Đỗ Ngà
Quyền lực là gì? Quyền lực là khả năng ảnh hưởng đến hành vi của người khác để đạt được kết quả mà mình mong muốn. Mà để ảnh hưởng đến hành vi của người khác thì có thể thực hiện theo 4 cách như sau: thứ nhất là mang đến cho người ta quyền lợi; thứ nhì dùng tài năng làm cho người ta cảm phục; thứ ba là có đức hơn người làm người ta kính trọng; thứ tư dùng bạo lực làm người ta khiếp sợ. Quyền lực được xây dựng dựa trên tài, đức và quyền lợi thì người ta gọi đó là quyền lực mềm. Còn quyền lực dựa trên bạo lực, người ta gọi đó là quyền lực cứng.
Nhà nước dân chủ được xây dựng bằng quyền lực mềm nhiều hơn. Như ta biết, cách mà một ứng cử viên tổng thống xây dựng quyền lực cho mình là hứa hẹn mang lại cho người dân những quyền lợi nào đó. Việc xây dựng quyền lực bằng cách này nó dễ đạt được mà cũng dễ mất đi. Hứa hay thì đạt được quyền lực trước mắt nhưng làm dở thì đánh mất quyền lực rất nhanh. Làm hay thì đấy là người có tài, làm dở là kẻ bất tài. Như vậy việc giành và giữ quyền lực của một nguyên thủ quốc gia, nó hội tụ đủ 2 điều kiện, đó là nói hay và làm hay.
Ở đất nước dân chủ, mỗi tổng thống có sức mạnh mềm khác nhau. Có người được lịch sử ghi công, nhưng cũng có người bị lịch sử kể tội. Vậy thì quyền lực mềm trong chế độ dân chủ không có sự kế thừa, ai xây dựng được thì người đó hưởng.
Quyền lực mềm của tôn giáo được xây dựng dựa trên đức độ của các vị thánh. Đức độ đó được xây dựng thành giáo lý và các bậc tu sĩ có nhiệm vụ noi gương vị thánh để rao giảng lại những gì mà thánh nhân đã truyền dạy. Loại quyền lực này cực kỳ bền vững. Nếu không làm gì sai, thì các vị tu sĩ mặc nhiên có được những lòng tin tuyệt đối của giáo dân. Như vậy thứ quyền lực mềm này có sự thừa hưởng, tu sĩ thừa hưởng sức mạnh mềm của thánh nhân để lại. Hai con người sống đạo đức như nhau, một người là thường dân và người kia là tu sĩ, thì chắc chắn quyền lực mềm của vị tu sĩ sẽ vượt rất xa quyền lực mềm của thường dân. Đó là ví dụ mà ai cũng có thể nhìn thấy, sức mạnh mềm của một tôn giáo có tính thường hưởng.
Nhà nước độc tài nó xây dựng quyền lực dựa trên bạo lực. Sức mạnh của nó là sức mạnh cứng. Mao khẳng định rằng “Họng súng đẻ ra chính quyền”. Thực ra lời nói của Mao chỉ là cách truyền lại tư tưởng của Marx-Lenin đã vạch ra mà thôi.
Chuyên chính nghĩa là dùng bạo lực để trấn áp, như vậy cụm từ “Nhà nước chuyên chính vô sản” nghĩa là nhà nước dùng thành phần vô sản làm công cụ trấn áp. Rõ ràng câu nói của mao và của Lenin không khác nhau về bản chất.
Từ “nòng súng” trong câu nói của Mao nó không phải chỉ mang ý nghĩa bắn giết, mà nó còn mang ý rộng hơn nhiều. Đã chuyên chính thì phải có sự đe dọa, phải có thủ đoạn xấu xa và nham hiểm. Việc các đồng chí CS đoạt lấy quyền lực trong nội bộ đảng, về bản chất là những cuộc sống mái với nhau để giành giật lấy ghế bằng mọi giá. Mục đích của bọn họ là ghế, nên bằng mọi thủ đoạn miễn sao lấy được ghế. Kẻ yếu biết thân biết phận chấp nhận rút thì yên thân, cứng đầu hơn là bị tống vô tù, còn ngoan cố thì có thể là bị giết. Và điều này nó cứ diễn diễn lại trước các kỳ đại hội phân chia quyền lực của đảng. Đấy là chất “chuyên chính” trong nội bộ ĐCS. Còn với dân, chất “chuyên chính” nó thể hiện ở sự lưu manh của chính quyền và sự tàn ác của công an.
Một thể chế chính trị xây dựng dựa trên bạo lực được lịch sử chứng minh là không bền. Bên tàu, Tần Thủy Hoàng có tài nhưng bạo ngược, kết quả triều đình sụp đổ nhanh chóng. Việt Nam có Lê Long Đĩnh nổi tiếng bạo ngược rồi triều Tiền Lê cũng kết thúc nhanh chóng. Bản chất của nhà nước xây dựng dựa trên bạo lực bao giờ tuổi thọ của nó cũng rất ngắn, điều đó Lenin biết rất rõV à ông ta đã cho xây dựng một bộ máy tuyên truyền khổng lồ để tô vẽ mình trở thành thánh nhân, và từ đó xây dựng quyền lực mềm cho chế độ theo mô nình tôn giáo. Và mô hình này sau đó được các chính quyền CS trên khắp thế giới sao chép lại y hệt.
Nhờ tô vẽ ác quỷ thành thánh nhân để tạo sức mạnh mềm giả tạo mà CS đã tồn tại ở Liên Xô đến 74 năm. Đó là một thành công của Lenin. Việt Nam cũng vậy, nếu không nhờ bài thuốc tạo thánh nhân giả mạo ấy, thì với bản cất tàn bạo, ĐCS Việt Nam đã sụp đổ từ lâu. Tại Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại một lượng người rất lớn sùng bái lãnh tụ, họ có thể chấp nhận người ta công kích cái sai của đảng, nhưng họ sẽ điên cuồng chống lại ai dám công kích cái sai, cái ác của bác hồ của họ. Và ĐCS thừa biết, nếu sự sùng bái lãnh tụ không còn thì bộ máy công an phải tăng cường mức độ gian ác, điều này sẽ dễ dẫn tới ngày tàn của chế độ. Vì vậy xây dựng và bảo vệ hình ảnh lãnh tụ là vấn đề sống còn của chế độ. Họ sẵn sàng bóc lột, cướp bóc dân nghèo để xây dựng hình ảnh thánh nhân cho Hồ Chí Minh.
Theo dự toán ngân sách năm 2016 thì tổng giá trị chi phí chi cho Lăng Ba Đình là 318 tỷ đồng, và về sau chính quyền CS giấu không công bố ngân sách nữa. Chưa hết, tính đến năm 2015 trên cả nước có 101 tượng đài Hồ Chí Minh, có tượng đài lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Năm 2017, Bình Định khánh thành tượng đài cha con họ Nguyễn-Hồ tại Quy nhơn trị giá 300 tỷ đồng. Và từ đó về sau trên khắp đất nước Việt Nam, tượng đài Hồ Chí Minh đua nhau mọc lên. Số tiền này nếu cộng lại là rất lớn, trong khi đó tầng lớp nghèo khổ của Việt Nam thì không có một đồng an sinh nào từ chính quyền. Điều này có nghĩa là CS đã tước bỏ quyền lợi người cùng khổ để dồn tiền xây dựng hình ảnh một ông thánh từ nền tảng quỷ dữ để cho dân sùng bái, và nhờ đó mà đám quan chức tham lam vô đạo ung dung hưởng lợi. Độc chiêu này đã ru ngủ dân tộc được 75 năm và vẫn tiếp tục.
Xây dựng quyền lực mềm cho thể chế bằng cách ngụy tạo ác quỷ thành thánh nhân là một hình thức xây lâu đài trên cát. Quyền lực mềm của tôn giáo có thể trụ vững mãi mãi với thời gian, nhưng quyền lực mềm của CS không thể mãi mãi được, bởi đơn giản thánh nhân của tôn giáo là hình ảnh chân thực còn thánh nhân CS chỉ là cái vỏ, nhân vẫn là ác quỷ. Mặt nạ dù dệt bằng chất liệu nào thì cũng đến hồi mục nát và chế độ CS sụp đổ. Tôi tin như vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét