VOANews
Quân đội Myanmar, lập chốt kiểm soát tại Naypyitaw, nằm trên đường tiến đến trụ sở Quốc hội.
Thời biểu về một số sự kiện chính trong lịch sử nhiều biến động gần đây của Myanmar:
Tháng 11/2015: Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ (NLD) thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử và bà Aung San Suu Kyi lên cầm quyền trong vai trò cố vấn quốc gia.
Tháng 10/2016: Dân quân Rohingya tấn công 3 đồn cảnh sát biên phòng tại bang Rakhine, giết chết 9 viên cảnh sát. Quân đội Myanmar tiến hành chiến dịch an ninh, khiến 70.000 người bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh.
Tháng 8/2017: Các tay súng Rohingya mở những cuộc tấn công trên khắp bang Rakhine, khơi mào một chiến dịch của quân đội khiến hơn 730.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh. Liên hiệp quốc tố cáo chiến dịch này tàn sát tập thể, hiếp dâm và đốt phá với “ý định diệt chủng,” nhưng Myanmar phủ nhận.
Tháng 1/2019: Những cuộc giao tranh mới khai diễn tại Rakhine giữa quân đội chính phủ và Đạo quân Arakan (AA), một nhóm nổi dậy mưu tìm sự tự trị lớn hơn trong vùng và tuyển mộ phần lớn là người thiểu số Rakhine theo Phật Giáo. Bà Aung San Suu Kyi yêu cầu quân đội “dẹp tan” những người nổi dậy.
Tháng 12/2019: Bà Aung San Suu Kyi xuất hiện tại Tòa Công lý Quốc tế tại The Hague và bác bỏ cáo buộc diệt chủng người Rohingya là “phiến diện và sai lạc” nhưng thừa nhận có thể đã có tội phạm chiến tranh.
Tháng 9/2020: Chính phủ áp đặt lệnh đóng cửa vì COVID tại Yangon và những khu vực khác nhưng quả quyết xúc tiến cuộc bầu cử ngày 8/11.
Ngày 22/9/2020: Ông Thomas Andrews, thanh tra nhân quyền của Liên hiệp quốc phụ trách vấn đề Myanmar, cảnh báo cuộc bầu cử sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế vì tước bỏ quyền bỏ phiếu của hàng trăm ngàn người Rohingya.
Ngày 17/10/2020: Ủy ban bầu cử Myanmar hủy bỏ phiếu tại nhiều nơi trong bang Rakhine, nơi các cuộc giao tranh với quân AA đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng chục ngàn người rời bỏ nhà cửa.
Ngày 3/11/2020: Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing tuyên bố chính phủ dân sự có “những sai lầm không chấp nhận được” trước cuộc bầu cử. Đây là cảnh báo lần thứ nhì về khả năng thiên vị trong cuộc bầu cử. Bà Aung San Suu Kyi lên Facebook kêu gọi bình tĩnh và thúc giục cử tri chớ lung lay trước những lời thị oai.
Ngày 9/11/2020: Đảng NLD tuyên bố chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội.
Ngày 11/11/2020: Phe đối lập chính được quân đội ủng hộ, Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), yêu cầu tổ chức bầu cử lại, kêu gọi quân đội giúp đảm bảo công bằng bầu cử và tố cáo những bất hợp lệ.
Ngày 13/11/2020: Đảng NLD tuyên bố sẽ tìm cách thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia.
Ngày 26/1/2021: Phát ngôn viên quân đội, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, cảnh báo quân đội sẽ ‘ra tay’ nếu tranh chấp bầu cử không được dàn xếp và không loại bỏ khả năng đảo chính.
Ngày 28/1/2021: Ủy ban bầu cử bác cáo buộc bầu cử gian lận, nói rằng không có những sai phạm lớn có thể ảnh hưởng đến tính khả tín của cuộc bầu cử.
Ngày 30/1/2021: Quân đội Myanmar tuyên bố sẽ bảo vệ, tuân thủ hiến pháp và hành động theo luật pháp. Các cuộc biểu tình ủng hộ quân đội được tổ chức tại một số thành phố lớn, trong đó có Yangon.
Ngày 1/2/2021: Bà Aung San
Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và những nhân vật cao cấp trong đảng cầm quyền bị bắt trong cuộc bố ráp vào sáng sớm. Internet và một số dịch vụ điện thoại di động bị gián đoạn tại Yangon. Quân đội ban hành tình trạng khẩn cấp và tuyên bố sẽ cầm quyền trong một năm.
https://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét