Song Thao
Chỉ cần nói “West Point”, ai cũng biết đó là chi rồi. West Point là cái tên…dân gian, nói ra ai cũng hiểu. Tên chính thức của ngôi trường này là United States Military Academy (Học Viện Quân Sự Hoa Kỳ). Nhưng nếu lười biếng, chỉ cần nói The Academy hay The Point thì cũng biết liền chính là hắn!
Được Tổng Thống Thomas Jefferson thành lập vào năm 1802, đây là học viện quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ. Ngày nay mỗi năm trường thâu nhận khoảng 1300 sinh viên nhập học. Thời gian huấn luyện là 4 năm. Như vậy trong trường luôn luôn có 4 khóa tổng cộng khoảng trên 4 ngàn sinh viên. Chính ra con số này phải hơn nhưng vì mỗi khóa có khoảng 2% sinh viên bị loại mỗi năm, nên vào thì nhiều, ra thì ít, khoảng trên dưới một ngàn tân khoa mỗi khóa. Đây là một quân trường nhưng muốn vào học còn khó hơn vào những đại học danh tiếng. Tỷ lệ được chọn chỉ khoảng 9%, có nghĩa là trong 100 lá đơn xin học, chỉ có 9 thí sinh được nhận. Sở dĩ khó như vậy vì West Point chọn lựa sinh viên không chỉ dựa vào thành tích học tập ở trung học mà còn chú ý vào tổng thể con người ứng viên. Dĩ nhiên thể lực là một yếu tố đánh giá quan trọng. Không có sức khỏe tốt thì làm sao chịu được khi theo tiêu chí của trường là “trụng nước sôi 100 độ rồi trụng nước lạnh tiếp”! Thí sinh ứng tuyển phải qua kỳ thi đánh giá thể lực của trường (Candidate Fitness Assessement). Hồ sơ ứng tuyển còn phải kèm theo thư giới thiệu của một dân biểu, nghị sĩ hoặc Phó Tổng Thống hay Tổng Thống Hoa Kỳ.
Có đủ các món ăn chơi trên, Hội Đồng Tuyển Chọn mới xét hồ sơ của từng ứng viên. Ứng viên nào có thành tích lãnh đạo thời trung học như đại diện của trường, lớp trưởng, các vận động viên, chủ tịch các hội của trường được chú ý hơn. Tuổi phải trong hạn từ 17 đến 23, tính đến ngày 1/7 của năm học đó. Dĩ nhiên phải là công dân Hoa Kỳ, chưa kết hôn, không có thai hoặc chịu trách nhiệm pháp lý về việc nuôi dưỡng con cái. Trong khi theo học, sinh viên được nuôi ăn ở free, ngoài ra còn được 900 đô mỗi tháng dằn túi tiêu vặt. Khi ra trường với cấp bậc Thiếu Úy phải phục vụ trong quân đội ít nhất 5 năm.
Sản phẩm của trường là những công dân Mỹ hoàn hảo, xuất sắc trong bốn lãnh vực: trí tuệ, thể chất, quân sự và đạo đức. Chương trình học gồm 42 chuyên ngành và lãnh vực nghiên cứu nhằm mục đích: củng cố quan điểm lịch sử, nuôi dưỡng hiểu biết văn hóa, rèn luyện kỹ năng quân sự và phát triển khả năng lãnh đạo. Khi ra trường, ngoài bằng tốt nghiệp của trường, họ còn lãnh thêm văn bằng Cử Nhân. Tất cả sinh viên phải thề danh dự: “Sinh viên không nói dối, không lừa đảo, không ăn cắp và không khoan dung với những kẻ làm điều này”. Tuyển vào khó khăn là thế, vậy mà tỷ lệ tốt nghiệp chỉ 78%.
Sinh viên tốt nghiệp West Point là vốn quý của đất nước. Có người làm Tổng Thống như Ulysses Simpson Grant và Dwight D. Eisenhower. Nhưng trong những hoạt động thương mại hay kỹ nghệ, họ cũng ăn trùm thiên hạ. Rất nhiều doanh nghiệp loại bự có CEO là dân West Point như Johnson & Johnson, 7-Eleven, Foot Locker. Khi một công ty cần tuyển nhân viên lãnh đạo, nếu có các ứng viên tốt nghiệp West Point tham dự, coi như họ sẽ được thâu nhận trước. Theo thống kê, tỷ lệ CEO là dân West Point trên số sinh viên tốt nghiệp cao hơn các trường Harvard, Stanford hay Yale!
West Point thoạt kỳ thủy chỉ tuyển nam sinh viên có quốc tịch Hoa Kỳ. Nhưng ngay từ năm 1816, học viện đã có sinh viên quốc tế tới học. Tuy vậy, mãi tới năm 1884 chương trình thâu nhận sinh viên quốc tế mới chính thức thành hình một cách quy mô. Trong số các sinh viên ngoại quốc tốt nghiệp West Point có ba vị tổng thống: Tổng Thống Nicaragua, ông Anastasio Somoza Jr., tốt nghiệp năm 1946; Tổng Thống Phi Luật Tân Fidel Valdez Ramos, tốt nghiệp khóa 1950; Tổng Thống Costa Rica, ông Jose M. Figueres, khóa 1979.
Theo thời gian, số sinh viên quốc tế theo học ngày càng nhiều. Theo thống kê, thì từ năm 2013 đến 2018, mỗi năm có từ 53 tới 57 sinh viên ngoại quốc. Phí tổn đào tạo các sinh viên quốc tế này do các quốc gia liên hệ chi trả.
Năm 1970, Việt Nam có sinh viên đầu tiên theo học West Point. Đó là anh Phạm Minh Tâm, sanh năm 1949 tại Sài Gòn. Khi đó, Hoa Kỳ dành mỗi năm một chỗ tại West Point cho các nước vùng Đông Nam Á. Vì vậy cuộc tranh đua rất vất vả. Cuối năm 1969, anh Tâm, lúc đó đang là sinh viên khóa 25 của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và được nhà trường chọn đi dự thi. Anh thi ngay tại Hội Việt Mỹ, Sài Gòn. Các môn thi gồm: Toán, Lý Hóa, Anh văn, Sử và Địa Lý nước Mỹ. Sinh viên Tâm đã xuất sắc dành được chỗ duy nhất cho vùng Đông Nam Á, khóa 1970.
Ngày 1/7/1970, anh Tâm tới Hoa Kỳ nhập học. Vì sự kiện trọng đại này nên chỉ vài tháng sau, tháng 11 năm 1970, Trung Tướng Lâm Quang Thi, Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt đã qua thăm trường West Point. Năm 1970, anh cáo già nhiều mưu mô Henry Kissinger đã đi đêm với Trung quốc để bán Việt Nam. Nhưng chuyện này lúc đó còn là bí mật. Sinh viên West Point dĩ nhiên cũng chẳng biết. Tâm ở chung phòng với anh Patrick McBrayer. Quê quán vùng Forest City ở tiểu bang North Carolina, McBrayer đã quyết định vào West Point từ năm học lớp sáu! Khi đó anh nhóc có mái tóc màu cát này coi phim “The Long Grey Line” nói về West Point và mê ngay bộ đồng phục màu xám. McBrayer và Tâm như hình với bóng, sẵn sàng bảo vệ nhau. Châm ngôn của cặp đồng phòng này là: “Cùng hợp tác để cùng tốt nghiệp”. Tâm gà McBrayer môn toán trong khi McBrayer giúp Tâm trong môn bơi vì Tâm bơi rất kém. Lần đầu tiên Tâm phải đứng trên cầu nhảy cao cỡ của hồ bơi Thế Vận Hội, lao xuống với đôi giầy dã chiến và chiếc ba lô chất đầy gạch nặng chình chịch trong trạng thái mệt mỏi, McBrayer…cầu nguyện: “Trồi lên đi! Trồi lên đi nào!”. Khi thấy cái đầu Tâm trồi lên khỏi mặt nước, McBrayer mừng như bắt được vàng. Anh kể lại: “Trông hắn giống như một con chuột lột!”. Vậy mà con chuột lột này cũng thuộc hạng chì. Tuy vóc người bé nhỏ giữa những tên bạn khổng lồ nhưng Tâm là người thành thạo môn võ karate nên không lép vế. Có lúc anh còn chơi ngông hẹn hò với con gái của một vị tướng! Năm 1974, anh McBrayer đinh ninh sẽ phải qua chinh chiến ở Việt Nam nhưng khi đó Mỹ đã rút quân, cả khóa không ai phải qua Việt Nam trừ anh Tâm. Thực ra anh Tâm lúc đó còn độc thân, có thể ở lại Mỹ dễ dàng, nhưng anh đã không đào ngũ ở lại.
Sinh viên West Point Phạm Minh Tâm |
Sau bốn năm học tập vất vả, anh Tâm ra trường vào ngày 5/6/1974 với văn bằng Bachelor of Science và cấp bậc Thiếu úy. Nhưng anh không mang lon Thiếu úy quân đội Mỹ mà mang lon quân đội Việt Nam. Để hình dung sự vất vả của anh Tâm, chúng ta nhìn vào con số. Trong tổng số 1300 khóa sinh nhập học, chỉ có khoảng 800 sinh viên tốt nghiệp. Tình hình Việt Nam khi đó đã rất xấu, nhưng anh vẫn trở về phục vụ tại Trường Võ Bị Đà Lạt ngay sau khi mãn khóa. Đúng theo tôn chỉ của West Point được khắc trên nhẫn ra trường: Bổn Phận, Danh Dự, Tổ Quốc. Anh về chưa đầy một năm, Sài Gòn sụp đổ, anh bị đưa vào lò “học tập cải tạo”. Anh mất chiếc nhẫn ra trường trong những ngày chộn rộn đó. Mãi tới năm 1981, anh mới được thả về.
Khi có chương trình HO đưa các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa qua Mỹ, trớ trêu thay, anh Tâm không được chấp thuận. Lý do rất bi hài: giấy ra trại của anh bị ghi lộn là “thành phần chống đối nhà nước” thay vì sĩ quan cải tạo. Em gái của anh đang sống ở Mỹ đã liên lạc với các bạn học của anh ở West Point để cứu bồ. Sau nhiều khó khăn vất vả, cuối cùng, trường hợp của anh được Tướng John Vessey, cựu Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân, lúc đó đang đại diện Tổng Thống George H.W. Bush thương thuyết về bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đích thân can thiệp. Anh Tâm được qua Mỹ vào ngày 31/5/1991, đợt HO7.
Qua tới Mỹ, Anh Tâm có job cũng khá. Đầu tiên anh làm phụ giáo cho trường trung học Cardozo ở thủ đô Washington, sau đó làm cho hãng TRW và cuối cùng với hãng Northrop Grumman. Chị Tâm cũng làm assembler cho hãng Huge Network System nên họ đã có thể mua được nhà, đời sống khá dễ chịu. Năm 2012, anh bị mất việc, gia đình sa sút. Anh chị Tâm đã phải bán xe và tới năm 2017, nhà bị tịch thu mang bán đấu giá. Họ sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tới mức thiếu ăn. Bà Kim Chi sụt sùi kể lại: “Tiền thuê nhà không đủ, tiền lương thì ít, tôi và cháu Kristy chỉ dám mua một phần McDonald’s, hai mẹ con chia nhau. Gia đình tôi ăn mì gói, hột gà là chuyện thường, vì chỉ có thế! Tôi xót xa khi cháu than đói bụng. Nó ở Mỹ mà ốm nhom. Khi bạn nó rủ đi ăn, nó nói không có tiền. Tôi muốn nuốt nước mắt!”. Túng thiếu tận cùng như vậy nhưng anh Tâm không than van, không cho bạn bè biết vì tính khẳng khái và lòng tự trọng không cho phép anh lợi dụng lòng tốt của người khác.
Ngày 10/2/2019, anh Tâm bị tai nạn giao thông tại Montgomery Village và mất vào ngày 1/3. Chị Kim Chi lo cuống cuồng. Nhà không còn tiền nên không biết xoay sở ra sao. Cuối cùng chị phải báo tin cho bạn bè trường Võ Bị Đà Lạt. Họ chung tay giúp đỡ tổ chức tang lễ cho anh. Xác anh sẽ được hỏa thiêu nên tang gia chỉ để anh trong quan tài tạm bợ bằng giấy cạc-tông. Trong số người tới dự tang lễ có bốn bạn đồng khóa West Point với anh trong đó có anh bạn đồng phòng McBrayer. Chính anh bạn này là người lo cho tro cốt của anh Tâm được để trong nghĩa địa của West Point.
Sinh viên West Point toàn là đực rựa. Mãi tới năm 1977 trường mới nhận nữ sinh viên. Ngay khóa đầu tiên đã có 62 bóng hồng thấp thoáng trong sân trường. Năm 2020 này, số nữ học viên là 263 trên tổng số khoảng một ngàn tân sinh viên. Từ 1977 tới nay đã có cả thảy 4100 nữ lưu khoác áo West Point. Từ năm 2000 tới nay, trường có khoảng 20% sinh viên là nữ.
Nữ sinh viên gốc Việt tại West Point khoảng vài người mỗi khóa. Khóa ra trường năm 2014, có một nữ sinh viên gốc Việt rất đặc biệt của West Point: cô Amanda Nguyễn. Cô không nộp đơn xin học nhưng West Point đã phải mời cô vào trường! Khi theo học bậc trung học tại trường J. Frank Dobi ở Houston, tiểu bang Texas, Amanda Nguyễn là Tổng thư Ký hội Latin, Phó Chủ Tịch hội Debate chuyên về tranh luận. Nhưng cô rất xuất sắc trong môn thể thao soft ball của trường. Trong năm chót tại trường, cô được bầu là tuyển thủ giỏi nhất của tiểu bang Texas trong vị trí “second base”.Đừng hỏi tôi về vị trí này vì tôi mù tịt môn soft ball. Với thành tích này, nhiều trường Đại học đã mời cô về học và chơi cho đội bóng của trường. Cô còn treo giá ngọc, chưa quyết định về trường nào trong các trường Đại học ở Colorado, Louisiana hay Texas thì bà Michelle Depoto, huấn luyện viên của đội bóng soft ball của West Point, điện thoại thỉnh cô về West Point. Bà cho biết đã chú ý tới cô khi coi các trận đấu tại Houston nên bà đã xin trường J. Frank Dobi cho coi điểm học và thành tích lãnh đạo của cô. Coi xong bà “thấy vừa ý quá”. Bà mời cô tới quan sát trường. Bất ngờ trước lời mời, cô bối rối. Cô không có ý gia nhập quân đội và cũng chẳng biết West Point là gì nên hỏi mẹ. Mẹ đùn cho cha là ông Nguyễn Ngọc Vinh. Cha “không biết nghĩ sao” nên đá trái banh qua cho ông nội. Ông nội hồi ở Việt Nam đã tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh và năm 1962 là “đồng thủ khoa” khóa 3 Sĩ Quan tại trường Đồng Đế. Khi nghe thấy tên West Point, ông nội reo lên: “Cháu không nên bỏ lỡ cơ hội tốt này!”. Tháng 1 năm 2010, cả gia tiểu tới thăm West Point. Bà Depoto tiếp rước rất trọng hậu và nói: “Xin ông bà đợi một chút, chúng tôi có một ngạc nhiên bất ngờ cho gia đình”. Điều ngạc nhiên đó là lá thư của trường chấp nhận cô Amanda Nguyễn nhập học với hai điều kiện: qua được cuộc khám sức khỏe và xin được thư giới thiệu của một dân biểu hay nghị sĩ. Họ thăm viếng trường trong ba ngày, quan sát sinh hoạt và nơi tập thể thao, tiếp xúc với các nhân viên điều khiển của trường. Chấm dứt cuộc thăm viếng, Amanda Nguyễn nói với cha mẹ: “Con không muốn thăm một trường nào khác vì trường này coi trọng kỷ luật nên con muốn chơi soft ball ở đây!”.
Ngày 28/6/2010, Amanda Nguyễn nhập học và đụng ngay chuyện huấn nhục trong 6 tuần. Cô tâm sự: “Thời gian đầu nhớ nhà không thể nào chịu nổi. Từ trước tới giờ em sống trong một đại gia đình, mỗi cuối tuần các cô các chú luôn tới nhà thăm ông bà nội, các em quấn quýt chung quanh, rồi đùng một cái không còn người thân nào bên cạnh”. Phôn cũng không được dùng trong thời gian huấn nhục nên nỗi nhớ càng thăm thẳm. Ngoài nỗi nhớ nhà, quân trường không phải là chốn thích hợp với phụ nữ nên Amanda trải lòng: “Người ta nhìn em với những ánh mắt ái ngại rằng làm sao một cô gái nhỏ bé có thể chịu nổi những khó nhọc mà cả những thanh niên lực lưỡng cũng phải…ngán! Em chỉ cao 5’2”, nặng 110 pounds nhưng vẫn phải chạy bộ 14 miles với ba-lô nặng 30 pounds giống y như những chàng trai lực lưỡng cao hơn 6’. Nhưng tất cả tùy thuộc vào tinh thần và sự quyết tâm. Thật ra chúng ta mạnh mẽ hơn mình nghĩ nhiều. Có nhiều nam sinh viên không chịu nổi khóa huấn luyện và cũng có những phụ nữ rất xuất sắc. Sức mạnh đến từ một ý chí mạnh mẽ!”.
Tân Thiếu Úy Amanda Nguyễn |
Khóa ra trường năm nay, 2020, các tân sĩ quan gốc Việt có tất cả 7 người. Đó là các tân Thiếu úy Andy Vũ, Chris Đào, Travis Lee, Kenny Lê, Ty Đặng, Thomas Weatherford và Austin Nguyễn. Năm nay các khóa sinh ra trường trong một hoàn cảnh không giống những năm trước. Hơn một ngàn niên trưởng trong các khóa trước đây đã cùng ký tên gửi cho các em một tâm thư. Một đoạn trong bức tâm thư này như sau: “Các bạn đang khởi đầu binh nghiệp của mình tại một thời điểm xáo trộn. Hơn 110 ngàn người dân Mỹ đã chết vì COVID-19, hơn 40 triệu người thất nghiệp và đất nước chúng ta đang bị thương tổn từ bất công chủng tộc, xã hội và con người. Hiện hữu trong đời sống thường nhật của quá nhiều người dân là sự tuyệt vọng, nỗi sợ hãi, lo lắng, sự phẫn nộ và bất lực. Đây là thời điểm khó khăn nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, các bạn sẽ vượt qua thách đố này để làm tròn vai trò là những người lãnh đạo trong quân lực chúng ta…Hành trình huấn luyện West Point đã đưa các bạn đến giây phút này, khi mà các bạn đưa tay phải lên để tuyên thệ sẽ “bênh vực và bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ trước mọi kẻ thù trong cũng như ngoài nước”. Lời tuyên thệ này có giá trị vô thời hạn. Gánh nặng trách nhiệm sẽ đặt lên vai và ảnh hưởng trong suốt cuộc đời các bạn. Những lời thề long trọng, cam kết với đồng bào, mang ý nghĩa quan trọng và có sức nặng của đạo đức. Khi chúng bị phá vỡ, tổ quốc bị tổn thất!”.
Cầu chúc tất cả các tân thiếu úy West Point, nhất là các con em gốc Việt, chân cứng đá mềm. Chúc là chúc vậy thôi. Có cần thiết không? Khi những đôi chân đã bước ra từ cổng trường West Point!
07/2020
Website: www.songthao.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét