Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

6666 - Biết gì từ thế sự trong chăn (Phần 2)

Nguyễn Đình Cống

Tiếp theo phần 1

5- Gian truân khi nộp hồ sơ

Sáng ngày 11, đã có sẵn thằng cháu ngoại đem xe máy chờ sẵn để chở ông đi nộp hồ sơ tại một nơi cách xa trên mười cây số. Kể ra tôi vẫn có thể đi xe máy được nhưng vợ con khuyên không nên, tôi thấy có lý nên cũng nghe lời. Con gái, để tiết kiệm tiền taxi cho bố nên sai con nó đến chở ông đi.

Chúng tôi đến nơi khá sớm, văn phòng tiếp nhận hồ sơ vừa mở cửa, đã có vài người và một nhóm phóng viên. Tôi đưa hồ sơ, được dặn rằng phải ngồi đợi ở hành lang, khi nào gọi đến tên mới được vào. Trong lúc chờ đợi, tôi vui vẻ chuyện trò với các cô cậu phóng viên đến lấy tin, làm tường thuật và tặng họ vài quyển sách “Cùng học để giáo dục con trẻ” mà tôi và con gái là đồng tác giả.

Đúng mười một giờ hai mươi phút, khi ở hành lang chỉ còn một mình, tôi mới được gọi. Tôi được thông báo là hồ sơ còn một vài sai sót, cần được làm lại. Tôi hỏi thì được chỉ ra bốn chỗ. Một là mục 8, (Nơi đăng ký thường trú – Nơi ở hiện nay).

Theo hướng dẫn nơi ở hiện nay, nếu trùng với nơi đăng ký thường trú thì ghi: như trên, thế mà tôi đã ghi lại toàn bộ nội dung. Hai là ở mục 9, hồ sơ ghi là số CMND (Chứng minh nhân dân), bị cho là phải ghi CCCD (Căn cước công dân). Ba là mục 12, trình độ phổ thông, tôi ghi 9/9 không đúng với hướng dẫn. Bốn là ở mục 23, trong bảng khai quá trình công tác hồ sơ có hai chữ viết tắt. Đúng ra phải viết rõ: Từ tháng 9 năm 1989 đến tháng 7 năm 1998 thì trong hồ sơ là: Từ th 9 năm 1989 Đến th 7 năm 1998.

Sai sót viết tắt xảy ra như sau. Khi dùng tay lập bảng để nhờ người làm hộ (vì tôi chưa thạo việc này) thì mọi dòng tôi đều viết đầy đủ chữ tháng… Đến dòng cuối cùng, chẳng hiểu thế nào (phải chăng do thế lực tâm linh xui khiến) tôi viết tắt với ý định là khi gõ trên máy sẽ gõ đầy đủ. Không ngờ người làm hộ cứ y nguyên văn mà gõ. Qua bao lần soát xét mà không phát hiện ra. Đến phút chót mới bị vạch lỗi.

Về mục 8, 9 và 12 tôi không chịu và xin phép được giải thích.

Mục 8, việc ghi như hướng dẫn là được phép chứ không phải bắt buộc, vì vậy cách tôi ghi là không sai, nó hoàn toàn nhắc lại đúng điều đã khai, chẳng phải là giống như trên à.

Mục 9, hồ sơ ghi là số CMND (loại mới 12 số), các anh bắt tôi chữa thành số CCCD là không đúng vì trên thẻ tôi đang giữ ghi rõ là Chứng minh nhân dân.

Mục 12, tôi biết hướng dẫn ghi là: Lớp X/10 hoặc lớp Y/12 (ứng với phổ thông 10 năm hoặc 12 năm). Tôi ghi 9/9 là đúng với sự thật. Người làm hướng dẫn đã không biết rằng từ năm 1951 đến 1956, cấp học phổ thông chỉ có 9 năm. Tôi thuộc lớp người cuối cùng học phổ thông 9 năm, tốt nghiệp vào năm 1956. Hướng dẫn không đúng không phải lỗi của tôi.

Còn sai sót viết tắt, đúng là lỗi của tôi, tôi thành thật công nhận và xin được thông cảm. Nếu vì một lỗi rất nhỏ như thế này mà phải làm lại hồ sơ thì có lẽ tôi phải bỏ cuộc vì làm lại thì dễ, chỉ vài phút là xong. Khó khăn và mất nhiều công sức là xin xác nhận và đóng dấu.

Xin thưa với các anh các chị rằng Trời, Đất, Con người không có gì hoàn hảo, lý thuyết khoa học, luật lệ cũng thế. Hồ sơ không hoàn hảo cũng là chuyện thường. Nếu là sai sót ảnh hưởng đến nội dung hoặc gây ra sự hiểu sai thì tôi xin làm lại hồ sơ, nhưng ở đây sai sót quá nhỏ, không thể gây ra hiểu nhầm, vậy xin các anh chị thông cảm mà bỏ qua.

Lúc này, ngoài tôi ra không còn ai nộp hồ sơ nên cả năm cán bộ trong phòng tập trung nghe trường hợp của tôi. Một anh nói: Chúng cháu sẵn sàng thông cảm mà nhận cho bác, nhưng sợ cấp trên phát hiện ra, không những họ sẽ loại hồ sơ của bác mà chúng cháu còn bị khiển trách.

Tôi nói: Các anh chị nhận cho tôi là thể hiện lòng tử tế, sẽ tạo được phúc đức. Nếu vì thế mà bị khiển trách thì ông lão này xin các anh tha lỗi và tôi xin cầu Trời, Phật, Chúa chứng giám cho việc làm phúc đức này. Còn nếu như vì lỗi nhỏ mà cấp trên loại bỏ hồ sơ thì tôi vui lòng chấp nhận, rất vui lòng chấp nhận mà không oán hận gì các anh chị ở đây. Chỉ là sau khi tôi biết hồ sơ bị loại chừng 15 phút thì toàn thế giới cũng sẽ biết tin đó.

Đến đây thì một chị trong nhóm, trông tướng người phúc hậu, nói với những người khác: Bác giáo sư nói đúng đấy các anh ạ. Nhận đi cho bác yên lòng. Một người như bác mà tự ứng cử là hiếm hoi lắm.

Họ đã hội ý và anh Phong viết biên nhận hồ sơ vào lúc đúng 12 giờ. Tôi được biết chị nói giúp tên Thảo. Ông cháu tôi vui vẻ ra về. Tuy vậy sự việc vẫn chưa kết thúc.

Sáng ngày 12, tôi nhận điện thoại của anh Phong mời lên trao đổi một chút. Khi tôi vừa đến thì Phong cùng chị Thảo gặp riêng và vạch ra một số sai sót nữa trong hồ sơ như ghi không thật đầy đủ tên cơ quan cấp CMND, như phải thêm hai chữ phổ thông vào sau lời khai 9/9 và mục trình độ ngoại ngữ chỉ ghi tiếng Nga, tiếng Pháp là không rõ ràng, phải ghi thêm là trình độ A, B, C.

Mục cơ quan cấp CMND tôi ghi Công an Hà Nội, theo thói quen, nghĩ thế là được rồi, nhưng bị bắt chữa lại thành Cục Cảnh sát như trong văn bản.

Về trình độ phổ thông tôi tưởng ghi 9/9 là được, vì tôi đã có bằng Đại học và bằng Tiến sĩ thì văn bằng phổ thông không còn quan trọng, thế nhưng hướng dẫn bắt ghi rõ là học trường phổ thông hay bổ túc văn hóa.

Về ngoại ngữ tôi chẳng có chứng chỉ A, B, C nào hết, tôi sử dụng thành thạo cả đọc, nghe, nói, viết. Tôi đã làm luận án tiến sĩ bằng tiếng Nga, đi dạy ở châu Phi bằng tiếng Pháp. Tôi nói rằng, làm lại hồ sơ tôi không ngại vì nó nằm sẵn ở trong máy tính. Ngại nhất, khổ nhất là xin xác nhận và đóng dấu.

Anh Phong nói, việc này bác khỏi lo. Khi nào bác cầm hồ sơ ra ủy ban phường thì gọi điện thoại cho Phong, cháu sẽ gọi trực tiếp cho chủ tịch phường đề nghị làm ngay cho bác như là trường hợp ưu tiên đặc biệt.

Tôi đành đi về và nghĩ rằng, chỉ một loáng là sửa chữa xong mọi chỗ theo yêu cầu. Nhưng rồi tôi đã mất gần cả buổi chiều mà không làm xong vì máy tính nhảy loạn lên. Thì ra mấy cái nút Paste, Cut, Copy, Format, Save được xếp gần nhau, trong lúc tâm trí không thật bình an, tôi đặt con trỏ nhầm lung tung. Thôi đành tạm gác lại, ngủ một giấc, sáng dậy, tỉnh táo, chỉ trong 20 phút làm xong, ra ủy ban, gọi điện cho Phong, một chốc xong xuôi, gọi xe ôm Grab chở đi nộp. Anh Phong hủy giấy biên nhận cũ, viết giấy biên nhận mới. Nộp được hồ sơ xem rằng đã thắng lợi.

6- Chuẩn bị cho cuộc họp

Sắp tới là cuộc họp cử tri để bình xét. Đây là một việc làm vi phạm quyền tự ứng cử, nhưng đã được đưa thành một điều luật, ngụy trang dưới danh nghĩa dân chủ. Biết rằng cuộc họp đó sẽ diễn ra vào thượng tuần tháng tư. Còn gần một tháng chờ đợi. Tôi lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc họp đó.

Đầu tiên tôi viết và công bố một số bài về chương trình hành động, với các nội dung: “Nếu được vào QH tôi sẽ làm gì và làm như thế nào”. Các bài viết gửi đăng các báo mạng, được nhiều độc giả đánh giá khá tốt.

Tôi không nhớ rõ, từ cuộc bầu cử 2016 trở về trước có ứng viên nào tự tổ chức gặp cử tri để vận động hay không, còn lần này, sau mấy bài báo của tôi, thấy có một số ứng viên cao cấp được Mặt trận tổ chức cho gặp cử tri nhưng chủ yếu để tuyên truyền chứ không phải để vận động, không phải để giới thiệu chương trình hành động hoặc chương trình tranh cử. Không biết những bài báo của tôi có gợi ý cho họ chút nào không.

Viết cũng chỉ được 5 bài là hết ý, tôi theo dõi tình hình trong phường và vận động hành lang. Thông tin tôi ứng cử đã được nhiều người trong phường biết qua các kênh bán công khai. Đã có trao đổi giữa một số đảng viên và cán bộ về việc vận động tôi rút đơn (tôi đợi mà chẳng thấy ai đến vân động) và những dư luận đồn đại rằng, tôi quá già rồi, không thể gánh vác trách nhiệm nặng nề.

Qua dư luận tôi đoán biết chỉ thị từ cấp trên xuống là phải loại bỏ tôi. Lý do không phải lớn tuổi mà vì lãnh đạo chưa thể chấp nhận một người phản biện như tôi. Lớn tuổi chỉ là cái cớ bề ngoài, phải triệt để lợi dụng.

Biết chắc rằng thế nào cũng bị loại ở hội nghị, nhưng liệu có ai dám nói vài câu ủng hộ hay không. Không chờ đợi, phải vận động. Tôi dự kiến 10 người có khả năng được mời dự họp và ít nhiều có cảm tình. Tôi và con gái bí mật gặp từng người, trao đổi và đề nghị, nếu họ được mời họp thì phát biểu cho một ý đơn giản như sau: “Tôi thấy ông Cống là người có trí tuệ minh mẫn và vẫn còn khỏe mạnh”. (Không cần nói ủng hộ hay không việc ứng cử).

Làm việc vận động cũng chỉ mất vài ngày. Tôi tập trung chuẩn bị bài phát biểu trong khoảng dưới 15 phút ở hội nghị. Suy nghĩ và viết thảo chỉ trong chưa đến một buổi sáng, nhưng tôi đã sửa chữa không dưới 10 lần, trong những ngày tiếp theo, photo ra chỉ hai trang A4, cỡ chữ 14, xem đi xem lại gần như thuộc lòng, trình bày chậm rãi mất khoảng 12 phút. Ngoài một vài điều về thành tích đóng góp cho đất nước và địa phương, tôi nhấn mạnh 3 vấn đề: 1- Tại sao tôi từ bỏ Đảng. 2- Những bài phản biện của tôi. 3- Lý do tôi tự ứng cử.

Về lý do ứng cử tôi viết như sau: “Tôi ứng cử là theo lời kêu gọi của lãnh đạo, làm sao để có 50 người ngoài Đảng vào Quốc Hội. Năm nay tôi 84 tuổi, còn minh mẫn, sức khỏe tốt, không có bệnh tật gì quan trọng. Đã từng có nhiều người trên 80 tuổi vẫn có đóng góp rất đáng kể cho đất nước. Tại Malaysia, ông Mahathia 92 tuổi ứng cử và được bầu làm thủ tướng. Hiến pháp và Luật bầu cử không hạn chế tuổi. Nếu bảo lên núi đế chống đất trượt, chống lũ quét, giữ rừng, xuống biển để chống bão hoặc thủy triều dâng cao thì tôi không đương nổi, nhưng gặp gỡ nhân dân để lấy thông tin, nghĩ ra các kế sách, phát biểu ở hội trường thì tôi có khả năng hơn nhiều người trẻ khác. Khả năng làm việc trí tuệ của tôi còn khá cao.

Tôi ứng cử không phải vì đặc quyền đặc lợi, không vì danh vọng mà là muốn đem trí tuệ đóng góp cho hoạt động của Quốc hội, vào việc làm ích nước lợi dân. Tôi tự đánh giá có nhiều khả năng phản biện và đã viết nhiều bài đăng báo mạng. Những ý kiến như vậy của tôi, nếu được phát biểu công khai, hợp pháp, đúng luật tại Quốc hội thì sẽ có giá trị gấp hàng vạn, hàng triệu lần các bài báo.

Tôi đã viết và đăng một số bài: Nếu vào được QH tôi sẽ phát huy các thế mạnh về luật pháp, giáo dục, xây dựng, thảo luận và phản biện. Ngoài ra tôi sẽ đóng góp trí tuệ trong các hoạt động khác của Quốc hội. Tôi sẽ lập văn phòng với ít nhất một thư ký giúp việc.

Thăm dò được biết hội nghị sớm nhất cũng phải từ ngày 8 tháng 4. Còn hơn 10 ngày nữa, phải làm việc gì cho khỏi lãng phí thời gian.

Tôi bỗng nhận được tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các Bộ trưởng tiếp nhận phản biện, nhớ ra đang có kế hoạch viết sách Học làm phản biện, cũng đã viết được một ít, tài liệu cũng đã thu thập được. Chỉ trong vòng một tuần, vừa theo dõi việc ứng cử, tôi hoàn thành bản thảo cuốn sách, đem phô tô vài chục bản để tặng bạn bè ở gần và gửi bản mềm cho hàng ngàn bạn các nơi.

7- Trận đấu không cân sức

Ngày 7/4 tôi nhận được giấy mời họp vào 20 giờ ngày 8. Tôi chuần bị một thùng đựng 40 quyển sách và tài liệu thuộc các loại mà tôi đã viết và công bố, đặc biệt là Giải thưởng về Khoa học ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế lớn trong xây dựng, để lỡ ra có ai hỏi rằng, “ông đã làm được gì cho đất nước” thì còn có vật chứng để trình bày.

Chiều ngày 8, từ 13 giờ trong phạm vi tổ dân phố xuất hiện nhiều người lạ, hình như là công an mặc thường phục từ các nơi khác đến, họ đang đề phòng hoặc đợi chờ một chuyện gì đó. Sau này mới biết là đề phòng người ủng hộ ông Cống từ các nơi kéo đến gây áp lực hoặc quậy phá. Chẳng có ai kéo đến nên những người lạ tự động rút lui.

Cuộc hội nghị ở tầng hai nhà văn hóa cụm dân cư. Nhà này có sân khá rộng. Có hai chốt kiểm soát: Ở cổng từ đường phố vào sân và ở cuối cầu thang, nơi có cửa vào phòng họp.

Con gái tôi, nguyên Hiệu trưởng trường mầm non tại địa phương, đảng ủy viên và ủy viên Hội đồng Nhân dân phường không nhận được giấy mời, nó mang giúp tôi thùng tài liệu đến nơi họp. Dù cho mở hết thùng để mọi người thấy rõ bên trong chỉ có sách, nhưng không được phép mang qua cổng vào sân, mỗi người chỉ được đi tay không vào nơi họp.

Con gái tháp tùng tôi lên phòng họp. Ở cửa vào, nơi kiểm tra giấy mời, nó gặp toàn người quen. Có người định kiểm tra giấy mời nhưng vài người nói rằng chị là con gái của ông, dù không có giấy mời chị cũng được vào dự thính, chỉ không được biểu quyết.

Tham dự hội nghi, có ba đại biểu từ Quận, năm đại biểu từ Phường và 66 đại biểu cử tri được mời. Nhìn kỹ các cử tri được mời không thấy có một người nào trong số bạn bè của cha con tôi.

Có khả năng người ta đã bố trí theo dõi, hễ ai, dù cán bộ, đảng viên hay dân thường, nếu có tiếp xúc với cha con ông Cống đều bị loại ra khỏi danh sách được mời họp.

Biết rằng mình sẽ đơn thương độc mã chiến đấu trong một trận hoàn toàn không cân sức về lực lượng. Nhưng về thế, tôi tự tin vào chính nghĩa của mình.

Đúng 20 giờ, cuộc họp bắt đầu. Người điều khiển tuyên bố rằng, không được ghi âm, chụp ảnh, quay phim, mỗi người chỉ được phát biểu dưới 5 phút. Có ai phản đối không.

Tôi định đứng dậy yêu cầu rằng, đến lượt tôi phát biểu, với 5 phút thì không đủ, tôi sẽ xin thêm, nhưng rồi như có một ma lực nào đó ngăn lại. Thế là hội nghị bắt đầu với các thủ tục thông thường, rồi đến phát biểu của cử tri.

Có mười phát biểu, trong đó 8 người nhấn mạnh lý do tôi đã quá già, họ không thể giới thiệu một người già như thế. Trong tám ý kiến ấy có vài ý tỏ ra khá tử tế, họ gọi tôi là thầy, họ đánh giá tương đối đúng những đóng góp của tôi.

Ngoài 8 ý kiến ra, có một người xoáy vào việc tôi từ bỏ Đảng, một người khác vu cáo rằng, những bài phản biện của tôi là nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.

Đến lượt tôi phát biểu, người điều khiển nói rằng chỉ được phát biểu trong 5 phút. Tôi từ tốn thưa rằng mọi ý kiến đã được chuẩn bị ra giấy, tôi sẽ đọc, nhưng 5 phút không đủ, tôi xin 15 phút để đọc và còn trả lời một số ý bị vu cáo. Nhưng người điều khiển không cho, viện cớ là ngay từ đầu đã thông qua quy định mỗi người chỉ được phát biểu trong 5 phút.

Tình huống này tuy tôi có dự kiến trước và đã lên kế hoạch ứng xử, nhưng rồi thực tế phũ phàng làm tôi hơi bị choáng. Kế hoạch ứng xử là luôn phải giữ bình tĩnh, nhẫn nhịn, theo phương châm của Thạch Sanh khi biết được âm mưu đen tối của Lý Thông: Chứng minh phó thác (cho) Quỷ Thần. Lòng ta cứ giữ ân cần trước sau.

Bị choáng trong chốc lát làm cho tôi nói hơi to tiếng: Tôi phản đối. Thế rồi lời qua tiếng lại. Tôi định thể hiện sức khỏe bằng cách nói to, không nói vào micro mà dùng nó để thể hiện sức khỏe của phổi. Nhưng chẳng ai quan tâm.

Sau này con gái nói, nó đã vài lần nhắc tôi hãy dùng micro và nói bé thôi, nhưng tôi đã không nghe thấy mà vẫn nói to. Khi người ta nói to thì dễ mất bình tĩnh. Nói bé mới dễ giữ bình tĩnh. Nói to là một tật tôi đã mắc phải do nghề nghiệp, đã cố chữa nhưng chưa chữa được hoàn toàn.

Bà Hải, chủ tịch Ủy ban Mặt trận của phường có đề nghị, cứ để cho tôi 15 phút để trình bày, nhưng rồi đề nghị đó không được chấp nhận.

Hội nghị đã bỏ phiếu bằng cách giơ tay. Không một ai ủng hộ việc tôi ứng cử.

Cha con tôi ra về trong tâm trạng không được vui. Nguyên nhân không phải vì bị loại bỏ, điều này đã biết trước, mà vì đã không đọc được bài phát biểu chuẩn bị công phu. Tôi thường vẫn bắt đầu nằm ngủ trước 21 giờ 30. Nhưng hôm nay cha con thức đến 23 giờ để rút kinh nghiệm.

Tôi công nhận rằng mình tu luyện cũng đã nhiều nhưng chưa đắc Đạo. Con gái lại khuyên: Có lẽ trên đời đây là lần đầu ba hơi bị mất bình tĩnh. Biết đâu đây là sự thử thách do Bề Trên tạo ra để ba biết mà tiếp tục tu luyện, chuẩn bị cho những tình huống gay cấn hơn, có thể xảy ra trong quảng đời còn lại. Nghe con nói thế, tôi thấy yên lòng, ngủ an giấc cho tới sáng.

Dù sao tôi cũng đã thắng lợi, vì đã phát hiện được nhiều mưu mẹo của những người chỉ đạo và tổ chức cuộc họp, đủ bằng chứng cho rằng, đó là “Cuộc họp đầy gian dối”. Nhưng vì có thể đã không kịp thời phát hiện ra âm mưu khiêu khích mà chưa thực hiện được toàn vẹn kế hoạch. Vì thế, thắng lợi có kém phần vẻ vang. Nếu tôi mềm dẻo hơn để đọc bài phát biểu và phản bác những lời vu cáo, làm cho một số người hiểu ra lẽ phải, giác ngộ được chân lý thì thắng lợi sẽ lớn hơn nhiều.

https://baotiengdan.com/2021/06/09/biet-gi-tu-the-su-trong-chan-phan-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét