Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

4310 - Khi quan chức CSVN ra trước vành móng ngựa

Hiếu Chân/Người Việt 

Càng gần tới Đại Hội thứ 13 đảng Cộng Sản Việt Nam, càng có nhiều quan chức cao cấp của đảng này nối nhau ra đứng trước vành móng ngựa và người dân có dịp nhìn vào hậu trường bẩn thỉu của guồng máy cai trị đất nước suốt mấy chục năm nay.

Ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch ở Sài Gòn, lãnh án tám năm tù vì bán rẻ khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, quận Nhất, ngay sau lưng nhà thờ Đức Bà. (Hình: Quang Định/Tuổi Trẻ)

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, bộ sậu lãnh đạo của ba thành phố lớn nhất nước đã lần lượt tra tay vào còng với những tội danh gần giống nhau: vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Đó là Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Hà Nội; Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, cựu chủ tịch Đà Nẵng; Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch ở Sài Gòn… Đó còn là những quan chức cấp bộ, hoặc đã bị truy tố hoặc bỏ trốn khỏi nước như Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương; Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng bộ này.

Đồng phạm với các quan chức là các “doanh nhân,” “nhà đầu tư” đầy thủ đoạn. Đó là Bùi Quang Huy, chủ công ty Nhật Cường ở Hà Nội, đã bỏ trốn; Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm” ở Đà Nẵng; Dương Thị Bạch Diệp và Lê Thị Thanh Thúy ở Sài Gòn.

Những trường hợp phạm tội này diễn ra ở các địa phương khác nhau, theo những tình tiết khác nhau nhưng có một kịch bản chung, phản ánh một hiện tượng phổ biến: câu kết giữa giới quan chức lãnh đạo chóp bu và những tay buôn đất ngoài thị trường để cùng rút ruột tài sản công, tùy tiện mua bán đổi chác các khu đất vàng ở đô thị cứ như là đất hương hỏa của tổ tiên chúng để lại.

Trong quan hệ câu kết này, giới quan chức lợi dụng quyền lực để bán tài sản mà họ được giao quản lý, giới buôn đất sử dụng nhiều thủ đoạn ma giáo để mua được tài sản với giá hời, từ việc đưa hối lộ bằng nhiều hình thức, ăn chia với quan chức theo tỷ lệ thỏa thuận, dùng nhan sắc “đổi tình lấy đất” hoặc núp bóng quan chức chóp bu, núp bóng cơ quan đảng, công an như trường hợp ông Phan Văn Anh Vũ. Khi đất công biến thành đất tư, tài sản quốc gia biến thành tài sản riêng của quan chức và gian thương thì chỉ có nhân dân chịu thiệt.

Ở chiều ngược lại, quan chức lợi dụng quyền lực để quyết định mua tài sản với giá trên trời và gian thương sẵn sàng chi “tiền lại quả” “hoa hồng” thật đậm để bán được món hàng với giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Vụ mua hàng loạt máy xét nghiệm virus Corona ở các bệnh viện cao từ bảy tới mười lần giá chào hàng trên thị trường quốc tế gần đây là một ví dụ.

Nhưng có lẽ vụ tập đoàn viễn thông MobiFone quốc doanh mua công ty truyền hình An Viên của ông Phạm Nhật Vũ với giá hơn 8,000 tỷ đồng (hơn $342 triệu) trong khi giá trị thực của công ty này chỉ khoảng 1,500 tỷ đồng (hơn $64 triệu) là trường hợp “mua đắt” nổi bật nhất, góp phần đẩy hai bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông là Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son vào nhà đá. Trong vụ này, riêng ông Son đã được “lại quả” tới $3 triệu. Bán rẻ hay mua đắt đằng nào nhân dân cũng bị thiệt đơn thiệt kép.

Chỉ tính riêng hai vụ bán đất liên quan tới các quan chức ở Sài Gòn, số tiền “thất thoát” đã làm người nghe chóng mặt: Vụ bán rẻ khu đất rộng 6,000 mét vuông ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận Nhất, ngay sau lưng tượng đài Đức Trần Hưng Đạo ở Công Trường Mê Linh, các quan chức Sài Gòn và Bộ Công Thương đã làm thất thoát khoảng 2,700 tỷ đồng (hơn $115 triệu); vụ bán rẻ khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, quận Nhất, ngay sau lưng nhà thờ Đức Bà, nhóm quan chức do ông Nguyễn Thành Tài cầm đầu đã làm thất thoát 1,972 tỷ đồng (hơn $84 triệu), theo kết luận của Viện Kiểm Sát trong phiên tòa vừa kết thúc cuối tuần qua. (Do ông Tài có nhân thân tốt, có công với cách mạng nên tòa giảm mức độ thất thoát xuống còn 252 tỷ đồng (hơn $10 triệu), buộc ông Tài và đồng bọn bồi thường 4.2 tỷ đồng [$179,972]).

***

Sự câu kết giữa quan chức với gian thương để trục lợi từ tài sản công không phải là chuyện mới, không phải chỉ riêng có ở Việt Nam. Thuật ngữ kinh tế học đã có từ “cronyism.” “crony capitalism” (chủ nghĩa tư bản thân hữu, chủ nghĩa tư bản bè phái) để chỉ hiện tượng phổ biến này. Từ điển bách khoa Wikipedia định nghĩa: “Chủ nghĩa tư bản thân hữu là một hệ thống kinh tế trong đó việc kinh doanh phát đạt không phải nhờ vượt qua rủi ro mà nhờ lợi nhuận tích lũy thông qua mối liên kết giữa doanh giới và chính giới. Điều này có được nhờ lợi dụng quyền lực nhà nước hơn là cạnh tranh trong việc cấp phát trợ cấp, miễn thuế, hoặc các hình thức can thiệp khác của nhà nước đối với các nguồn lực mà nhà nước độc quyền kiểm soát như đất đai, hầm mỏ, thương phẩm chủ yếu hoặc các hợp đồng mua sắm công.”

Ngay cả những nền dân chủ lâu đời và vững mạnh như Hoa Kỳ và các nước Tây Âu cũng không miễn nhiễm với chủ nghĩa tư bản bè phái nhưng chỉ trong các chế độ độc tài thì chủ nghĩa tư bản bè phái mới có môi trường thuận lợi để phát triển nhanh chóng và rộng khắp như giòi bọ trên cơ thể xã hội đã mục nát. Nguyên nhân nền tảng là chế độ độc tài thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo điều kiện cho giới quan chức chính quyền tự tung tự tác, mua đắt bán rẻ tùy ý miễn sao “vinh thân, phì gia” mà không phải chịu trách nhiệm giải trình trước cử tri.

Quan chức các nước độc tài chỉ phải chịu trách nhiệm trước “cấp trên,” mà cấp trên thì không khó mua chuộc bằng tiền, bằng rất nhiều tiền. Vì thế, chủ nghĩa tư bản thân hữu ở các nước độc tài thường có tính chất hệ thống, thấm đẫm từ trên xuống dưới guồng máy cầm quyền, lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ trên tấm lưng gầy còm của người đóng thuế.

Ngay đến Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận, hiện tượng quan chức lập ra những “công ty sân sau” cho vợ con thân quyến đứng tên để bòn rút tài sản nhà nước là rất phổ thông. Một trong những nguyên nhân khiến Chủ Tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị hạ bệ là các công ty do vợ con anh ta chủ trì đã trục lợi quá đáng nguồn ngân sách thủ đô do ông Chung phân bổ.

Trung Quốc – nước độc tài lớn nhất thế giới – cũng là hệ thống tư bản bè phái khổng lồ nhất và đa dạng nhất. Giáo Sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) của trường đại học Claremont McKenna College ở California đã dành nhiều công sức nghiên cứu hệ thống kinh tế Trung Quốc trong cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản bè phái của Trung Quốc” (China’s Crony Capitalism) xuất bản năm 2016; bạn đọc quan tâm đề tài này thì nên tìm đọc.

***

Trở lại chuyện các quan chức Việt Nam sa vào vòng lao lý. Do chủ nghĩa tư bản bè phái ở Việt Nam có tính chất hệ thống xuyên suốt guồng máy cai trị của đảng Cộng Sản nên những trường hợp kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng, vô số “các đồng chí chưa bị lộ” vẫn còn ung dung lên mặt dạy dỗ dân chúng bằng sự ngạo mạn và hoang tưởng.

Có người nhận định, các quan chức thất thế kể trên chỉ là những con dê tế thần trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng Cộng Sản chuẩn bị cho Đại Hội 13 sắp tới. Họ đặt vấn đề, tại sao những phó chủ tịch như Tài, như Tín phải lãnh án tù trong khi cấp trên của hai ông này, ăn dày hơn như Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân – cựu bí thư và cựu chủ tịch ở Sài Gòn – vẫn bình chân như vại, cho dù vụ cướp đất ở Thủ Thiêm mà hai ông này chủ trì còn trầm trọng gấp trăm lần những vụ được đưa ra xét xử. Tranh chấp quyền lực, chia ghế là có thật; nhưng trong chủ nghĩa tư bản thân hữu của chế độ độc tài không có lẽ công bằng, không cứ “ăn dày” sẽ bị tội; kẻ nào bị “tế thần” kẻ nào ung dung hưởng lợi tùy vào tương quan thế lực, vào khả năng “chạy chọt” và tùy vào ý muốn tùy tiện của kẻ cầm quyền cao nhất.

Cũng có người lập luận, hiện tượng nhiều quan chức cao cấp nối nhau ra trước vành móng ngựa là dấu hiệu “lò đốt tham nhũng” của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng không chừa ai (!). Thật là ngây thơ và ảo tưởng. Cái “lò” của ông Trọng là bản sao của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mà Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện từ năm 2012 để loại trừ những đối thủ chính trị có khả năng tranh chấp với ông Tập.

Với ông Trọng cũng vậy, “đốt tham nhũng” chỉ là cái cớ bề ngoài vì trong hàng ngũ của ông Trọng không ai không tham nhũng cả. Với một hệ thống độc tài về chính trị, bè phái về kinh tế như Việt Nam, có đến một trăm cái “lò” cháy hừng hực suốt ngày cũng không làm cho tham nhũng giảm bớt, đảng Cộng Sản trở nên “trong sạch, vững mạnh” như câu nói đầy hoang tưởng luôn ở cửa miệng của ông Trọng.

***

Tham nhũng và trục lợi bè phái sinh ra từ lạm dụng quyền lực, cho nên để chống tham nhũng, ngăn chặn chủ nghĩa tư bản bè phái chỉ có một phương thức duy nhất là quyền lực phải bị kiểm soát. Sau nhiều trăm năm, nhiều cuộc cách mạng và nhiều xương máu, nhân loại đã đi đến kết luận là quyền lực chỉ có thể được kiểm soát bằng cơ chế tam quyền phân lập, trong đó hành pháp, lập pháp và tư pháp giám sát lẫn nhau dưới một chế độ thượng tôn pháp luật (rule of law), có nền báo chí tự do và xã hội dân sự phát triển.

Chừng nào Việt Nam vẫn còn loay hoay trong chế độ độc tài đảng trị, đảng đứng trên pháp luật, nắm cả hành pháp, lập pháp và tư pháp mà lại không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào, cương lĩnh của đảng có giá trị cao hơn hiến pháp như lời ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng thì chừng đó tham nhũng và chủ nghĩa tư bản bè phái còn có đất sống và lan tràn, không thể nào ngăn chặn được.

Sẽ có thêm hàng chục quan chức cao cấp khác nữa ra khóc lóc trước tòa nhưng cho dù như vậy, tình trạng của Việt Nam vẫn chưa thể tốt lên được. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét