BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết, tàu hải cảnh Zhongguo Haijing 5204 của TQ xâm nhập lần thứ 11 vào khu vực lô khai thác dầu khí 06.01 của VN. Váo lúc 10h44’ sáng nay 26/9 theo giờ VN, tàu Haijing 5204 từ bãi Tư Chính chạy đến khu vực khai thác nói trên, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, với tốc độ khoảng 16 hải lý/giờ. Đến 12h28’ trưa cùng ngày, tàu này đã tiếp cận lô 06.01.
Đến khoảng 2h44’ chiều nay, tàu Zhongguo Haijing 5204 đã rời khu vực lô khai thác dầu khí 06.01, quay về bãi Tư Chính. Ông Nam nhận định, trước đó, tàu này đã đi xuống một hòn đảo gần bờ biển của bang Sarawak, Malaysia, rồi từ hòn đảo này chạy thẳng đến khu vực lô khai thác 06.01.
Báo Thanh Niên đưa tin: Oanh tạc cơ Mỹ và máy bay do thám Trung Quốc áp sát Đài Loan. Tin cho biết, “2 chiếc B-1B đã rời Căn cứ không quân Andersen ở Guam, di chuyển theo hướng tây bắc. Aircraft Spots phỏng đoán các máy bay ném bom Mỹ sẽ bay hướng đến biển Hoa Đông hoặc Biển Đông”.
Còn Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, đã phát hiện một máy bay do thám Y-9 của TQ trên biển Hoa Đông theo hướng tây nam, “bay qua eo biển Miyako rồi di chuyển về hướng khu vực phía đông Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan ở ngoài khơi huyện Hoa Liên”.
Khẩu hiệu chục tỉ
Cái giá của “khẩu hiệu” dưới chế độ CS, mỗi chữ tiêu tốn gần 1 tỷ đồng: Sở Văn hóa Hòa Bình lên tiếng về khẩu hiệu 11 chữ hết… hơn 10 tỷ đồng, báo Dân Trí đưa tin. Đó là vụ UBND tỉnh Hòa Bình quyết định giao Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư xây lắp một câu khẩu hiệu tại khu vực đồi Ông Tượng với số tiền hơn 10 tỷ đồng, nhưng không ai biết 11 chữ đó là chữ gì: “Người dân nghi ngờ về số tiền ngân sách bỏ ra dựng khẩu hiệu có 11 chữ nhưng phải tiêu tốn số tiền lớn, với gần 1 tỷ đồng một chữ. Trong khi đó, Hòa Bình là tỉnh còn nghèo”.
Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hòa Bình xác nhận thông tin trên, nhưng thanh minh bằng mấy lý lẽ: 1. “Khu vực đồi Ông Tượng hiện tập trung các công trình quan trọng bậc nhất của tỉnh như: tượng đài Bác Hồ, trụ sở Tỉnh ủy, UBND, HĐND và các Sở ban ngành của tỉnh”; 2. “Giám đốc Sở VH-TT&DL Hòa Bình cho rằng, việc lắp, dựng khẩu hiệu với dòng chữ khẩu hiệu trên tại khu vực này là rất cần thiết và hợp lý”.
Báo Người Lao Động có bài: Thực hư tỉnh Hòa Bình chi hơn 10 tỉ đồng để xây lắp khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng. Phía Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình giải thích thêm lý do mấy con chữ tiền tỉ: “Công trình trang trí tạo cảnh quan ngoài trời có đến 68 nội dung, hạng mục liên quan đến hệ thống cấp điện, chiếu sáng, chống sét… Trong đó, riêng hạng mục chữ gồm gia công giằng mái thép bằng thép hình, thép bản, lắp dựng giằng thép liên kết, Bulong M16, tấm aluminium…”
VTC có clip về công trình khẩu hiệu ở Hòa Bình: Thực hư việc xây khẩu hiệu 11 chữ hết hơn 10 tỷ đồng.
LS Lê Văn Luân viết: Giá của chữ. “Chuyện mấy tỉnh chi khoảng 3 triệu đồng một chiếc cặp táp cho các đại biểu dự họp đại hội đảng bộ so ra chẳng đáng kể gì. Và nếu lấy những chiếc cặp ở các tỉnh đó để đựng các tài liệu với số con chữ này sẽ trở thành một loại siêu giá trị. Hoà Bình cũng là tỉnh mà người ta, trong vụ án chạy điểm, đã khai ra cái giá để ‘chạy’ một suất đỗ đại học là một tỷ đồng cho một thí sinh”.
Bà Niềm cho rằng dự án làm khẩu hiệu là “rất cần thiết và hợp lý”, thì cũng có lý do, nhưng không phải mấy lý do bà đặt ra. Dự án đang thi công rồi nên dứt khoát làm cho xong, để người dân có thêm bằng chứng mà “sáng mắt sáng lòng”, chứ hiện tại đất nước đang bị sâu mọt đục khoét quá nhiều nhưng vẫn có người nuôi hy vọng vào đảng.
Vụ ăn chặn tiền mua thiết bị ở bệnh viện
Vụ cựu giám đốc và một số lãnh đạo BV Bạch Mai bị phát hiện nâng khống giá thiết bị y tế để trục lợi, báo Đất Việt đặt câu hỏi: Nguyên GĐ Bệnh viện Bạch Mai nói gì trước khi bị bắt? Cựu GĐ Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm bị bắt, khám nhà từ tối qua. Trước đó, đầu tháng 9/2020, khi dư luận mới xôn xao, ông Anh thanh minh: “Bệnh viện đã thuê đơn vị thẩm định giá và làm đúng theo quy định”.
Ông Anh khẳng định, Công ty BMS đưa ra mức giá mua robot Rosa là 39 tỷ đồng: “Sau đó, BMS báo giá với bệnh viện cũng là 39 tỷ đồng, lúc này bệnh viện đã thuê đơn vị thẩm định theo đúng Thông tư 15 của Bộ Y tế”. Khi được cho biết, robot Rosa nhập về qua cửa hải quan, cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ chỉ có giá hơn 10 tỉ đồng, ông Anh nói “tôi không biết việc này”.
Facebooker Ann Đỗ bình luận: “Khi nghe bắt 1 tướng CA hay 1 chủ tịch 1 thành phố lớn, người ta ít khi ngậm ngùi như nghe tin bắt 1 GĐ bệnh viện lớn nằm trong lòng HN. Có thể nói là rúng động, chết đứng. Về tình trạng móc ngoặc, ăn chặn tiền trên xương máu bệnh nhân thì nó đã xảy ra từ khi Việt Minh đưa quân vào giải phóng thủ đô”.
Bà Ann Đỗ dự đoán: “Lâu nay, hết thời bộ trưởng này đến bộ trưởng khác, gần như chả ai bị đụng vào sợi lông. Nay thì, sỉ nhục trước, rồi sau đó là bắt, nộp tiền chạy chọt và tù. Nếu việc bắt bớ này tiếp tục xảy ra, tôi nghĩ là có chuyển biến lớn trong tâm lý người dân HN lẫn miền Bắc”.
Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Dưới thời Nguyễn Quốc Anh làm Giám đốc, BV Bạch Mai xã hội hoá như nào? Tin cho biết, từ 2% – 7% doanh thu của các hệ thống máy được nâng giá khống nói trên “đã được chuyển về các khoa hưởng. Chỉ tính 25 đề án mà BV đã triển khai thì các khoa thuộc bệnh viện Bạch Mai đã thu được khoảng 209 tỷ đồng… Số tiền thu trên sau khi bệnh viện trích về các khoa đã chi cho nhân viên và các lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện, trong đó có một số cá nhân là lãnh đạo các khoa đã được chia số tiền hơn 5 tỷ đồng từ nguồn thu trên”.
Tin môi trường
Zing có bài tổng hợp ảnh: Cảnh hoang tàn ở bãi biển Thừa Thiên – Huế. Hoang tàn do “sóng biển xâm thực hàng chục km bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên – Huế gây sạt lở nghiêm trọng, nhiều ngôi nhà bị hư hỏng”. Bên cạnh tác động mới đây của bão số 5, thì hiện tượng sóng biển xâm thực còn do mực nước biển dâng, tuy chậm nhưng vẫn đang diễn ra liên tục, từ năm này sang năm khác.
Chuyện ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam: Phạt 17 triệu, trại heo ở Quảng Nam vẫn liên tiếp xả thải ‘tra tấn’ người dân, theo VietNamNet. Từ tháng 7/2015 đến nay, người dân xã Bình Phú và Bình Chánh phải chịu đựng “cảnh bức bối, ngột ngạt bởi mùi hôi thối từ trang trại nuôi heo quy mô 3.000 con được xây dựng trên đất rừng”. Lực lượng chức năng đã phạt tiền và yêu cầu trang trại này dừng hoạt động, nhưng không có gì thay đổi, không thấy mấy tay an ninh chuyên theo dõi, bắt cóc dân đến can thiệp.
“Thảm họa kép” ở Đắk Lắk, vừa lãng phí ngân sách, vừa ô nhiễm: Khu xử lý nước thải hàng chục tỷ “đắp chiếu”, nước ô nhiễm xả thẳng ra môi trường, VOV đưa tin. Cụ thể, cụm công nghiệp Tân An ở TP Buôn Ma Thuột đã hoạt động hơn 15 năm, nhưng khu xử lý nước thải vẫn chưa hoàn thiện, “khiến nước thải của hàng chục cơ sở sản xuất vẫn đổ thẳng ra môi trường. Hàng trăm hộ dân trong khu vực phải sống trong ô nhiễm. Bến nước truyền thống của buôn Sút M’grư với hàng trăm năm lịch sử cũng biến thành bến chết”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét