RFA
Người điều khiển xe máy đứng chờ đèn giao thông giờ cao điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/9/2020. Ảnh AFP
Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 49 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức ngày 24/9, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh hội nghị phải đề ra các mục tiêu cụ thể phát triển của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2025, 2030 và 2045.
Theo mục tiêu đề ra thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2030 phải trở thành trung tâm kinh tế tài chính khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á với ước tính thu nhập đầu người là 12.570 USD, thuộc nhóm thu nhập cao.
Đến năm 2045, thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm kinh tế tài chính của châu Á, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 40.000 USD, là địa điểm hấp dẫn toàn cầu.
Trao đổi với RFA tối 24/9 từ Hà Nội, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét về mục tiêu trung tâm kinh tế tài chính Châu Á của thành phố có nền kinh tế lớn nhất nước như sau:
“Tôi nghĩ nên đề ra các phương án, kế hoạch với mục tiêu hiện thực để từng bước có thể thực hiện, điều chỉnh. Hiện nay đề ra mục tiêu quá lâu dài theo tôi rất khó đánh giá được nó hiện thực đến đâu. Bởi vì hiện nay cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ, thứ hai nữa là biến đổi khí hậu và tình hình ở miền nam dưới tác động của sông Mekong, dịch bệnh hiện nay và có thể trong tương lai làm cho các mục tiêu có thể khó đánh giá. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải đề ra các phương án, các biện pháp để cải cách, thúc đẩy tiềm năng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của nước Việt Nam.”
Theo số liệu tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh được ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê đưa ra sáng ngày 30/06 vừa qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,02% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, ba ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn trong khu vực thương mại dịch vụ gồm vận tải kho bãi, lưu trú và ăn uống, kinh doanh bất động sản đã bị tăng trưởng âm.
Trước thực trạng xã hội và từ những số liệu thống kê, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định:
“Tình hình hiện nay rất bấp bênh nên đặt ra mục tiêu có tính chất khích lệ và động viên mạnh mẽ cần phải đi kèm theo các biện pháp cải cách, nhất là cải cách bộ máy, thể chế để có thể huy động được tiềm lực và vận dụng mạnh mẽ sự sáng tạo, năng động của người dân thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở khoa học công nghệ ở dân thành phố Hồ Chí Minh.”
Đồng quan điểm cho rằng để đạt được mục tiêu thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm kinh tế tài chính của châu Á của mà ông Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu ra cần phải có thay đổi, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành từ Sài Gòn phân tích:
“(Năm) 2045 tức còn 25 năm nữa nếu ta làm việc tốt thì không có lý do gì không đạt được. Nhưng điều kiện để đạt được mục đích đấy hiện nay chúng ta chưa có. Nếu còn tiếp tục quản lý nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì không biết lúc nào ta mới vươn lên được đến đâu nên vấn đề của Việt Nam cũng như của thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề cơ chế của nhà nước. Với cơ chế hiện nay thì khó mà vươn lên kiểu như ông Nguyễn Thiện Nhân nói. Nếu tiếp tục tham nhũng tràn lan, tiếp tục cán bộ quản lý nhà nước, đảng viên đảng cộng sản thối nát từ trên xuống dưới thì chúng ta không làm được. Nhưng hoàn toàn có thể được nếu ta thay đổi cơ chế, thay đổi cách quản lý nhà nước, thay đổi cách quan hệ giữa nhà cầm quyền và nhân dân, thành ra một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân thì có thể đạt được mục tiêu như ông Nguyễn Thiện Nhân nói.”
Từ mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính châu Á vào năm 2045, lãnh đạo chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mức thu nhập bình quân đầu người 40.000 đô la cho người dân thành phố sau 25 năm nữa.
Trước đó, khi đặt chỉ tiêu từ năm 2016-2020, thành phố Hồ Chí Minh đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ đạt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm từ 8-8,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP; và thu nhập bình quân đầu người đến cuối 2020 đạt 9.800 USD.
Tuy nhiên, tại hội nghị Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khóa X lần thứ 26 diễn ra sáng 30/3/2020, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt hơn 5.400 USD, tới năm 2018 đạt hơn 6.000 USD, còn năm 2020 ước đạt 7.500 USD.
Chị Quỳnh Trang, đang làm trong lĩnh vực phân tích thị trường ở một công ty nước ngoài tại Sài Gòn cho rằng mức thu nhập bình quân đầu người 40.000 đô la Mỹ vào năm 2045 là hoàn toàn khả thi. Chị giải thích:
“Thật ra cái mức đó bây giờ là impossible (bất khả thi) do thành phố Hồ Chí Minh bây giờ dân nhập cư nhiều, mà dân nhập cư làm việc tay chân nên không thể nào lấy mức đó làm mức bình quân. Nhưng 25 năm sau là một khoảng thời gian dài thì con số đó con số đó là bình thường, đạt được. Bây giờ minh tính lại thì 25 năm trước đây là năm 1995 thì mức thu nhập bình quân đầu người có 700 đô thôi, đến bây giờ dao dộng từ 5.000-6.000 đô vì target năm 2020 là người ta muốn thu nhập bình quân tăng khoảng 9.800 (đô) là đã tăng 7, 8 lần nhưng mình đang nói về đô chứ mà nói về absolute Việt Nam đồng thì nó tăng rất nhiều vì trượt giá. Đó là đang nói theo hướng Hồ Chí Minh phát triển bình thường, còn với tham vọng thành trung tâm kinh tế của ASIA thì càng khả thi nữa vì sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, dầu tư nên sẽ nâng mức sống và mức thu nhập lên.”
Từ góc nhìn chuyên môn, Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn tại Sài Gòn nhận đinh rằng nếu thành phố Hồ Chí Minh có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ví dụ như từ 8-10%/năm thì trong 25 năm tới từ mức khoảng 4.000-5.000 USD như hiện nay, mình có thể làm phép tính sẽ biết thu nhập vào năm 2045 thế nào. Tuy nhiên, ông cũng bổ sung thêm:
“Tất nhiên kỳ vọng của những người xây dựng thành phố trông cậy vào sự phát triển lớn hơn vì trong những năm gần đây thì mức phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ phát triển GDP tăng khá lớn, xấp xỉ mức 10-11%, tất nhiên trừ năm 2020 do đại dịch nên sẽ sụt giảm. Nhưng từ đây đến (năm) 2045 là 25 năm thì cái dự phóng xa như vậy phải là những người hoặc là những người có đầy đủ những dữ liệu. Làm kế hoạch như thế còn phải thực hiện thế nào và phải huy động sức người, sức của thế nào và phải thực hiện kế hoạch rất tốt, hữu hiệu mới đạt được mức tăng trưởng hữu hiệu như vậy. Tôi nghĩ rằng đó là thử thách rất lớn đối với thành phố Hồ Chí Minh mà thật ra tôi cũng muốn tiên đoán một mức xa như thế.”
Trước đó, trong buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày 8/5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thành phố lớn nhất phía nam này phải trở lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo đó, số liệu thống kê được báo trong nước dẫn nội dung buổi họp cho hay đóng góp của thành phố Hồi Chí Minh chiếm khoảng 22-23% GDP của cả nước, chiếm 25% ngân sách cả nước, và 33% dịch vụ cả nước…
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng nhận định rằng sở dĩ thành phố Hồ Chí Minh phát triển tốt, dẫn đầu cả nước vì có quá khứ kinh nghiệm làm việc trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy nên cách làm việc và tinh thần của dân chúng cũng như doanh nhân trong thành phố Hồ Chí Minh thoáng hơn, có thể đạt được kết quả tốt hơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét