Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

4321 - VÌ SAO NỀN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ KHÔNG THỂ PHÁT TRIỂN?


Ở Đông nam Á, chỉ có các trường đại học Singapore leo được vào được top 50 của QS University Rankings với vị trí trường có thứ hạng cao cao nhất là 11. Malaysia leo vào top 100 với trường có thứ hạng cao nhất là 70. Thái Lan leo vào top 300 với trường có thứ hạng cao nhất là 247. Indonesia leo vào top 300 với trường có thứ hạng cao nhất là 296. Philippines leo vào top 500 với trường có thứ hạng cao nhất là 356. Và cuối cùng là Việt Nam leo vào top 800 với trường có thứ hạng cao nhất là Đại học Quốc Gia TP. HCM có thứ hạng là 701.

Như vậy so sánh hạng 701 của đại học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh với hạng 356 của University of the Philippines là quá xa, có thể nói là vời vợi. Với Phillipines thì Việt Nam còn bị bỏ xa vậy thì nói đến việc ngang bằng Thái Lan lại càng khó hơn nữa.
Nền giáo dục Việt Nam đang nằm ì ở thứ hạng thấp trong ngay trong vùng trũng Đông Nam Á này, điều này ai cũng biết. Thêm vào đó là hiện tượng toàn cầu hóa đang diễn ra ngày một mạnh mẽ và lĩnh vực giáo dục cũng không ngoại lệ nên việc chọn lựa nền giáo dục tốt hơn đối với người Việt Nam không còn là một điều gì quá xa vời. Hiện nay lớp tinh hoa của giới học sinh sinh viên Việt Nam luôn có xu hướng chọn con đường du học. Tiếp theo đó là giới có tiền cũng sẵn sàng móc hầu bao ra mua cho con cái mình một nền giáo dục bên ngoài biên giới Việt Nam. Giới học giỏi và giới có tiền là 2 giới có khả năng chọn lựa nền giáo dục khác và hầu hết là họ chọn “đi”. Còn lại những học sinh học trong nước chủ yếu là họ không đủ điều kiện đi chứ không phải là họ chọn “ở”. Khi nào trong đầu người Việt uôn lcó tư tưởng rằng, sẽ đi nếu có điều kiện thì điều đó chứng tỏ nền giáo dục Việt Nam đang bị chính người dân Việt Nam chối bỏ.
Muốn giáo dục đại học phát triển thì trước hết phải có tự chủ đại học và tự do học thuật. Để có tự do học thuật thì trước hết nhà nước phải thay đổi từ vai trò kiểm soát sang vai trò giám sát. Mô hình tự chủ đại học chính là mô hình nhà nước đóng vai trò giám sát chứ không phải kiểm soát, nó được hầu hết các nước tiến bộ áp dụng, nhưng tại sao cho đến nay ĐCS Việt Nam vẫn còn đang dè dặt? Một khi đã bị kiểm soát thì không bao giờ có tự do, vậy thì làm sao các trường đại học ở Việt Nam có tự do học thuật để mà nâng tầm chất lượng đào tạo được?
Trong trường Đại Học Quốc Gia TP. HCM có trường Đại Học Bách Khoa TP. HCM và trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, đây là 2 ngôi trường thuộc vào loại trường chất lượng hàng đầu ở Việt Nam. Khoảng một thập kỷ gần đây các trường này cũng đã nỗ lực để theo kịp sự phát triển của thế giới khi họ lập nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, sinh viên học bằng Tiếng Anh và mời các giáo sư nước ngoài giảng dạy, đó là nỗ lực đáng ghi nhận. Thế nhưng nhìn vào vị trí 701 của Đại Học Quốc Gia Tp. HCM và 356 của University of the Philippines thì ta thấy nó còn rất xa. Nguyên nhân do đâu? Thực chất Bách Khoa có nỗ lực thế nào thì cũng nằm trong rọ điều khiển của nhà nước nên việc phát triển vẫn còn hạn chế. Thật sự đấy là điều đáng tiếc. Những trường danh tiếng như vậy nhưng không có tự do đại học thì càng về sau họ càng bị thế giới bỏ xa là điều khó tránh khỏi.
Đại Học Tôn Đức Thắng là ngôi trường duy nhất được chính quyền CS Việt Nam cho phép thí điểm mô hình tự chủ. Nhờ đó mà trường phát triển mạnh về quy mô lẫn chất lượng trong một thời gian rất ngắn, chưa đầy 2 thập kỷ. Được biết, năm 2020 ngôi trường non trẻ này đã được tổ chức Academic Ranking of World Universities đưa vào top 800 trường đại học hàng đàu thế giới. Từ một anh tiểu tốt, trong thời gian ngắn lại trở thành đại ca trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thì nguyên nhân là do đâu? Tự chủ đại học. Hiện nay chất lượng đào tạo của ngôi trường này có thể sánh ngang hàng với những trường danh tiếng lâu năm như Bách Khoa hay Đại Học Khoa Học tự nhiên. Vậy nếu những trường kia cứ bị trói bởi cơ chế, và Đại Học Tôn Đức Thắng cứ được được cởi trói như thế này, thì chắc chắn tương lai Đại Học Tôn Đức Thắng sẽ vượt qua những cây đa cây đề kia. Nhưng dường như mô hình tự chủ đại học không được chính quyền ủng hộ?!
Đứng trước thành công của trường Tôn Đức Thắng, lẽ là chính quyền CS Việt Nam nên tháo bung cơ chế cho những cây đa cây đề lâu năm kia được phát triển thì ngược lại, chính quyền CS đang dung túng cho Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ngang nhiên trấn lột 30% lợi nhuận trái với quyết định thủ tướng về việc cho phép trường Đại Đọc Tôn Đức Thắng được tự chủ. Bị trấn lột thì còn gì là tự chủ nữa? Chưa hết, Tổng Liên Đoàn còn cách chức hiệu trưởng trái luật đại học. Manh động hơn nữa là ông Bùi Văn Cường đã xua công an bắt giam giảng viên của trường là ông Phạm Đình Quý. Tất cả hành động của Tổng Liên Đoàn và ông Bùi Văn Cường đều vô pháp nhưng chưa thấy phản ứng của chính quyền CS. Lý do vì sao ông Cường dám táo tợn chà đạp lên luật pháp như vậy? Đó là câu hỏi mà dân đang chờ chính quyền trả lời.
Nếu chính quyền CS không điều tra việc làm sai trái của ông Bùi Văn Cường cựu chủ tịch Tổng Liên Đoàn lao Động Việt Nam để bảo vệ mô hình tự chủ của Đại Học Tôn Đức Thắng, thì điều đó cũng có nghĩa là chính quyền này không chấp nhận loại mô hình tự chủ giáo dục nên đã dung túng cho lợi ích nhóm phá hỏng nó. Hai chữ “tự do” luôn là nỗi ám ảnh của ĐCS, lẽ nào chữ “tự do” trong “tự do học thuật” là nỗi ám ảnh đối với họ? Có thể lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét