Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

4395 - Dầu lửa : Tổ chức OPEP đã đánh mất hào quang

THANH HÀ 

Logo của Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa OPEP/OPEC, trụ sở tại Vienna- Áo.
 REUTERS/Leonhard Foeger

"Đoàn kết là sức mạnh". 60 năm trước 5 quốc gia sản xuất thành lập Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa OPEP/OPEC để làm đối trọng với 7 tập đoàn khai thác dầu khí đa quốc gia của Âu-Mỹ.  Tổ chức này đã ít nhiều thành công trong việc áp đặt luật chơi cả về mặt kinh tế lẫn chính trị với quốc tế. Sáu thập niên sau, hào quang của OPEP nhạt phai nhưng vẫn là cột trụ của thế giới.

Các điều kiện y tế không cho phép nên Bagdad đã phải hoãn lại vô hạn định chương trình kỷ niệm 60 năm OPEP. Ngày 14/09/1960, năm nước gồm Ả Rập Xê Út, Iran, Irak Koweit và Venezeuala sáng lập Tổ Chức Các Quốc Gia Xuất Khẩu Dầu Lửa với mục đích giành lại chủ quyền kiểm soát và khai thác các nguồn tài nguyên quốc gia trong tay các đại tập đoàn dầu khí đa quốc gia. Bước sang thập niên 1970, Libya, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, rồi Algeri, Nigeria, Equador và Gabon đã tham gia khối OPEP. Trong thời kỳ vàng son, OPEP kiểm soát đến 50 % thị trường dầu khí bán ra trên toàn cầu. Nhờ vậy năm 1973 OPEP đủ sức áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào các quốc gia nào ủng hộ Israel trong cuộc chiến Kippour. Giá dầu trên thế giới tăng vọt.

Bên cạnh mục tiêu giành lại quyền khai thác các nguồn tài nguyên cốt lõi của đất nước, phân chia đồng đều hơn với 7 « ông lớn » trong ngành công nghiệp dầu khí của thế giới khi đó với những tên tuổi như Mobil, Texaco hay Shell, Standard Oil, tiền thân của Chevron …  5 sáng lập viên OPEP còn nhắm tới việc ổn định giá dầu.

Jean Pierre Favennec, một chuyên gia về năng lượng của Pháp giảng dậy tại trường IFP ngoại ô Paris nhắc lại : nhờ có OPEP mà cho đến trước khủng hoảng dầu lửa 1973 giá dầu đã liên tục ổn định ở mức 3 đô la một thùng. Một thành công khác của các quốc gia dầu lửa, đó là thành lập hoặc tăng cường sức mạnh cho các tập đoàn dầu khí quốc gia, đẩy mạnh kỹ thuật lọc dầu mở rộng thị phần quốc tế.

OPEP và tham vọng chính trị

Nhưng bên cạnh các mục tiêu thuần túy kinh tế đó, OPEP còn là một công cụ chính trị lợi hại như giải thích của nhà báo Nicolas Barré nhật báo kinh tế Les Echos. Thậm chí với năm tháng, vế chính trị có phần trở nên quan trọng hơn :

« Đối với những quốc gia chống đối Washington như Iran hay Venezuela, OPEP là một công cụ để không chế Hoa Kỳ. Trong khối này đây là hai nước cưỡng lại mạnh mẽ hơn cả các áp lực của Mỹ để hạ giá dấu. Nhưng với năm tháng, ảnh hưởng của Teheran và Caracas giảm dần. Trong trường hợp của Iran, thì do lượng dầu sản xuất bị giảm đi mất phân nửa ; trong trường hợp của Venezuela khả năng sản xuất chỉ còn 1/4 so với ban đầu. Về phần Ả Rập Xê Út, thị phần của Riyad nhảy vọt đang từ 7 % lên thành 35 % để rồi vương quốc này trở thành cột trụ của toàn khối. Như đã biết, Ả Rập Xê Út là một đồng minh của Mỹ và Riyad có khuynh hướng chiều ý Washington.

Một thí dụ cụ thể là ngày 22/06/2018 chỉ cần tổng thống Trump tung ra một tin nhắn trên Twitter cũng đủ để OPEP chấp nhận cung cấp thêm 1 triệu thùng dầu một ngày. Tương tự như vậy tháng 4/2020, ông Trump cũng đã được toại nguyện khi muốn khối OPEP khóa van dầu để giữ giá vàng đen trên thị trường, tránh đe dọa đến ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ. Washington dọa rút quân khỏi Ả Rập Xê Út là đủ để Riyad răm rắp thỏa mãn những đòi hỏi của Hoa Kỳ và lập tức giảm lượng dầu cung ứng cho thế giới ».

Trong lịch sử dầu lửa, 1973 được coi là một cột mốc quan trọng khi mà tổ chức OPEP đã bất ngờ sử dụng năng lượng hóa thạch này như một loại vũ khí chính trị. Benjamin Louvet, chuyên gia về năng lượng thuộc cơ quan tài chính OFI-AM Paris không ngần ngại cho rằng với cú sốc dầu lửa 1973 « quyền lực đã thay ngôi » và được tập trung trong tay Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa. Đó cũng là thời điểm ảnh hưởng OPEP không ngừng gia tăng. Vẫn theo chuyên gia này, một trong những nhà kiến tạo thành công đó là đại tá Kadhafi. Sau Qatar năm 1961 đến lượt Indonesia và Libya gia nhập tổ chức OPEP vào năm 1962. Trong thập niên đầu OPEP vẫn khó tìm động thuận.

1969 đại tá Kadhafi lên cầm quyền sau một cuộc đảo chính, ông đã lớn tiếng đòi 21 tập đoàn dầu khí khai thác tài nguyên của Libya phải tăng giá dầu. Khi đó Libya đang trong thế mạnh, cung cấp đến 30 % dầu cho châu Âu và đấy cũng là thời điểm « thị trường đã khá căng » do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn như ghi nhận của Benjamin Louvet. Lập tức đòi hỏi của tân lãnh đạo Libya được thỏa mãn. Các nước xuất khẩu dầu lửa khác noi giương Tripoli. Đương nhiên 7 « ông lớn » của ngành dầu khí quốc tế đã tìm cách phản công, với một chiến lược xưa như trái đất đó là « chia để trị ». Trái với mong đợi, OPEP khi đó tỏ ra đoàn kết hơn bao giờ hết mà thành cộng rõ rệt nhất là « cú sốc dầu lửa năm 1973 » 

Ảnh hưởng của OPEP đã bị thu hẹp

Mặc dù thế giới lệ thuộc vào dầu của OPEP nhưng đó cũng là một con dao hai lưỡi và là cuộc thử lửa đầu tiên đối với Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa. 1978-1979 bắt đầu có những dấu hiệu OPEP bị suy yếu. Iran, một trong 5 sáng lập viên trong khối, bước vào một cuộc cách mạng và ngành công nghiệp dầu khí nước này đã bị rối loạn vì các cuộc đình công kéo dài. Phương Tây vội vã tích trữ dầu, đẩy giá vàng đen lên cao. Gần như cùng lúc Ả Rập Xê Út giảm mức cung ứng. Tháng 9/1980 hai anh em một nhà của tổ chức OPEP là Iran và Irak khơi mào chiến tranh. Tất cả những yếu tố trên cộng lại đẩy giá dầu lên tới 40 đô la một thùng. Nhưng lần này, cơn sốt dầu nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEP. Đó là chưa kể thế giới bắt đầu hướng tới những nguồn năng lượng khác. Nicolas Barré của tờ Les Echos giải thích :

« Cú sốc dầu lửa năm 1973 là điểm khởi đầu cho các chương trình phát triển năng lượng hạt nhân. Chiến lược năng lượng nguyên tử của Pháp xuất phát từ đó. Giờ đây đến lượt năng lượng tái tạo khuynh đảo thế thượng phong của các loại năng lượng hóa thạch. Thế nhưng OPEP vẫn chưa bị khai tử, nhất là kể từ khi khối này mở rộng câu lạc bộ đón nhận thêm 10 thành viên mới trong khuôn khổ OPEP +. Dù vậy tiếng nói quan trọng nhất trong số các nguồn cung ứng dầu lửa giờ đây không phải là Ả Rập Xê Út hay Nga mà là Mỹ. Mỹ đã trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới. Về mặt chính trị, OPEP đã mất đi cái thế chính trị của hơn nửa thế kỷ trước ».

Nhà báo Claire Fages chuyên theo dõi thị trường nguyên và nhiên liệu trên trên thế giới của đài RFI phân tích thêm : 

« Vào những năm 1990 thị trường dầu lửa càng lúc càng bị thị trường tài chính chi phối. Thêm vào đó mạng lưới cung cấp đã được mở rộng với những nguồn sản xuất quan trọng như Nga, Mêhicô hay Na Uy, Anh Quốc … Rồi gần đây nhất, kể từ đầu những năm 2000 là dầu đá phiến của Mỹ. 13 thành viên của tổ chức OPEP giờ đây chỉ còn kiểm soát có 1/3 thị trường toàn cầu. Từng là một sáng lập viên ban đầu, Venezuela hiện tại không còn khả năng xuất khẩu. Iran thị liên tục bị việt vị vì các đợt trừng phạt dồn dập của Hoa Kỳ. OPEP bị chia rẽ vì những hiềm khích ngoại giao, vì thái độ ích kỷ tranh giành thị phần, tổ chức này không còn có trọng lượng như xưa. Cuối 2016 trong khuôn khổ nhóm OPEP +, Ả Rập Xê Út đã mời Nga và 9 quốc gia cùng hợp tác để giữ giá vàng đen. Thế nhưng cũng phải vất vả lắm nhóm này mới giữ được giá dầu ở khoảng 40 đô la một thùng, nhưng đó là chưa kể hiệu ứng Covid-19 gây nên, nhu cầu tiêu thụ của thế giới suy sụp ».

OPEP vẫn là trụ cột

Bước vào tuổi sáu 60, OPEP phải tiếp tục vượt qua nhiều thử thách xuất phát từ ngay trong nội bộ như trường hợp của Iran hay Venezuela hiện tại, cho tới những nguồn cạnh tranh càng lúc càng thúc bách như dầu đá phiến của Hoa Kỳ cũng như các nguồn năng lượng tái tạo. Thêm vào đó là những trồi sụt bất thường của nhu cầu tiêu thụ quốc tế. Dù vậy tới nay, dưới sự dẫn dắt của Ả Rập Xê Út, OPEP vẫn là đối tác quan trọng nhất của thế giới. Khối này cũng là nguồn cung cấp sản phẩm có giá thành thấp đến nỗi không mấy ai có thể cạnh tranh lại nổi, kể cả Nga và nhất là dầu đá phiến của Mỹ bị cho là quá đắt so với dầu của Ả Rập Xê Út chẳng hạn. Riyad có giá thành dưới ngưỡng 10 đô la một thùng dầu.

Chuyên gia Benjamin Louvet, cơ quan tài chính OFI-AM nêu ra ba yếu tố cho thấy chớ vội khai tử Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa. Thứ nhất dầu đá phiến Mỹ chưa có được uy tín với khách hàng như các loại dầu truyền thống từ trước tới nay. Điểm thứ nhì là về chất lượng có quá nhiều khác biệt giữa các loại dầu, cho nên ngay nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Mỹ cũng vẫn cần phải nhập dầu của Trung Đông. Điểm thứ ba ông Louvet lưu ý là cho tới hiện tại khối OPEP vẫn đang kiểm soát đến 3/4 dự trữ dầu của thế giới và cung cấp 42 % dầu cho nhân loại. Khó có thể phủ nhận được điều này. Đó là chưa kể OPEP đã mở rộng vòng tay và liên kết với một số nhà sản xuất nặng ký khác như là Nga hay Mêhico.

Lá chủ bài quan trọng nhất của OPEP vẫn là chủ trương nhóm này đã đặt ra ngay từ khi bắt đầu hình thành : « đoàn kết ». Hiện tại van dầu đang tắc nghẽn vì những lý do khác nhau tại ít nhất ba trong số các thành viên là Iran, Venezuela và Libya. Nhìn rộng ra hơn sự đoàn kết trong nhóm OPEP + cũng thường xuyên bị đe dọa. Nhưng quá khứ cho thấy, trong sáu thập niên qua, các thành viên sớm muộn gì cũng đã luôn vượt được lên trên những hiềm khích chính trị (chiến tranh Iran-Irak trong 8 năm), tôn giáo (giữa các nước Hồi Giáo theo hệ phái Suni và Shia) vì lợi ích chung. Bằng chứng rõ rệt nhất là quyết định cắt giảm mạnh khối lượng cung cấp để giữ giá dầu nhằm đối phó với hậu quả dịch Covid-19 làm suy sụp thị trường dầu lửa toàn cầu.

OPEP vẫn là khối duy nhất có thể nhanh chóng điều chỉnh mức sản xuất và xuất khẩu để ổn định thị trường dầu lửa cho thế giới. Thành công hay thất bại của Tổ Chức Các Nhà Xuất Khẩu Dầu Lừa trong những thập niên sắp tới tùy thuộc sự đoàn kết đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét