Phong trào Mùa xuân Ả rập những năm 2010 không mang lại cho các nước châu Phi và Trung Đông những thay đổi tích cực. Ảnh: Illinois Library.
Trong khoảng ba mươi năm qua, chúng ta chứng kiến nhiều làn sóng cách mạng lật đổ các chế độ độc tài. Nổi bật nhất là việc lật đổ các chế độ Cộng sản ở Đông Âu vào cuối những năm 1980, hay gần đây hơn, vào những năm 2010, là phong trào “Mùa xuân Ả Rập” lật đổ nhiều chế độ độc tài ở Trung Đông.
Kì vọng chung của các cuộc lật đổ như vậy là thiết lập một nền dân chủ, nơi mà quyền tự do của người dân được đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế sau đó phức tạp hơn rất nhiều. Có những nước như Czech hay Serbia, thiết lập được nền dân chủ ngày càng ổn định và vững chắc. Cũng có những nước khác rơi trở lại vào cảnh độc tài như Nga, hay Ai Cập. Thậm chí tệ hơn nữa, có những quốc gia rơi vào cảnh nội chiến kéo dài như Syria hay Lybia.
Tại sao lại như vậy?
Nguyên nhân của các cuộc nổi dậy, lật đổ, chuyển đổi như vậy thì nhiều, nhưng có thể tóm gọn vào hai nhóm chính. Đó là các nguyên nhân ngắn hạn và các nguyên nhân dài hạn, hay còn gọi là các điều kiện về cấu trúc.
Các nguyên nhân ngắn hạn như khủng hoảng kinh tế, lãnh đạo qua đời, sự chia rẽ trong giới lãnh đạo chế độ thường được coi là những nguyên nhân kích thích cho các cuộc chuyển đổi. Chẳng hạn, khi một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, đời sống người dân gặp khó khăn khiến họ nổi dậy lật đổ chế độ.
Tuy nhiên, kì cùng, những sự chuyển đổi như vậy có nguồn gốc từ các nguyên nhân dài hạn, như mức độ phát triển kinh tế, kết cấu giai cấp xã hội, văn hóa chính trị, v.v… Hai học giả Grigore Pop-Eleches và Graeme B. Robertson gọi đó là những “điều kiện cấu trúc”. Trong bài nghiên cứu mang tên “Structural Conditions and Democratization” (Điều kiện cấu trúc và Dân chủ hoá), đăng trên Journal of Democracy năm 2015, hai tác giả nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện cấu trúc này đến sự dịch chuyển của các chế độ cũng như sự thành bại của các nỗ lực dân chủ hoá.
Phương pháp nghiên cứu: Ba điều kiện và năm nhóm quốc gia
Hai tác giả tiến hành khảo sát tác động của ba điều kiện cấu trúc là: (1) mức độ thu nhập, (2) sự phân chia về sắc tộc và tôn giáo, và (3) năng lực của nhà nước.
Các điều kiện cấu trúc này, tùy theo mỗi nước, sẽ được phân chia thành thuận lợi, trung lập, và bất lợi. Ví dụ như, những nước mà có nhà nước yếu, tức là hạn chế trong năng lực cung cấp trật tự, công lý, an sinh xã hội thì được xếp vào dạng có điều kiện cấu trúc bất lợi.
Dựa trên cơ sở này, nhóm tác giả chia các nước thành năm nhóm:
- những nước mà có nhiều hơn hai điều kiện cấu trúc thuận lợi, và điều kiện cấu trúc thứ ba tối thiểu ở mức trung lập, thì được xếp vào nhóm nước có nhiều điều kiện cấu trúc thuận lợi;
- những nước mà có nhiều hơn hai điều kiện cấu trúc bất lợi, và điều kiện cấu trúc thứ ba tối đa chỉ ở mức trung lập, thì được xếp vào nhóm nước có nhiều điều kiện cấu trúc bất lợi;
- và các nước khác, tuỳ theo số lượng và mức độ, thì được xếp vào nhóm nước có một điều kiện thuận lợi, nhóm nước trung lập, và nhóm nước có một điều kiện bất lợi.
Khảo sát được tiến hành trong giai đoạn 1984-2009, trong đó tập trung vào hai giai đoạn quan trọng là giai đoạn sụp đổ của các nước cộng sản vào cuối những năm 1980 và giai đoạn xảy ra cuộc Cách mạng Cam (Orange Revolution) ở Ukraine vào đầu và giữa những năm 2000.
Các quốc gia trong giai đoạn này được chia thành bốn nhóm, dựa trên điểm số về các quyền tự do dân sự và chính trị của Freedom House:
- dân chủ tự do, với điểm số về các quyền chính trị và dân sự từ 1-2.5;
- dân chủ phi tự do, với điểm số từ 3-3.5;
- bán độc tài, với điểm số từ 4-5;
- và độc tài với điểm số từ 5-7.
Hai dạng chế độ ở giữa có thể gộp chung và gọi là các chế độ lai (giữa dân chủ và độc tài).
Phát hiện: Bốn quỹ đạo dịch chuyển
Trên cơ sở phân tích của mình về tác động của các điều kiện cấu trúc đối với sự ổn định cũng như dịch chuyển của các chế độ, tác giả chỉ ra bốn quỹ đạo dịch chuyển chế độ như sau:
Nhóm thứ nhất, các chế độ lai với nhiều điều kiện cấu trúc thuận lợi (một số ít nước), thì có nhiều triển vọng sẽ dịch chuyển theo hướng ngày càng tự do hơn, và cuối cùng trở thành các nước dân chủ tự do. Ví dụ của Ba Lan và Đài Loan (những nước chuyển đổi vào cuối những năm 1980) minh họa cho điều này. Một điều quan trọng nữa là một khi các nước với điều kiện cấu trúc như vậy trở thành nền dân chủ tự do thì khả năng bị suy thoái trở lại độc tài ít khi xảy ra. Điều này phù hợp với thực tế về sự ổn định của đa số các nền dân chủ ở châu Âu trong hai thập kỷ qua.
Nhóm thứ hai, các chế độ độc tài, với nhiều điều kiện cấu trúc thuận lợi (một số ít nước), như Saudi Arabia, thường cố kết và bền vững. Điều này là nhờ sự giàu có (người dân được hưởng nhiều phúc lợi xã hội) và sự tương đối đồng nhất về sắc tộc, tôn giáo giúp giảm bớt chia rẽ, bất bình. Ở những nơi mà hai điều kiện này vẫn không đủ để ngăn chặn các cuộc lật đổ thì chế độ độc tài có thể sử dụng bộ máy nhà nước được tổ chức tương đối tốt của mình để trung lập hóa những người đấu tranh dân chủ, như đã xảy ra ở Bahrain trong Mùa xuân Ả Rập.
Nhóm thứ ba, các chế độ độc tài và các chế độ lai (đa số nước), với nhiều điều kiện cấu trúc không thuận lợi thường ở trong tình trạng bất ổn. Ví dụ thuộc nhóm này là Kyrgyzstan. Từ khi độc lập từ Liên Xô, Tổng thống Askar Akayev muốn biến nước này thành ví dụ thành công về dân chủ hóa trong khu vực. Tuy nhiên, những yếu tố cấu trúc như kinh tế kém phát triển, tham nhũng, và chính trị sắc tộc đã làm cho ước mơ này tan vỡ. Akayev thay vì thúc đẩy dân chủ, đã cố kết quyền lực và cai trị một cách độc tài.
Nhưng cũng khá mỉa mai là chính những điều kiện cấu trúc bất lợi này đồng thời làm xói mòn nỗ lực cố kết độc tài của Akayev trong những năm 1990. Cuối cùng thì ông vẫn bị lật đổ vào năm 2005 trong cuộc Cách mạng hoa Tulip. Tuy nhiên, sau cách mạng, nền dân chủ non trẻ ở Kyrgyzstan cũng nhanh chóng chết yểu, khi mà vị tổng thống mới Kurmanbek Bakiyev đã khai thác những sự chia rẽ về khu vực và sắc tộc cũng như mạng lưới thân hữu ăn sâu trong hệ thống để cố kết quyền lực độc tài của mình. Và chính Bakiyev lại bị lật đổ vào năm 2010 bởi một phe đối lập khác được huy động trên cơ sở sắc tộc và khu vực.
Và nhóm thứ bốn, bao gồm các nước với các điều kiện cấu trúc trung lập có nhiều cơ hội vượt ra khỏi tình trạng độc tài và thậm chí vượt lên trên mức bán độc tài. Tuy nhiên, nếu họ trở thành các nền dân chủ phi tự do, thậm chí dân chủ tự do, thì các nước này dễ bị suy thoái trở lại độc tài hơn so với các nước với nhiều điều kiện cấu trúc thuận lợi. Nói cách khác, các nước này có xu hướng gặp phải sự suy thoái tương tự xảy ra với các nước với nhiều điều kiện cấu trúc bất lợi, dù ở mức độ ít hơn và trong thời gian ngắn hơn.
Sự thay đổi chế độ của Thái Lan trong 25 năm qua minh họa cho mô hình này. Sự kết hợp của nền chính trị bảo trợ và sự can thiệp của quân đội đã khiến đất nước này trải qua nhiều chu kỳ tự do hóa chính trị. Có thể kể đến như chế độ lai (giữa những năm 1980, 1990, và 2004-13), theo sau với các giai đoạn dân chủ ngắn ngủi (1989-90, 1998-2004), mà sau đó bị lật đổ trong các cuộc đảo chính quân sự (1991, 2006, và gần đây là 2014). Trong khi sự bất ổn chính trị của Thái Lan có thể nghiêm trọng hơn hầu hết các nước với điều kiện cấu trúc tương tự – như Albania những năm 1990, Nicaragua những năm 2000 – thì sự thay đổi chế độ của nó có thể đại diện cho mô hình thay đổi chế độ của các quốc gia này.
Tích cực hay tiêu cực?
Một phát hiện khác là khi so sánh hai giai đoạn, giai đoạn cuối những năm 1980 và giai đoạn những năm 2000, các tác giả thấy rằng số lượng các chế độ lai với điều kiện cấu trúc bất lợi tăng lên đáng kể. Điều này có nghĩa rằng triển vọng dân chủ hóa trong giai đoạn hiện nay đang giảm đi. Kết quả này trùng với những phân tích về suy thoái dân chủ trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, kết luận khá tiêu cực này, được đi cùng với hai thực tế bù đắp khác.
Thứ nhất, các nước với các điều kiện cấu trúc bất lợi như Kyrgyzstan và Mali dù không có nhiều triển vọng trở thành các nền dân chủ ổn định thì cũng sẽ không có nguy cơ chịu tình trạng độc tài kéo dài. Các chế độ độc tài nếu xảy ra thì cũng dễ bị mất ổn định.
Thứ hai, các nước dân chủ tự do, phần lớn có nhiều điều kiện cấu trúc thuận lợi, khó có khả năng bị thụt lùi trở lại độc tài. Điều này có nghĩa rằng, dù Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba có thể đã kết thúc, nhưng trong tương lai gần thì viễn cảnh suy thoái của dân chủ sẽ là sự xuất hiện nhiều hơn của các chế độ lai không ổn định chứ không phải là sự quay trở lại các chế độ độc tài hoàn toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét