Nguyễn Thông
Tháng 4.1977, tôi khoác chiếc ba lô lép kẹp đựng 2 bộ quần áo, chiếc vỏ chăn mỏng, cái màn một, vài cuốn sách ra bến Chùa Vẽ (Hải Phòng) xuống tàu khách Thống Nhất vào Nam nhận việc. Hơn 3 tháng ở nhà chờ quyết định công tác, tôi được thày bu bồi dưỡng chế độ cơm không độn, thức ăn hơn ngày thường nhưng cũng chỉ quanh qué mớ tôm mớ cá mua của mấy bà Tú Đôi đi chợ huyện, ngang qua nhà rao “ai mua cá ra mua”.
Trước hôm đi, thày thịt con gà, nấu xôi, làm mâm cơm cúng tổ tiên ông bà phù hộ cho đứa đi xa. Các anh chị trong nhà và trong họ, người cho 5 đồng, người 10 đồng, cộng tiền thày bu cho nữa được hơn trăm bạc, tôi đem ra trụ sở Ngân hàng Hải Phòng ngoài phố đổi thành tiền miền Nam. 100 đồng bắc được 80 đồng nam giải phóng, mà chỉ cho đổi tối đa chừng ấy. Lúc đi, thày tiễn ra ngõ, bảo miền Nam gạo trắng nước trong, thóc gạo nhiều, cá tôm lắm, sẽ không đói như ở nhà đâu con ạ, đi đi, nhớ vào đến nơi thì viết thư về.
Khi ấy đã trôi gần 2 năm sau “giải phóng”, ông bạn đồng môn đồng hương học trước 1 khóa, thầy Nguyễn Văn Vy người Thủy Nguyên nhập cư Sài Gòn từ đầu năm 1976, bảo cuộc sống đã khác nhiều, xuống nhiều, nhưng dẫu sao cũng còn hơn ngoài mình. Bếp ăn tập thể 43 Nguyễn Chí Thanh quận 5, cơm trắng, ăn no thì thôi. Tôi thì thào nói với thày Vy, thế này thì sướng quá, bao nhiêu năm mới lại được ăn cơm không độn, chén no. Cầm bát cơm không độn nghĩ thương thày bu và đứa em gái ở nhà.
Sự đời ai ngờ được chữ… ngờ. Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Vài tháng sau, khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8 bắt đầu cuộc ăn độn. Bất cứ thứ gì có thể ăn được là nhà bếp độn vào chảo cơm. Khoai lang, khoai mì (củ sắn), bột mì, mì sợi, và đỉnh điểm là lúa mạch, dân gian gọi nôm na hạt bo bo. Nuốt không nổi cơm độn, tọng vào mồm trệu trà trệu trạo. Nhà bếp thấy vậy cũng chán, bảo các thầy ạ, thôi, từ giờ các thầy tự nấu lấy, chúng tôi chỉ nấu cho sinh viên thôi, tháng có mấy ký gạo chúng tôi không thể làm vừa miệng các thầy được…
Ròng rã mấy năm liền lại rơi vào cảnh thèm cơm như hồi ngoài Bắc. Cả đám thầy cô giáo ở ký túc xá, ai nấy xanh xao vàng võ, mặt gầy giơ xương, dài ra như cái lưỡi cày. Giờ đôi khi lẩn mẩn giở lại coi mấy ảnh cưới (năm 1980) chụp đen trắng, tôi phát khiếp cái mặt mình. Tiêu chuẩn 13kg gạo/tháng nhưng chỉ được 4 - 5kg gạo, tôi để dành chỉ khi nào bà xã tương lai tới chơi mới dám nấu cơm trắng đãi nàng. Gặp hôm công đoàn liên hệ mua được đầu tôm phân phối cho mỗi người mấy lạng thì có bữa thịnh soạn. Sau này thỉnh thoảng kể lại, bà xã xua tay, thôi thôi, đừng nhắc lại nữa.
Tới cuối thập niên 70, lương thực thiếu trầm trọng. Chính quyền đổ tại thiên tai. Mấy ký gạo còn lại trong tiêu chuẩn cũng chả ra hồn, khi thì đầy bông cỏ, lúc thì gần như nguyên cám, xám xịt, mốc thếch, phải đem ra mấy tiệm máy xay xát “lau bóng” lại. Hồi ấy người ta không gọi là xay xát mà là lau bóng, một cách nói văn vẻ kiểu cách mạng. Có tháng phần gạo được thay bằng mì tôm Colusa, 1 ký gạo đổi ngang 6 gói mì, tháng được 12 gói. Chả hiểu sao trước năm 1975 mì tôm chỉ là món ăn chơi, ăn tạm, vậy mà tới lúc này lại có giá. Có nhẽ các nhà máy hết nguyên liệu, sản phẩm chỉ đủ phân phối cho cán bộ công nhân viên, nên dân chúng thèm mì. Trên tàu khách Thống Nhất, nhà bếp bán cho hành khách 1 đồng rưỡi/gói, phải mua thêm 2 hào nước sôi mới có bát mì dằn bụng. 12 gói mì tôm thay gạo ấy, cứ tháng tháng tôi lại rủ tay Đào Gia Thiệp đồng hương bộ đội đi học đem xuống nhà bà Muối người Hoa gần quán dì Tư Béo đổi lại thành gạo, được 2 ký rưỡi, lời nửa ký. Năm 1979, gia đình bà Muối gặp nạn “Nạn kiều” chạy về Trung Quốc, bọn tôi lại giao thương với lão Coỏng cũng người Hoa, nhà mặt tiền đường, buôn bán được nên không về cố quốc. Bao nhiêu mì lão cũng thu mua tất. Mua lại cả thuốc lá, dây thun, chỉ, dao cạo… Phải công nhận người Hoa rất giỏi buôn bán. Sau này mới biết người Hoa rất thích ăn mì. Mấy nhà máy, công ty sản xuất mì ăn liền trước 1975 đều do người Hoa làm chủ.
Trường tôi có một cơ sở ở tuốt tỉnh Tiền Giang, gần ngã ba Trung Lương, lúc đầu là cơ sở chính, vốn là Viện đại học cộng đồng Tiền Giang do Na Uy viện trợ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Những năm tôi mới vào, Tiền Giang gạo thóc ê hề nhưng Sài Gòn lại đói rài rạc. Các thầy cô thay phiên nhau xuống đó dạy, gần như người nào khi về cũng ráng lôi theo chục ký gạo. Chợ Mỹ Tho bán 5 hào/ký, đắt hơn giá nhà nước 1 hào, nhưng rẻ được một nửa so với mua trên Sài Gòn. Nhiều phen mất trắng bởi bọn hung thần trạm kiểm soát Tân Hương trên quốc lộ 4 (tức quốc lộ 1 bây giờ). Họ lên xe soi mói, chẳng giấu vào đâu được. Một ký cũng tịch thu. Giờ nhớ tới những gì mình đã trải qua tại trạm Tân Hương trời đánh, cục nghẹn ứ lên cổ, đầy những oán hờn. Nếu mình không may bị chết đói thời ấy, chắc phải làm con ma bóp cổ hết đám hung thần nhân danh cách mạng.
Thày tôi nói không sai, đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo có thể nuôi cả nước chứ không phải chỉ miền Nam. Nhưng đến khi tôi chứng kiến thì thực tế lại không phải vậy. Từ năm 1975 trở về sau, tình trạng thiếu gạo, thiếu lương thực, nạn đói mỗi ngày một khủng khiếp. Đám bắc chúng tôi đói quen rồi, miễn nhiễm đói rồi nên chịu đựng được, còn các thầy cô “lưu dung” dạy cùng trường, rồi cả những anh chị bên vợ tôi ở ngay miền Tây Nam Bộ thì than trời. Nhiều thầy bảo, suốt bao năm chiến tranh loạn lạc, đi học hay đi dạy, chỉ cao lương mỹ vị thì còn thèm, chứ không biết đói là gì, ăn độn lại càng không. Dân miền Tây, ai mà thèm quan tâm tới gạo. Thời thế đổi thay.
Ông anh vợ tôi từ An Giang lên, giấu được chục ký gạo (chả biết bằng cách nào mà tài thế) thủng thẳng bảo hạt gạo bây giờ thấm cả nước mắt. Ảnh kể ngay cả nông dân ở quê cũng không tha thiết trồng lúa nữa, bọn thanh niên mắt trước mắt sau vọt lên thành phố làm thuê làm mướn. Ruộng đồng bỏ hoang. Vựa lúa khi xưa, An Giang, Đồng Tháp giờ cũng nhiều nhà thiếu gạo, cũng đói. Có năm trúng mùa, tưởng bán được gạo có tiền mua sắm đồ đạc, nhưng bị ngăn sông cấm chợ, người ta cấm đem ra ngoài tỉnh nên trúng mà như không. Ông anh than thở, cứ tưởng giải phóng về thì dễ thở dễ sản xuất làm ăn, ai dè càng ngày càng lụn bại. Miền Tây mà cũng thiếu gạo, cũng đói thì không còn gì để nói nữa. Suốt bao nhiêu năm, qua các trào phong kiến, thực dân Pháp, “ngụy” Việt Nam cộng hòa, nhìn chung đồng bằng sông Cửu Long không biết đói là gì, thèm cơm là gì, nhưng người cộng sản đã làm được điều khó làm ấy.
Quả thật, biến một vùng đất rộng lớn trù phú, giàu sản vật như đồng bằng sông Cửu Long thành miền tan tác, khung hoảng, thụt lùi, nghèo đói trong mấy chục năm trời, chỉ có họ mới làm được. Lại ngấp nghé rơi vào cảnh “mặt nghệt như mất sổ gạo”. May mà họ đã biết nghĩ lại, tỉnh lại.
https://www.facebook.com/nguyen.thongcao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét