Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

6533 - Việt Nam quan tâm vaccine Trung Quốc, dư luận xôn xao

Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Bộ Y tế Việt Nam đã có những động thái mở đầu cho khả năng nhập khẩu và sử dụng vaccine Trung Quốc. Bước đi này ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Bộ Y tế Việt Nam ngày 1/6 cho biết đang xem xét hồ sơ vaccine Covid-19 do Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất để cấp phép khẩn cấp có điều kiện.

Tính tới thời điểm này, dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu và tiêm ngừa, Việt Nam vẫn chưa mua vaccine Trung Quốc, dù nguồn cung từ quốc gia láng giềng được cho là khá dồi dào.

Dư luận từ trong nước hiện cũng đang chia rẽ: một số cho rằng cần mua vaccine Trung Quốc để đẩy nhanh công tác tiêm phòng; số khác thì nhất quyết "không mua, không tiêm hàng Tàu".

Ý kiến trái chiều về vaccine Trung Quốc

Việc Bộ Y tế cho biết đang xem xét hồ sơ vaccine Covid-19 do Sinopharm dường như cho thấy giới chức Việt Nam đã sẵn sàng vượt qua "vấn đề Trung Quốc" để đa dạng hóa nguồn cung vaccine.

Tuyên bố trên ngay lập tức tạo ra nhiều ý kiến khác nhau.

Doanh nhân Lương Hoài Nam, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chia sẻ trên Facebook cá nhân:

"Tôi không nghĩ chúng ta ở trong thế thượng phong kén cá chọn canh. Cả thế giới đang khát vaccine, các nước tranh nhau mua vaccine. Tôi nghĩ, đối với nước ta, loại vaccine nào nhanh là vaccine tốt!"

Ông viết: "Tôi đọc thấy trên Facebook người này bảo không tiêm vaccine Trung Quốc đâu, người kia bảo không tiêm vaccine Nga đâu. Tôi nghĩ người ta tiêm các loại vaccine đó cho mấy trăm triệu dân, cả tỷ dân họ, thì các loại đó cũng đủ tốt để tiêm cho chúng ta. Với tất cả tinh thần tự hào dân tộc, tôi không dám nghĩ tôi có giá hơn người Trung Quốc hay người Nga."

"Dân họ dùng được các loại vaccine đó thì tôi cũng dùng được và tôi sẽ dùng bất kỳ vaccine nào được Chính phủ cấp phép cho nhập về. Tôi đề nghị Chính phủ nỗ lực tối đa đẩy nhanh tiến độ nhập và tiêm vaccine cho nhân dân. Của Trung Quốc, Nga mà nhanh hơn cũng OK," ông Nam kết luận.

Một người có tên Chung Nguyễn cũng chia sẻ quan điểm tương tự trên Facebook cá nhân:

"Nước xa không cứu được lửa gần, mà nước gần thì bấy lâu không được xét đến, vì sao thì ai cũng hiểu."

"Nhưng thực sự là bối cảnh lúc này, như ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tôi tin là người dân mong cứ có vaccine nào đã được thẩm định mà tiêm là tốt rồi. Tây Tàu gì lúc này. Không tiêm nhanh rồi như Ấn Độ lúc đấy có đến Pfizer thì cũng đã muộn," người này viết.

Trong khi đó, phản ứng theo chiều ngược lại cũng rất gay gắt. Nhiều người nói rằng họ sẽ chờ tiêm vaccine các nước phương Tây, thậm chí chờ vaccine của Việt Nam "ra lò" chứ nhất quyết không chịu tiêm "vaccine Tàu".

Dưới bài viết "Bộ Y tế thẩm định hồ sơ vaccine Sinopharm" trên báo VNExpress là hàng loạt bình luận "không tiêm".

Độc giả Ncthanh viết:

"Cho dù có đc cấp phép đi chăng nữa thì tôi thà không tiêm chứ không bao giờ tiêm vaccine của Trung Quốc."

Nhiều người không đồng tình việc tiêm vaccine của Trung Quốc

NGUỒN HÌNH ẢNH,

CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều người không đồng tình việc tiêm vaccine của Trung Quốc

Trước đó, một bác sĩ giấu tên từ Hà Nội nói với BBC:

"Tâm lý người Việt từ xưa tới nay là không tin tưởng Trung Quốc, đặc biệt khi liên quan tới sức khỏe. Điều lạ là dù người Việt vẫn dùng thuốc Đông Y Trung Quốc thì trong các bệnh viện, tuyệt nhiên không có bất kỳ một loại thuốc tây y nào của Trung Quốc nằm trong danh mục thuốc khám chữa bệnh."

Nói không với vaccine Trung Quốc là phản ứng dễ dự đoán tại Việt Nam, xuất phát từ hoàn cảnh hai quốc gia này có nhiều xung khắc trong lịch sử và hiện tại. Nhiều nhà phân tích đánh giá chính tâm lý "bài tàu" trong dân chúng đã khiến giới chức Việt Nam ngần ngại trong việc nhập khẩu vaccine Trung Quốc.

Khác với Việt Nam, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác tỏ ra khá cởi mở với vaccine Trung Quốc.

Chụp lại video,

Việt Nam có mua vaccine Nga, Trung Quốc không?

Tại Thái Lan, một học viện do Công chúa Chulabhorn, em gái vua Maha Vajiralongkorn, đứng đầu cho biết sẽ nhập một triệu liều vaccine Covid-19 của Sinopharm sau khi vaccine này được phê duyệt.

Theo Channel News Asia, chính phủ Thái Lan cũng vừa tuyên bố sẽ có 3 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc trong tháng 6.

Indonesia cũng đã nhập khẩu vaccine Sinovac từ cuối năm 2020. Campuchia đã triển khai rộng rãi việc tiêm vaccine của Trung Quốc. Các nước như Philippines, Malaysia… cũng sử dụng vaccine Trung Quốc như một phần trong các nỗ lực chống dịch.

Bài toán vaccine

Sau giai đoạn dập dịch bằng cách truy vết, khoanh vùng, cách ly ráo riết được coi là khá thành công trong việc hạn chế số ca nhiễm và tử vong, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức.

Thực tế hiện nay, với mỗi ngày có thêm khoảng 200 ca nhiễm mới, nhiều ý kiến cho rằng cách thức "dập dịch" khó phát huy hiệu quả và khó triển khai trong lâu dài, khi các nguồn lực cho công tác cách ly, truy vết ngày một cạn kiệt.

Sau khi lên nắm chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ngay lập tức hướng mạnh tới việc triển khai vaccine, bao gồm: tăng cường nhập khẩu, kêu gọi chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất trong nước... để có đủ nguồn cung vaccine phục vụ cho tiềm ngừa.

Những tuyên bố của ông cũng cho thấy nhà nước bắt đầu dịch chuyển, từ việc độc quyền thương thuyết mua vaccine sang mở thêm không gian cho các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động này.

Động thái này được đưa ra giữa bối cảnh Việt Nam đang vật lộn với bài toán nan giải mang tên vaccine.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến cuối tháng 5/2021, chỉ mới có khoảng hơn 1,1 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó số người tiêm đủ hai mũi mới chỉ đạt gần 29.000.

Đây là con số cực kỳ thấp, nếu so với tổng dân số gần 100 triệu người thì tỉ lệ được tiêm ngừa cũng rất nhỏ bé, mới chỉ chừng 1% người được tiêm đợt 1. Đây là con số đáng báo động, bởi theo các chuyên gia, để đạt được miễn dịch cộng đồng, số người được tiêm ngừa phải lên tới 60-70% dân số.

Hiện Bộ Y tế đang có kế hoạch nhập thêm khoảng 110 triệu liều vaccine, theo báo Sức khỏe và Đời sống. Con số này bao gồm 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX của WHO, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ nhà cung cấp Pfizer/BioNTech.

Giới lãnh đạo Việt Nam gần đây cũng nỗ lực thuyết phục các quốc gia phát triển, trong đó có Úc và Mỹ, chuyển giao công nghệ để Việt Nam sản xuất vaccine. Song song đó, nỗ lực nghiên cứu và tự sản xuất vaccine ở trong nước cũng đang được đẩy mạnh, với sản phẩm Nano Covax được miêu tả là "đã sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3".

Từ những bước đi này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã công bố mục tiêu: Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.

Tuy nhiên, đặt mục tiêu của Bộ Y tế bên cạnh số liệu về tiêm ngừa hiện tại, sẽ thấy đó là một mục tiêu vô cùng tham vọng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57297649

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét