Ngày 16/06/2021, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra tại Genève, Thụy Sĩ. Ngoài các hồ sơ quốc tế, việc xem xét các mối tương quan lực lượng và xác định một mối quan hệ mới với Nga là một thách thức lớn cho chính quyền Biden.
Quan hệ Nga – Mỹ sắp tới sẽ ra sao ? Trở nên xấu đi hay là sẽ được cải thiện ? Matxcơva đã có lời cảnh báo khá bi quan. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm 01/06/2021 tuyên bố trước báo giới rằng « chớ có ảo tưởng và không nên tạo cảm giác là sẽ có một cú đột phá, sẽ có những quyết định lịch sử đi đến những thay đổi cơ bản ».
Bị suy yếu nhiều ngay từ dưới thời tổng thống Barack Obama, quan hệ Nga – Mỹ, dưới thời Donald Trump, đã đi xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1980. Trong bối cảnh này, Joe Biden khởi đầu nhiệm kỳ tổng thống và không điều gì cho thấy có thể hướng đến một sự cải thiện nào đó trong bang giao song phương.
Nhà nghiên cứu về Nga, Emmanuel Dreyfus, Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự (IRSEM), trên tạp chí Diplomatie đưa ra ba nguyên nhân vì sao quan hệ Nga – Mỹ xuống cấp như vậy.
Thứ nhất là sự trở lại của chính sách cường quốc của Nga. Ngay từ những năm 2000, thông qua một loạt các sáng kiến, Matxcơva không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại « không gian hậu Xô Viết » : Xung đột Nga – Gruzia (2008), khủng hoảng Ukraina (2014), và gần đây nhất là cuộc xung đột tại Thượng Karabagh, khủng hoảng chính trị tại Belarus…
Chính sách này còn được Nga áp dụng tại nhiều địa bàn xa xôi khác : can thiệp quân sự ở Syria, cắm rễ tại các nước châu Phi vùng hạ Sahara nhờ vào chiến lược gọi là « ngoại giao phòng thủ ».
Tại châu Mỹ, Nga ủng hộ chế độ độc tài Venezuela của tổng thống Nicolas Maduro. Ngoạn mục nhất là Matxcơva chia rẽ thành công quan hệ giữa Mỹ với nhiều đối tác truyền thống mà ví dụ điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ với vụ bán hệ thống tên lửa S-400.
Chiến lược này của Nga được tiến hành trong bối cảnh Hoa Kỳ xem Trung Quốc là « đối thủ cạnh tranh chiến lược » và có sự xích lại gần hơn giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng, không gian. Điều này cũng giải thích vì sao Washington xem Matxcơva là « một quốc gia cạnh tranhh chiến lược », trong Chiến Lược Quốc Phòng công bố năm 2018.
Thứ hai, nước Nga của ông Putin bị cáo buộc can dự trực tiếp vào chuyện nội bộ nước Mỹ mà ví dụ điển hình là cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Vụ việc gây chia rẽ chính trường Mỹ, đảng Dân Chủ chỉ trích lập trường không rõ ràng của đảng Cộng Hòa đối với Nga. Điều này giải thích vì sao có sự gia tăng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga, chủ yếu được thông qua ở Quốc Hội, do đảng Cộng Hòa trước đây chiếm đa số.
Cuối cùng, dù từng đóng một vai trò quan trọng trong chính sách « làm lại từ đầu - reset » với Nga dưới thời tổng thống Obama, nhưng khi trở thành tổng thống, ông Joe Biden lại là người có quan điểm cứng rắn nhất đối với Matxcơva. Chủ nhân Nhà Trắng kêu gọi củng cố hơn nữa vai trò của khối NATO tại sườn phía đông, và nhất là mối quan hệ giữa đôi bờ Đại Tây Dương.
Dù nhìn nhận giữa Nga và Mỹ, vẫn còn có nhiều lĩnh vực mà đôi bên có thể hợp tác như trong hồ sơ kiểm soát vũ khí nguyên tử, thỏa thuận hạt nhân Iran, hay hòa bình cho Afghanistan… , nhà nghiên cứu Emmanuel Dreyfus bi quan cho rằng « triển vọng cho một bước khởi đầu mới là rất hạn chế », nhất là vào lúc nước Nga ngày càng bị phương Tây lên án, đi đầu là Mỹ, về các vấn đề nhân quyền ở trong nước.
Chớ có xem thường « chú lùn kinh tế » Nga, như nhận định hóm hỉnh của cây bút thời luận của L’Obs, Pierre Haski. Để có được một chiến lược với Nga là điều không dễ!
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210607-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-biden-%E2%80%93-putin-tri%E1%BB%83n-v%E1%BB%8Dng-n%C3%A0o-cho-quan-h%E1%BB%87-nga-%E2%80%93-m%E1%BB%B9
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét