Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

4302 - Sài Gòn và những mảng màu đối lập

 Song Chi

Tôi đã từng sống ở Sài Gòn gần 40 năm – 34 năm liên tục kể từ 1975 đến 2009 và một vài năm không liên tục trước 1975. Một quãng thời gian đủ dài cho một đời người để thành phố này, với tôi, đã trở thành gắn bó mãi mãi. Khi nói chuyện với mọi người bao giờ tôi cũng nhận mình là người Sài Gòn, cho dù tôi không sinh ra và có thể, cũng sẽ không sống những ngày cuối đời tại đây.

Bao nhiêu năm sống ở Sài Gòn, hàng chục lần tiễn bạn bè, người thân rời bỏ thành phố và cũng hàng chục lần đón những người đi xa trở về, để cuối cùng chính mình cũng ra đi, chưa biết đến khi nào mới quay về, để cuối cùng chính mình cũng trở thành một người ôm nỗi thương nhớ Sài Gòn da diết trong nỗi nhớ thương chung một dải đất Việt Nam đã trở thành xa ngái.

Với tôi, Sài Gòn bao giờ cũng là… Sài Gòn, cái tên thành phố khi còn ở Việt Nam, chỉ là cái tên tôi buộc phải sử dụng trên những giấy tờ, đơn từ… Với tôi, đây luôn luôn là một thành phố đặc biệt, mà quả thật, từ vị trí địa lý, lịch sử cho đến văn hóa, tính cách con người Sài Gòn… đã làm nên cái đặc biệt của thành phố này so với những thành phố khác của Việt Nam.

Sài Gòn bề nổi

Một thành phố đầy những mặt đối lập, mâu thuẫn, bộn bề, ngổn ngang.

Đối với những ai chỉ tình cờ ghé qua Sài Gòn rồi lưu lại trong một thời gian ngắn, những người đi xa nhiều năm mới trở về thăm lại thành phố, hay những du khách nước ngoài dạo bước qua Sài Gòn trong một chuyến du lịch… thường chỉ cảm nhận được Sài Gòn trong cái bề nổi của nó. Đó là một thành phố ồn ào, đông đúc, xô bồ, bụi bặm, với những con đường luôn luôn đông nghẹt xe cộ, người đi lại ngược xuôi hối hả. Nạn kẹt xe, rồi tai nạn giao thông ở thành phố này và trên cả đất nước này nói chung, đã thật sự trở thành một nỗi ưu tư cho tất cả mọi người, khi con số nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông hàng năm lên đến hơn 13.000 người trên tổng dân số khoảng 86.000.000 người! Những con đường dầy đặc mật độ xe cộ, những vỉa hè đầy đặc người buôn bán, đi lại, ăn uống, xả rác… từ sáng sớm đến đêm khuya… Hầu hết mọi con đường trong thành phố đều trở thành những khu phố kinh doanh, hầu hết mọi ngôi nhà ngoài mặt tiền cho đến trong những con hẻm sâu đều mở cửa buôn bán, làm dịch vụ… Rất hiếm hoi để tìm thấy một con đường yên tĩnh hay những ngôi biệt thự villa có sân vườn một thời là niềm tự hào của “Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông”. Những ngôi biệt thự ấy phần lớn đã trổ cửa, cơi nới, thành các loại nhà phố, cửa hàng, quán xá, showroom…

Thương nhớ Sài Gòn

Người đi xa lâu năm trở về bâng khuâng nhớ lại những con đường với hai vòm lá me xanh như ngọc hoặc thơm ngát hương ngọc lan thuở nào của Sài Gòn. Đường xá mở rộng nhiều, đường mới làm cũng không ít, nhưng hầu như chẳng ai quan tâm đến việc trồng thêm nhiều cây xanh trên đường, ngược lại cây cũ bị tỉa trụi nhánh, đốn bỏ nhiều, thành phố đã nắng nóng càng thêm nóng. Không chỉ những con đường xanh bóng me, sự lãng mạn dường như cũng ngày càng trở nên hiếm hoi trong cuộc sống của người Sài Gòn hôm nay. Còn mấy ai bây giờ vì yêu hình ảnh của một người con gái “em tan trường về ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay” để rồi “em tan trường về anh theo Ngọ về trưa trưa chiều chiều…” mãi mà chẳng dám nói một câu?

Sài Gòn, đó là một thành phố bộn bề, ngổn ngang, đã và đang thay đổi từng ngày. Những buiding, cửa hàng, căn hộ mới không ngừng mọc lên với đủ loại kiến trúc xấu có đẹp có. Những con đường hết đào lên lại lấp xuống, hết mở rộng lại phân luồng, hết “thử nghiệm” lát gạch con sâu một thời lại đến thử nghiệm trồng cau, làm dải phân cách mới rồi lại phá bỏ, trụ đèn giao thông mới lắp chưa kịp hư đã lại thay mới… Toàn những “thử nghiệm” lãng phí tiền tỉ của dân mà cũng chẳng thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm gì và thành phố thì cũng chẳng đẹp đẽ gì hơn.

Sài Gòn, đó là một thành phố đầy những mặt đối lập, mâu thuẫn – như hầu hết các thành phố lớn trong những quốc gia đang trên đà phát triển, đổi thay. Đối lập giữa cũ và mới – vẫn còn lại đây những ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm, những khu phố cổ Chợ Lớn, những dinh thự, nhà thờ được xây từ thời Pháp bên cạnh những building kiến trúc mới hiện đại; trên đường phố người ta vẫn nhìn thấy những chiếc xe Vespa cổ, xe Velosolex, xe honda 67, xe hơi mui trần kiểu cổ bên cạnh những chiếc @, Dylan, Mescedes đời mới nhất; những nhà hàng sang trọng với những người bồi ăn mặc lịch sự cài nơ trên cổ áo bên cạnh những tiệm chạp phô, tiệm ăn nhỏ của người Hoa với ông chủ cởi trần, mặc chiếc quần lửng và cung cách phục vụ như từ bao nhiêu năm trước; những chiếc áo dài thiếu nữ thướt tha với mái tóc dài e ấp bên cạnh những chiếc áo hai dây, hở rốn đi cùng mái tóc nhuộm đủ màu…

Thương nhớ Sài Gòn

Đối lập giữa động và tĩnh – bên cạnh thế giới của những vũ trường, café nhạc trẻ, quán nhậu ồn ào là không gian yên tĩnh của những ngôi chùa, thư viện, một khoảng không gian buổi sáng trong công viên nơi các ông cụ về hưu bình thản ngồi đọc báo nghe chim hót… Đối lập trong sự giàu-nghèo, sang trọng-bình dân tồn tại ở khắp nơi. Kề bên những khách sạn, nhà hàng, vũ trường sang trọng ở đó người ta có thể đốt hàng đống tiền cho một bữa ăn nhậu hay một cuộc vui với rượu ngoại, thuốc lắc tính giá hàng trăm dolla là hình ảnh những người lao động nghèo với gánh ve chai lặc lè giữa trưa nắng gắt, gánh khoai lang đậu phọng rẻ tiền hay những em bé với một xấp vé số trên tay lang thang cả ngày kiếm được chừng mươi ngàn chưa bằng một lon bia lạnh người khác đang uống, hay hình ảnh những người phải leo lên những cây me cao chót vót bên đường hái me bán để kiếm ít ngàn tiền gạo, những người ngày đêm cắm mặt trên những bãi rác khổng lổ, kiếm sống từ rác… Kề bên những beauty salon sang trọng, dịch vụ massage, chăm sóc da, tắm Spa… ở đó khách hàng bỏ tiền triệu và được chăm sóc nâng niu với đủ mọi tiêu chuẩn cầu kỳ, là dịch vụ đấm bóp dạo lề đường nơi khách hàng chỉ phải bỏ ra năm, mười ngàn, ngồi hoặc nằm ngay trên lề đường! Và không ít con đường ở Sài Gòn, bên ngoài là dãy nhà phố sang trọng lịch sự, vào bên trong là những con hẻm lao động ngoằn ngoèo với mức sống khác hẳn như thuộc về hai thế giới khác.

Sài Gòn – một thành phố cái gì cũng có. Từ cái đắt nhất đến cái rẻ nhất, sang trọng nhất đến bình dân nhất, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng khác nhau trong xã hội. Từ ăn uống vui chơi giải trí đến học hành. Ở Sài Gòn học cái gì cũng có người dạy và dạy cái gì cũng có người học, với đủ loại bằng cấp, khoá học, giá cả và chất lượng khác nhau. Nhưng có những cái nhiều khi kiếm mãi không ra mà không ai có thể hình dung nổi một điều phi lý như vậy lại tồn tại – chẳng hạn như đi tìm một cái toilet công cộng ở Sài Gòn! Xin thưa với bạn, không dễ dàng gì đâu. Lại thắc mắc: chính quyền nhiều việc quá nên quên đã đành, còn người Sài Gòn vốn rất nhạy trong kinh doanh sao không ai nghĩ đến việc kinh doanh toilet công cộng ở Sài Gòn nhỉ.

Sài Gòn – một thành phố năng động, đầy sức sống, ở đó mọi cái mới đều được tiếp nhận học hỏi rất nhanh. Những lĩnh vực nghề nghiệp mới: quảng cáo, thiết kế đồ hoạ, tổ chức event, thiết kế thời trang, hoạt động đa truyền thông… Những mặt hàng tiêu dùng, tiện nghi mới: từ các đời điện thoại di động cho đến trò giải trí hip-hop của giới trẻ… Người Sài Gòn dễ chấp nhận cái mới và cũng dễ chấp nhận sự đa dạng, khác nhau trong quan điểm, cách sống cách nghĩ của người khác.

Một quan chức, một người trí thức, và một anh đạp xích lô có thể ngồi bằng vai phải lứa với nhau trong cuộc nhậu, tranh luận với nhau và nếu ý kiến có khác nhau thì “cũng có sao đâu”. Tinh thần phóng khoáng dân chủ đó là một nét đáng quý của người Sài Gòn. Cảm nhận chung về Sài Gòn còn là một thành phố có đầy đủ những chuẩn mực của một thành phố hiện đại: điện thoại di động và internet được sử dụng ở khắp mọi nơi, dẫu rằng có những mặt tiêu cực của nó. Dưới cái nhìn của số đông bây giờ, giá trị của một con người nhiều khi không nằm ở nhân cách, tri thức thực sự của người đó mà lại được xét trên giá trị cái điện thoại di động họ đang dùng, chiếc xe họ đang đi, hay ngôi nhà họ đang ở! Lớp học tiếng Anh mở ra ở khắp nơi, gần 50% người Sài Gòn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, nhất là ở những khu phố thường xuyên có người nước ngoài như khu phố Tây balô trên đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện. Và trên hết là sự luân chuyển rất nhanh của đồng tiền – cũng là một tiêu chuẩn của một thành phố hiện đại.

Nhưng tất cả những cảm nhận đó cũng chỉ là Sài Gòn bề nổi mà thôi. Sài Gòn mang trong lòng nó một chân dung khác hẳn, những vẻ đẹp khác hẳn mà chỉ khi ở lâu tại thành phố này người ta mới cảm nhận được.

Và bề sâu

Sức sống thật sự của Sài Gòn. Tính cách, đời sống nội tâm của con người Sài Gòn.

Sài Gòn không chỉ là những buiding mới xây, những nhà hàng, vũ trường, khu ăn chơi hào nhoáng… Sài Gòn cũng không chỉ là một bề mặt đang bộn bề ngổn ngang. Sài Gòn còn là đời sống vỉa hè muôn mặt, là những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, những khu xóm lao động bên kênh rạch hay nằm sâu trong khu vực Chợ Lớn, quận 6, quận 8, quận 11… nơi những người dân lao động cần cù chạy ăn từng bữa, cần cù làm ra đủ loại sản phẩm, vật dụng nho nhỏ khác nhau cho thành phố.

Thương nhớ Sài Gòn

Nếu nước Mỹ vẫn được gọi là một “melting-pot của thế giới” thì Sài Gòn, có thể gọi là một “melting-pot của Việt Nam” và sức sống thực sự của Sài Gòn nằm trong cái đặc điểm này, được thể hiện ngay từ “diện mạo” kiến trúc bên ngoài. Sài Gòn là nơi hội tụ của rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau – có thể tìm thấy ở Sài Gòn, những toà nhà dinh thự mang bản sắc kiến trúc Đông Dương do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như Nhà thờ Đức Bà, UBND thành phố, Bảo tàng Cách mạng, trường Marie-Curie, Nguyễn thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong…, những khu chùa cổ rất đặc trưng của người Hoa, người Ấn, những công trình kiến trúc do các kiến trúc sư người Việt thiết kế những năm 60-70 vừa hiện đại vừa rất Á Đông và đặc biệt phù hợp với khí hậu của một xứ nhiệt đới như Dinh Độc Lập, Thư viện Tổng Hợp, Trường Đại Học Y Khoa, trung tâm IDECAF… cho đến những công trình, nhà ở có kiến trúc hiện đại mới xây sau này… Đi sâu vào đời sống muôn mặt của Sài Gòn, càng thấy rõ tính chất “melting pot” đó – thành phố dung nạp tất cả, thâu nhận tất cả mọi nguồn nhân lực đến từ mọi nơi trên đất nước, tạo cơ hội bằng nhau cho tất cả mọi người. Có thể kể ra rất nhiều con người gốc gác từ nơi khác, đã đến kiếm sống, lập nghiệp và thành danh trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Sài Gòn, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Kể từ sau năm 1975 cho đến nay, dòng thác người từ ngoài Bắc nói chung và từ Hà Nội tiếp tục đổ vào Sài Gòn – dân nghèo ở nông thôn, tỉnh lẻ thì vào Sài Gòn lao động kiếm sống, tạo thành từng nhóm đồng hương cùng làm một nghề như bán mì gõ, đậu hũ gánh, bắp xào…, người Hà Nội thì vào Sài Gòn mở công ty tư nhân, giới văn nghệ thì tìm công danh trên con đường ca hát, làm người mẫu, đóng phim…

Sức sống của Sài Gòn được tạo nên còn bởi vì không một nơi nào khác ở VN có một khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ như ở đây và một cơ chế xã hội hóa được thực thi nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất như ở đây.

Sài Gòn là đất hội tụ. Người Sài Gòn từ lâu đã quen với việc chung sống hoà bình giữa những người tạm gọi là khác xứ, khác quê. Do vậy người Sài Gòn có tính cách cởi mở, không bảo thủ, dễ hoà đồng, bình dân, hào phóng, rộng rãi. Người Sài Gòn gần như luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào có tính cách xã hội từ thiện – từ một trường hợp thương tâm được đưa lên báo, một hoàn cảnh cần được giúp đỡ, một sinh viên cần được tiếp sức đến trường, cho đến lũ lụt ở miền Trung, thiên tai ở đâu đó, hay phong trào ký tên vì công lý, vì các nạn nhân chất độc màu da cam… Bên dưới cái vẻ bề ngoài như vô tình không ai để ý đến ai của người Sài Gòn – rất dễ làm chạnh lòng những người nhập cư mới đến Sài Gòn, người Sài Gòn bao giờ cũng mau mắn, sẵn lòng chia xẻ nỗi đau của người khác. Nhưng người Sài Gòn cũng hời hợt mau quên. Cả nỗi đau lẫn sự bất công, mới hôm qua còn làm người ta đau đớn bừng bừng phẫn nộ thì ngày hôm sau, cuộc sống bộn bề đã cuốn người ta đi. Cái sự mau quên đó còn thể hiện ngay trong thái độ với chính những giá trị tài sản vật chất lẫn tinh thần của Sài Gòn mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng nên và để lại – như người ta sẵn sàng đập bỏ không thương tiếc những khu nhà, biệt thự xưa để xây lên những công trình mới chẳng hạn. Cộng thêm cái thói nghĩ ngắn mà không nhìn xa trong kiến trúc quy hoạch và nhiều mặt khác của giới lãnh đạo đã tạo nên hệ quả một thành phố bộn bề, ngổn ngang, chắp vá như hiện tại.

Trong đời sống văn hóa nghệ thuật của Sài Gòn, có một bề nổi với những tụ điểm ca nhạc tràn ngập loại nhạc trẻ, nhạc “thời trang”, những quán bar phòng trà, sân khấu tấu hài lẫn chính kịch vẫn sáng đèn đêm đêm, những show diễn thời trang, các cửa hàng sách vẫn đầy ắp sách mới in các loại, là những tác phẩm văn học “chính thống” hay “lề phải” được công nhận bởi nhà nước… Và có một đời sống văn hoá nghệ thuật khác, lặng lẽ, âm thầm sinh sôi và tồn tại, nhưng phong phú, hiện đại và rất dữ dội. Đó là những tác phẩm văn học nghệ thuật “ngoài luồng” hay “lề trái”, với những nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ… mà tác phẩm của họ không (hoặc chưa) thể công bố rộng rãi, chỉ trong giới biết với nhau hoặc chỉ xuất hiện trên mạng internet, ở bên ngoài nước. Đó là những Cung Tích Biền, Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên, Nguyễn Quốc Chánh, Lý Đợi, Bùi Chát v.v…

Cũng chỉ có Sài Gòn mới có những nhà xuất bản “ngoài luồng” theo kiểu người sáng tác tự in, tự xuất bản như nhà xuất bản Giấy Vụn của nhóm Lý Đợi-Bùi Chát, nhà xuất bản Cửa của nhóm Trịnh Cung, nhà xuất bản Gió của nhạc sĩ Tuấn Khanh… Ở đây, một lần nữa, người ta lại bắt gặp cái tính chất giao thoa, “melting pot” trong đời sống vật chất lẫn văn hoá tinh thần của Sài Gòn. Văn chương hội họa của Sài Gòn (và của miền Nam) may mắn có được sự giao thoa giữa nhiều luồng nhiều dòng khác nhau – dòng miền Nam trước 1975, dòng miền Bắc trước 1975, dòng văn chương nghệ thuật thống nhất sau 1975, dòng văn học nghệ thuật hải ngoại sau 1975…

Sài Gòn trong tôi

Người nước ngoài mới đến Sài Gòn có thể thấy thành phố này sao mà xô bồ, hỗn độn. Nếu so với Hà Nội có cây, hồ, phố cổ… hay Huế có thiên nhiên tĩnh lặng, lăng tẩm phai màu thời gian… Sài Gòn dường như không có gì để nhớ. Và cũng thật khó cho người dân Sài Gòn mỗi lần có khách phương xa đến chơi, xin được giới thiệu những thứ và nơi “chỉ Sài Gòn mới có”. Tôi đã nhiều lần rơi vào tâm trạng như vậy. Bởi cái đẹp của Sài Gòn là nằm trong sức sống của thành phố, trong tính cách, văn hóa, lối sống… của con người Sài Gòn, là những cái mà phải sống và gắn bó với thành phố này mới cảm nhận được. Chỉ riêng từ sau 1975 đến nay, chính thành phố này đã luôn luôn là nơi đi tiên phong trong mọi đổi mới về kinh tế cho đến mọi hình thức “cởi trói”, xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, chính thành phố này đã thường xuyên gánh vác vai trò đầu tàu về kinh tế, đóng góp nhiều nhất vào ngân sách quốc gia, đi đầu trong những phong trào từ thiện, cứu trợ, là vùng đất mở, đất hứa cho bao nhiêu thế hệ trong Nam ngoài Bắc tìm đến sinh sống, thành đạt lẫn thành danh. Nhưng thành phố này cũng chịu nhiều thiệt thòi. Bởi Hà Nội là thủ đô nên trong các chủ trương đầu tư, xây dựng, mở rộng, nâng cấp… đều phải được ưu tiên trước, điều đó đã hẳn. Ngay trong khía cạnh “tinh thần”, thành phố dường như cũng chưa được ứng xử một cách công bằng. Một ví dụ nhỏ: có rất nhiều bài hát, bài thơ, tác phẩm văn học, hội họa, phim tài liệu… nói về Hà Nội, Huế… nhưng chả có mấy tác phẩm như vậy về Sài Gòn.

Thương nhớ Sài Gòn

Mang một món nợ tinh thần với thành phố, đã có vài lần tôi và một vài người bạn trong giới văn nghệ muốn làm một cái phim tài liệu về Sài Gòn. Về diện mạo Sài Gòn. Văn hóa Sài Gòn. Con người Sài Gòn. Tính cách Sài Gòn… Bằng cái nhìn của người Sài Gòn, thương yêu và đau lòng trước những thay đổi, mất mát, biến dạng… của Sài Gòn và của những con người Sài Gòn hôm nay. Nhưng rồi vì rất nhiều lý do – trong đó có lý do cái nhìn và cách đặt vấn đề của chúng tôi về Sài Gòn đã tạo nên sự e ngại của những quan chức văn nghệ trong việc xét duyệt đề tài. Cho đến khi chúng tôi buộc phải chuyển sang phim tài liệu truyền hình nhiều tập, làm giảm nhẹ vấn đề, chuyển sang tính chất văn hóa lịch sử nhiều hơn thì cái đề cương đó mới được thông qua. Nhưng chưa kịp triển khai thì lại xảy ra vụ tôi “có vấn đề về chính trị” theo quan điểm của các vị công an văn hóa, mọi dự án phim tài liệu, phim truyện đang hoặc sắp thực hiện liền bị ngừng lại. Hình như sau này khi tôi đã ra đi, ở cái đài truyền hình nơi chúng tôi đã giao đề cương phim tài liệu về Sài Gòn, người ta vẫn tiếp tục thực hiện một phim tài liệu về Sài Gòn, nhưng với một ê-kíp khác, và tất nhiên, với một cái nhìn khác, quan điểm khác.

Bây giờ tôi đã xa Sài Gòn. Món nợ với thành phố như vậy là chưa trả được và cũng không biết đến bao giờ trả. Mỗi lần có dịp ghé qua những thành phố xinh đẹp của nước người, nhớ về cái bộn bề, ngổn ngang, chắp vá, cùng vô vàn những cái phản thẩm mỹ, phi văn hóa… đang tồn tại của Sài Gòn – hệ quả của sự yếu kém, vô trách nhiệm của giới lãnh đạo, quản lý thành phố nói riêng và của cả một thể chế chính trị xã hội nói chung gây nên, chỉ còn biết thở dài… Sài Gòn ơi!

Song Chi
8.7.2010

Tặng những người bạn văn nghệ của tôi – những người cũng yêu mến và nhiều lần trăn trở, muốn làm một cái phim “chân dung Sài Gòn”, như tôi…

Đăng lại từ bài viết “Thương nhớ Sài Gòn”
Đăng trên diễn đàn forum.trungtamasia.com

https://trithucvn.org/van-hoa/sai-gon-va-nhung-mang-mau-doi-lap.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét