Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

4071 - Nhật Ký Bắc Kinh (03/07/20): Chu Dung Cơ và Luật an ninh quốc gia Hồng Kông

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy



Gần đây tôi đọc được một tin nhắn online gây tò mò: “Chu Dung Cơ đang tức giận.” Tin nhắn không giải thích tại sao vị cựu thủ tướng lại khó chịu, và tất nhiên, không có cách nào để xác minh sự thật ngay lập tức. Nhưng nhìn từ bối cảnh, dường như nó ngụ ý ông Chu đang nổi điên vì luật an ninh quốc gia mới áp đặt lên Hồng Kông.

Ông Chu, người từng giữ chức thủ tướng Trung Quốc trong 5 năm kể từ 1998, đến thăm Hồng Kông vào tháng 11 năm 2002, bốn tháng trước khi nghỉ hưu. Trong chuyến thăm, ông đã có bài phát biểu trấn an cư dân địa phương về tương lai của lãnh thổ.

Ông nói nếu có chuyện gì xảy ra ở Hồng Kông, thì không chỉ người Hồng Kông mà cả chính phủ Trung Quốc cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu thành phố bị nghiền nát dưới sự quản trị của Trung Quốc, sau khi được bàn giao từ Anh, các quan chức chính phủ chắc chắn sẽ bị coi là “tội đồ” của đất nước, ông nói thêm.

Người gửi mẫu tin nhắn có thể ngụ ý rằng luật an ninh giờ đã tước bỏ “mức độ tự chủ cao” của Hồng Kông, và rằng Bắc Kinh, với luật này, thực sự đang nghiền nát Hồng Kông.

Trước đó trong sự nghiệp của mình, Chu lọt vào mắt xanh của nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, người dẫn đầu “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc. Sau khi làm lãnh đạo Thượng Hải, ông Chu lên làm phó thủ tướng vào năm 1991 và được gọi là “sa hoàng kinh tế” của đất nước.

Năm 1993, khi Trung Quốc đối mặt lạm phát phi mã, Chu thay thế thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tự mình nắm quyền kiểm soát ngân hàng trung ương. Ông kiềm chế giá cả bằng cách thắt chặt tiền tệ và được chọn làm thủ tướng vì cách quản trị khéo léo của mình.

Trên cương vị thủ tướng, Chu thúc đẩy cải cách các công ty nhà nước – một công việc không hề dễ dàng, đặc biệt khi xét đến những lợi ích và tham nhũng thâm căn cố đế. Quyết tâm của ông vẫn được bàn luận cho đến ngày nay. Ông từng nói một câu nổi tiếng: “Chuẩn bị cho tôi 100 cái quan tài, 99 cái cho quan tham, cái còn lại cho tôi.”

Ông Chu được xem là người ủng hộ nền kinh tế thị trường, nhưng ông xuất thân từ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, một trung tâm chỉ huy nền kinh tế kế hoạch và là tiền thân của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia hiện nay. Năm 1952, khi Trung Quốc áp dụng đường lối xã hội chủ nghĩa theo lệnh của Mao Trạch Đông, ông Chu đã tham gia ủy ban vừa mới thành lập và giúp vạch ra các mô hình kinh tế.

Hơn 20 năm, ông sống trong một khu tập thể gần văn phòng chính phủ.

Chính vì ở trong trung tâm nền kinh tế kế hoạch của Trung Quốc, ông Chu có thể đã nhận ra các hạn chế của nó sớm hơn nhiều người khác. Khi chính sách cải cách và mở cửa được đưa ra, ông tiên phong trong sứ mệnh này và đi gieo những hạt giống của nền kinh tế thị trường.

Đối với ông, Đặng là một cố vấn. Và Hồng Kông – bàn giao về Trung Quốc nhờ sự sắp xếp của Đặng – là cửa ngõ để nghiên cứu chủ nghĩa tư bản.

Ông Chu năm nay 92 tuổi. Ông đã không nói chuyện trước công chúng trong gần một thập niên. Ông nghĩ gì về luật an ninh Hồng Kông mới được đưa ra dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình? Tôi rất muốn có cơ hội trực tiếp hỏi ông.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing DiaryNikkei Asian Review, 7/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét