Gần như cùng một lúc, Trường Đại học được các bảng xếp hạng đưa lên hàng đầu Việt Nam, và bệnh viện được coi là hàng đầu Việt Nam nổi cơn sóng gió.
Ở Đại học Tôn Đức Thắng, Hiệu trưởng bị cách chức, giảng viên thì bị công an “mời đi làm việc”, không rõ đang ở đâu. Còn bệnh viện Bạch Mai, thì giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng “xộ khám”. Sóng gió đang nổi lên ở hai ngành được coi là rất quan trọng của đất nước.
Tôi chắc rằng chẳng ai dám khẳng định những nhân vật đang bị “thất sủng”, hoặc sắp bị “xộ khám” ở Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), những cựu lãnh đạo Bạch Mai mới bị bắt giam là không có tội. Ai mà chắc được điều đó chứ. Người ta chỉ có thể cảm thấy, hầu như tất cả những ai có chút chức tước, từ nhỏ nhất cỡ cửu phẩm, đến to nhất, trên cả nhất phẩm, nếu bị bắt giam, hay có gì đó lùm xùm liên quan đến tham nhũng, trộm cắp… đều khó mà được coi là oan.
Bạch Mai, dù cho đã từng bị coi là ổ dịch, nhưng vẫn là nơi tuyến đầu chống dịch Vũ Hán ở nước ta. Nhưng, “tượng đài” đã đổ sụp. Thật đau lòng khi thấy những đồng nghiệp của mình vướng vòng lao lý. Và chắc chắn, sẽ còn những đồng nghiệp khác, từ Bạch Mai, và cả từ các bệnh viện khác, sẽ theo chân các vị đi trước, vào tù.
Ai đã đưa họ vào tù? Hãy đừng ai nói với tôi, rằng các công ty thiết bị y tế đã làm tha hoá các cán bộ lãnh đạo ngành y. Tôi tin rằng, chính các đồng nghiệp của tôi đã biến các công ty kia thành công cụ để họ trục lợi. Bản thân họ, những đồng nghiệp của tôi, cũng đã phải chạy chọt, tốn kém vô kể để có được những cái chức. Đương nhiên là họ phải “hoàn vốn”. Và, khi có cơ hội thì dại gì mà chẳng “kiếm lời”.
Thực ra thì vốn chạy chức mới là một phần, họ còn phải trang trải những chi phí để duy trì chức vụ. Như cái ông Hiệu trưởng TDTU ấy, tôi chắc rằng ông đã lơ là “công tác duy trì chức vụ” của bản thân, không chăm chỉ tọng vào mõm cấp trên của mình thứ họ muốn, để họ còn tọng tiếp vào những cái mõm bên trên họ nữa. Trong bối cảnh đó, không lẽ họ chỉ kiếm đủ để trang trải chi phí mua và duy trì chức, để cống hiến cho khoa học, ngành nghề, cho đất nước?
Nhưng đau lòng hơn việc chứng kiến các đồng nghiệp của mình vướng vòng lao lý, là việc thấy rằng, dù có bị vướng lao lý hay không, dù có bị “thất sủng”, hay luôn được vinh danh. Thì tất cả họ, khi “sắm” cho mình cái chức gì đó, dù nhỏ, dù to trong cái hệ thống thối nát này, họ cũng đã trở thành thành viên của tập đoàn tham nhũng, và chẳng thể nào rút chân ra được cả.
Khi họ bị “thất sủng”, bị cách chức, hay vướng vòng lao lý, thì lại có kẻ khác lên thay thế họ. Và thành viên mới của tập đoàn tham nhũng ấy lại tiếp bước, cho đến khi có phe phái khác trong tập đoàn ấy trở nên mạnh hơn, các thủ đoạn tinh vi hơn, khả năng ra tay tàn độc hơn, tống họ vô tù hoặc về vườn.
Người ta nói sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy. Tuy nhiên, đối với cái tập đoàn tham nhũng đó, thì sóng sau còn cao hơn sóng trước, mức độ hủy hoại cũng như tính ác độc của nó còn dữ dội hơn, quyết liệt hơn. Điều đó có thể được coi là quy luật, khi cái tập đoàn tham nhũng, hoặc gọi cách khác, tập đoàn tội ác, vẫn còn tồn tại.
Cái tập đoàn đó không chỉ tồn tại, mà nó luôn phát triển mạnh lên. Cuộc chiến giữa các phe phái trong tập đoàn đó ngày càng gay gắt. Và tấm lòng của chúng ta ngày càng xơ cứng lại, đến mức chẳng còn cảm thấy đau lòng chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét