Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

4341 - Từ anh hùng tới thể chế

Trịnh Hữu Long

Sau cùng thì các xã hội đều dựa trên các trụ cột thể chế chứ không phải các cá nhân anh hùng. Mặc dù các cá nhân anh hùng đóng vai trò đáng kể trong lịch sử, họ không sống mãi, và kể cả sống mãi thì không có gì đảm bảo họ luôn tốt và luôn đúng.

Các trụ cột thể chế có thể hữu hình như chính quyền, công ty, tổ chức xã hội, gia đình; có thể vô hình như các tập quán, lối hành xử.

Việt Nam vốn vừa thoát thai ra khỏi chế độ quân chủ, vốn là loại hình xã hội dựa dẫm vào các huyền thoại anh hùng và thiên mệnh của một cá nhân, một gia đình. Việc hành xử thiên về cá nhân và xu hướng sùng bái cá nhân, tâm lý chờ đợi minh quân phổ biến như hiện nay là hoàn toàn dễ hiểu, và nó sẽ còn kéo dài.

Nếu vẫn trông chờ các cá nhân xuất chúng cứu rỗi thì về cơ bản, ta đang kéo dài thời đại quân chủ, chẳng qua chỉ là khoác cho nó một tấm áo mới mà thôi. Chế độ do Đảng Cộng sản nắm quyền hiện nay chính là một tấm áo mới như vậy, chỉ có điều thay vì mang màu vàng của hoàng gia thì nó mang màu đỏ.

Nhưng rồi việc đấu tranh thay đổi xã hội hiện nay liệu sau cùng sẽ giúp thay đổi bản chất xã hội hay vẫn chỉ là sắm một tấm áo mới và khoác nó lên một vị vua mới?

Hẳn là xã hội đang thay đổi theo hướng bớt cá nhân hơn, tạo dựng được nhiều tổ chức hơn, phổ biến được nhiều giá trị sống nhân văn, dân chủ hơn. Nhưng đã đủ nhiều để chiếm sóng chủ nghĩa anh hùng cá nhân chưa? E rằng là chưa.

Ta có nhiều cá nhân đấu tranh hơn các tổ chức đấu tranh. Chỉ nhìn riêng trong lĩnh vực truyền thông, ta có các blogger phủ sóng hầu hết các diễn đàn, hơn hẳn các tổ chức báo chí (dù là trong nước hay hải ngoại). Xin chớ hiểu lầm, tôi luôn trân trọng các blogger và công việc của họ là cần thiết. Và tôi cũng hiểu có rất nhiều khó khăn, nguy hiểm mà bất kỳ ai cũng gặp phải nếu muốn gây dựng các tổ chức báo chí mới.

Nhưng xã hội vẫn cần những tổ chức báo chí mới để nhích lên. Không có cách nào khác. Rồi sau đó bài toán sẽ là những tổ chức báo chí đó sẽ cần phải vận hành như một tổ chức thay vì dựa dẫm vào một cá nhân, để nếu cá nhân đó có vấn đề gì thì tổ chức vẫn tiếp tục sống sót và phát triển được.

Không có các tờ báo chuyên nghiệp, các nghiệp đoàn báo chí chuyên nghiệp, sẽ không có cái gọi là “quyền lực thứ tư”. Các blogger, dù giỏi và nhiệt thành đến đâu, không thể thay thế vai trò của các tổ chức báo chí và các nỗ lực tập thể.

Điều kiện Việt Nam hiện nay là cơ hội vàng cho người Việt cả trong lẫn ngoài nước chiếm lĩnh thị trường thông tin đang hết sức trống trải, dù là chiếm lĩnh để đấu tranh hay là để kiếm tiền, mà không nhất thiết phải chịu quá nhiều rủi ro chính trị.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2020/09/27/tu-anh-hung-toi-the-che/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét