Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

4358 - Thế giới hôm nay: 01/02/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy


Lực lượng an ninh
 Nga đã bắt giữ hơn 5.000 người trên khắp nước này vì biểu tình phản đối vụ bắt giữ Alexei Navalny. Navalny gần đây đã bị bắt sau khi trở về từ bệnh viện ở nước ngoài. Ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh và cáo buộc các điệp viên chính phủ Nga làm việc này. Trong khi đó, các nhà lập pháp Na Uy đề cử ông Navalny cho giải Nobel Hòa bình năm nay.

Anh sẽ đánh dấu kỷ niệm một năm đầu tiên rời EU bằng việc đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết việc tham gia vào thỏa thuận sẽ chứng minh nước này vẫn là “một bên đấu tranh nhiệt tình cho thương mại tự do toàn cầu”. Song những người phản đối nói việc tham gia khối  thương mại gồm 11 nước – bao gồm Úc, Canada và Nhật Bản – khó mang lại cho họ lợi ích kinh tế ngay lập tức.

Pháp và Đức đe dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại AstraZeneca, nhà sản xuất thuốc Anh-Thụy Điển, nếu họ không cung cấp các liều vắc-xin covid như đã hứa cho các nước EU. Họ muốn công ty chuyển hướng sản xuất tại Anh để bù đắp cho thiếu hụt sản xuất tại một nhà máy ở Bỉ. EU đã đe dọa kiểm soát xuất khẩu đối với vắc-xin sản xuất trong khối (nhưng nhanh chóng đảo ngược động thái áp đặt kiểm tra ở biên giới Bắc Ireland); Anh nói họ sẽ không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, số lượt tiêm chủng hàng ngày ở Anh đạt mức cao kỷ lục, với 598.389 người được tiêm liều đầu vào thứ Bảy.

Các cuộc biểu tình cuối tuần phản đối các hạn chế covid-19 đã nổ ra ở một số thành phố châu Âu, bao gồm cả thủ đô Áo, Bỉ và Hungary. Ít nhất 200 người biểu tình đã bị bắt ở Brussels vì vi phạm lệnh cấm tụ tập nơi công cộng. Một cuộc tuần hành cực hữu được lên kế hoạch ở Vienna đã bị cảnh sát cấm. Đầu tuần này, bạo loạn đã diễn ra nhiều đêm ở Hà Lan nhằm phản đối lệnh phong tỏa của nước này.

Bốn quan chức NATO nói với hãng tin Reuters rằng các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế có kế hoạch ở lại Afghanistan cho đến sau tháng 5, thời hạn mà thỏa thuận Taliban-Mỹ đặt ra. Các thỏa thuận, được chính quyền Trump ký vào tháng 2 năm 2020, bao gồm việc quân đội rời đi nếu nhóm này giảm bạo lực và cắt đứt quan hệ với các nhóm thánh chiến toàn cầu. Tổng thống Joe Biden đang xem xét lại thỏa thuận này.

Trong một động thái thừa nhận bất thường về hoạt động quân sự của Mỹ, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 6 máy bay chiến đấu Trung Quốc và một máy bay trinh sát Mỹ đã tiến vào góc tây nam của vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Đài Loan cũng cho biết một số máy bay phản lực Trung Quốc đã vào khu vực này vào cuối tuần trước. Căng thẳng gia tăng khi một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ gần đây đã đi vào Biển Đông, nơi có tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Một tin nhắn thoại được cho là của Debretsion Gebremichael, lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, cho biết họ đã cam kết “mở rộng cuộc kháng chiến” chống lại chính phủ liên bang Ethiopia, lực lượng đã lật đổ chính quyền khu vực của họ vào tháng 11. Tin nhắn cũng cáo buộc các lực lượng chính phủ liên bang và các đồng minh cưỡng hiếp và cướp bóc trong cuộc xâm lược Tigray.

TIÊU ĐIỂM

Bộ trưởng tài chính Ấn Độ sắp công bố ngân sách năm

Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman sẽ có một ngày khó khăn. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, nền kinh tế trong tình trạng tồi tệ và nông dân giận dữ biểu tình trên các đường phố New Delhi, bà còn phải đứng trước quốc hội để công bố ngân sách của chính phủ trung ương cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ tháng 4. Cũng có lý do để lạc quan. Số ca covid-19 của Ấn Độ đã giảm mạnh và nền kinh tế đang phục hồi nhanh.

IMF dự đoán tăng trưởng GDP Ấn Độ là 11,5% trong năm nay, sau khi giảm 8% vào năm 2020. Nhưng với rất nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ – nguồn thu thuế của chính phủ trung ương có thể không tốt, trong khi vẫn phải cố gắng giữ mức thâm hụt dưới 6,5-7,5% GDP trong năm nay. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dập tắt hy vọng về các sáng kiến ​​ấn tượng như cắt giảm thuế lớn, các chương trình chi tiêu táo bạo hoặc các thỏa thuận tư nhân hóa lớn. Bên cạnh đó, ông sẽ không để những việc như vậy cho các bộ trưởng – ông muốn tự mình đưa ra các thông báo lớn nhất.

Hàng không châu Âu đối mặt năm 2021 khó khăn

Không mấy hãng hàng không cho rằng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không có thể giảm thấp hơn cả năm 2020. Lượng khách hàng không quốc tế toàn cầu đã giảm 74% vào năm ngoái vì đại dịch covid-19, trong đó châu Âu bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Hôm nay Ryanair, một trong những hãng hàng không lớn nhất châu lục, sẽ công bố thu nhập ba tháng cuối năm 2020. Có thể đoán lỗ rất lớn giữa làn sóng phong tỏa thứ hai.

Về lý thuyết, việc tung ra vắc-xin covid-19 trong năm nay sẽ giúp ích cho các hãng hàng không. Nhưng trong tuần qua, người ta ngày càng lo ngại năm 2021 có thể còn tồi tệ hơn đối với ngành hàng không. Các chính phủ châu Âu đang lo ngại các biến thể covid-19 mới từ nước ngoài có thể kháng vắc-xin của họ. Anh, Pháp và Ireland đã áp đặt một số giới hạn nghiêm ngặt nhất lên đi lại xuyên biên giới “không thiết yếu”. Bảng cân đối kế toán của Ryanair rất tốt, điều sẽ giúp họ đương đầu với tình trạng cầu giảm lâu hơn dự kiến. Nhưng vẫn còn đó nhiều hãng yếu hơn họ về mặt tài chính.

Nam Phi khó khăn đủ bề vì covid-19

Đại dịch đã cho thấy cả mặt tốt nhất và tồi tệ nhất của Nam Phi. Các nhà khoa học đẳng cấp thế giới của đất nước — nhiều người trong số họ có danh tiếng từ trong đại dịch AIDS — đã giúp tổ chức các cuộc thử nghiệm vắc-xin, và là những người đầu tiên xác định một chủng virus mới, dễ lây lan hơn. Tuy nhiên, ở phía ngược lại là một chính phủ hỗn loạn.

Con số tử vong chính thức vì covid-19 là 44.000. Nhưng kể từ tháng 5, số người tử vong cao hơn 125.000 người so với mức tử vòng bình thường. Điều đó cho thấy tỉ lệ người chết do căn bệnh này ở Nam Phi có thể là một trên 300 người . Chính phủ chậm chạp, hiện do Đại hội Dân tộc Phi lãnh đạo, bị vướng vào các thỏa thuận đầy tham nhũng nhằm mua sản phấm y tế và chậm mua vắc-xin. Mặc dù người dân Nam Phi rất háo hức tiêm chủng, nhưng việc tiêm chủng rộng rãi có thể sẽ không xảy ra cho đến giữa năm 2022. Hôm nay, những liều vắc-xin đầu tiên do AstraZeneca sản xuất sẽ đến nước này. Vừa đúng lúc.

Quốc hội Brazil bầu lãnh đạo

Hôm nay quốc hội Brazil sẽ chọn các nhà lãnh đạo lưỡng viện. Cả hai người dẫn đầu cuộc đua, Arthur Lira cho hạ viện và Rodrigo Pacheco cho thượng viện, đều là đồng minh của Jair Bolsonaro, tổng thống dân túy cánh hữu của đất nước. Trong những tuần gần đây, ông đã phân phối 3 tỷ reais (550 triệu đô la) cho các dự án thú cưng của các nhà lập pháp nhằm đảm bảo phiếu bầu cho họ và đảm bảo họ bỏ qua hàng chục kiến nghị luận tội nhắm vào ông.

Việc Rodrigo Maia, lãnh đạo hiện tại của hạ viện, từ nhiệm có thể giúp đẩy nhanh chương trình nghị sự “ý thức hệ” của ông Bolsonaro (chẳng hạn như nới lỏng luật kiểm soát súng). Hình thức là bỏ phiếu kín, vì vậy có thể có bất ngờ, và những biến động trên đường phố có thể làm lu mờ chiến thắng trong quốc hội. Các tài xế xe tải có kế hoạch đình công trên toàn quốc từ hôm nay để phản đối việc tăng giá nhiên liệu. Một cuộc đình công tương tự vào năm 2018 đã khiến đất nước phải ngừng hoạt động trong mười ngày và giúp ích cho chiến dịch tranh cử của ông Bolsonaro. Lần này, ông đang cầu xin họ nhượng bộ.

Libya sắp có chính phủ mới do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn

Sau một thập niên nội chiến từ sau cuộc lật đổ Muammar Qaddafi, nhà độc tài của đất nước, Libya có vẻ đang hồi phục. Ngừng bắn đã được tôn trọng kể từ tháng 10. Và Libya sẽ sớm có một chính phủ lâm thời mới để thay thế các chính quyền ở phía đông và phía tây. Tuần này, một hội đồng do Liên Hợp Quốc đề cử gồm 75 người Libya sẽ họp tại Thụy Sĩ để bỏ phiếu bầu một hội đồng tổng thống ba người.

Nhưng liệu bộ ba được chọn có thể kiểm soát tình hình? Sau khi chiến đấu suốt sáu năm, Tướng Khalifa Haftar, một thủ lĩnh quân sự ở phía đông, và các lực lượng dân quân theo chủ nghĩa Hồi giáo ở phía tây, đều ưa thích thế cân bằng hiện tại nhằm bảo toàn lãnh thổ của họ trên thực địa. Những nước ủng hộ họ — Thổ Nhĩ Kỳ đương đầu Nga và UAE — đã ngoan cố ngó lơ thời hạn tháng trước cho việc rút khoảng 20.000 binh sĩ và lính đánh thuê. Các bên đang cố thủ. Do đó không có gì ngạc nhiên khi các nhà phân tích cảnh báo tất cả các bên đang sử dụng thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị nối lại chiến tranh, chứ không phải vì hòa bình.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2021/02/01/the-gioi-hom-nay-01-02-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét