Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

4372 - Các bình luận ‘mong Đảng Cộng sản dân chủ hóa, thậm chí đa đảng’: không hy vọng!

Ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đang là các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam
NHAC NGUYEN/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đang là các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam

Một nhà quan sát chính trị ở Hà Nội cho rằng chính sách nhân sự của Đảng Cộng sản hiện vẫn là "một người, một nhóm người từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương có quyền xếp đặt".

Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh, cựu Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói như vậy với BBC ngày 29/9.

"Tôi thấy rằng qua các hiện tượng, đơn cử trong đó có các quyết định người này làm bí thư Đảng ủy thành phố Bắc Ninh, người kia làm phó bí thư Thành ủy Hà Nội v.v…, trước Đại hội 13 cho ta thấy rằng, chính sách nhân sự của ĐCSVN là một người, một nhóm người từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương có quyền xếp đặt các chức vụ lãnh đạo Đảng và Chính quyền của Đảng.

"Điều này tất dẫn đến việc bầu bán ở hội trường chỉ là hình thức. Ta không thấy có ít nhất hai ứng viên bí thư huyện ủy hay tỉnh ủy tranh cử ở các Đại hội đảng đã diễn ra."

Vì thế ông Sinh cho rằng "cách thức tuyển chọn nhân sự lãnh đạo đảng Cộng sản không có gì khác các kỳ Đại hội đảng trước đây".

Theo ông để chống nạn chạy chức, chạy cơ cấu, đảng CSVN không thể giữ nguyên cách làm cũ này.

"Chỉ có dân chủ hóa việc bầu chọn người lãnh đạo bằng cách các ứng viên tranh cử tự do, các đảng viên được quyền bầu chọn người lãnh đạo của họ thì công việc xây dựng đảng và quản trị xã hội mới tốt đẹp, thoát khỏi sự tha hóa đang hủy hoại sự nghiệp của đảng này."

Trong khi đó, nói từ góc độ người dân ở Sài Gòn, blogger Sương Quỳnh nói với BBC rằng bà mong Đảng "phải chấp nhận và để cho chế độ đa đảng xuất hiện, tồn tại để các đảng phái chính trị cạnh tranh công khai, công bằng".

"Xem đảng nào có những quyết sách tốt nhất, được ủng hộ nhất đưa đất nước phát triển và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cũng như ai phục vụ nhân dân tốt nhất và được nhân nhân tín nhiệm giao phó trọng trách điều hành việc nước," bà Sương Quỳnh chia sẻ.

Chia sẻ nhận định này, nhà bất đồng Nguyễn Vũ Bình (nguyên Biên tập viên Tạp chí Cộng sản của ĐCSVN) nói với BBC:

"Tôi thấy rằng cách làm nhân sự của ĐCS Việt Nam hiện nay không có sự cạnh tranh công khai, minh bạch. Tất cả các quy định, thủ tục lựa chọn nhân sự chỉ để hợp thức hóa việc lựa chọn người theo phe cánh, quan hệ và việc mua quan bán tước (tiêu cực, hối lộ, đút lót). Đó là cách lựa chọn nhân sự được chính các đảng viên và nhân dân đúc kết: thứ nhất hậu duệ - thứ nhì quan hệ - thứ ba tiền tệ - thứ tư trí tuệ. Trong khi đó cũng có sự cạnh tranh nhưng là cạnh tranh ngầm giữ các phe cánh."

"Tóm lại phải thực hiện cạnh tranh công bằng và công khai minh bạch quá trình lựa chọn, ứng cử và bầu cử," ông Vũ Bình khẳng định.

Ông Trần Quốc Vượng đang được xem là ứng viên cho chức Tổng Bí thư
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ông Trần Quốc Vượng đang được xem là một ứng viên hàng đầu cho chức Tổng Bí thư

Ý thức hệ và điều cần thay đổi?

Về khía cạnh ý thức hệ và tư duy cầm quyền, kể cả tư duy về pháp quyền, liên quan tới thể chế, chế độ hiện nay, khi được hỏi liệu đảng Cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam có điều gì cần phải suy nghĩ, xem lại và cần thay đổi không, cải tổ không, các ý kiến nói với BBC.

Ông Lê Văn Sinh nghiêng về mô hình phát triển xã hội của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan.

"Muốn giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia, Việt Nam không thể học Trung Hoa cộng sản. Học họ thì cùng lắm chỉ trở thành học trò dù "xuất sắc" mấy mà thôi. Đó là cách tốt nhất và duy nhất để thoát Trung," ông Sinh nói.

Ông bày tỏ: "Theo tôi, đảng có giữ được quyền lãnh đạo đất nước hay không tùy thuộc vào các chính sách của đảng có vì dân hay không? Có coi dân là thế lực thù địch hay không? Có để cho nạn kiêm tính, tước đoạt hay thâu tóm đất đai của dân nhân danh 'nhà nước quản lý' tạo ra một tầng lớp dân oan ngày càng đông đảo nữa hay là không?"

Ông Nguyễn Vũ Bình tán đồng: "Theo tôi, tất cả cần thay đổi, tự thay đổi để phù hợp với các diễn biến của tình hình mới."

"Việc mở rộng không gian tự do cho người dân cần thực hiện ngay, sau đó có các bước đi chuyển hóa dần sang thể chế dân chủ. Đây là các lựa chọn thực tế cho đảng Cộng sản và nhà cầm quyền ở Việt Nam."

Về kỳ Đại hội 13 của ĐCSVN dự kiến nhóm họp vào đầu năm 2021, khi được hỏi liệu có kỳ vọng, trông đợi hay lời khuyên nào cho chính quyền và đảng cầm quyền hay không về kỳ đại hội này, các nhà quan sát nêu quan điểm với BBC.

Ông Lê Văn Sinh không hy vọng gì mấy: "Cung cách chuẩn bị nhân sự và đường lối xây dựng xã hội không thay đổi, vẫn là kiên trì xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn coi học thuyết xây dựng xã hội của Lenin làm nền tảng tư tưởng- lý luận thì đừng mong một sự thay đổi tốt đẹp."

"Tuy nhiên, tôi hy vọng trong tương gần sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo mới cấp tiến dám từ bỏ những giáo điều tệ hại kìm hãm sự phát triển của đất nước Việt Nam."

Bà Sương Quỳnh cũng bi quan: "Thực lòng tôi cũng chẳng kỳ vọng gì cả vì ai lên nắm quyền, nếu vẫn giữ nguyên con đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội mà như chính ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng chẳng biết hết thế kỷ này có tới được chưa, mà vận mệnh đất nước cũng như sự phát triển bị đưa theo một con đường mù mờ như thế thì có hy vọng gì."

"Cho nên, tôi thấy nếu còn giữ tư duy lãnh đạo tới tận nay của đảng cộng sản VN, thì họ chỉ làm đất nước này ngày càng lụn bại."

Ông Nguyễn Vũ Bình lại có nhận định lạc quan hơn: "Kỳ đại hội XIII này, sẽ thực hiện sau cuộc bầu cử ở Mỹ, cuộc bầu cử sẽ quyết định tình hình chính trị thế giới và khu vực. Cuộc đối đầu Mỹ - Trung sẽ gay gắt tới mức một mất một còn nếu ông Donald Trump tái trúng cử. Trong trường hợp đó, các diễn biến tiếp theo sẽ không thể lường trước được. Nếu không có cuộc đối đầu Mỹ - Trung hoặc kết quả cuộc bầu cử ông Joe Biden trúng cử, thì không có kỳ vọng và trông đợi gì ở đại hội lần này."

"Ngược lại, có thể có những thay đổi trong đại hội nếu như ông Donald Trump tiếp tục tái cử. Hoặc dù không có thay đổi trong đại hội XIII thì tình hình của Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi bởi Việt Nam nhiều khả năng sẽ không còn lựa chọn Trung Quốc làm đồng minh nữa."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét