Diễm Thi RFA
Các hũ tro cốt đã được sắp xếp lại và những bảng tên bị rơi ra.
Xúc phạm tâm linh
Mấy ngày qua, một video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều người dân bức xúc vây quanh vị sư trụ trì đang thanh minh về việc hàng trăm hũ tro cốt bị rớt bảng tên, chất lẫn lộn sau chùa. Vị sư này cho rằng do các hũ cốt đã quá lâu nên khi xịt nước thì bị bong ra. Đó là sơ suất và không phải lỗi của quý thầy trong chùa.
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam thì vị sư này là Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Trụ trì chùa Kỳ Quang 2, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiều ngày 3 tháng 9, đại diện UBND phường 17, quận Gò Vấp cùng người dân đã đến chùa Kỳ Quang 2 kiểm đếm số lượng và hiện trạng tro cốt. Theo biên bản làm việc, số lượng tro cốt tại chùa là 883 hũ (302 hũ cốt dưới hầm và 581 hũ cốt đá trắng ở ngoài), trong đó chỉ 108 hũ cốt có gắn hình hoặc bài vị.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhận định:
“Trong quan niệm của người Việt Nam, tro cốt là phần rất quan trọng đời sống tâm linh. Việc để tro cốt lộn xộn như vậy là việc vô cùng cấm kỵ. Là sai sót không thể tha thứ đối với chùa Kỳ Quang 2. Ở đây người chịu trách nhiệm lớn nhất là ông trụ trì Thích Thiện Chiếu.
Không có cách nào có thể bào chữa hay giải thích cho hành động này, bởi mỗi hũ tro cốt đều gắn tên, không bao giờ có chuyện rơi ra như thế.
Xét về mặt tâm linh thì đây là một sự xúc phạm rất nặng nề và không thể nào có cơ hội để thay đổi, sửa chữa được. Xét về mặt pháp luật thì đây là sự xâm phạm mồ mả, thi thể theo quy định của Bộ luật hình sự.”
Sau khi sự việc xảy ra và chính quyền xuống làm việc, phía chùa Kỳ Quang 2 cam kết sẽ khắc phục, sắp xếp việc thờ linh cốt trang nghiêm trước 15 tháng 8 âm lịch. Những hũ cốt không có bài vị, hình ảnh, chùa sẽ phối hợp với người thân để giám định ADN.
Theo nhận định của các chuyên gia thì dù công nghệ tách chiết, giám định ADN ngày nay đã rất tiên tiến nhưng giám định các mẫu tro cốt rất khó vì cấu trúc ADN đã bị phá hủy hoàn toàn ở nhiệt độ cao.
Hòa Thượng Thích Không Tánh, từ Sài Gòn, cho biết ông rất bất mãn và bàng hoàng về sự việc này:
“Tôi có đọc được tin đó và tôi cảm thấy rất bàng hoàng, đau buồn rất bất mãn. Sự việc này làm đau lòng tất cả mọi người chứ không riêng gì Phật tử. Tôi không ngờ có việc như vậy với những nhà sư trong một ngôi chùa lớn, tiếng tăm.
Tôi nghĩ có lẽ có bàn tay nào đó xúi giục hoặc làm. Chứ với cái tâm lượng từ bi của một nhà sư tu hành thì không thể có hành vi như vậy được. Làm cho Phật tử bất mãn nặng nề. Họ phá bỏ truyền thống, đạo đức ông bà tổ tiên từ bao đời để lại.”
Hòa Thượng Thích Không Tánh nói thêm rằng, chưa biết sự việc sẽ được xử lý như thế nào, nhưng là người của nhà Phật, ông xin phép được xin lỗi, sám hối trước tất cả quý chư tăng, ni, Phật tử đã để xảy ra việc rất đau lòng này.
Một Phật tử có pháp danh Diệu Hạnh tu tập tại một chùa ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh nêu suy nghĩ của mình:
“Theo em nghĩ là có người phá. Một bậc thầy họ tu lâu năm thì họ phải biết nghi thức, lễ nghĩa. Chùa này là chùa tăng chứ không phải chùa ni. Em nghĩ có một vị tăng nào đó họ biết vị trụ trì sử dụng tiền bá tánh không đúng chánh pháp. Ngoài ra có những người muốn phá đạo Phật.
Có những người tu thật sự theo con đường của Như Lai, có những người không tu thật sự, chỉ mượn màu áo cà sa của chùa để lấy tiền cúng dường trong chùa. Chính bản thân chùa em đang tu tập có những vụ thầy như vậy. Em biết nhưng em không dám nói.”
Trục lợi
Việc các ngôi chùa lớn nhỏ được lập ra để kinh doanh, trục lợi bằng việc buôn thần bán thánh không lạ gì với các Phật tử trong nước, điển hình là chùa Bái Đính, Tam Chúc, Phúc Khánh hay Ba Vàng.
Tháng 3 năm 2019, chuyện chùa Ba Vàng tổ chức những buổi lễ oan gia trái chủ, trục vong, gọi hồn với số tiền thu được lên đến trăm triệu gây chú ý trên mạng xã hội cũng như báo chí chính thống.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng đã tổ chức buổi nói chuyện trước hàng trăm Phật tử thừa nhận việc tổ chức lễ oan gia trái chủ ở chùa là có thật. Việc các Phật tử cúng tiền không phải do nhà chùa yêu cầu mà do Phật tử tự nguyện.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng những ngôi chùa như thế không còn gọi là chùa mà phải gọi là nơi buôn bán Phật Thánh và đánh vào lòng tin của con người để trục lợi. Trục lợi nhiều thứ chứ không chỉ là tiền cúng.
Liên quan chùa Kỳ Quang 2, VTC News dẫn lời bà Minh Thanh, một người dân phải trả 13 cây vàng để có hai chỗ gửi tro: “Ông xã tôi chết năm 1999, tôi đem vào chùa Kỳ Quang 2 để chôn. Thời điểm đó, thầy trụ trì nói một ‘dằm’ có giá 6,5 cây vàng. Lúc đó tôi mua 2 ‘dằm’, trả 13 cây vàng.”
Đại đức Thích Quang Thành, sư thầy tại ngôi chùa này giải thích rằng, đây là thỏa thuận giữa gia đình người gửi tro cốt và nhà chùa.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, đây là một bài học cho những người dân đã quá tin vào những cơ sở thờ tự bằng việc gửi những hũ đựng tro cốt của thân nhân vào đấy với số tiền rất lớn. Ông nói thêm:
“Ngay cả đưa vào chùa cũng không có thể tin được. Vật đổi sao dời không biết có còn giữ được hay không. Đời sống tâm linh bị xáo trộn bởi hàng trăm hũ đựng tro cốt của thân nhân đã một lòng tin tưởng gởi vào chùa Kỳ Quang 2 ở Gò Vấp.
Tôi đề nghị công an Gò Vấp và công an thành phố Hồ Chí Minh phải làm rõ sai phạm này để có hình thức xử lý.
Nhưng cho dù xử ký theo kiểu gì nữa thì xét về mặt tâm linh, nếu luật người không xử thì luật Trời sẽ xử, bởi làm như thế này là một điều rất bức xúc và không có cơ hội để sửa chữa.”
Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt tại điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rất rõ: "Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Nếu pham tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét