- John Simpson
- Biên tập viên Đối ngoại
Ngải Vị Vị, nghệ sỹ, nhà làm phim, nhà bất đồng chính kiến hàng đầu Trung Quốc nói rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh đã lớn đến mức không thể ngăn chặn một cách hiệu quả.
"Phương Tây lẽ ra nên lo lắng về Trung Quốc từ nhiều thập niên trước. Bây giờ đã quá muộn, bởi vì phương Tây đã xây dựng hệ thống hùng mạnh của mình ở Trung Quốc và chỉ cần cắt đứt nó, nó sẽ gây tổn thương sâu sắc. Đó là lý do tại sao Trung Quốc rất kiêu ngạo."
Ngải Vị Vị chưa bao giờ kiềm chế khi nói về Trung Quốc. "Đó là một quốc gia cảnh sát," ông nói.
Ông Ngải là nghệ sĩ nổi tiếng đã thiết kế sân vận động Tổ chim cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, nhưng gặp rắc rối nghiêm trọng sau khi ông lên tiếng phản đối chính phủ Trung Quốc. Cuối cùng, vào năm 2015, ông rời Trung Quốc để đến châu Âu. Ông ban đầu sống ở Berlin, và năm ngoái định cư ở Cambridge.
Ông Ngải tin rằng Trung Quốc ngày nay sử dụng sức mạnh kinh tế to lớn để áp đặt ảnh hưởng chính trị của mình.
Rõ ràng là Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn nhiều trong những năm gần đây.
Ảnh hưởng ngày càng tăng
Cho đến khoảng một thập niên trước, Trung Quốc đã trưng ra một bộ mặt khiêm tốn với thế giới. Khẩu hiệu chính thức của chính phủ là: "Hãy ẩn mình chờ thời". Các bộ trưởng khẳng định Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và có nhiều điều để học hỏi từ phương Tây.
Sau đó Tập Cận Bình lên nắm quyền. Ông trở thành Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 và Chủ tịch nước năm sau đó. Ông ta mang tới một giai điệu mới. Sự khiêm tốn cũ mờ dần, và có một khẩu hiệu khác: "Phấn đấu đạt thành tựu".
Về mặt nào đó, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, với 250 triệu người dưới mức nghèo khổ.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tất nhiên sẽ vượt qua Mỹ trong vòng một thập niên tới. Ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới ngày càng trở nên rõ ràng hơn, vào thời điểm mà quyền lực của Mỹ đã suy giảm rõ rệt.
Chính tôi đã nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng về sức mạnh chính trị ngày càng tăng và sự can dự của Trung Quốc trên khắp thế giới, từ Greenland và Caribe đến Peru và Argentina, và từ Nam Phi và Zimbabwe đến Pakistan và Mông Cổ.
Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Anh, Tom Tugendhat, gần đây đã cáo buộc Trung Quốc gây sức ép để Barbados phế truất Nữ hoàng trong vai trò người đứng đầu đất nước.
Ngày nay, Trung Quốc hiện diện đáng kể hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới. Bất kỳ quốc gia nào thách thức lợi ích cơ bản của mình Trung Quốc đều phải chịu tổn hại.
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Phố Downing, quan hệ Anh-Trung rơi vào tình trạng đóng băng. Và mới đây, khi người phát ngôn của Quốc hội Cộng hòa Séc đến thăm Đài Loan, một nhà ngoại giao hàng đầu đã cảnh báo rằng "Chính phủ và người dân Trung Quốc sẽ không ngồi yên khi đối mặt với sự khiêu khích công khai từ Chủ tịch Thượng viện Séc và các lực lượng chống Trung Quốc đứng sau lưng ông ta và phải để chúng phải trả giá đắt ".
Hàng loạt cuộc đối đầu
Tuy nhiên, Tổng biên tập có tầm ảnh hưởng lớn của tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, Hồ Tích Tiến, bác bỏ mọi ý kiến cho rằng Trung Quốc là kẻ bắt nạt quốc tế.
"Tôi muốn hỏi các quý vị, có khi nào Trung Quốc gây sức ép với bất kỳ quốc gia nào làm điều gì trái ý họ không? Chính Mỹ là nước tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt trên thế giới, đặc biệt là trừng phạt kinh tế đối với rất nhiều quốc gia. Quý vị có biết quốc gia nào bị Trung Quốc trừng phạt không?
"Chúng tôi đã bao giờ trừng phạt cả một quốc gia chưa? Chỉ trong những vấn đề cụ thể, chúng tôi mới bày tỏ sự không hài lòng và chỉ phản ứng khi đất nước của chúng tôi bị xúc phạm một cách công khai."
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang tham gia vào các cuộc đối đầu giận dữ với hàng loạt quốc gia: Đài Loan, Úc, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ (mà Trung Quốc gần đây đã gây ra một cuộc giao tranh bạo lực ở biên giới), Anh và tất nhiên là Mỹ.
Ngôn ngữ mà Thời báo Hoàn cầu sử dụng đôi khi có thể nghe giống như những lời hùng biện tồi tệ nhất từ thời Mao Trạch Đông cũ.
Bản thân ông Hồ gần đây đã viết một bài xã luận mô tả Australia là "kẹo cao su dưới ủng của Trung Quốc". Khi tôi hỏi ông ta về điều này, ông ta nói rằng chính phủ Úc hiện tại đã nhiều lần công kích và làm Trung Quốc khó chịu.
"Tôi thực sự cảm thấy chúng giống như một miếng kẹo cao su dính vào đáy giày của tôi. Tôi không thể rũ bỏ nó. Đó không phải là một cảm giác tốt đẹp. Tôi đã nói đó như một cách diễn đạt và tôi có quyền đưa ra ý kiến."
Vấn đề Hong Kong
Ông Hồ là người thân cận với Chủ tịch Tập, và chúng ta có thể cho rằng ông ấy sẽ không nói những điều này trừ khi ông ấy biết mình có sự ủng hộ của giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Khi tôi hỏi ông ta quan điểm về Hong Kong, ông ta đã không kìm chế.
"Chính phủ Trung Quốc không phản đối dân chủ và tự do của Hong Kong, bao gồm quyền biểu tình ôn hòa trên đường phố của người dân Hong Kong.
"Nhưng mấu chốt là họ phải ôn hòa ... Chúng tôi ủng hộ thậm chí việc cảnh sát Hong Kong sử dụng vũ lực kiên quyết hơn để chống lại các cuộc biểu tình bạo lực.
"Nếu những người biểu tình bạo lực đe dọa tính mạng của cảnh sát, khi họ phóng những vật sắc nhọn, ném bom xăng hoặc cocktail Molotov vào cảnh sát, tôi tin rằng cảnh sát nên được phép sử dụng súng và họ nên nổ súng."
Rất quyết liệt, và nếu cảnh sát Hong Kong thực sự bắt đầu bắn hạ những người biểu tình, việc sẽ dẫn đến một phản ứng quốc tế rất lớn.
Hầu hết các nhà quan sát nước ngoài cho rằng hành vi hung hăng của Trung Quốc trên thực tế ẩn chứa một lo lắng tiềm ẩn.
Đảng Cộng sản Trung Quốc không được bầu nên không có cách nào biết được nó có bao nhiêu sự ủng hộ thực sự ở đại lục. Nó không thể chắc chắn có thể sống sót sau một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng - chẳng hạn như một sự sụp đổ kinh tế lớn.
Chủ tịch Tập và các cộng sự của ông bị ám ảnh bởi ký ức về việc đế chế Liên Xô cũ đã biến mất như thế nào trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1991, vì không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ những người dân thường.
Ông Hồ không chấp nhận rằng một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu. Ông nói, tranh chấp của Trung Quốc về cơ bản là với Mỹ. Ông nói rõ rằng các cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump vào Trung Quốc có liên quan rất nhiều đến cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11 và nỗ lực giành chiến thắng.
Thật vậy, sau cuộc bầu cử, bầu không khí có thể sẽ được cải thiện - bất kể ai là người thắng.
Trung Quốc quá lớn, quá ảnh hưởng trong cuộc sống của mọi người, khiến Mỹ và các đồng minh của họ luôn ở trong tình trạng thù địch thường trực với nước này.
Nhưng điều đó chỉ đơn giản củng cố cảnh báo của ông Ngải: rằng đã quá muộn để phương Tây tự bảo vệ mình trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét