trung Quốc.
Một công trình dài 13 km, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng, vận hành thử vào 9/2018 mà tới giờ vẫn đầy khiếm khuyết. Đấy là một vết ô nhục cho đất nước, cho con người Việt Nam. Tiền mất tật mang, lòng người nghi hoặc.
Tôi viết không phải để đay nghiến mấy quan chức của bộ GTVT mà điều tôi muốn cảnh báo hiểm hoạ về tất cả những gì liên quan tới vốn, tổng thầu, thầu từ Trung Quốc mà trong ấy nhiệt điện than là một vấn đề lớn, vô cùng quan trọng mà công luận cần quan tâm.
Có thể một số bạn sẽ cho là tôi cực đoan khi xét về người anh em “môi hở răng lạnh” này nhưng tin tôi đi, việc cảnh giác là rất cần thiết.
Không phải chỉ là cái dự án đường sắt 13 km be bét một cách kinh hoàng này mà sự be bét tương tự với Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Tôi có người bạn là kĩ sư Nhà máy Nhiên liệu Sinh Học Dung Quất. Anh bảo nhà thầu Trung Quốc không có tài liệu chi tiết, không có hồ sơ lắp ráp trạm phát điện và sinh hơi. Lắp xong hệ thống không chạy được do thiếu áp nên không dùng được máy phát điện. Chuyên gia Trung Quốc sang sửa không được thì lặn mất tiêu. Sau phải dùng điện lưới để vận hành nhà máy.
Vậy tại sao nhiệt điện ở Việt Nam lại liên quan tới Trung Quốc?
Bởi trên thế giới chỉ có 3 nước cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tháng 4, 5 vừa qua, Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết dừng cấp vốn cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài. Riêng Nhật Bản đã quyết định dừng không xây 6 nhà máy nhiệt điện than, đấy là công của một số nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở Nhật Bản.
Từ giờ, nhiệt điện than ở Việt Nam phải gắn bó với vốn và đương nhiên là tổng thầu, thầu Trung Quốc.
Trong 30 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động ở Việt Nam, có 17 nhà máy có vốn từ Trung Quốc. Trong 5 nhà máy ở Việt Nam thì đều là vốn của Trung Quốc. Còn những nhà máy sẽ triển khai thì đương nhiên cũng là vốn Trung Quốc, bởi đơn giản là hai nước kia không cấp nữa.
Về tiêu chuẩn đường sắt trên cao, bộ GTVT cho rằng ACT là theo tiêu chuẩn Châu Âu, chứ với tiêu chuẩn Trung Quốc thì là an toàn. Nói vậy thì khác nào nói mạng người Trung Quốc và Việt Nam kém giá hơn mạng người Châu Âu?
Thôi thì cũng tạm chấp nhận nhưng với nhiệt điện than thì theo Trung tâm Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) thì đã có một tiêu chuẩn kép giữa Trung Quốc và Việt Nam, tức là các chỉ tiêu về các khí thải độc hại ở Trung Quốc thấp hơn ở Việt Nam tới 4,5 lần.
Nếu thế thì chẳng lẽ mạng người Việt Nam chỉ bằng 4,5 giá của mạng người Trung Quốc?
Tôi thấy thật cay đắng và tự hỏi liệu mình có cường điệu hoá, hay suy diễn quá về việc này không?
Nhưng tôi tin rằng không? Người Việt Nam là một dân tộc tuy không văn minh nhưng có nhiều phẩm chất và nếu được phát huy thì sẽ chẳng kém cạnh với dân tộc nào. Vậy tại sao ta lại tự rẻ rúng chính mạng sống của mình?
Ở đây, lòng tin là trọng tâm của câu chuyện.
Một dự án đường sắt chưa ra đời mà lòng dân đã cảm thấy bất an khi biết nó không an toàn. Tự bước lên dùng có phải là tự rẻ rúng mạng sống của mình không?
Bao dự án, đại dự án liên quan tới vốn, nhà thầu Trung Quốc đã be bét như thế thì các nhà máy nhiệt điện đang xây, sẽ xây sẽ có phải là những đống rác khổng lồ, là nơi đầu độc dân chúng một cách hợp pháp? Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc mà có ác ý thì đấy có phải là âm mưu thâm sâu không?
Xin nói rõ, tôi không phải là chuyên gia mà chỉ là một người cầm bút có lương tri, tôi chỉ nêu vấn đề. Nếu không đúng thì các bạn chuyên gia vào chỉ bảo giúp cho. Nhưng trước khi lên tiếng, các bạn hãy thật sự bỏ tâm của mình vào sự việc, suy ngẫm chứ đừng phán một cách vô trách nhiệm, một cách bất lương.
Các nước văn minh đều kí hiệp định Paris cam kết giảm dần lộ trình dùng nhiệt điện than để giảm khí thải CO2, góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Ta phải theo trào lưu chung như một đất nước văn minh và trước hết là bảo vệ sức khoẻ của người dân.
Đừng nói là ta cần năng lượng, ta phải hy sinh. Vấn đề là hy sinh ai? Trong chiến tranh mạng người dân đã phải hy sinh với một hứa hẹn cho một tương lai tươi sáng. Giờ hoà bình lại lấy mạng dân để hy sinh sao được.
Nói không nhiệt điện than thì lấy đâu năng lượng để điều hoà? Hỏi mà không động não. Vậy tại sao vừa động viên năng lượng tái tạo thì lại kêu là quá tải, bắt giảm công suât. Sao không chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho tốt để điện NLTT được dùng hết công suất? Cả thế giới bùng nổ về việc tích trữ năng lượng bằng pin, bằng bơm nước lên cao sao không theo?
Quan trọng là bỏ tiền ra làm cái gì. Giá như 18.000 tỉ đồng kia được đổ vào những mô hình tích điện lớn nhỏ cùng với năng lượng gió, mặt trời… rồi huy động vốn doanh nghiệp, vốn của dân làm nữa thì có phải không khí của đất nước này đã sạch hơn bây giờ nhiều không?
Nói vậy quả thật cũng không hoàn toàn công bằng bởi đấy là nói về việc đã qua nhưng điều tôi muốn nói ở đây là để cho những sự be bét không được tiếp tục xảy ra trong tương lai. Hãy đề phòng với người anh em “môi hở răng lạnh” nhưng lúc nào răng cũng rình để cắn nát môi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét