BBC
Một số nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại bình luận sự kiện chính quyền Hà Nội bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung và bầu người khác vào ghế Chủ tịch UBND Thành phố để thay thế.
Ngày 25/9/2020, chính quyền Hà Nội dự kiến bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung khỏi ghế Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố và bầu, bổ nhiệm đương kim Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh thay thế ông Chung.
Nhân dịp này, hôm 24/9, một số nhà quan sát thời sự và chính trị từ Việt Nam và hải ngoại đưa ra một số bình luận của mình với BBC News Tiếng Việt.
Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình (cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam): Ngay việc mấy hôm nay báo chí chính thống đã rục rịch loan tin HĐND thành phố HN "sẽ" họp để bầu ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch thay ông Nguyễn Đức Chung thì đã thấy có dấu hiệu khác thường. Sao báo chí lại nói "chắc như bắp" rằng ông CNA sẽ trúng Chủ tịch được?
Đã gọi là "bầu" thì ít nhất cũng phải có hai ứng viên để chọn một. Chỉ một người thì hoặc là chỉ định cho xong, khỏi tổ chức họp hành bầu bán chi mất công tốn của; hoặc là sẽ không bầu được ai, nếu ông Chu Ngọc Anh không đủ số phiếu cần thiết. Sự việc rất có thể diễn ra như vậy một khi các Đại biểu thực sự được làm chủ lá phiếu của mình (giả thiết như vậy). Khi đó liệu có phải đi tìm ứng viên khác và lại phải triệu tập một cuộc họp khác để bầu bán nữa không? Nói vậy thôi, cứ theo "truyền thống dân chủ" ở Việt Nam từ trước tới nay thì làm gì có chuyện động trời như thế.
Vì vậy, trái với câu tục ngữ của ông bà từ xưa "nói trước bước không qua nhà "; trong trường hợp này thì rõ là "nói trước bước vẫn qua"! Kết quả của bầu là "chỉ định trúng" (cũng như thông lệ "chỉ định thầu" của các chủ dự án cấp Quốc gia trong khu vực kinh tế đó mà!
Mà tất cả sự bầu bán lựa chọn nhân sự các cấp rồi cũng na ná như cuộc bầu ông Chu Ngọc Anh thôi. Tất cả phụ thuộc vào ý chí của người có thực quyền!
Nhà báo Mạc Việt Hồng (Chủ biên báo Đàn Chim Việt Online, Warsaw, Ba Lan): Việc bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung có lẽ không khiến bất kỳ ai bất ngờ, vì quan sát những chuyện xảy ra gần đây với ông Chung thì đây là bước tất yếu. Ông Chu Ngọc Anh là người thay thế có thể là bất ngờ với rất nhiều người. Nhưng cũng giống như từ trước tới nay, việc này là sắp xếp nhân sự của nội bộ Đảng Cộng Sản, mặc dù "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra", nhưng như chúng ta thấy, vai trò của nhân dân Hà Nội trong câu chuyện này chỉ là con số không.
Quản lý một đô thị lớn và đông dân như Hà Nội đương nhiên có rất nhiều thách thức. Theo tôi, những vấn đề lớn nhất là ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, phúc lợi cho người nghèo. Rồi các vấn đề về quy hoạch đô thị, phát triển giao thông công cộng.v.v.
Không rõ tân chủ tịch có làm tốt hơn mấy người tiền nhiệm hay không, nhưng nhìn quá trình công tác thì ông cũng là người có nhiều kinh nghiệm về quản lý.
Về chuyện bầu cử, ứng cử thì Việt Nam là quốc gia đứng vào tốp cuối thế giới, thậm chí thua cả quốc gia láng giềng Campuchia, n6n tôi nghĩ là chẳng có gì mà so sánh cả.
Đành rằng bầu cử, ứng cứ ở Việt Nam từ xưa tới nay chỉ là giả hiệu, nhưng ít ra, đáng lý đảng cũng nên đưa ra vài ứng viên, rồi dân chọn sao thì chọn, đảng quyết người mà đảng ưng. Ít nhất, dù là giả đi nữa, nhìn vậy cũng còn dễ coi hơn là đây chỉ đưa ra một nhân vật duy nhất, rồi nói chuyện bầu bán như thật.
Nhà báo Hải Đăng (tức Quốc Việt, từ Hà Nội): Thách thức lớn nhất đối với tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Chu Ngọc Anh theo tôi là mặc dù Hà Nội là một mảnh đất "màu mỡ", nhưng chắc chắn ông cũng phải đối diện với rất nhiều vấn đề gây đau đầu: cơ sở hạ tầng thiếu hụt, ô nhiễm không khí, … cùng ảnh hưởng bởi Covid-19. Ông phải làm sao vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa thu được lợi ích, nhưng cần phải tránh đi vào vết xe đổ của ông Chung, tức không được làm mếch lòng ai.
Không gì đảm bảo ông sẽ làm tốt hơn người tiền nhiệm, tuy nhiên với cá tính của mình thì có thể ông sẽ "an toàn".
Có thể so sánh việc bầu chỉ có một ứng viên đó của Hà Nội với nước ngoài, như trường hợp tân Thị trưởng Tokyo là một ví dụ so sánh để nhìn vào.
Tôi thấy rằng các đô thị lớn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và tiền đồ quốc gia. Chẳng hạn Anh Quốc có London, Nhật Bản có Tokyo, Hàn Quốc có Seoul… Chỉ riêng Tokyo đã có GDP đạt gần 2.000 tỷ USD. Vì thế, người đứng đầu (đô trưởng) tại các đô thị như vậy cần thiết phải có thực tài, có tầm nhìn xa, quyết đoán… Chẳng hạn, bà Yuriko Koike, đô trưởng Tokyo hiện tại từng có bài viết The Tokyo the World Needs (Tokyo mà thế giới cần đến) trên Project Syndicate, cho thấy tầm nhìn về một Tokyo đáng sống mà cả thế giới cần.
Trong khi đó, quy mô của các đô thị tại Việt Nam vốn đã quá nhỏ bé, chưa có chính quyền đô thị thật sự (tính tản quyền yếu), nhưng khác với các nước, quy trình tiến cử và bổ nhiệm đô trưởng ở Việt Nam rất khó có chỗ cho nhân tài, mà nó chỉ ưu tiên thể hiện ý chí chính trị của Đảng. Và vì vậy, các đô thị Việt Nam rất khó vươn lên tầm thế giới.
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng (từ Hà Nội): Ông Nguyễn Đức Chung bị bãi nhiệm là đương nhiên vì ông vừa bị chính quyền bắt giam do có nhiều vấn đề sai phạm trong quản lý. Tuy nhiên những sai phạm này là vấn đề rất bình thường ở các địa phương khác. Nhiều quan chức khác còn mắc sai phạm lớn hơn ông Chung, nhưng chỉ bị kiểm điểm khiển trách rồi lại được tiếp tục đảm nhiệm chức vị cao hơn. Nói như vậy để thấy việc ông Chung bị bắt giam, bị bãi nhiệm có thể là do những thay đổi lớn trong cán cân quyền lực giữa các phe phái chính trị Việt Nam.
Ông Chu Ngọc Anh được người ta nói là sẽ được bầu lên để thay cho ông Chung chẳng qua làm việc hợp thức hóa sự chỉ định của đảng đối với nhân sự lãnh đạo thành phố Hà Nội. Nếu là bầu thì ít nhất phải có hai người. Vì vậy chắc chắn ông ấy sẽ thắng cuộc trong cuộc đua một người.
Theo tôi, thách thức lớn nhất tại Hà Nội chính là việc quản lý đô thị. Với một địa bàn rộng lớn, với một lượng dân cư khổng lồ, Hà Nội đòi hỏi phải có một bộ máy quản lý hữu hiệu để có thể điều hành được thành phố này. Những vấn đề tồn đọng về giao thông, môi trường, y tế, giáo dục... là hệ quả của một quá trình quản lý yếu kém lâu dài không dễ giải quyết. Ông Ngọc Anh, ông Chung, hay những ông chủ tịch khác trước kia đều là nhân sự do trung ương sắp đặt. Nếu không có những sự thay đổi từ trung ương thì Hà Nội cũng không trông mong gì lớn vào bất cứ ông chủ tịch nào.
Còn về chuyện bầu và thay thế, người ta nói đây là cuộc bầu cử nhưng thực chất là việc chỉ định nhân sự từ cấp cao nhất trong bộ máy chính trị. Người dân không biết ông Ngọc Anh thực sự là ai, năng lực thế nào và họ cũng không được có ý kiến gì trong việc sắp đặt này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét