Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

4068 - Về Tuý Hồng

Võ Phiến


Tuy Hong - illus image for Asymptote

Ở miền Nam, cho đến Nguyễn Thị Vinh và Linh Bảo, các cây bút nữ phái hãy còn viết tiểu thuyết như hồi tiền chiến. Đại khái là viết theo quan niệm Tự Lực Văn Đoàn và các tác giả đồng thời. Thực ra Nguyễn Thị Vinh là một trong ba người được Nhất Linh chọn gửi gắm trong chúc thư để được bầu vào Tự Lực Văn Đoàn; còn Linh Bảo thì các tác phẩm đầu tiên đều do nhà Đời Nay xuất bản: Họ là những tài năng do Nhất Linh phát hiện, hướng dẫn. Cùng trong lân lý cả, đâu xa.

Nhưng sau đó là một thế hệ mới. Khuôn mặt người nữ tiểu thuyết gia đổi khác hẳn, đổi đột ngột.

“Sau đó” là từ lúc nào? Từ người nào? Do ai khởi xướng?

Ai khởi xướng, cái ấy thật khó xác định. Có thể nói không xác định được. Bởi vì sự đổi mới không bắt đầu bằng một tuyên ngôn, bằng một sự nổi dậy có bà nào xướng xuất, bằng một chủ trương có cô nào dẫn đạo. Không có thế. Ở đây là một thay đổi thật sâu xa, thật căn bản, mà lại lặng lẽ, gần như vô ý thức. Khi một hoàn cảnh xã hội đã đổi thay, một nếp sống đã đổi thay, khi lề lối cảm nghĩ đổi thay, thì một lớp người tự dưng viết theo cách khác trước. Rụp, rụp, không ai bảo ai, không ai vạch đường chỉ lối cho ai, rủ rê ai, họ cùng đổi khác cách viết. Họ là những Nhã Ca, Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Túy Hồng. Họ cùng nhau tạo ra cái khuôn mặt phụ nữ mới trong văn chương Việt Nam.

Tạo ra bắt đầu từ lúc nào? Ngày tháng nào?

Phải. Nên tìm một mô mốc thời gian. Trong số các nữ tác giả vừa kể, Nhã Ca chắc chắn là người cầm bút sớm nhất. Trong một bài thơ, bà cho biết, “Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi” (“Tiếng Chuông Thiên Mụ”). Tức năm 1957. Bà ra đi đây là đi vào Sài Gòn, nhập vào nghiệp viết văn làm báo. Từ đó nhất định bà đã viết nhiều, cả thơ lẫn văn. Thế nhưng khi viết bài giới thiệu “tác phẩm văn xuôi đầu tiên của Nhã Ca, ” ông Nguyễn Mạnh Côn viết vào ngày 17 tháng 6 năm 1966. Tác phẩm đầu tiên ấy của Nhã Ca – tức cuốn Đêm Nghe Tiếng Đại Bác – ra đời cùng một năm với Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng và Mèo Đêm của Nguyễn thị Thụy Vũ. Vậy năm 1966 là năm đua nở.

Nhưng trước đấy một năm Túy Hồng đã cho xuất bản cuốn Thở Dài, và trước đấy hai năm Trùng Dương đã có cuốn Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn. Vậy Túy Hồng thuộc vào cái số vài người lai rai mở đầu cho thế hệ mới.

Thế hệ mới chủ yếu gồm năm tác giả, mà đương thời trong văn giới có tiếng gọi đùa là năm…nữ tặc! Danh hiệu ấy, kẻ không phải nữ mà nói ra không khỏi e ngại. Nhưng các nữ tác giả thì họ không ngại. Năm 1983, trên tờ Văn số 13 xuất bản ở California, Trùng Dương nhắc lại những ngày cũ ở Sài Gòn còn vui vẻ nhắc đến tiếng “nữ tặc.”

Tuy Hong and her cohort on Văn

Nữ tặc là chuyện lạ lịch sử. Xưa nay trong văn học ta chưa có “giặc” bao giờ. Giặc đàn bà càng không có. Táo tợn như Hồ Xuân Hương cũng không ai gọi là giặc. Đã thế còn gọi là chúa: bà chúa thơ nôm. Nước ta vốn trọng thơ văn. Cho nên dù giở dù hay, đã cầm bút thì phải là người văn vẻ. Sao đến nỗi giặc?

Vậy năm nàng phải từng đánh phá ghê gớm.

Nào xem, họ đánh phá những gì? Phá phách thếnào? Lần này, hãy nói về trường hợp Túy Hồng.

Lý thuyết gia của Tự Lực Văn Đoàn, ông Nhất Linh, trong định nghĩa về cuốn tiểu thuyết hay, nói rõ rằng cuốn đó phải “viết bằng một lối văn giản dị;” trong khi nói về giọng văn thì bảo, “Tuyệt đích, đối với tôi là việt giản dị mà không lạt lẽo, rất bình thường mà vẫn sâu sắc, giọng văn hơi điểm một chút khôi hài rất nhẹ, kín đáo;” và khi nói về việc tìm chi tiết, ông quả quyết, “việc cần nhất, cái việc nó định đoạt giá trị một cuốn tiểu thuyết là tìm chi tiết.” (Viết và Đọc Tiểu Thuyết).

Túy Hồng viết tiểu thuyết như thể để cãi nhau với Nhất Linh. Giọng văn của bà không hề điểm khôi hài nhẹ hay khôi hài kín đáo. Bà viết mà không để thấy công phu đi tìm cái cần nhất, cái nó định đoạt giá trị cuốn tiểu thuyết. Bà không viết giản dị, bình thường.

Nhất Linh bảo, “Trong tiểu thuyết không cần văn chương.” Túy Hồng được chú ý, phần lớn chính vì giọng văn của bà, và rất ít vì các chi tiết.

Ngôn ngữ của bà ngay từ đầu đã không hề giản dị, mà là một ngôn ngữ đầy “gia vị, ” nồng nàn. Trong tập truyện ngắn đầu tiên (Thở Dài), Túy Hồng đã có những câu, “Các chị ở ngoài mỗi người ‘thở’ vào một câu làm Thanh hao mòn khí phách (…), chị em cứ xáo trộn mãi nên mẹ hằng ao ước gả trọn cả bầy cho một chàng (…); ông nghè vật lý tuổi đã giáp ngũ tuần, tóc mấy đã bị thời gian cướp mất một khoanh trên đầu.” Trong tập truyện dài đầu tiên bà viết, “Tiếng hô huấn luyện của hoàng thượng rướn cong và xòe ra như đuôi sao chổi (…); bà thứ phi ít học nhất tâu lên, giọng chua như nem (…); những gia đình sinh con gái đẹp, họ kinh sợ đến trắng cả huyết (…); những giọt lệ già khóc con thật đục, thật mặn, thật chát, những giọt lệ ròng thật đắng, thật chua.” (“Trong Móc Mưa Hạt Huyền”). Càng về sau, mỗi lúc ngôn ngữ càng mỗi đậm đà, cực đoan thêm.

Giọng bà khi mỉa mai, khi hung hãn, khi thê thiết, rền rĩ, khi nhiếc móc, đay nghiến v.v…. Bà viết tiểu thuyết mà như là viết bút chiến, viết nhật ký, viết tùy bút….

Nhất Linh khuyên kiên nhẫn quan sát thật kỹ: về người thì chú ý từ tính tình đến hình dáng, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, ghi nhận tỉ mỉ đến nơi đến chốn, ông nêu gương Tolstoy tả nét mặt Anna có đến một trăm cách khác nhau; về sự việc, tất nhiên cũng thế. Quan sát thật kỹ người và việc, đi thật sâu vào sự sống, rồi “dùng những chi tiết về người và việc để làm hoạt động những nhân vật cùng hành vi, cảm giác và ý nghĩ của họ.” Ông khuyên một sự thể hiện con người và cuộc sống cho cụ thể, khách quan, bằng các chất liệu lấy được từ thực tại.

Đàng này Túy Hồng viết để phát huy cái bản sắc cực kỳ mạnh mẽ của mình, bằng một văn phong hết sức chủ quan. Viết như tham dự với tất cả cảm xúc sôi nổi, với thái độ nồng nhiệt của mình.

Trước, tiểu thuyết không có thế. Nguyễn thị Vinh, Linh Bảo bình tĩnh, chừng mực, nhẹ nhàng. Đến Túy Hồng, tiểu thuyết Miền Nam dần dần đổi sắc mặt. Cái cuồng nộ của cuộc sống chung quanh xông thẳng vào văn chương. Ngay cả vào văn chương đàn bà. Tiểu thuyết nó không thong thả, tỉ mỉ đi sâu vào cuộc đời và kể lể tẩn mẩn. Nó hoặc tha thiết, hoặc giận dữ, hoặc say mê…. Nó không còn giữ gìn ý tứ nữa. Nó bộc lộ ào ạt. Nó không hẳn nhằm thể hiện thực tại đời sống, mà như chủ yếu cốt nhằm xác định thái độ.

Truyện của Túy Hồng như thế, và truyện của các bạn bà cũng như thế. Có phải do đó mà họ thành…nữ tặc?

Đó là về lời văn. Còn về nội dung, nữ tặc dám nói những điều người trước ngại nói. Nói cạn lời, không kiêng không cữ.

Viết sôi nổi thường khó lòng viết kỹ.

Vào những năm cuối của chế độ, hoàn cảnh xua các tiểu thuyết gia vào nhật báo: kẻ trước người sau lần lượt viết phơi-dơ-tông [feuilleton]. Túy Hồng không làm khác được. Và bà thấy đau lòng, “Giờ đây, trên bìa năm 1973 nhìn lui, văn chương của mình không biết có phải đã bước giật lùi? Làm văn nghệ sao mà thê thảm. ”

Lòng thành của một nghệ sĩ đối với nghệ thuật trước sự bức bách của đời sống vật chất, thật cảm dộng.

Sau đây là một trong những truyện ngắn bà viết, “khi đang vô cùng sung sướng với nhiều hy vọng nẩy từng nụ non (Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta).

Võ Phiến
11- 1991

*Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Truyện (Tập 3), pp. 1597-1602.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét