Jackhammer Nguyễn
Khi Tập Cận Bình muốn cải thiện hình ảnh Trung Quốc, xây dựng hình ảnh nước “Trung Hoa đáng yêu”, làm tôi chợt nhớ đến bài hát “Cánh hồng Trung Hoa” do nữ ca sĩ Đặng Lệ Quân (Teresa Teng), người Đài Loan, trình bày. Bà Đặng Lệ Quân nay đã quá cố, nhưng nếu còn sống, chắc hẳn bà rất ngạc nhiên khi biết có một nhân vật dữ tợn bên kia eo biển Đài Loan, ông Tập Cận Bình, lại muốn làm một điều mà bà từng làm.
Nhạc Đặng Lệ Quân rất phổ biến trong giới trí thức, sinh viên, học sinh thành thị miền Nam Việt Nam trước năm 1975, nhẹ nhàng như “Khói lam cuộc tình”, hay như “Mùa thu lá bay”, biền biệt như “Hải âu phi xứ” … những bộ phim, tiểu thuyết với cái lỏi văn hóa Trung Hoa hiện đại, không cộng sản, mà ta vẫn còn gặp âm hưởng của nó ở Hán Thành, Đài Bắc, Vọng Các,… va cả thành Hồ nữa.
Số là ông Tập Cận Bình nói với các đồng chí của ông vào ngày 2/6/2021, được các tờ báo phương Tây dẫn lời như sau: “Chúng ta phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, chúng ta phải vừa cởi mở vừa tự tin, nhưng cũng phải giản dị và khiêm tốn. Chúng ta phải tạo nên hình ảnh một nước Trung Hoa đáng tin, đáng yêu, và được kính trọng”.
Phát biểu của ông Tập làm cho cả thế giới sửng sốt và… xao xuyến. Mới cách đó vài tuần, các viên chức ngoại giao cao cấp nhất của ông Tập mắng ngoại trưởng Mỹ xối xả tại một cuộc họp ở Alaska. Và không phải chỉ có ở Alaska, mỗi khi Bắc Kinh bị chỉ trích, các lãnh đạo, các viên chức Trung Quốc thường rất tức giận, cao giọng mắng trả, giẫy nẩy, làm mình làm mẩy.
Một số chuyên gia phân tích phương Tây cho rằng, phát biểu của ông Tập đánh dấu một chuyển biến từ “ngoại giao chiến lang”, dữ dằn, sang sức mạnh mềm của “Trung Hoa đáng yêu”. Nhưng e rằng sự chuyển biến này khó giúp đối phương cảm nhận, vì một khi không có thực tâm thì có che đậy bằng lớp vỏ mỹ miều cỡ nào, cũng sẽ bị lộ ra.
Chẳng lẽ “Trung Hoa đáng yêu” sẽ trả lại các đảo đá ở biển Đông cho Việt Nam, Philippines, hay sẽ giải tán các trại tập trung hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương?
Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã toan tính xây dựng sức mạnh mềm cho mình để cạnh tranh với phương Tây từ cả chục năm nay. Nào là lập Viện Khổng Tử, nào là viện trợ xây dựng hạ tầng cho châu Phi, nào là ngoại giao khẩu trang, vaccine… chống dịch.
Khổng Tử học viện lần lượt bị đóng cửa, vì người ta nghi ngờ chúng là những ổ gián điệp của Trung Nam Hải. Mà bản thân ông thầy cúng Khổng Khâu cũng có tốt đẹp gì cho cam, ông ta quan niệm rằng, Trung Hoa là trung tâm của thế giới, cái Hoa ở Giữa cơ mà.
Viện trợ cho các nước nghèo thì để cho người ta rơi vô bẫy nợ để xiết của, như Sri Lanka bị mất cảng chiến lược Hambantota, cũng vì làm ăn với Trung Quốc. Các nước nhận vaccine thì đổi lại là, không được chơi với Đài Loan.
Tóm lại là, rất khó nghĩ ra tới cách nào có thể giúp ông cộng sản Tập Cận Bình làm cho Trung Hoa đáng yêu như bà tiểu tư sản Đặng Lệ Quân đã từng làm.
“Việt Nam đáng yêu”
Mỗi khi viết về Trung Quốc, tôi lại muốn nói tới Việt Nam, bởi vì hai quốc gia này giống nhau nhiều quá. Không kể hiện tại cùng là hai nước cộng sản với nhau, mà quá khứ Khổng giáo cũng nhiều điều y hệt. Cũng hay bị mất mặt (nôm na là quê độ) rồi giận dữ mắng nhiếc người khác. Cũng hay tinh tướng, trịch thượng hay thấy ở những kẻ lắm tiền nhiều của trong xã hội.
Các câu mắng nhiếc dữ dằn của quan chức Trung Nam Hải cũng đâu khác gì Việt Nam là lương tâm của thời đại, là tuyến đầu trên mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc… đâu! Rồi … hơn ai hết dân tộc Việt Nam là… v.v…
Nhưng có lẽ là do nhỏ hơn, yếu hơn nên từ dạo “đổi mới” đến nay Việt Nam bớt cao giọng với bên ngoài nhiều lắm rồi, cứ lặng lẽ mà đàn áp trong nước thôi.
Hơn nữa người Việt có lẽ cũng ảnh hưởng phương Tây nhiều hơn, hết Pháp rồi đến Mỹ, chưa kể giới nhà giàu chủ nhân ông ở Việt Nam hiện nay đa số trở về từ nước Nga, mồ ma Liên Xô cũ, tuy không hoàn toàn là “Tây”, nhưng cũng khác nhiều “Đông phương hồng chúng ta có Mao Trạch Đông.”
Sự thay đổi quan niệm đối ngoại của Việt Nam đã bắt đầu ngay sau “đổi mới” năm 1986. Trong các cuộc họp cơ quan nhà nước Việt Nam có quan hệ với nước ngoài lúc đó, nhân viên được căn dặn là “chúng ta không cần tuyên truyền” ra bên ngoài nữa. Tuy nhiên cái căn cốt trịch thượng cộng sản vẫn còn vương vấn nhiều lắm, từ đó sinh ra câu chuyện của cậu du học sinh Dương Đức Thịnh chà đạp cờ vàng ở Úc, cùng với những lời lẽ vô văn hóa được thốt ra.
Nhưng như đã nói ở trên, nếu không thực tâm, cho dù có che bằng cái vỏ nào thì cũng không giấu được. Để có được sức mạnh mềm đối với bên ngoài, thì phải có sức mạnh mềm trong nước, đó mới chính là thực tâm.
Sức mạnh mềm của phương Tây rất đơn giản, đó là dân chủ và nhân quyền. Trong chiến tranh lạnh, vũ khí Liên Xô có kém cạnh gì Mỹ đâu, gián điệp Xô Viết tung hoành khắp trời Âu. CIA Mỹ, Phòng nhì Pháp, cứ hết thất bại này đến thất bại khác. Vậy mà Liên Xô sụp đổ.
https://baotiengdan.com/2021/06/06/nuoc-trung-hoa-dang-yeu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét