Hiếu Chân/Người Việt
Đảng Cộng Sản cầm quyền ở Việt Nam dự tính sẽ tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 13 vào Tháng Giêng, 2021 sắp tới. Và cũng như trước, đại hội chỉ là dịp để chia chác quyền lực, chia ghế lãnh đạo giữa các đảng viên cao cấp và phe cánh của họ; những vấn đề quốc kế dân sinh, chủ trương đường lối chính sách… chỉ là “bổn cũ soạn lại” có thay đổi chút ít về ngôn từ cho có vẻ hợp thời mà không thay đổi bản chất của thể chế độc tài đảng trị đã có suốt 75 năm qua.
Có lẽ vì vậy mà người dân trong nước, đặc biệt là người dân ở phía Nam vĩ tuyến 17 hầu như không quan tâm tới đại hội đảng các cấp từ xã tới huyện và tỉnh đang diễn ra rầm rộ hiện nay. “Đại hội là chuyện riêng của đảng, mình không phải là đảng viên thì quan tâm làm gì,” đó là tâm trạng chung của nhiều người bộc lộ trên mạng xã hội hoặc khi được ký giả hỏi ý kiến.
Quả thực, những người ngoài đảng – chiếm hơn 90% dân số Việt Nam – không có vai trò gì trong chuỗi hoạt động của đảng Cộng Sản nhưng điều oái oăm là ở chỗ những quyết định của đảng sẽ tác động toàn diện đến đời sống của họ. Và dù không quan tâm tới đảng nhưng người dân vẫn phải thắt lưng buộc bụng để chi tiền cho các hoạt động khoa trương và hoang phí của các tổ chức đảng các cấp.
Một trong những mục đích quan trọng nhất của đại hội đảng Cộng Sản là cử ra người lãnh đạo tổ chức đảng các cấp, từ các chi bộ ở thôn xóm, đường phố, cơ quan, trường học tới Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương toàn quốc trong nhiệm kỳ năm năm sắp tới.
Cũng bầu bán, cũng ứng cử đề cử, cũng bỏ phiếu kín chủ nhưng tất nhiên chỉ đảng viên mới được bỏ phiếu. Nhìn bề ngoài, trình tự thủ tục này có vẻ dân chủ nhưng cái gọi là “dân chủ trong đảng” chỉ là một thủ tục để hợp thức hóa chức vụ cho những người đã được đảng cấp trên lựa chọn mà thôi: Bộ Chính Trị chọn đảng viên lãnh đạo cho tỉnh, tỉnh chọn người cho quận huyện, rồi quận huyện lại chọn người cho phường xã, và cứ thế.
Rất hiếm, và hầu như chưa bao giờ có chuyện tổ chức đảng cấp dưới bầu ra người không phải do đảng cấp trên chỉ định hoặc “giới thiệu.” Từ cách lựa chọn theo ý cấp trên đã có không ít trường hợp “cha truyền con nối,” “một người làm quan cả họ được nhờ” như chuyện ở Bắc Ninh, cha làm bí thư tỉnh bổ nhiệm con làm bí thư thành phố thuộc tỉnh; hay chuyện ở Hòa Bình, cả dòng họ Triệu Tài Vinh đảm nhiệm phần lớn các chức vụ béo bở nhất của tỉnh.
Cũng từ lối lựa chọn theo ý đảng cấp trên, một hiện tượng đã thành bản chất của thể chế Cộng Sản là những người được cử vào những chức vụ lãnh đạo, vào chính phủ, quốc hội… hầu hết là những kẻ vô lương, trung thành mù quáng hoặc giả vờ trung thành với đảng Cộng Sản nhưng giỏi thủ đoạn chạy chọt, nịnh hót, bợ đỡ để lấy lòng cấp trên, sau này có “ghế” rồi sẽ ra sức vơ vét để bù lại; một số kẻ vơ vét quá đáng, bị công chúng lên án thì trở thành những “con dê tế thần” để lãnh đạo cấp trên trấn an dân chúng, giống như chuyện Tào Tháo mượn đầu Vương Hậu để giải tỏa nỗi hận của binh lính trong truyện Tam Quốc xưa.
Sẽ không là vấn đề nếu những người được đảng Cộng Sản chọn ra chỉ làm việc cho đảng chính trị của họ. Nhưng Điều 4 Hiến Pháp Việt Nam – do đảng này lập ra – đã trao cho đảng Cộng Sản quyền “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” cho nên các viên chức đảng cũng phụ trách việc quản lý xã hội. Theo lệ bất di bất dịch, cứ là phó bí thư bên đảng sẽ đương nhiên là chủ tịch, là giám đốc bên cơ quan chính quyền. Từ ông chủ tịch xã lên đến ông chủ tịch nước, các vị trí lãnh đạo đều do đảng sắp xếp, người dân bình thường, cử tri, không thể có ý kiến gì cả; thậm chí không có thông tin đầy đủ về người sẽ lãnh đạo mình, nhân cách, tài năng và quan điểm của ông ta như thế nào, nói gì tới chuyện được bầu ra người đại diện trong những cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Mấy hôm trước, ông Chu Ngọc Anh, bộ trưởng Bộ Khoa Học Và Công Nghệ, được trung ương đảng điều động, phân công làm phó bí thư Thành Ủy Hà Nội, và ngay sau đó được bầu làm chủ tịch Hà Nội. Ông Anh là ứng viên duy nhất, được 100% số phiếu, lên thay ông Nguyễn Đức Chung mới bị bắt giam. Vụ bầu ông Anh ở Hà Nội là một ví dụ nữa minh họa cho cách thức chọn người trong chế độ Cộng Sản, người lãnh đạo được quyết định ở một cấp cao nào đó mà thôi.
Trong một thể chế như vậy, tìm được một công chức có lương tâm và tinh thần trách nhiệm với dân với nước còn khó hơn đáy bể mò kim! Ấy vậy mà các nhà lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng Sản vẫn thường rêu rao trên đài báo: “Tìm và chọn người có tài, có đức!”
Trong cuộc hội luận trên đài BBC hôm 25 Tháng Chín, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu văn bản Hán Nôm từ Hà Nội, nhận xét: “Nhà nước Việt Nam hiện nay còn thua xa so với triều đại phong kiến trong việc quy hoạch và đào tạo nhân tài, thậm chí thua nhiều lắm.” “Thua xa” chỉ là một cách nói. Trong thời đại ngày nay, tước đoạt quyền của người dân được bầu ra người đại diện để quản lý xã hội là một tội ác, một biểu trưng nổi bật nhất của chế độ độc tài toàn trị.
***
Không có quyền bầu ra người đại diện, cũng không có tiếng nói trong những đại hội “hoành tráng” nhưng người dân phải è cổ đóng thuế, phí để đảng mặc sức hoang phí hoặc vào những tượng đài, khẩu hiệu “ca tụng” chính mình, hoặc để tổ chức “đại hội đảng các cấp.”
Trên mạng xã hội đang rộ lên chuyện tỉnh Hòa Bình bỏ ra 11 tỷ đồng (hơn $476,450) để treo một câu khẩu hiệu ca tụng Hồ Chí Minh gồm 11 chữ trên sườn núi, tính ra mỗi chữ mất 1 tỷ đồng ($43,313) – mà đây là địa phương thuộc loại nghèo khó ở Việt Nam. Đây chỉ là một trong ngàn lẻ một chuyện hoang phí, coi tiền dân như vỏ hến của các lãnh đạo Cộng Sản, cả ở trung ương lẫn các địa phương trong cả nước.
Chỉ thử “dạo một vòng” các trang web của nhà cầm quyền CSVN sẽ dễ dàng thấy tiền thuế của dân đã bị nhà cầm quyền rút rỉa rầm rộ vào những công trình “ăn theo đại hội đảng.”
Theo đó, trên trang web dauthau.mpi.gov.vn của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN có “dự án số “20200964629” do Ban Quản Lý Phố Cổ Hà Nội “mời thầu,” mang nội dung “Trang trí sắp đặt một số cụm mô hình, tác phẩm nghệ thuật xung quanh hồ Hoàn Kiếm chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,” ngày phê duyệt 22 Tháng Chín, 2020, có “giá dự toán” là 727,375,000 đồng (hơn $31,400).
Cũng trên trang web dauthau.mpi.gov.vn của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN, Văn Phòng Thành Ủy Hà Nội (số KHLCNT 20200958849) đã có một “kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII” với phần “chi tiết nguồn vốn” được ghi là “Ngân sách nhà nước,” và khoản dự trù là 9,369,720,000 đồng (hơn $405,843)! Cụ thể, phí tư vấn thuê hội trường phục vụ đại hội là 1.2 tỷ đồng (hơn $51,977); phí tư vấn “Đưa đón đại biểu từ nơi nghỉ đến nơi tổ chức đại hội” là 842,820,000 đồng (hơn $36,506); “Mua cặp da đựng tài liệu” 960 triệu đồng (hơn $41,581); phí tư vấn “In, gia công sổ phục vụ đại hội” 95 triệu đồng (hơn $4,116); phí tư vấn “In phù hiệu đại hội” 55 triệu đồng (hơn $2,383)…
Bao nhiêu năm qua, ngoài chuyện áp bức và tước đoạt tự do của người dân, đảng Cộng Sản còn mặc sức bóc lột tiền bạc của họ cho cuộc tiêu xài hoang phí của mình. Chưa kể rằng các tổ chức tay chân của đảng như mặt trận và các đoàn thể của đảng cũng thi nhau xà xẻo nguồn tiền ngân sách vốn đã èo uột của đất nước, dẫn tới tình trạng bội chi triền miên, đi vay để tiêu xài và gia tăng các biện pháp bóc lột dân chúng qua thuế, phí, lệ phí bủa vây người dân thấp cổ bé họng.
***
Guồng máy tuyên truyền khổng lồ của đảng Cộng Sản vẫn thường ca tụng các đại hội của đảng là “ngày hội lớn.” Quả là ngày hội của đảng và các đảng viên cao cấp. Còn đối với người dân, mỗi lần đại hội là thêm một lần họ tủi hổ và uất hận cho thân phận công dân hạng hai, vừa “không tồn tại” trong mọi toan tính của đảng, vừa phải nai lưng gánh vác chi phí cho “ngày hội lớn” ấy, mà thực chất là những bữa tiệc máu chỉ dành cho những công dân thực thụ – những đảng viên Cộng Sản “thẻ đỏ tim đen” như lời nhà thơ Bùi Minh Quốc.
Một nỗi uất hận không hề nhỏ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét