Cát Vàng
Hình minh hoạ. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tuyến các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Hà Nội hôm 9/9/2020
Tiên phong là dẫn dắt. Ngoại giao không thể để cho diễn tiến ngày càng nóng trên Biển Đông trở thành “rêu phong chuyện cũ”. Càng gắn kết và thích ứng, Việt Nam càng phải chủ động và thúc đẩy để bản thân mình và ASEAN hành động thực chất hơn là “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”. Muốn xiển dương vai trò “tiên phong”, Ngoại giao không thể “bình thường hoá” các vụ vào ra như chỗ không người của tàu Trung Quốc tại các vùng biển Việt Nam.
Hai chữ “B&T” gây hiểu nhầm
Đặc biệt nghiêm trọng là các vụ xâm phạm trái phép như “cơm bữa” sâu trong các vùng EEZ của Việt Nam mà gần đây công luận không thấy bất kỳ một tuyên bố đàng hoàng nào từ Hà Nội. Ít nhất thì cũng phải cho chạy lại cái băng ghi hình của người phát ngôn BNG. Thế giới và Trung Quốc sẽ hiểu nhầm về cái gọi là “thái độ bình tĩnh và bình thường” (Tức là hai chữ B&T như một vài nhà nghiên cứu đang khuyếch trương), trong khi ngoại giao lại đi lo lo cổ võ công an nắm vững địa bàn để tập trung trấn áp mọi phản ứng của xã hội dân sự trong nước chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo.
Vẫn biết từ ngày Washington chính thức “bẻ lái” chính sách Biển Đông, từ ngày “Bộ Tứ” công khai đặt an ninh và an toàn trên Biển Đông như một bộ phận cấu thành của chiến lược “Indo-Pacific tự do và rộng mở” (FOIP), Hà Nội và một vài thành viên ASEAN khác có thể tính toán một cách thiển cận rằng, các quốc gia Đông Nam Á cứ việc “toạ sơn quan hổ đấu”. Cứ việc “trông trời trông đất trông mây”, chi phí thấp mà lợi nhuận cao (low profile high profit). Vẫn biết là truyền thống của các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, là không chuộng chọn phe, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ.
Còn bây giờ, vào ngày 10/9/2020 vừa qua, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hối thúc các đối tác ASEAN đứng lên chống lại sự bành trướng về hàng hải của Trung Quốc tại các vùng biển và kêu gọi các nước Đông Nam Á cân nhắc lại mối quan hệ thương mại giữa họ với các công ty Trung Quốc, vốn đang “ức hiếp các nhà nước ven biển ASEAN tại Biển Đông. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của cả Mỹ lẫn Việt Nam, Diễn đàn ARF kết thúc ngày 12/9/2020 đã không tạo được cơ hội nào để chấm dứt các cạnh trang ngoại giao và các động cơ địa-chính trị trong khu vực.
Trước đó, vào tháng 6/2020, khi họp Hội nghị Cấp cao hàng năm, khối ASEAN cũng không xác định được quan điểm rõ ràng trước diễn biến căng thẳng ở Biển Đông. Bản thông cáo của khối thận trọng và mập mờ, chỉ nhấn mạnh vào thái độ quan ngại nói chung, về việc Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng quân sự trong vùng, mà không hề đề cập đến những đụng độ vẫn xẩy ra giữa lực lượng tuần duyên Trung Quốc với ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa. Các bên ký thông cáo, trong đó có Việt Nam, đều cho rằng những gì đang xảy ra, là do các nhân tố bên ngoài ASEAN.
Sau đó, một cách kín đáo, Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc và Việt Nam gặp nhau, cố tìm ra một giải pháp. Liền kề sự kiện này, Việt Nam đành chấp nhận đền bù khoảng hơn 1 tỉ đô-la cho các tập đoàn dầu khí quốc tế để hủy thăm dò ngay trong EEZ của mình, sau khi Bắc Kinh mạnh mẽ gây sức ép. Chính xu hướng dễ thoả hiệp này của Hà Nội có thể gây khó khăn cho mục tiêu của Washington, trong Chiến lược An ninh Quốc gia, là thúc đẩy quan hệ với Việt Nam để chống lại các hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông và rộng hơn là ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tuy chưa hẳn là bước thụt lùi nhưng phát triển quan hệ quốc phòng giữa Mỹ với Việt trong vài năm gần đây dường như bị khựng lại từ mùa thu 2019 khi Hà Nội đột ngột hủy bỏ 15 nội dung hợp tác quốc phòng đã được lên kế hoạch từ trước. Quyết định này phần lớn được cho là do Hà Nội bất bình về “Đạo luật chống các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA) và cũng do quan ngại ngày càng gia tăng đối với nguyên tắc “không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác” (Nội dung trong chính sách “Bốn Không” của Việt Nam).
Hình thành cấu trúc đa phương
Năm 2020 này là cột mốc đáng nhớ trong bang giao Việt – Mỹ: 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy giá trị địa-chiến lược của Việt Nam không phải là “nồi cơm Thạch Sanh” (Xài mãi không bao giờ hết!), nhưng Washington vẫn có một số dấu hiệu tỏ ra ưu ái đối với riêng Hà Nội. Tổng thống Trump phát biểu công khai trong một diễn văn tranh cử rằng, ông thích các vị lãnh đạo Việt Nam (?) Cho dù kịch liệt đả kích ý thức hệ cộng sản khi lên án ĐCSTQ tại Liên Hiệp Quốc, nhưng Trump lại tảng lờ, giả bộ coi như Việt Nam không dính dáng gì đến “cái lý lịch ba đời” làm cộng sản cả.
Xem thế để thấy chính trị, nhất là chính trị quốc tế “muôn đời là ánh trăng lừa dối”. Mỹ tránh công kích Hà Nội, vì Việt Nam hiện đang là một “con chốt” trên bàn cờ FOIP. Đối chọi lại BRI (Sáng kiến Vành đai Con đường) của Tàu cộng đang trên đà suy giảm, FOIP có sứ mệnh sống còn đối với Trật tự thế giới trong tương lai. Các nhà quan sát có thể ngạc nhiên khi một Thiếu tướng Công an (có hàm Giáo Sư-Tiến Sỹ) – Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, thuộc Tổng cục Tình báo – ông Đỗ Lê Chi đã trả lời công khai trên báo chí trong nước về khả năng hình thành một liên minh quân sự “NATO Đông Nam Á” và vai trò của Việt Nam trong liên minh khu vực ấy.
Theo TS. Đỗ Lê Chi, vấn đề không phải là có nên tham gia hay là không, mà vấn đề là Việt Nam cần chủ động thúc đẩy việc hình thành một tổ chức an ninh đa phương, ràng buộc tại khu vực vì lợi ích của tất cả các bên. Chúng ta lâu nay vẫn luôn có chủ trương chủ động hội nhập, nhưng có những lúc ta còn bị động. Các nước lớn triển khai chính sách mà mình cứ phải cân đong đo đếm là có tham gia hay là không. Điều đó cho thấy vai trò chủ động của chúng ta chưa phải là cao.
Theo ông Cục trưởng, việc hình thành các hiệp ước, khối an ninh hay thỏa thuận quân sự có tính đa phương và ràng buộc xuất phát từ nhu cầu bảo đảm lợi ích kinh tế, chính trị của các quốc gia. Nếu nhìn vào lịch sử thì sự ra đời của NATO hay một số tổ chức an ninh, quân sự đa phương đều có những lý do để kiểm soát tình hình ở những điểm nóng. Vì vậy, tướng Lê Chi cho rằng, trước sau gì thì một tổ chức an ninh đa phương của khu vực, có tính ràng buộc sẽ phải ra đời và việc đó chính là lợi ích quốc gia của Việt Nam, của ASEAN và chúng ta cần phải sớm tính toán cách thức phù hợp để thúc đẩy nó.
Điều đáng lưu tâm là trong một thời điểm then chốt về an ninh và phát triển như hiện nay, hiếm khi chúng ta được nghe những người trong bộ máy tuyên bố công khai và chính thức về cam kết của Việt Nam đối với quá trình định chế hoá bất cứ một cấu trúc an ninh đa phương nào trong khu vực. Cứ xem ba đề xuất về cách ứng xử của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh Trung – Mỹ và đại dịch COVID-19 dâng cao, dường như chưa có sự gắn kết và chủ động thích ứng giữa ba ngành trụ cột: An ninh – Quốc phòng – Ngoại giao.
Có thể do thiếu sự gắn kết và chủ động thích ứng nói trên, trong “Dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng”, vẫn chưa tạo được một mặt trận thống nhất giữa ba khối An ninh – Quốc phòng – Ngoại giao. Hy vọng, từ nay đến ngày khai hội, với vai trò “tiên phong” của Ngoại giao, cũng như trong tinh thần chủ động của An ninh và Quốc phòng, vấn đề lợi ích quốc gia – dân tộc sẽ được đặt lên hàng đầu như một ưu tiên trong giới hoạch định chính sách ở diễn đàn cao nhất của ĐCSVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét