Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

4315 - Hết ‘giấy’ vẫn vẽ voi!

Trân Văn

Tác động của COVID 19 đến kinh tế - xã hội Việt Nam càng ngày càng nặng nề. Cuối quý 1 năm nay, Tổng cục Hải quan loan báo, mỗi ngày, nguồn thu cho ngân sách từ thuế xuất - nhập khẩu giảm khoảng 150 tỉ đồng.

Sang quý hai, dựa trên báo cáo của nhiều ngành, ông Nguyễn Đức Hải. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam ước đoán, tổng thu ngân sách cho cả năm 2020 có thể thất thu từ 130.000 tỉ đến 150.000 tỉ .

Tuy số lây nhiễm – tử vong vì COVID 19 ở Việt Nam không cao song tác động nguy hại của COVID 19 đến kinh tế - xã hội Việt Nam không giảm. Tháng trước, Tổng cục Thống kê cho biết, có lúc số doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh lên tới hơn 34.000 tăng khoảng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số như số lượng doanh nghiệp giải thể, số lượng doanh nghiệp mới, số lượng lao động trong doanh nghiệp nhà nước, trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… đều giảm.

Giữa lúc ngân sách thất thu trầm trọng vì doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động, thất nghiệp tràn lan, phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cho doanh nghiệp chậm trả thuế, chậm trả tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập cho những doanh nghiệp nhỏ và cá nhân,… thiên hạ chưng hửng khi thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thản nhiên duyệt chi nhiều khoản khổng lồ như… tổ chức đại hội đảng các cấp và ra lệnh ngưng sáp nhập các sở, ngành và chuẩn bị tách ra, tái lập như trước năm ngoái.

Vì sao các nguồn thu cho ngân sách đang èo uột như thế mà lại duy trì hoặc đề ra các chủ trương gia tăng chi tiêu như vậy, cho dù chúng không những không giúp kinh tế - xạ hội hồi phục mà còn làm cạn kiệt nội lực, tạo thêm nợ nần?..

Ở góc độ quản trị, điều hành, “thừa giấy vẽ… voi” đã là đáng trách, huống chi đã cạn… “giấy” mà vẫn còn tiếp tục vẽ… “voi”. Có những dấu hiệu cho thấy những cá nhân đang điều hành hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vừa bất trí, vừa bất nhân.

Cho đến nay vẫn chưa rõ Bộ Chính trị của đảng CSVN dựa trên cơ sở nào để ra lệnh dừng thí điểm sáp nhập, hợp nhất sở, ngành tại các tỉnh, thành phố và chính phủ nhắm mắt làm theo bằng cách ban hành Nghị định 107.

Trong quá khứ đã có vô số những sự kiện dở khóc, dở cười, những bài học đắt giá về tách, nhập nhưng đến giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thích thử nghiệm… nhập, tách!

Câu chuyện Hà Tĩnh – nơi… thực hiện thành công việc sáp nhập một số xã dường như chỉ là chuyện ở… Hà Tĩnh và của… Hà Tĩnh. Cho nên không ai bận tâm về việc nhập ba xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân của huyện Thạch Hà thành xã Tân Hương Lâm khiến cho hai trụ sở xã, hai trạm xá xã bỏ hoang cho dù những công thự này vừa xây xong và công thự nào cũng ngốn của công quỹ vài tỉ. Chẳng riêng huyện Thạch Hà, tình trạng tương tự còn diễn ra ở huyện Đức Thọ và các viên chức cấp tỉnh thản nhiên bảo rằng, giải quyết thế nào là chuyện của các viên chức cấp… huyện.

Chẳng lẽ tại Việt Nam, chỉ cần có quyền là có thể đề ra chủ trương và chỉ đạo để chi, bất kể chủ trương, chỉ đạo đó phung phí đến mức nào và dân tình ra sao? Cách nay ba năm, cả dân chúng lẫn báo giới từng chỉ trích kịch liệt việc chính quyền đủ mọi cấp thi nhau dựng… cổng chào nhưng các… cổng chào vẫn tiếp tục mọc lên ở khắp nơi. Thậm chí có những cổng chào như cổng chào của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, vừa ngốn hết… sáu tỉ nhưng sẽ bị đập bỏ khi cải tạo quốc lộ 10.

Vì sao tài nguyên quốc gia, nội lực dân tộc, thuế, phí - mồ hôi, nước mắt của nhiều giới, đặc biệt là của người nghèo lại bèo bọt tới thảm thương như vậy? Sự ưu việt của một đảng “của dân, do dân, vì dân” là như vậy sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét