Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

4069 - Bản tin ngày 4-9-2020

BTV Tiếng Dân

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Trung Quốc chuẩn bị đưa tàu sân bay ra Biển Đông. Dẫn nguồn từ Hoàn Cầu thời báo, cho biết, tàu sân bay Sơn Đông của TQ chuẩn bị xuống căn cứ Du Lâm sau đợt huấn luyện dài gần một tháng ở Bột Hải. Du Lâm là căn cứ nằm ở cực nam đảo Hải Nam, hướng thẳng ra Biển Đông. Còn Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đầu tiên của TQ, được đóng dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh do nước này mua từ Ukraine. 

Cũng tin từ Hoàn Cầu Thời Báo cho biết, “đợt huấn luyện kéo dài tới hết tháng 9 lần này sẽ kiểm tra khả năng tích hợp máy bay chiến đấu của tàu Sơn Đông. Trung Quốc được cho là đã phát triển thành công một loại sơn mới giúp máy bay trên tàu sân bay không bị ăn mòn khi hoạt động trên biển”.

Tàu sân bay Sơn Đông ở cảng Đại Liên của Trung Quốc hồi cuối tháng 8/2020. Theo Hoàn Cầu thời báo, tàu này sắp ra Biển Đông tập trận. Ảnh: Weibo/TT

Kênh US Military Defense có clip về tình hình căng thẳng gia tăng: Quân đội TQ muốn tăng cường hiện diện ở Biển Đông.

Báo Tiền Phong dẫn lời ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Chính sách biển Đông vẫn tiếp tục sau bầu cử. Ông Kritenbrink giải thích về các biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ đối với TQ: “Có một sự thay đổi lớn đã diễn ra ở biển Đông từ năm 2013, đó là Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi bất hợp pháp, hung hăng và khiêu khích để cưỡng ép và bắt nạt các nước láng giềng, buộc họ phải chấp nhận những yêu sách bành trướng của Bắc Kinh. Đây chính là lý do chúng tôi thực hiện các bước đi đó”.

Việt Nam – Trung Quốc sắp thống nhất vùng đánh cá ở Vịnh Bắc Bộ, theo RFA. Tin cho biết, VN và TQ sắp tổ chức họp trực tuyến liên quan đến Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở khu vực Vịnh Bắc Bộ giai đoạn mới, nhằm thống nhất vùng đánh cá chung. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản, Bộ NN&PTNT hứa hẹn rằng, “hiệp định sắp tới này sẽ giúp ngư dân Việt Nam được khai thác an toàn, hiệu quả”.

Còn ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN thì không lạc quan như vậy. Ông Thắng cho biết, “dù Vịnh Bắc Bộ không phải là khu vực giàu thủy sản nhưng lượng tàu cá của hai nước, đặc biệt là Trung Quốc sử dụng tàu to đánh bắt nhiều nên lấn át việc khai thác của ngư dân Việt Nam”.

Hậu Nguyễn Đức Chung thành “củi”

Trong cuộc họp báo Chính phủ chiều nay, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã trả lời một số nội dung báo chí quan tâm, liên quan đến vụ việc khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đến tối, các báo “lề đảng” đồng loạt có bài, dẫn lời lãnh đạo công an tiết lộ hành vi phạm tội của Chung “con” trong vụ Nhật Cường.

Báo Người Lao Động đưa tin: Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt một số tài liệu liên quan đến vụ Nhật CườngThiếu tướng Xô cho biết, đã xác định gói thầu số hóa của TP Hà Nội ký kết với Nhật Cường, xảy ra vi phạm quy định về đấu thầu, bước đầu làm rõ gây thiệt hại 19,8 tỉ đồng. “Trong vụ việc này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung”.

Về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ bê bối xử lý ô nhiễm ở Hà Nội, Thiếu tướng Xô cho biết: Ông Nguyễn Đức Chung liên quan đến việc gây thiệt hại gần 60 tỷ đồng, VietNamNet dẫn lại. Vụ thất thoát diễn ra trong quá trình triển khai và thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C, dù chính quyền Hà Nội đã trực tiếp làm việc với Công ty Nordic Water của Đức.

Tướng Xô trình bày: “Họ sản xuất hóa chất này riêng cho đối tác Hà Nội trên cơ sở nghiên cứu các đặc tính của sông, hồ Hà Nội. Nếu ký trực tiếp với công ty này thì rất bình thường, nhưng quá trình mua sản phẩm lại ký qua một công ty khác, gây thất thoát cho nhà nước khoảng 41 tỷ đồng”.

Báo Lao Động dẫn lời GS. TS Phùng Hữu Phú: “Anh Nguyễn Đức Chung trước đây chuyên môn rất giỏi mà giờ như thế này…” Ông Phú nói vậy trong buổi hội thảo do Ban Nội chính Trung ương cùng với Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hôm nay, bàn về vấn đề chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực. Ngày nào đất nước chưa có tam quyền phân lập, nền chính trị đa nguyên, thì ngày đó còn có những người như Nguyễn Đức Chung, vì một đảng lộng hành thì không ai giám sát được.  

Ông Phạm Phú Quốc sắp thôi việc ở Tân Thuận IPC, nhưng vẫn còn là ĐBQH

Trong khi các “đồng chí” của ông Phạm Phú Quốc ở Quốc hội VN vẫn loay hoay, chưa biết phải xử lý thế nào sau khi ông Quốc bị lộ là công dân Cyprus, thì Công ty Tân Thuận thống nhất cho ông Phạm Phú Quốc thôi việc, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Công ty này vừa có văn bản gửi Thường trực Thành ủy TP HCM, Ban cán sự đảng UBND TP HCM, Thường trực UBND TP báo cáo và xin ý kiến về đơn xin thôi việc của ông Quốc ở Cty Tân Thuận.

HĐTV Công ty Tân Thuận IPC họp mở rộng, thảo luận xem xét đơn của ông Quốc và thống nhất các nội dung xin thôi việc trong đơn này. Nhưng Tân Thuận IPC là công ty mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thẩm quyền quyết định cho thôi việc đối với người quản lý doanh nghiệp thuộc UBND TP, nên HĐTV của IPC phải báo cáo lên lãnh đạo cấp cao của thành Hồ, để họ đồng ý cho ông Quốc được chạy sang nước “tư bản giãy chết”.

Viet Times dẫn lời LS Bùi Quốc Tuấn: Đại biểu Quốc hội có 2 quốc tịch là không trung thành với nhân dân. Ông Tuấn lưu ý: “Có trường hợp người sử dụng quốc tịch Việt Nam để được ưu đãi nhập cảnh, đầu tư nhưng khi có hành vi vi phạm lại dùng quốc tịch nước ngoài để được hưởng bảo hộ ngoại giao, bảo hộ lãnh sự cho hành vi vi phạm pháp luật của mình”. 

Tin nhân quyền

Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng, chia sẻ: Hành trình đi tìm chồng tôi trong suốt 2 năm qua. Bà Nga kể về vụ bắt cóc do an ninh CSVN tổ chức thực hiện đúng ngày này của 2 năm trước: “Ngày 4/9/2018 sau nhiều lần gọi điện cho chồng tôi ông Ngô văn Dũng, FB Biển mặn. Gọi điện thoại, gọi messenger chuông đổ nhiều lần mà anh không nghe máy. Linh cảm có chuyện gì với anh rồi. Tôi gọi cho bạn anh thì biết tin anh đã bị bắt cóc ngoài đường”.

Nhà hoạt động Ngô Văn Dũng. Ảnh: FB Kim Nga

Sau ngày xảy ra vụ bắt cóc, gia đình bà Nga tìm ông Dũng suốt 9 ngày ở Đắk Lắk cũng không thấy tung tích. Bà cho biết: “Tối đó mẹ con tôi lại vô Sài Gòn tìm ròng rã 24 ngày mới biết được chồng tôi bị giam ở số 4 Phan đăng Lưu. Hành trình mẹ con tôi tìm chồng tôi hết nước mắt. Nếu sống phải thấy người, chết phải thấy xác. Nếu các ông thủ tiêu thì cũng cho mẹ con tôi biết chứ”.

Facebooker Nguyễn Nguyệt viết“Gửi công an huyện Thống Nhất. Đây là lần thứ tư các anh mời tôi về việc Facebook. Đã là FB thì đó là trang cá nhân riêng tư, đã là riêng tư thì họ viết hay đăng lên đó cái gì là quyền của họ… Nếu các anh tìm ra được bằng chứng tôi phạm tội thì cứ việc bắt. Các anh rảnh các anh nên nghiên cứu viết như thế nào và làm như thế nào để dân luôn ca ngợi bác và đảng, ca ngợi công an các anh, chứ đừng có viết mấy cái giấy mời như này, tuy là giấy mời nhưng lại mang tính chất hăm dọa”.

Giấy mời do công an huyện Thống Nhất, Đồng Nai, gửi bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Nguồn: FB nhân vật

Giấy mời của công an huyện Thống Nhất cho thấy lý do họ mời bà Nguyệt lên “làm việc” là vì các bài đăng trên Facebook Nguyễn Nguyệt có dấu hiệu “vi phạm pháp luật”. Nhưng các bài đăng gần đây cho thấy bà Nguyệt chỉ dùng Facebook để cảm thán, phê phán các vấn đề xã hội, như vụ “bánh vẽ” gói cứu trợ 90.000 tỉ, vụ công an cướp công của dân khi cứu đứa bé bị kẹt trong tường ở huyện Gia Lâm, vụ CSGT diễn kịch bị dân chửi

Về vụ án Đồng Tâm, sẽ xử đầu tuần tới, LS Lê Văn Luân viết“Vấn đề của vụ án Đồng Tâm, cũng như hàng trăm (những) người dân dựng lán ngủ vạ vật từ tháng này qua năm khác tại vỉa hè ở các nơi khiếu kiện, nó là vấn đề hậu quả của các hành vi cai trị xã hội từ chế độ (nhà nước, đại diện là Đảng cộng sản), chứ không phải chỉ là một hiện tượng phát sinh như một sự đơn lẻ hoặc thiếu tính liên kết trực tiếp với sự điều hành quyền lực dẫn tới”.

Về án oan, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Cụ ông nhận bồi thường 1,1 tỉ sau 39 năm mang thân phận bị oan. Đó là vụ các cụ ông Khổng Văn Đệ, 97 tuổi; Trần Ngọc Chinh, 79 tuổi và Trần Trung Thám (đã qua đời trong thời gian bị giam oan) là 3 nạn nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc, bị tù oan về tội giết người suốt 39 năm. Đến tháng 10/2019 vừa qua, 3 nạn nhân mới được tổ chức xin lỗi công khai.

Từ phải qua: Ông Khổng Văn Đệ, ông Trần Ngọc Chinh và người đại diện của ông Trần Trung Thám tại buổi xin lỗi công khai hồi tháng 10-2019. Ảnh: BTP/ PLTP

Đến nay, VKS tỉnh mới chỉ giải quyết xong vấn đề đền bù cho ông Đệ vì gia đình ông thống nhất, chỉ cần 1,1 tỉ. Còn gia đình 2 người kia đòi khoản bồi thường cao hơn nhiều nên chưa giải quyết. Nhưng cao bao nhiêu cũng không bù được cuộc đời oan khuất mà họ đã trải qua. 

https://baotiengdan.com/2020/09/04/ban-tin-ngay-4-9-2020/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét