Nguyễn Thông
Bây giờ chả ai nhắc tới nghề hàng xáo. Nó đã thưa dần rồi mất hẳn, nhất là từ khi có máy xay xát. Cuộc công nghiệp hóa đã giải phóng sức lao động cho con người nhưng cũng loại bỏ biết bao nhiêu nghề khỏi cuộc sống. Cũng dễ hiểu tại sao chú bé nhà thơ Trần Đăng Khoa lại vui mừng đến thế khi chứng kiến “sân kho máy tuốt lúa/mở miệng cười ầm ầm/thóc mặc áo vàng óng/thở hí hóp trên sân”, bởi xã viên thoát cái nghề đập lúa, mỗi người một chiếc néo, khoanh vào lượm lúa, hì hà hì hục đập toát mồ hôi trên hòn đá tảng. Máy xay xát cũng vậy, nó ra đời là đá đít ngay đám cối xay cối giã, thậm chí còn cho về hưu cả đống nong nia thúng mủng giần sàng.
Có nhẽ cũng nên biên thêm, tụi trẻ bây giờ không biết mấy món đồ tre đan đó, dù sống ở nông thôn. Phải nói rằng cụ nhà báo Thép Mới và bác nhà thơ Nguyễn Duy rất tài tình khi viết về cây tre. Nó không chỉ là hình ảnh của làng quê Việt ngày chưa xa mà còn gắn với từng li từng tí sinh hoạt của gia đình nông dân. Đồ dùng trong nhà tinh tre là tre, từ cái tăm, đôi đũa, cái chạn bát (gạc măng giê), chõng, giường, cối xay, tới rui mè kèo cột ngôi nhà. Hầu như nhà nào cũng có rổ rá thúng mủng giần sàng, dậm lờ đăng đó giỏ trúm.
Làng tôi nhiều ông đan lát cực giỏi, như ông Đính, ông Mịch, ông Đúng, ông Số, ông Khể… To nhất là nong, nhiều cái đường kính tới 2 mét, tròn vành vạnh, cạp bằng dây mây chắc không thể tả, để phơi thuốc lào. Mùa hè nóng quá, đám trẻ con chúng tôi hay ngả nong xuống sân thay giường nằm ngắm sao trời, ngủ khò lúc nào không biết. Nhỏ hơn tí nữa là cái nia, rộng 1 mét, đan dày khít, dùng phơi thóc, đỗ, khoai khô, để xay thóc, sàng sảy. Giần và sàng to bằng cái mâm; sàng nan to đan thưa dùng lọc thóc đã xay, tách gạo khỏi vỏ trấu; giần nan nhỏ đan dày để tách cám khỏi gạo đã giã.
Biết cách giần sàng là cả một nghệ thuật. Thúng đựng đủ thứ thóc lúa ngô khoai, đầy thúng phải được vài chục ký. Rổ để rửa rau, riêng rổ sề to hơn rổ thường, cứng cáp, chuyên rửa rau lợn; rá đan khít rịt chỉ để vo gạo... Nhiều lúc nghĩ chắc chỉ vài ba chục năm nữa thì ngay cả hình ảnh những món đồ dùng tre ấy sẽ biến mất khỏi đầu óc bọn trẻ, giá ai có điều kiện lập cái bảo tàng phục chế lại những thứ ấy kể cũng hay hay. Nghe tôi thẽ thọt vậy, ông bạn cười, mày về quê thử coi, giờ tinh dững bê tông, tường rào dây thép gai, cọc sắt, thậm chí cọc inox nhọn hoắt, sáng trưng, có còn tre khối mà phục với chế.
Bu tôi là người đàn bà đảm đang. Chả riêng gì bu tôi, các bà làng Trà bà nào cũng giỏi, thạo việc. Bu tôi vừa gánh việc đồng áng, vừa tranh thủ buôn bán lặt vặt, lại vừa làm hàng xáo. Hàng xáo nghĩa là mua thóc của thiên hạ, đem về xay giã giần sàng, chở gạo đi bán, thường lời chút đỉnh hoặc hòa vốn, nhưng gạo dôi được vài bơ, có cám nuôi lợn, có trấu để đun. Chủ yếu lấy công làm lời. Mấy chị em tôi, cả lớn lẫn bé, bị cuốn vào nghề hàng xáo, có trốn cũng không thoát. Cụ Hồ dạy “tuổi nhỏ làm việc nhỏ/tùy theo sức của mình” nhưng ngẫm lại, tôi thấy mình chỉ làm tinh việc quá sức.
Thấy mấy đứa cùng làng, bu nó không làm hàng xáo, được đi chơi, nhiều hôm đang xay thóc nghe bọn nó đi ngang qua í ới, tủi thân phát khóc lên được. Tôi với cô em gái chuyên được giao phần xay thóc, tị nhau từng vòng, đếm đến vài chục là lẫn rồi cãi nhau, có khi vừa xay vừa ngủ gật. Giã gạo cũng vậy, ngày còn mải làm những việc khác nên chỉ giã vào buổi tối, ban đêm. Cũng đếm từng chày, chân mỏi nhừ, ngó đám gạo chưa trắng như quân thù quân hằn, vì nó mà mình khổ sở vất vả thế này. Lúc nhà chưa làm cái cối giã, mấy chị em khiêng gạo, gánh gạo rảo khắp làng khắp xóm, cứ nhà nào có cối thì ghé, cối không rảnh lại đi tiếp, không ít lần giã xong vài mẻ gạo lúc về đến nhà gà đã te te gáy canh một.
Làm hàng xáo thời buổi thóc cao gạo kém, vất vả nhưng bù lại có cái ăn. Nhờ hàng xáo mà nhà tôi dôi được chút gạo, đỡ phải ăn độn. Không còn nồi cơm gạo di hương trắng xanh thơm lừng như hồi chưa vào hợp tác nhưng so với bát cơm nhiều nhà đầy những khoai, ngô, củ mình tinh, dong riềng, bột mì nặn… thì cơm mình vẫn có vẻ cơm hơn. Lại nhớ, có lần ông Đặng Văn Bất một người bà con ở Tiền Hải, Thái Bình sang chơi, ông Bất bảo thày tôi, ông ạ, bên này còn có cơm trắng chứ ở Tiền Hải độn quanh năm. Thái Bình đất lúa, vài năm sau vang danh 5 tấn nhưng dân đói vẫn hoàn đói.
Nhạc sĩ Thái Cơ ca ngợi “Tiền Hải quê ta biển vàng biển bạc/mà tới hôm nay mới thật xứng với tên mình”, nói xin lỗi, chỉ nói phét. Năm 1974 tôi về thực tế ở đúng quê Tiền Hải nhà cụ Bất, mới biết cụ nói chẳng đơn sai. Thời nào thì tôi chả biết, chứ sống thời hợp tác xã mới thấm thía câu “ai ơi bưng bát cơm đầy/dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần”.
Đầu năm 1977 tôi vào miền Nam dạy học, về Tiền Giang và mấy tỉnh Tây Nam Bộ, được hưởng chút sái của vựa lúa, cơm trắng khoảng vài tháng, rồi sau đó cũng đói dài đói rạc, ăn độn còn hơn hồi ở quê nhà. Mấy thầy dạy cùng trường ai cũng đói dài mặt, xanh như tàu lá, có lần tâm sự với đám Bắc bên thắng cuộc, các thầy chịu đói quen rồi, chứ chúng tôi sau mấy chục năm chiến tranh giờ mới biết thế nào là đói, là ăn độn, là xếp hàng mua gạo, là chia nhau từng ký một. (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét